Hiện nay văn hóa tâm linh có vị trí quan trọng trong đời sống của con người. Hệ thống các di tích như đình, chùa, miếu, đền… đã được nhà nước quan tâm tu bổ, hỗ trợ để các di tích hoạt động và duy trì giúp người dân có cuộc sống tinh thần phong phú, đa dạng. Giữ gìn các di tích văn hóa đó là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Đặc biệt là các văn bản bằng giấy (đạo sắc phong), mảng văn khắc, hoành phi, câu đối… trong các đền thờ cần phải được quan tâm giữ gìn bởi đó là tư liệu thể hiện rõ nhất, cụ thể nhất về nguồn cội, về phong tục tập quán của người dân đồng thời thể hiện những giá trị thẩm mĩ, giá trị văn hóa dân tộc. Xây dựng một nền văn hóa mới phải có sự quan tâm bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa mà cha ông đã dày công tạo dựng, nét đẹp đó cần được làm giàu, phát huy.
     Tại xã Chiềng Khương huyện Sông Mã tỉnh Sơn La có khu đền thờ mà các văn bản sắc phong của các triều vua hiện còn lưu giữ và cần được khảo cứu. Chúng tôi đã gặp cụ Nguyễn Văn Đồng 80 tuổi hiện đang giữ 6 bản sắc phong của vua Tự Đức và Khải Định triều nhà Nguyễn và biết một số thông tin:
     1. Nguồn gốc đền thờ.
     Thần tích xã Nại Tử viết đại ý: Xưa vào niên hiệu vua Quang Vũ triều Đông Hán, Lạc tướng Mê Linh Phong Châu là Trưng Nghĩa Dũng, vợ là Hoàng Thị Đào sinh được nữ tử đặt tên là Trắc Năm Giáp ngọ (34), Tô Định sang nước ta làm Thái thú, đàn áp chúng dân, làm nhiều điều bạo ngược. Thi Sách gửi thư đến cảnh cáo liền bị Tô Định đem đại quân đến đàn áp. Ông bị giết và chết tại bãi lau của làng Nại Tử năm Kỷ hợi (39).
     Tháng Hai năm sau (40), vợ ông là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị nổi dậy đánh đuổi Tô Định, trả được nợ nước, thù nhà. Hai bà đã miễn thuế 3 năm cho làng Nại Tử. Dân làng đã lập miếu thờ thành hoàng làng là ông Thi Sách và bà Trưng Trắc. 
     Đền thờ tại bản Nam Tiến xã Chiềng Khương huyện Sông Mã tỉnh Sơn La theo cách gọi của dân địa phương là Đền thờ Hai Bà Trưng, còn có tên gọi là Đền thờ Ông Thi Sách và bà Trưng Trắc có nguồn gốc tại làng Nại Tử ( xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Ngôi đền này được coi là ngôi đền thờ thành hoàng làng của dân Nại Tử. Trước kia làng nằm ở bãi giữa sông Hồng. Trận lụt năm 1969, nước sông dâng cao làm cho bãi giữa bị ngập, dân làng phải dời vào bên này sông (thuộc huyện Đan Phượng) và chuyển toàn bộ Đền thờ thành hoàng làng mà các vị vua triều Nguyễn đã ban sắc phong cho dân làng thờ tự. Đây là di tích gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương từ bao đời nay. Năm 1975 nhiều người dân làng Nại Tử lên xây dựng vùng kinh tế mới tại huyện Sông Mã. Năm 1976, 27 hộ dân có nguồn gốc người làng Nại Tử đã đồng tâm chuyển đền thờ Hai Bà Trưng lên xã Chiềng Khương, Sông Mã. Từ bấy đến nay, đền thờ đã trùng tu thay đổi nhiều lần, một số vật dụng cúng tế như chuông, tượng bị thất thoát. Hiện nay đền còn nhiều di vật có từ hàng trăm năm như kiểng, trống, tráp đựng mũ, chiêng, hoành phi câu đối…. Và đặc biệt là văn bản sáu sắc phong thời Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn hiện đang được lưu giữ tại đây.
     Các sắc phong của triều đình nhà Nguyễn (phần dịch nghĩa)
     Các sắc phong này cho thấy các vua nhà Nguyễn( Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định) đã đánh giá cao, công nhận đền thờ này và cho phép dân làng thờ cúng. Các sắc phong nguyên văn chữ Hán và đã được hai cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm là bà Phạm Hương Lan dịch và PGS.TS Nguyễn Tá Nhi hiệu đính.
     - Sắc phong thứ nhất (ảnh sắc phong)
     Sắc ban cho Nại Tử Thành hoàng chi thần, vốn được tặng mĩ tự là Bảo an Chính trực Hựu thiện chi thần, cứu nước giúp dân rất là linh ứng. Nay trẫm lên ngôi gánh vác việc lớn, nhớ đến công lao của thần, bèn phong tặng thêm mĩ tự là Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Cho phép xã Nại Tử huyện Yên Lạc được thờ phụng như cũ. Ơn thần phù giúp che chở cho dân làng.
     Kính cẩn thay!
     Ngày 11 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 6 (1853).
     - Sắc phong thứ hai: (ảnh sắc phong)
     Sắc ban cho thần Đông Hán, cứu nước giúp dân rất là linh ứng. Nay Trẫm gánh vác việc lớn nhớ đến công lao của thần, bèn phong tặng thêm mĩ tự là Tuấn Lương chi thần. Cho phép xã Nại Tử huyện Yên Lạc được thờ phụng như cũ. Ơn thần phù giúp che chở cho dân làng.
     Kính cẩn thay!
     Ngày mùng 6 tháng 12 năm Tự Đức thứ 10 (1857).
     - Sắc phong thứ 3: (ảnh sắc phong)
     Sắc chỉ cho xã Nại Tử huyện Yên Lạc tỉnh Sơn Tây từ trước đến nay thờ phụng các thần Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Thành hoàng chi thần; Tuấn Lương Đông hán chi thần. Từng được các triều ban cấp sắc phong cho phép được thờ phụng. Vào năm Tự Đức thứ 31 (1878) đúng dịp đại lễ mừng Trẫm hưởng thọ 50 tuổi, ban cho chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, về lễ tăng thêm một bậc. Cho phép được thờ phụng như cũ, để ghi nhớ ngày đại lễ mà mở rộng việc thờ cúng.
     Kính cẩn thay!
     Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).
     - Sắc phong thứ 4: (ảnh sắc phong)
     Sắc ban cho thần Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Thành hoàng chi thần; Tuấn Lương Đông Hán chi thần, từ trước đến nay cứu nước giúp dân rất là linh ứng. từng được các triều ban cấp tặng sắc để thờ cúng. Nay Trẫm lên ngôi gánh vác mệnh lớn nhớ đến công lao của thần, bèn phong tặng thêm mĩ tự là Dực bảo Trung hưng chi thần. Cho phép xã Nại Tử huyện Yên Lạc tỉnh Sơn Tây được thờ phụng thần như cũ. Ơn thần phù giúp che chở.
     Kính cẩn thay!
     Ngày mùng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
     - Sắc phong thứ 5: (ảnh sắc phong)
     Sắc chỉ cho xã Nại Tử phủ Vĩnh Tường tỉnh Phúc Yên từ trước thờ phụng thần Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành hoàng chi thần; Tuấn Lương Dực bảo Trung hưng Đông Hán chi thần. Từng được các triều ban cấp sắc phong, cho phép được thờ phụng. Năm Duy Tân nguyên niên (1907) nhân dịp vua làm lễ lên ngôi, ban cho chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, về lễ có tăng thêm một bậc. Cho phép dân làng được thờ phụng như cũ, để ghi nhớ ngày đại lễ mà mở mang việc thờ cúng.
     Kính cẩn thay!
     Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
     - Sắc phong thứ 6: (ảnh sắc phong)
     Sắc ban cho xã Nại Tử phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên trước thờ phụng thần Đông Hán Tôn thần nguyên tặng Hiền lương Dực bảo Trung hưng Tôn thần, cứu nước giúp dân rất là linh ứng. Từng được các triều ban cấp sắc phong cho phép được thờ phụng. Nay đúng dịp mừng Trẫm hưởng thọ 40 tuổi, ban cho chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, xét về lễ có tăng thêm phẩm trật, xứng đáng được tặng thêm mĩ tự là Quang Ý Trung đẳng thần. cho phép dân làng được thờ phụng như cũ, để ghi nhớ ngày đại lễ mà mở mang việc thờ cúng.
     Kính cẩn thay!
     Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
     3. Chất liệu và bố cục sắc phong
     - Chất liệu: 
     Sắc phong được làm có nền là giấy dó mịn, màu vàng đất, giấy còn gọi là giấy sắc hoặc giấy nghè, được sản xuất phục vụ cho triều đình sử dụng, có độ bền cao, in độc bản. Chất liệu vẽ lên giấy thường là vàng, bạc, kim nhũ.
     - Bố cục:
     Đây là các sắc phong Triều Nguyễn phong cho các Thành hoàng làng, kích thước khoảng 50 x 120cm, trang trí bằng các tràm nhũ màu vàng, trắng, xung quanh có đường diềm, hình Long ẩn quấn mây nằm trải dài tờ sắc phong. Bên phải là nội dung bản sắc, bên trái có dấu triện kích thước 13,5 x 13,5cm. Cũng có bản sắc bố cục nền khá "đặc", họa tiết trải đều cả nền của tờ giấy sắc, hay có bản in triện gấm. 
     Với những giá trị về lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, Ngày 11/11/2011, UBND tỉnh Sơn La ra quyết định số 2636/QĐ-UBND công nhận và trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố đối với di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Hai bà trưng tại Bản Nam Tiến (Hợp tác xã Thống Nhất cũ) xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. năm 2014 di tích được đầu tư tu bổ nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tín ngưỡng, văn hóa dân gian của người dân góp phần bảo tồn, phát huy vốn di sản của dân tộc.
     4. Những kiến nghị và đề xuất
     Hội nghị Trung Ương năm khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. có nêu phương hướng: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội...di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa.... tiến hành sớm việc kiểm kê, sưu tầm chỉnh lý vốn văn hóa truyền thống (bao gồm văn hóa bác học và văn hóa dân gian) của người Việt và các dân tộc thiểu số; phiên dịch, giới thiệu kho tàng văn hóa Hán Nôm. bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa..."
     Hệ thống các di tích trên địa bàn huyện Sông Mã cũng như trên toàn tỉnh Sơn La cần được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh Uỷ, UBND tỉnh và đặc biệt là sở văn hóa thể thao và du lịch đối với các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, kháng chiến, danh thắng... đặc biệt là các di sản bằng giấy (đạo sắc phong).
     Tuyên truyền, đầu tư kinh phí, hướng dẫn bảo quản, đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa, hoàn thiện hệ thống văn bản nhằm đưa ra các qui định, nội qui chế tài để di tích đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Thường xuyên tranh tra, kiểm tra tránh những hệ lụy của việc lợi dụng chốn tâm linh trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm.... Giới thiệu quảng bá địa chỉ văn hóa của địa phương đến các tỉnh lân cận, bạn bè quốc tế, nhằm giao lưu, mở rộng, tiếp xúc văn hóa để các di tích phát huy giá trị vốn có, góp phần vào việc bảo tồn vốn di sản dân tộc.