Ngày 24/11/2020, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La tổ 7, phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La phối hợp tổ chức Hội thảo “Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nám hiện nay”.

Đến dự có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban ngành, ban tuyên giáo các huyện, thành phố của tỉnh, đại diện Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La, các cơ quan báo chí, đại diện Cục Di sản, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và gần 80 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, các nghệ nhân, cán bộ quản lý về văn hóa một số địa phương.

Chủ trì Hội thảo gồm có các đồng chí: Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

Hội thảo tập trung chủ yếu vào các nội dung:

- Các vấn đề lý luận về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng.

- Hệ thống chính sách và thực tiễn vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay.

- Thành tựu, thách thức và các vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay.

- Những gợi ý về chính sách liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay.

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đã nhận được 84 báo cáo tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa ở Trung ương và địa phương. Trong đó có 03 tham luận của nhóm cán bộ, giảng viên trường Đại học Tây Bắc: “Bảo tồn và phát huy Khắp Thái ở Sơn La trong bối cảnh hiện nay”; “Bảo tồn và phát huy nghề vẽ tranh thờ của người Dao Tiền ở xã Lóng Luống, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”; “Hội nhập kinh tế văn hóa của các tộc người ở Sơn La trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (qua nghiên cứu thực trạng văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La). Trong đó Ban Tổ chức đã chọn ra 10 tham luận để trình bày tại Hội thảo: Cơ sở pháp lý của UNESCO và Việt Nam về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền: từ diễn ngôn quốc tế đến thực tiễn tại Việt Nam; Bảo tồn di sản văn hóa tộc người dưới góc nhìn của kinh tế du lịch ở Việt Nam hiện nay; Bảo tồn và phát huy âm nhạc các dân tộc Sơn La dưới góc nhìn di sản (suy ngẫm từ Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia),…

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý văn hóa, các nghệ nhân đã có dịp được tham gia, lắng nghe và thảo luận, phân tích những thành tựu, khó khăn trong công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước, từ đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo tồn và phát huy di sản ở Việt Nam nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: