Sáng ngày 20 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học đã khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh của ngôn ngữ học khu vực  và ngôn ngữ học thế giới” (Hội thảo ngôn ngữ học quốc tế lần thứ IV – ICLV-2020).

Hội thảo là diễn đàn chuyên môn để các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu mới, chia sẻ những những thành tựu về khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là những thảo luận xung quanh vấn đề “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh của ngôn ngữ học khu vực và ngôn ngữ học thế giới”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết: “Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà ngôn ngữ học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận những kết quả nghiên cứu những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại,…”

Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn được 143 báo cáo của các nhà nghiên cứu đang công tác tại các các cơ quan, tổ chức: Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện KHXH Vùng Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Văn hóa; Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG HN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học - ĐH Huế, Trường Đại học Tây Bắc,… và các học giả trên thế giới: Thái Lan, Trung Quốc, Canada,… Các tham luận được Ban Tổ chức sắp xếp theo 5 tiểu ban:

Tiểu ban 1: Ngôn ngữ học lí thuyết (26 tham luận)

Tiểu ban 2: Ngôn ngữ - Văn hóa (32 tham luận)

Tiểu ban 3: Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành (26 tham luận)

Tiểu ban 4: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt (26 tham luận).

Tiểu ban 5: Ngôn ngữ học ứng dụng (33 tham luận)

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc tham gia Hội thảo tại Tiểu ban 4 với các tham luận do nhóm tác giả Lê Văn Minh, Lò Ngọc Diệp, Hoàng Sơn Hà và nhóm tác giả TS Điêu Thị Tú Uyên, Bùi Phương Thảo, Nguyễn Huyền Anh, Kiều Thanh Thảo gửi tới Hội thảo: “Giao lưu và bảo tồn ngôn ngữ của cộng đồng người Thái Đen ở Sơn La hiện nay”, “Lỗi phát âm tiếng việt của học sinh tiểu học dân tộc thiểu số xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và biện pháp khắc phục”. Các đại biểu dự Hội thảo đã có những trao đổi làm nổi bật một số vấn đề được Ban tổ chức quan tâm theo nội dung các Tiểu ban. Các tham luận gửi tới Hội thảo cho thấy: Khoa học sẽ không bao giờ có sự thống nhất dễ dàng, bởi một số vấn đề vẫn cần làm sáng tỏ, đó là vận dụng các lý thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của ngôn ngữ học thế giới,…”. Hôi thảo, một lần nữa cho thấy: Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Những ý kiến trao đổi góp phần gợi mở những hướng nghiên cứu mới về ngôn ngữ trong thời gian tới, đưa ra các vấn đề nghiên cứu, các vấn đề cần thảo luận, đa dạng góc nhìn, bao quát, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy, phát triển ngôn ngữ của đất nước.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

                                                                                                  Sinh hoạt Khoa học tại Tiểu ban 4

                                                                                Các tác giả Trường Đại học Tây Bắc tham dự Hội thảo