Làng gốm bản Lụ là dòng gốm cổ của người Lào thuộc huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cách Cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương (Sơn La) 8km, cách xã Mường Chanh nơi có nghề gốm lâu đời của người Thái 85km. Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi chúng tôi nhận thấy một số điểm giống và khác nhau ở hai dòng gốm như sau:

  1. Những điểm giống nhau

Qua quan sát giữa hai dòng gốm bản Lụ (Lào) và gốm Mường Chanh (Sơn La), chúng tôi thấy một số điểm tương đồng:

            Thứ nhất: đều là hai loại gốm cổ, tồn tại lâu đời ở địa phương, nơi sản xuất gốm đều nằm cạnh nguồn nước (gốm Lào cạnh Sông Mã, gốm Mường Chanh cạnh suối Nặm Chanh), và cạnh cánh đồng và cũng chính các cánh đồng cung cấp nguồn nguyên liệu đất để làm gốm. Suối, sông cung cấp nguồn nước để ủ đất, nhào nặn gốm.

            Thứ hai: hai dòng gốm khá giống nhau về quy trình chế tác, hình dáng sản phẩm, mục đích sử dụng trong sinh hoạt và tâm linh. Gốm làm bằng loại đất sét có độ kết dính cao, được thợ gốm lấy từ ruộng gần nhà hoặc ruộng cạnh sông suối do phù sa bồi tụ lâu năm mà thành. Việc sản xuất gốm bắt đầu từ khâu khai thác nguyên liệu đất, tạo hình, nung gốm đến trao đổi sản phẩm. Phần lớn các công đoạn sản xuất do đàn ông đảm nhận, phụ nữ chỉ giúp những công việc nhỏ, lặt vặt. Các họa tiết hình sóng nước, khắc chìm, hình lượn sóng, gấp khúc đều thấy ở hai dòng gốm này.

            Thứ ba: Nung gốm dùng lò hầm (loại lò đào sâu xuống lòng đất) và sử dụng củi đốt lấy trong tự nhiên. Lò nung tương đối nhỏ, rộng khoảng 1,5 – 2m, dài 2,5 – 3m, cao khoảng 0,5 – 0,7m (theo kinh nghiệm của người dân, khi đào lò ngồi xổm mà đầu không chạm vào trần lò là được), đáy lò không bằng mà dốc nghiêng. Cửa lò nằm dưới chân cửa lò, ống khói nhỏ nằm chếch sang một bên so với đỉnh lò và nhỏ hơn cửa lò với đường kính khoảng 0,3m. Nguyên liệu nung chủ yếu bằng củi, nung (đốt) liên tục trong vòng 24 giờ sau đó lấp lò lại và ủ đến khi nào lò nguội cũng là lúc mẻ gốm ra lò. Mỗi một mẻ gốm nung cho ra lò trên dưới 30 – 40 sản phẩm sản phẩm các loại.

            Thứ tư: các sản phẩm gốm vừa đa dạng về chủng loại, vừa phong phú về kích cỡ và số lượng. Có 2 loại chủ yếu là: đồ gốm dân dụng (gồm loại sản phẩm cỡ nhỏ là bình, hũ, lọ, bát, chậu; loại cỡ vừa có bình, đồ đun nấu, âu,…) đồ gốm phục vụ tâm linh có bình các loại tùy vào nhu cầu của người sử dụng.

  1. Những điểm khác nhau

Quan sát các loại hình sản phẩm của hai dòng gốm chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm khác nhau trong một số họa tiết hoa văn và loại hình sản phẩm rất rõ nét:

Gốm bản Lụ (Lào): qua trao đổi thì nghề đã tồn tại trên 100 năm, gốm được làm vào tháng 1 tháng 2 hàng năm, số lượng gốm làm ra đủ để cung cấp tại chỗ và các vùng lân cận trong một năm. Hiện nay, còn 4 gia đình tham gia làm gốm: gia đình Sổm Phăn, gia đình Bun May, gia đình Khăm Pan và gia đình Phăn Thoong. Gốm bản Lụ còn có một số khác biệt về họa tiết như: họa tiết con vật, các họa tiết con vật được người thợ gắn lên bình gốm khi hoàn thiện phần thô, thông thường là các loại rắn, ếch, ốc sên. Trên sản phẩm gốm cũng không tạo hoa văn đường gờ nổi chạy quanh cổ bình như gốm Thái. Sản phẩm gốm bản Lụ còn có sản phẩm dùng để đun nấu như linh bằng đất thay cho linh đồng, các loại cối dùng để giã gia vị hàng ngay, trên một số sản phẩm có gắn tai để buộc dây tai cầm, nắm rất thuận lợi khi sử dụng.

Ngoài kỹ thuật vuốt nặn tạo sản phẩm trên bàn xoay, ở bản Lụ còn có các kỹ thuật tạo hình khác là đắp hoa văn nổi. Đặc biệt là bàn xoay, người Lào đã tận dụng “Moay ơ” ô tô cũ để sử dụng làm bàn xoay, do có vòng bi bên trong lên bàn xoay khá đều khi xoay không bị vênh như bàn xoay tự chế bằng gỗ của Mường Chanh, và khi chế tác, chuốt gốm cũng không bị mỏi, bởi bàn xoay cao không thấp (ngang với mặt đất) và phải cúi như ở Mường Chanh. Gốm bản Lụ, huyện Mường Ét mức độ tiêu thụ cao hơn, mẫu mã không bị méo mó, vỡ, lượng sản phẩm ra lò đạt 90%, nguồn củi đốt phong phú và đa dạng hơn. Tiêu thụ vận chuyển bằng ô tô khác biệt với vận chuyển trao đổi mua bán tại chỗ, dùng gốm đổi lấy vải, nông sản. Đặc biệt nguyên liệu đất vẫn đảm bảo và phong phú không bị pha lẫn tạp chất và cạn kiệt như ở Mường Chanh.

Gốm Mường Chanh (Sơn La): đất sét khi nặn có lấy tro bếp để chống dính nên khi phơi khô để cho vào nung gốm có màu xám đen. Ðất sét được chọn lọc kỹ (do một số chỗ cho ra sản phẩm đã bị rò), lượng đất sét được lấy nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng của người chủ sản xuất. Vì vậy, cứ tới mùa lấy đất, gia đình khai thác đất sau đó mang đất về dự trữ sẵn tại nhà để dùng đủ trong năm. Đất sét được đập thành những cục nhỏ hình khối, loại bỏ những tạp chất rồi ngâm nước, ủ trong hố đất đã đào sẵn.

Hiện nay, ở Mường Chanh còn duy nhất gia đình ông Hoàng Văn Nam còn làm gốm. Người thợ gốm Mường Chanh vẫn giữ cách làm gốm từ lâu đời, họ không thay đổi, điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sản phẩm như sử dụng bàn xoay tự chế, khi xoay bàn xoay sẽ bị vênh không đều khi chuốt gốm. Một số họa tiết tiêu biểu và khác biệt so với gốm Lào như hình hoa lá, hình móc câu, chữ “V” và đường gờ nổi trên cổ bình gốm. Hoa văn được tạo hình bằng những dụng cụ đơn giản: rìu tre cắt đất, lược gọt đất, đặc biệt là ống xít đất “Cỏng ka sít” dài 40cm được cấu tạo giống như cái bơm pittong, silanh, vỏ ngoài đan bằng tre còn một đầu để mặt tre, bên trong được đục lỗ để khi ấn si lanh đất đùn ra ở lỗ thành dây tròn dài, dây đất này được người thợ gắn vào sản phẩm gốm tạo thành hoa văn đường gờ nổi.

  1. Kết luận

Bài viết nhằm so sánh điểm giống và khác nhau giữa hai dòng sản xuất gốm ở hai vùng có những đặc điểm tự nhiên khá tương tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống. Gốm bản Lụ có nhiều thuận lợi, quá trình tồn tại và phát triển với bề dày lịch sử đặc biệt là chất lượng đất vẫn còn tốt tạo ra sản phẩm không bị rò. Gốm Mường Chanh cũng có lịch sử tồn tại và phát triển từ lâu đời. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân về nguyên liệu đất dẫn đến việc dòng gốm cổ nay đã bị rò, các sản phẩm được ưa chuộng không còn được sản xuất nhiều.

Qua so sánh quy trình sản xuất đồ gốm ở hai dòng gốm này, chúng ta càng thấy rõ tính thích nghi của gốm Lào, vì đã tận dụng và thay đổi bàn xoay sao cho sản phẩm đều, mịn, không gồ và thô ráp như sản phẩm gốm Mường Chanh. Người thợ gốm Mường Chanh cần mạnh dạn tìm kiếm mẫu mã, kiểu dáng họa tiết trang trí và kĩ thuật sản xuất, đặc biệt là tìm nguồn nguyên liệu tốt hơn để sản xuất. Hướng phát triển bền vững của nghề gốm Thái xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là làm thế nào để có thể vừa bảo tồn nghề thủ công truyền thống, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa liên quan đến sản phẩm gốm vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Đó đang là mong muốn chính đáng của cộng đồng người Thái Mường Chanh cũng là những trăn trở cho những hướng giải pháp, chính sách của chính quyền địa phương.