Nghề vẽ tranh hiện nay sử dụng các nguyên liêu có sẵn trên thị trường, đòi hỏi người vẽ phải phải có năng khiếu hội họa, khi vẽ cần tập trung cao độ, tỉ mỉ, chăm chút, khéo léo, tinh tế trong pha màu, sáng tạo trong từng khâu để tạo ra bộ tranh đặc trưng của cộng đồng. Để quy trình vẽ có hiệu quả phải trải qua các khâu từ chuẩn bị các loại vật dụng như: màu, bút vẽ, giấy vẽ... cho đến kỹ năng đi mảng, đi nét, pha màu thì người thợ phải có bộ đồ nghề chuyên dụng, đa dạng tương ứng với từng khâu trong quy trình vẽ.

1. Vật dụng (họa phẩm) dùng để vẽ tranh

            Nghề vẽ tranh hiện nay sử dụng các nguyên liêu có sẵn trên thị trường, đòi hỏi người vẽ phải phải có năng khiếu hội họa, khi vẽ cần tập trung cao độ, tỉ mỉ, chăm chút, khéo léo, tinh tế trong pha màu, sáng tạo trong từng khâu để tạo ra bộ tranh đặc trưng của cộng đồng. Để quy trình vẽ có hiệu quả phải trải qua các khâu từ chuẩn bị các loại vật dụng như: màu, bút vẽ, giấy vẽ... cho đến kỹ năng đi mảng, đi nét, pha màu thì người thợ phải có bộ đồ nghề chuyên dụng, đa dạng tương ứng với từng khâu trong quy trình vẽ.

1.1. Giấy vẽ

            Giấy sử dụng để vẽ tranh là giấy công nghiệp loại A0 thông dụng thích hợp để vẽ chi tiết, kết hợp màu nước và bút mực, hoặc dùng màu nước làm màu nền kết hợp vẽ chì màu. Giấy một mặt trơn (phần lưng) và một mặt sần (phần bụng), phần bụng để vẽ sẽ tránh trơn trượt khi tô các mảng màu, đặc biệt màu sẽ ít bong tróc, độ giữ màu cao so với mặt giấy trơn.

1.2. Bút vẽ (cọ vẽ)

            Bút được làm bằng lông con mèo, theo kinh nghiệm của người Dao thì lông mèo mềm dai dễ vẽ mà phải là lông con mèo đực vì lông mèo đực dài, còn mèo cái ngắn khó làm. Lông mèo được phơi khô ngắn vào cán cây “loi” hoặc cuống của bông cây chít bằng cách lấy dây đồng loại nhỏ buộc thật chắc để khi vẽ lông không bị bung ra. Bút vẽ màu nước làm bằng lông tự nhiên mềm, rất bền và không bị biến dạng và tác động khi vẽ, nếu bút bị biến dạng chỉ cần nhúng đầu bút vào hồ nếp, vuốt lại cho đúng hình dạng ban đầu, để khô vài tiếng rồi ngâm nước ấm là lại trở lại phom ban đầu. Hiện nay, thì người vẽ tranh không sử dụng loại bút tự chế thủ công nữa mà sử dụng các loại bút công nghiệp với đủ kích cỡ khác nhạu.

Về cơ bản người vẽ thường dùng 4 loại: bút vuông tròn góc, bút nhọn, bút vuông và bút chì là đủ, tuy nhiên tùy từng cách vẽ cũng như sở thích cá nhân của từng người mà lựa chọn bút cho phù hợp. Bút được mua trên thị trường (thường là bút long pha, bút công nghiệp), bút kết hợp loại lông cứng và lông mềm để tạo ra một loại bút có tính năng dung hoà, hỗ trợ cho nhau về các tính năng nên rất tiện khi sử dụng. Theo anh Triệu Văn Long, người vẽ tranh ở Lóng Luông: với người mới tập vẽ dùng loại bút lông cứng có chiều dài lông ngắn thì dễ điều khiển hơn. Đối với người đã thành thạo, có nhiều kinh nghiệm nên sử dụng loại bút lông mềm (hoặc bút lông pha) với tính năng mềm mại, dễ dàng vẽ đường nét. Những loại bút lông dài, dày thường giữ được lượng màu (ngậm màu) nhiều hơn. Vì vậy khi mới tập vẽ nên tập với vài kích cỡ bút khác nhau để khống chế lượng màu trong bút cho phù hợp, khi đã quen rồi thì chỉ cần dùng bút to và kiểm soát lượng màu trong bút là được.

1.3. Màu vẽ

Thợ vẽ tranh thường sử dụng màu nước để vẽ, màu nước là chất liệu hội họa phổ biến dùng để vẽ rất nhiều thể loại như: tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, minh họa,... màu nước là chất liệu dễ pha, dễ vẽ. Màu nước có gốc nước nên khô rất nhanh (khác sơn dầu khô lâu), tiện lợi cho việc di chuyển, có thể vẽ ở bất cứ đâu, màu được đặt mua trên thị trường với nhiều chủng loại và giá cả khác nhau tùy thuộc vào chất lượng màu. 

1.4. Ống đựng tranh

Loại thứ nhất: trước đây ống được tạo bằng chất liệu trong tự nhiên như gỗ thường là loại gỗ nhẹ, mềm không nứt (người Dao gọi là “đúngglàm”), có nắp. Cũng có loại được đan bằng tre, nứa rồi lấy củ rừng (củ nâu) giã nhuyễn bỏ phần bã chỉ lấy phần nhựa (nước) chát kín lên bề mặt bên ngoài rồi mới sơn màu đỏ bên ngoài ống.

Loại thứ hai: loại ống hiện nay thường dùng là ống nhựa, ống đựng tranh có hai phần: nắp vẽ hình phượng hoàng; ống đựng được sơn nền màu đỏ, có hình rồng, mây uốn lượn. Toàn bộ các hình tượng nghệ thuật được thể hiện thông qua đường nét, họa tiết, các mảng khối trên hình rồng và mây đều được thể hiện bằng nhũ màu vàng bên ngoài của ống đựng. 

  1. Kỹ thuật vẽ

            - Phác hình: giấy được mua về cắt theo các kích thước của tranh và từng bộ tranh. Có kích thước người thợ dùng bút chì kẻ khung bao quanh (đường bo) và phác họa các chi tiết chính theo mẫu của người đặt tranh, ở khâu này người vẽ có thể dùng tẩy loại bỏ các nét thừa hoặc chỉnh sửa theo ý muốn sao cho đúng nội dung và các hình mẫu của tranh. 

             - Tô màu: khi đã hoàn thiện xong phần phác hình, người thợ dùng tẩy, tẩy mờ các nét ở các mảng sẽ tô màu sáng, làm như vậy khi tô các mảng màu sáng sẽ không bị lộ vết chì lên mảng màu đó. Bắt đầu tô người thợ lấy lượng màu vừa đủ ra đĩa hoặc dụng cụ đựng để pha màu, lấy các loại bút lông nhúng nước làm cho mềm bút khi thay đổi bút cho phù hợp với mảng muốn tô. Lấy bút nhúng nước để pha lẫn vào màu rồi chộn đều sao cho màu sánh không loãng quá hoặc không đặc quá. Nếu màu loãng quá khi tô các mảng sẽ nhạt và phải tô trồng thêm nhiều lớp, hoặc màu đậm quá sẽ làm dày bề mặt của mảng màu khi khô sẽ bị nứt, bong chóc. Vì thế cần gia giảm lượng nước vừa đủ (chỉ cần thêm nước bởi trong màu nước đã có sẵn keo) để đảm bảo mảng màu vừa phải không mỏng quá và dày quá. Thông thường khi đi mảng (tô các mảng bẹt) người thợ thường đi các mảng đậm trước, nhạt sau sao cho đều tay tạo cảm giác mảng đó được “lo” màu, đủ màu. Khi tô màu đậm nếu bị chờm ra ngoài sẽ dùng màu nhạt đương đồng với màu nền để sửa, cứ như vậy đi từ mảng tối tới các mảng màu sáng. Khi tô các mảng đậm thì sẽ tô màu đỏ, vàng, xanh,… tiếp theo là màu đen. Cuối cùng người thợ lấy bút lông loại nhỏ dùng màu đen đi các nét viền tạo độ chắc cho hình và cũng là để tách bạch với các mảng bên cạnh thông qua nét đen.

            - Cuộn và bảo quản tranh: cuốn tranh cũng cực kỳ quan trọng, cuốn phải đúng chiều tranh, cuộn từ phần đầu rồi mới đến phần thân, tranh to bên ngoài sau đó mới đến tranh nhỏ.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu bộ dụng cụ và quy trình vẽ giúp chúng ta hiểu được quy trình vẽ và cách vẽ một cách đầy đủ về các bước để thực hiện một bộ tranh của người Dao Tiền ở xã Lóng Luông. Qua đó, nhằm phát huy tính sáng tạo, tính thẩm mĩ thông qua người thợ vẽ. Đồng thời, cung cấp thêm nguồn tư liệu về tri thức, kinh nghiệm vẽ tranh góp phần làm nổi bật nét văn hóa độc đáo của người Dao nói chung và người Dao Tiền ở xã Lóng Luông nói riêng.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC