Dân ca Thái “hay còn gọi Khắp” là thể loại nghệ thuật tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa Thái. Đây là một nét tiêu biểu trong văn hoá ứng xử giữa con người với với con người và con người với tự nhiên trong cộng đồng người Thái. Tìm hiểu những nhân tố tầng nền, các giá trị của dân ca Thái, đồng thời đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về văn hóa nhằm bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn hiện nay.

  1. Giá trị lịch sử

Khắp được hình thành từ rất lâu đời, điều đó được chứng minh trong các công trình có liên quan đến văn hóa Thái còn lưu giữ trong sử sách. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào có thể khẳng định sự ra đời của khắp Thái, vì vậy nhóm nghiên cứu đưa ra một số nhận định của các công trình dưới đây làm căn cứ về lịch sử khắp thái:“có lẽ ngay từ thời kỳ săn bắt, hái lượm người Thái đã có những từ “thút phắc” (ngọn rau), “đuông nó” (cái măng), “cản bon” (bẹ khoai nước, “hon nó” (búp măng)…khi chuyển sang thời kỳ nông nghiệp lúa nước định hình thì có các từ “pết” (vịt), “sáy” (trứng)… đó là những từ sinh hoạt đơn giản, rời rạc. Đến khi hình thành xã hội bản mường , người ta có thể ghép những từ đơn lẻ đó thành các cụm từ “ thút phắc đuông nó”, “pết sáy cáy xuôn”… những cụm từ như vậy càng ngày càng xuất hiện nhiều và phát triển thành các câu có vần điệu” [4, 14]. Nhận định về những từ ngữ đơn giản sau đó phát triển thành những cặp từ có vần, vế trong thơ ca Thái, theo ông Cà Chung, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: Cùng với những câu có vế có vần đó người ta đã tạo cho nó những nhịp điệu, tiết tấu phù hợp. Thế là khắp xuất hiện, xã hội bản mường là điều kiện chín muồi để phát triển và định hình các thể loại khắp, đồng thời phát triển mạnh thể loại kể chuyện dân gian bằng khắp (diễn ca hoá các tác phẩm dân gian). Vì vậy, người Thái mới có các tác phẩm khắp với khối lượng đồ sộ như chúng ta thấy hiện nay. Trong cuốn “Táy pú xấc” (kể ông cha chinh chiến) của đồng bào Thái cho thấy “với hàng ngàn câu thơ “Táy pú xấc” phản ánh công lao của cha ông chinh chiến, công lao của cha ông khai phá mở mang đất nước, công lao của cha ông xây dựng bản mường, bảo tồn và phát triển dân tộc... “Táy pú xấc” vừa tả dòng chảy lịch sử vừa đặc tả khắc sâu những sự kiện hào hùng nổi bật, cho nên nó vừa mang chất sử liệu đồng thời vừa mang chất anh hùng ca” [5, 23]. Điều này cho thấy người Thái đã biết sử dụng thơ ca từ rất sớm. Sang thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV dưới thời Tạo Lò, sau khi xây dựng và chinh phục được 3 trung tâm Thái là Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Lay (Điện Biên) thống nhất Tây Bắc, đã tạo ra một thời kỳ mới trong lịch sử xã hội cộng đồng dân tộc Thái. Từ đó người Thái mới định cư theo bản, làng, chiềng, mường (trong – ngoài) và tạo điều kiện cho khắp hoàn thiện, phát triển, trao truyền đến ngày nay.

Qua thời gian khắp ngày càng phát triển, hoàn thiện hơn và thịnh hành mà dân ca Thái còn đan xen với phong tục, nghi lễ của con người trong đời sống hàng ngày. Nghệ thuật dân gian Thái đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài và định hình từ khoảng thế kỉ thứ XIV tới nay đã đi sâu vào xã hội Thái. Bởi khắp phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc cộng đồng: lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống hòa bình, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

  1. Giá trị nghệ thuật

Khi thưởng thức các điệu hát, các cảnh trên sân khấu Hạn Khuống, các động tác cử chỉ của nhân vật trong diễn xướng,... thì mới hiểu thấu nội dung và nghệ thuật của khắp. Các bài hát, thơ dựa vào những sự tích vốn có trong các truyện cổ tích, lịch sử, lao động sản xuất, mà xây dựng nên nội dung. Những làn điệu khắp chủ yếu mang tải nội dung ca ngợi nghĩa khí cao đẹp, tấm lòng thủy chung của người phụ nữ, phản ánh những cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống “người Thái cũng đã dành những lời tinh tế, du dương, uyển chuyển nhất để đặt ra những bài hát du cho trẻ nhỏ, quan tâm giáo dục trẻ ngay từ khi người mẹ đang mang thai” [2, 225]. Nói đến nghệ thuật khắp, là nói đến những câu thơ sâu lắng chữ tình, từ hiện thực cảnh vật sống động, chứa đựng trong nội dung bài thơ ấy, đồng thời thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau “người Thái thường hát khen đối phương, cái gì cũng tốt, cũng đẹp còn phía mình là xấu là yếu hèn là nghèo, là khó. Còn đối phương là sang trọng, là giầu, là chăm chỉ, khéo chân, khéo tay còn mình thì vụng về,…” [4, 79]. Để tạo ra tiếng ca độc đáo làm nên nghệ thuật khắp thì cần phải có: một là những lời thơ, hai là những lời hát của những người nghệ nhân tài ba (những nghệ nhân trong cộng đồng), ba là nhạc đệm của sáo,… về cấu trúc Khắp thường có ba phần (mở, thân, đóng) cá biệt có nhưng bài có cấu trúc hai phần (mở, thân) (thân, đóng), trong diễn biến của phần thân đều có từ phụ xuất hiện, những từ phụ này gần như là điểm phân ngắt giữa các khổ thơ, hay ý thơ.

3 Giá trị hiện thực

Khắp là một thể loại nghệ thuật dân gian, ra đời và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa của con người, vì vậy mà trong Khắp phản ánh một giá trị hiện thực sâu sắc. Khắp phản ánh xã hội Thái “do bọn phìa tạo thường lợi dụng chính quyền chà đạp lên cuộc sống của người dân lao động, sống phè phỡn, lấy năm thê bẩy thiếp nên đã làm vỡ nhiều mối tình trong trắng, thiết tha, đã hủy hoại cuộc đời của biết bao cô gái,… nên người dân đã dùng những bài hát dân ca để chửi thẳng vào mặt chúng” [1, 11], trong Khắp đã vạch rõ hiện thực sâu sắc nhất của xã hội đó là mâu thuẫn giữa phìa tạo và người dân, giữa những kẻ có quyền và ham muốn dục vọng đã làm tình yêu tuổi trẻ bị chia cắt, những người nghèo khổ đã dùng lời ca vạch trần những mặt trái của bọn thống trị. Khắp có những bài đả kích, mang tích tích cực thường là những người nghèo khổ hoặc những cô gái bị ép bức. Câu hát là lời động viên nhau, cùng nhau đáp trả những nhân vật tiêu cực, những kẻ giàu có và bọn tay sai của chúng đi áp bức người khác.

         “Quay mặt lại em cho sáng ngời

Không phải giặc ngoài em đừng run sợ

Không có hùm beo, em đừng khiếp hãi

Không có trai tạo mường nào làm hại tuổi đời em” [1, 11].

Dù gian nan, họ vẫn giữ chí khí kiên quyết, lương tâm trong sạch, yêu đời còn những tên độc ác bất nhân đều bị trừng trị. Lòng yêu thương con người, đề cao phẩm chất con người được thể hiện rõ trong Khắp Thái. Tinh thần tương thân tương ái còn rõ rệt ở sự cao quý trong con người mà xã hội coi là thấp hèn. Khắp là nghệ thuật do người dân sáng tạo ra, phát triển dần theo nhu cầu của cộng đồng, mang tính cộng đồng người và nhân văn sâu sắc. Vẻ đẹp của khắp là vẻ đẹp của âm thanh chau chuốt, nuột nà mà người diễn trao cho người nghe, vẻ đẹp của những điệu múa uyển chuyển của người nghệ nhân biểu diễn.

Khắp Thái là một di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của cộng đồng người Thái ở Sơn La, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc cũng như những giá trị về nghệ thuật, giá trị về lịch sử, giá trị hiện thực của khắp, tất cả đều nhằm khẳng định rằng đây là một di sản văn hóa quý báu mà ông cha ta đã để lại cần phải được các thế hệ mai sau tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật Khắp, bởi khắp là tài sản, là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của cộng đồng người Thái hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Lò Ngọc Duyên (2011), Tâm tình người yêu (Tản Chụ - Xiết Xương), Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Huế, Đặng Duy Thắng (2014), Hát ru và những nghi lễ đầu đời cho trẻ nhỏ, nét đặc trưng văn hóa của người Thái ở Sốp Cộp, Sơn La, Kỷ yếu hội thảo do Trường Đại học Tây Bắc tổ chức với chủ đề: “Ngôn ngữ và Văn học vùng Tây Bắc”, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Cầm Hùng (2011), Dệt sứ - Dệt lam thời xưa của dân tộc Thái Đen Sơn La, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  4. Lò Bình Minh, Cà Chung (2019), Truyện thơ Xống Chụ Xon Xao (Tiễn dặn người yêu) của người Thái Tây Bắc nhìn từ góc độ thi pháp, Nxb Sân khấu, Hà Nội
  5. Vương Trung (Sưu tầm và dịch), (2003), Táy Pú Xấc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC