Trong quá trình nghiên cứu về nghề gốm của người Thái xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nhóm nghiên cứu đã thực hiện điền dã và sưu tầm được một số bình gốm tại các gia đình trong xã và một số xã lân cận trong tỉnh. Các hiện vật hiện được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Băc – trường Đại học Tây Bắc. Các bình gốm được lưu giữ là những hiện vật mang tính độc bản, hình thức, chất liệu. Đặc biệt, các mô-típ hoa văn thể hiện rất rõ nét kỹ thuật chế tác trên gốm của cộng đồng người Thái Đen ở Sơn la. 

1.   Một số họa tiết hoa văn tiêu biểu trên gốm Thái xã Mường Chanh

- Mô–típ hoa văn hình răng cưa: là dạng mô-típ hoa văn theo băng ngang vòng quanh cổ bình, họa tiết cân đối, có nhịp điệu, lên xuống, gấp khúc rõ ràng. Mô típ hoa văn này ngoài thể hiện trên gốm còn được sử dụng trong mặt chăn và khăn piêu của người Thái. Đây là dạng hoa văn phổ biến trong trang trí gốm của người Thái Đen xã Mường Chanh. Theo PGS.TS Hoàng Lương: “mô-típ hoa văn răng cưa trang trí khá nhiều trên các vò gốm, âu, thố đồng hay trên thân và mặt trống đồng của dòng văn hóa Khảo cổ học Phùng Nguyên – Đông Sơn,… Có thể nói, mô-típ hoa văn răng cưa cũng là một trong những mô-típ hoa văn điển hình của hoa văn Thái và hoa văn Phùng Nguyên – Đông Sơn”.

- Mô–típ hoa văn đắp nổi: hoa văn được trang trí quanh phần cổ bình gốm, thông thường ở gốm Mường Chanh có 3 đường gờ nổi đều nhau, trên cổ bình được đan xen với họa tiết hình răng cưa, tạo sự hài hòa của đường nét. Hình đắp nổi tạo thành những chiếc vòng trang trí giúp cho bình gốm có cảm giác vững chắc.

- Hoa văn hình chữ V: mô- típ hình chữ V là những đường gấp khúc đơn giản, các hình chữ V nối liền tạo thành đường hoa văn hình răng cưa, bên ngoài họa tiết chữ V được bao bởi các đường lượn sóng, gấp khúc. Họa tiết chữ V và các đường lượn sóng hài hòa, thoáng đạt, gợi cho người xem lien tưởng đến các thanh đan bên hiên sàn nhà của người Thái xưa.

- Hoa văn hình móc câu: hoa văn này thường xuất hiện ở các bình gốm có miệng nhỏ, là loại họa tiết nhỏ dạng bán nguyệt trải đều từ vai đến cổ bình, khoảng cách được ước lượng trên bình gốm, thông thường từ 0,5 – 1cm. Đây là họa tiết được sử dụng từ phần to nhất (vai bình) của bình gốm đến gần miệng bình.

- Hoa văn hình sóng nước: họa tiết hoa văn hình sóng nước được trang trí chạy vòng quanh phần vai bình, điểm đặc biệt là họa tiết này không gắn kết với nhau mà có khoảng cách nhất định, đứt đoạn. Các họa tiết khá mền mại cuốn quanh vai bình theo dạng bố cục đuổi, uốn lượn.

2. Dụng cụ và cách tạo các mô-típ hoa văn

- Dụng cụ và cách tạo mô-típ hoa văn hình răng cưa: họa tiết được tạo ra bởi dụng cụ được làm bằng tre hoặc gỗ. Người thợ gốm gọi là kiếm tre cắt đất (tiếng Thái gọi là láp hay), kiếm có hình dáng vát như một con dao hai lưỡi sắc, đầu nhọn ở phần cán có khía cạnh hình răng cưa để tạo hoa văn sóng nước, răng cưa, gấp khúc. Kiếm tre được dùng khi cắt đáy của sản phẩm và tạo hoa văn, kiếm dài 30cm – 35cm. Khi tạo hoa văn hình răng cưa cần 2 người, một người xoay bàn xoay và một người dùng kiến tre tạo hoa văn trực tiếp lên sản phẩm bằng cách đặt kiếm (phần có hình răng cưa) lên phần muốn tạo hoa văn. Khi tạo hoa văn cần đều, cân đối và chắc tay.  Khi kéo dụng cụ lên xuống phải nhịp nhàng tới khi xoay đủ vòng thì nhấc kiếm lên.

- Dụng cụ và cách tạo mô-típ hoa văn hình đắp nổi: để tạo đường gờ nổi người thợ dùng ống xít đất (người Thái gọi là “cỏng ka sít”), có chiều dài 40cm, được cấu tạo giống như cái bơm (pít tông, si lanh). Vỏ pít tông là một ống tre được đan cẩn thận nhằm tạo ma sát khi tạo hoa văn. Một đầu đục lỗ nhỏ, hình tròn để khi ấn si lanh đất đùn ra tạo thành dây tròn dài và dây đất này được người thợ gắn vào sản phẩm gốm tạo thành hoa văn gờ nổi.

- Dụng cụ và cách tạo mô-típ hoa văn chữ V: để tạo hình chữ V người thợ dùng kiếm tre để khắc lên cổ bình, các hình thẳng song song với nhau. Người thợ đặt phần đầu có răng cưa của kiếm vào gốm rồi đi các đường thẳng từ dưới lên – từ trên xuống vòng quanh cổ bình, nhìn giống như một đường diềm dài. Đặc biệt, lúc tạo hoa văn không cần xoay bàn xoay mà để ở trạng thái tĩnh. 

- Dụng cụ và cách tạo mô-típ hoa văn móc câu: để tạo hình móc câu người thợ dùng đầu nhọn của kiếm tre để tạo hình móc theo chiều từ trên xuống trải đều vòng quanh vai và cổ của bình gốm, khi tạo móc câu bình gốm được đặt tĩnh, gốm được phơi vừa đủ độ ẩm sao cho rễ làm.

- Dụng cụ và cách tạo hoa văn sóng nước: để tạo hình sóng nước người thợ dùng thanh tre nhỏ ở đầu có các rãnh hình răng cưa, thon dần về phía đầu nhọn của thanh tre, để khi tạo hình sóng nước không bị bằng, tù mà có nét dài ngắn khác nhau, tạo độ thanh thoát của mô-típ. Đây là điểm sáng tạo trong tạo hình của người Thái, người thợ gốm đã biết tư duy thẩm mĩ để hình sóng nước uyển chuyển, mềm mại khi đặt họa tiết trên bình gốm.

3. Kết luận

Hoa văn trên gốm của người Thái được tạo ra bởi bàn tay khéo léo, tính cần cù của người thợ gốm. Với tư duy sáng tạo, kế thừa các dạng mô-típ trong trang trí gốm từ lâu đời, họ đã tạo ra những đường nét bằng các dụng cụ thô sơ lấy trong tự nhiên để tạo nên nét độc đáo của gốm Thái từ nhiều thập kỷ để lại. Hoa văn trang trí trên đồ gốm làm tăng thêm vẻ đẹp với nguyên liệu đất chỉ có ở vùng Mường Chanh, đồng thời còn thể hiện sự sáng tạo, trí tưởng tượng, tư duy thẩm mĩ của cộng đồng có nghề gốm. Gốm Thái là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền thông qua các mô-típ hoa văn trên sản phẩm. Nghiên cứu mô-típ hoa văn giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về quá trình phát triển của hoa văn Thái và sự tồn tại của nghề gốm thủ công, qua đó làm nền tảng để định hướng các nghiên nghiên cứu về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái ở Sơn La hiện nay. 

Trích bài viết gửi "Hội nghị Thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 54"

MỘT SỐ HỌA TIẾT HOA VĂN TRÊN SẢN PHẨM GỐM:

 

 

 

 

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC