• Trong 02 ngày, từ ngày 24 đến ngày 25 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 57 năm 2022. Đây là sự kiện nổi bật của khảo cổ học nước nhà trong năm 2022.

    Tới dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS. TSKH. Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Bộ văn hoá - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia; PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học,… cùng đông đảo các nhà quản lý, nguyên quản lý của các cơ quan Trung ương, địa phương, đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khảo cổ học, quản lý văn hóa trong nước và quốc tế.

    Hội thảo đã nhận được 390 thông báo thuộc các tiểu ban cụ thể:

    Tiểu ban Khảo cổ học Tiền sử: 55 thông báo;

    Tiểu ban Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm: 47 thông báo;

    Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử 225 thông báo (trong đó có 04 thông báo của cán bộ Trường Đại học Tây Bắc về các di tồn văn hóa vật chất tại Sơn La: Bốn trụ đá tại huyện Mai Sơn; Phát hiện nhóm di vật tại xã Chiềng Đen. TP. Sơn La; Giá trị tháp Mường Và (Sốp Cộp); Nhóm đồ sành tại xã Chiềng Khương (Sông Mã).

    Tiểu ban Khảo cổ học Cham pa – Óc Eo: 40 thông báo;

    Tiểu ban Khảo cổ học Dưới nước: 15 thông báo và 8 thông báo về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ.

    Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, nhằm giới thiệu đến công chúng, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học, góp phần tích cự vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá. Với 390 thông báo đã cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2021 - 2022 đã diễn ra sôi nổi đều khắp trên cả nước và đạt được những hiệu quả quan trọng. Nhiều thông báo được thực hiện công phu, nghiêm túc, thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu văn hoá vật chất, giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của con người và dân tộc Việt Nam. Mục tiêu hướng tới bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

  •                Tín ngưỡng vật linh (hay “vạn vật hữu linh”, “vạn vật có linh hồn”) là tín ngưỡng ra đời từ thời kỳ nguyên thủy trong các thị tộc, bộ lạc cổ xưa. Thuyết vật linh được coi là mảnh đất tốt cho hạt giống tâm linh nảy mầm, vừa là động lực, vừa là căn nguyên cho việc xuất hiện các nghi thức mai táng, cúng tế, ma chay, là cơ sở tâm lý dẫn tới sự ra đời của hệ thống tôn giáo nguyên thủy sơ khai.Linh hồn là một hình ảnh tinh tế, phi vật chất của con người mà về bản chất nó giống như hơi, không khí hay bóng đen. Linh hồn cấu thành nguyên nhân của sự sống và tư duy thực thể mà nó có ở đó. Nó có thể nhanh chóng rời bỏ thân thể và di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Tuy phần lớn là không thể sờ thấy và nhìn thấy nhưng nó vẫn bộc lộ một sức mạnh vật chất và hiện lên với những người đang ngủ hay đang thức như một ảo ảnh, một bóng ma tách rời khỏi thân thể nhưng có hình dáng giống người… [5;tr514].

    Linh hồn có thể nhập vào thân thể những người khác, những động vật khác hay những đồ vật chi phối chúng. Con người có nhiều linh hồn khác nhau bởi có nhiều hình ảnh theo nhiều hướng khác nhau, thực hiện các chức năng không giống nhau. Linh hồn có thể bay đi, có trọng lượng và chịu tác động của bên ngoài. Vì sự giống nhau mà linh hồn còn giữ được so với thân thể, dù cho nó là bóng ma phiêu diêu trên mặt đất hay là những kẻ cư trú của thế giới bên kia thì có thể vẫn nhận ra được. Theo quan niệm đó, người chết phải được toàn thây (nghĩa là giữ nguyên hình dáng như khi đang sống) thì sau khi chết đi linh hồn của họ mới được nguyên vẹn, có thể tìm về quê hương, nhà của mình, còn nếu không linh hồn đó sẽ lang thang vô định.

              Xuất phát từ quan niệm về linh hồn như đã nói ở trên, trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Thái từ buổi sơ khai của mình và cho đến tận ngày nay, họ vẫn luôn tin rằng vạn vật đều có linh hồn, Then (thần) là lực lượng sáng tạo ra vạn vật và cũng hủy diệt được vạn vật, số phận của họ đều do Then Luông ở trên trời quyết định. Do đó tín ngưỡng của người Thái luôn xoay quanh vấn đề linh hồn (khuân).

                Trong tâm niệm của người Thái, có hai loại linh hồn: linh hồn tồn tại trong thế giới có sự sống, gọi là Mường Côn. Linh hồn mà mắt trần không nhìn thấy được gọi là Mường Phi (mường ma). Hai mường có liên hệ với nhau nhờ có linh hồn. Theo quan niệm này thì mường ma được coi là thế giới vĩnh hằng, bất biến. Mường côn (mường người) thì tồn tại trong sự biến động.

    Theo người Thái, thế giới vũ trụ gồm có 5 tầng, mỗi tầng là một thế giới riêng. Tầng trên cùng là nơi trú ngụ của những người đeo dao ở cổ, sống lang thang nay đây mai đó, ăn sương, ăn gió. Tầng này được gọi là tầng hỗn mang, hỗn cư.

                Tầng thứ hai là nơi trú ngụ của lực lượng siêu nhiên, thế giới của các vị thần linh, những người sáng tạo ra con người, vạn vật quyết định số phận của vạn vật. Đứng đầu thế giới thần linh này là Then Luông, vị thần này giàu sang và có quyền lực lớn. Ngôi nhà sàn nơi Then ở là ngôi nhà rộng, đẹp với cột vàng, sân bạc, mái kim cương, nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông, lúa tốt quanh năm. Sân nhà Then có vườn quả pin quả pán, loại quả linh hồn để Then ban phát cho những người sống dưới trần gian, quả này được Then quy định từng loại gắn với tuổi được sống ở cõi trần của mỗi người.

                Cạnh Then Luông còn có các vị thần giúp việc với chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Đó là các bà Bẩu làm nhiệm vụ nặn người đưa xuống trần gian. Ngoài ra, còn có các vị thần khác làm chức năng tạo ra hạnh phúc, công danh, sự nghèo hèn, đau khổ, hòa bình và chiến tranh…cho con người. Khu vực này được gọi là Liến Pán Luông (Niết bàn lớn).

                Thần dân của các vị thần là các chức dịch cao cấp và gia đình họ sống ở khu Liến Pán Nọi (Niết bàn nhỏ). Cuối cùng là nơi sống của các linh hồn dân thường sống theo dòng họ, khu này gọi là Đẳm đoi. Ngoài ra, tầng này còn có rắn in, ban phúc lành cho linh hồn.

                Mặc dù là nơi trú ngụ của các vị thần linh, các linh hồn đã siêu thoát… song trong quan niệm của người Thái cuộc sống ở nơi này giống như thế giới trần gian cũng lao động sản xuất, cũng có sự phân chia đẳng cấp, cũng có vui buồn, ganh tị… Tuy nhiên, cuộc sống ở đây dễ chịu hơn rất nhiều so với thế giới trần tục, các linh hồn không bao giờ đói khát, vật chất luôn đầy đủ.

                Tầng thứ ba gồm vòm trời và các tầng mây, ở đó có sao trăng là nơi trú ngụ, nghỉ ngơi của những người khổng lồ được Then Luông sai xuống trần gian, giúp con người khai phá đất đai, sông biển, trong thời kỳ hồng hoang. Đây cũng là nơi giam con chó Chuông Nhánh phạm tội với Then. Mỗi khi sổng chuồng đến nuốt nàng mặt trời tạo nên nhật thực, nơi đây cũng có con ếch khổng lồ, mỗi khi đói quá ăn cả mặt trăng tạo nên hiện tượng nguyệt thực.

                Tầng thứ tư là mặt đất, là thế giới loài người và muôn vật

    Tầng cuối cùng là thế giới ma quỷ ở mường ma (mường phi). Thế giới mường ma là thế giới con người trần tục không thể nhìn thấy. Ngoài ra, tầng này còn là nơi trú ngụ của các loài thuồng luồng dưới nước.

    Cũng có quan niệm cho rằng, vũ trụ của người Thái Đen gồm có ba tầng. “Nậm Tốc Tát phi pay, Phi cái đay cái cau mưa phạ”, tức là “Nậm Tốc Tát là đường ma đi, Ma bắc cầu bắc thang lên trời”. Tầng Trời (Mường Trời, Mường Then) có cây vũ trụ (là biểu tượng của sự bất tử - không bao giờ chết) chính là cái hoa chuối và con trăn; Then cũng có đến 18 then tất cả, trong đó có cả then trí tuệ. Mường trời cũng được chia ra thành nhiều mường, trong đó có Then Luông là đấng tối cao nhất cai quản tất cả trời đất, loài người và vạn vật, Then Luông được các quần thần giúp việc.

     Tầng giữa (Tầng trần gian - thế giới của con người), tầng này chính là nơi tiếp nối giữa trời và đất và tầng cuối cùng là tầng ma quỷ (hay còn gọi là Tầng người lùn). Theo quan niệm của người Thái “vạn vật hữu linh” (cái gì cũng có linh hồn), bất cứ ở nơi nào cũng có các ma (phi) cai quản, từ cây cối, đất đai, ruộng vườn, ao hồ…., muốn lập bản, khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú đều phải xin phép các ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối…Do đó, việc cúng tế đối với người Thái Đen rất được coi trọng bởi “Côn đẩy kin cáo đi, Phi đẩy kin cáo cụm”, tức là “Người được ăn cho chủ bụng tốt, Ma được ăn phù hộ cho người”.

                Cho rằng, sự sống có linh hồn, linh hồn tồn tại trong thể xác, thể xác là con người, con người sẽ chết. Người Thái tin rằng, mỗi người có “Xam xíp khuôn nang nả, hả xíp khuôn mang lăng” (ba mươi hồn ở phía trước, năm mươi hồn ở phía sau),đó là những hồn của từng bộ phận cơ thể người, trong đó linh hồn chủ nằm ở đỉnh đầu, gọi là chan khuân (đỉnh hồn). Từ ý niệm trên đã dẫn đến tục kiêng không cho người khác đụng vào đầu, nếu vô tình đụng tới sẽ phải chịu phạt theo nghi thức Peng khuân (chữa hồn).

                Niềm tin vào linh hồn dẫn đến sự ra đời nghi thức và nghi lễ xoay quanh nó như peng khuân (chữa hồn), hieek công (gọi hồn lạc), xên khuân (cúng hồn).

                Đặc biệt, trong tín ngưỡng về linh hồn, người Thái còn có cái gọi là một (phi một), đó là lực lượng trên hồn có chức năng bảo vệ cho sự tồn tại của linh hồn trong mỗi cá thể con người, sự vật hiện tượng. Do đó khi người chết muốn về được nơi ở cùng họ hàng ở thế giới bên kia phải do phi một dẫn đường.

                Người Thái xưa tin rằng thế giới “phi” có rất nhiều loại: “phi khuân” là linh hồn của người và vật, “phi pá” lại là một loại yêu quái trong rừng… mỗi loại “phi” lại có một hình dáng khác nhau và tác động trực tiếp, gián tiếp, tốt hoặc xấu đến cuộc sống con người. Tục ngữ Thái xưa có câu: “khách được ăn cho chủ tốt bụng, “phi được ăn phù hộ cho người” (côn kịn cáo đi, phi đẩy kin cáo cụm).

                Bởi vậy, các loài “phi” thường được cho ăn uống. Theo tín ngưỡng đó nên người Thái cho rằng, nếu lơi việc cúng bái “phi” sẽ gây cho người ốm đau, chết chóc, bản mường thường không ổn định, sản xuất thường bị thiên tai. Từ đó, trong xã hội cũ tồn tại phổ biến các tục lệ cúng, khấn “phi” từ đơn giản đến phức tạp.

                Người xưa quan niệm “phi” có cuộc sống ngược với người. Đêm của người là ngày của “phi”. Người ăn bằng thức ăn còn “phi” chỉ ăn hương ăn hoa của thức ăn đó. Người có sống có chết nhưng có những “phi” lại tồn tại vĩnh cửu như “phi hướn” có nghĩa là tổ tiên hay “phi then” là chủ cõi trời.

                Theo quan niệmcủa người Thái, “phi” có thể được chia làm 5 loại:

    Thứ nhất là “Phi khuân” hay linh hồn. Đây là một loại “phi” gắn liền với mỗi người và một số con vật. Người Thái xưa tin rằng, các vật thể còn sống, linh hồn tồn tại trong thể xác, con người, các sự vật, hiện tượng đều có linh hồn của riêng mình trú ngụ. Nó là lực lượng tạo ra hình khối và sự sống của vật thể như đất đá, núi sông, cây cối…cũng như tạo ra tư thế, tính cách, hành vi, tình cảm, tinhthần…của con người. Người Thái quan niệm, trên thân thể con người có 80 hồn (30 hồn ở phía trước và 50 hồn ở phía sau.). Trời là thế giới bên trên - nơi ngự trị của Then. Các hồn ở tứ chi tập trung thành ma nhà (phi hươn) và nương tựa nơi bàn thờ người chết trong nhà. Ma nhà cũng tồn tại với người sống, trong thế giới của người sống.

    Thứ hai là “Phi hướn” có thể dịch là “ma nhà”. Nhà của người Thái vừa là nơi để ở vừa là nơi chứa đựng hồn của người trong gia đình đó. Cũng như ở một người có hồn trên chỏm tóc là chủ, ở nhà hồn của người cha sẽ là chủ và tượng trưng cho hồn chủ là cái áo của người cha, “chủ áo” hay còn gọi là “chủ hồn” vì người Thái cho rằng chiếc áo mặc là vật chứa đựng linh hồn người.

    Khi các thành viên trong gia đình chết, linh hồn biến thành “phi” vĩnh cửu. Gian thờ ma nhà thường ở sát gian đầu hồi phía tay phải gọi là “klọ hóng”. Với quý tộc (Lò, Cầm, Bạc, Sa, Điêu) thường có hai ngăn, một ngăn gọi là “hóng” và một ngăn gọi là “chóng căm”. Tất cả những “phi” trong “hóng” gọi là “đẳm” nên “phi hướn” cũng có tên là “phi đẳm”. Thờ "phi hướn" là một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Thái.

    Thứ ba là"Phi Bản", "Phi Mường" (ma bản, ma mường). Bản mường là một thể thống nhất có nhiều linh hồn và một linh hồn chủ. Linh hồn "bản mường" gồm tất cả linh hồn của mọi thành viên trong một đơn vị cư trú. Hồn chủ là hồn của người được "bản mường" chọn áo để cúng, người Thái gọi đó là "chẩu xửa" dịch là chủ áo, tức là chủ hồn.

                "Chẩu xửa" của bản, mường trước hết phải là người đứng đầu thuộc họ quý tộc thống trị ở bản, mường đó. Họ phải là người thuộc con cháu của lớp "tạo đầu tiên có công dẫn dắt người trong mường lập ra "bản mường". Bởi vậy, người xưa cho rằng "mường" cũng chỉ là một "nhà sàn lớn".

                 Như vậy, việc thờ cúng "phi mướng" của người Thái xưa đã mang trong mình nội dung về sự phân biệt đẳng cấp giữa tầng lớp thống trị, bóc lột với tầng lớp bị trị, bị bóc lột một cách rõ rệt. Thờ cúng "phi mướng" là sự thừa nhận trật tự xã hội cũ trong đó khẳng định về mặt tư tưởng, phục tùng sự thống trị của tầng lớp quý tộc.

                Thứ tư là "Phi pá heo" (ma rừng ma). Rừng ma là nghĩa địa, thường là nghĩa địa chung của bản, xuất hiện trước khi công xã nông thôn ra đời. Ở mỗi bản lại có khu nghĩa địa riêng cho từng họ. Họ quý tộc Thái thường được chôn ở rừng ma lớn nhất (đông mả luông), luật quy định rất ngặt nghèo, cấm các dòng họ khác chôn chung hoặc chặt phá cây. Vì thế, đây chính là khu rừng nguyên sinh nhiều muông thú. Trước kia do đất rộng, rừng ma được phân thành nhiều loại: loại chôn người già, phụ nữ, loại dành cho trẻ nhỏ xấu số.

                Cuối cùng là các "phi" ở tự nhiên và ma thuật. Với quan niệm "vạn vật hữu linh", người Thái xưa cũng tin rằng trong tự nhiên cũng có rất nhiều "phi", các "phi" này có thể chia làm 3 loại:"Phi" do linh hồn người chết biến thành, ngụ ở rừng gọi là "phi pá heo" (ma rừng ma) ;  "Phi" vốn có trong tự nhiên như "phi pá" (ma rừng), "phi hua pó" (ma đầu nguồn) hay "phi khuông" (ma hủi), "phi luông" (ma lớn)...

                 Những người mê tín còn tin rằng có một người biết dùng thủ pháp của "phi" để đuổi "phi", đánh "phi" hay giết chết "phi". Ngoài ra, họ còn có những thủ pháp biến thành "phi". Đó là những người biết yểm bùa, chài, bùa phép…những người vừa là người vừa là "phi" đó còn được gọi là  ma cà rồng…Đây là những dấu vết của tín ngưỡng ma thuật, bùa chú từ thời nguyên thủy mà tàn dư của nó vẫn hiện hữu trong cuộc sống của người Thái Đen hiện nay.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. TÀI LIỆU THÀNH VĂN
    2. Hoàng Trần Nghịch (2000), Lời tang lễ dân tộc Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
    3. X.A.Tôcarev (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
    4. Cầm Trọng, Ngô Đức Thịnh (1999), Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp), Nxb Văn hóa Dân tộc.
    5. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    6. E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Nxb Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
    7. Lời tang lễ của người Thái Đen bản Sang, Mường Bú, Mường La, Sơn La.
    8. “Quám Chiến lang” (Ngạn ngữ Thái), tài liệu lưu bảo tàng tỉnh Sơn La.
    9. “Quám tố mương Mường La” (Chuyện kể bản mường), tài liệu lưu bảo tàng tỉnh Sơn La

     

  • HỢP TÁC XÃ CAO ĐA - LÁ CỜ ĐẦU TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA CỦA KHU TỰ TRỊ THÁI - MÈO