Ngày 03/03/2021,trong quá trình khảo sát các di tồn văn hóa vật chất thuộc văn hóa người Thái tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chúng tôi đã phát hiện 02 đồ đựng bằng gốm (người Thái gọi là “Phai”) dùng để nhuộn chàm và đựng nước sinh hoạt tại gia đình ông Hoàng Văn Chiển, 61 tuổi (bản Nặm Ún, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu).

Sau khi trao đổi, chỉnh lý chúng tôi đo được các thông số sau:

- “Phai 1”: Hình tròn miệng loe, đáy và miệng tròn, rìa mép vuốt tròn, xương gốm dày. Thân gốm thô, không trang trí hoa văn. Kích thước: cao 31cm, vòng miệng rộng 103cm, vòng đáy 70cm. “Phai” còn khá lành lặn.

- “Phai 2”: Hình tròn miệng loe, đáy và miệng tròn, rìa mép vuốt tròn, xương gốm dày. Thân gốm thô ráp, không trang trí hoa văn. Kích thước: cao 32cm, vòng  miệng 135cm, vòng đáy 83cm. “Phai” đã bị sứt phần miệng, vết sứt dài 05cm, rộng 02cm còn khá lành lặn.

Dụng cụ nhuộm chàm bằng đất nung

Đất làm “Phai” được lấy ở bản Na Pản (bản duy nhất có đất sét ở huyện Yên Châu dùng để nặn “Phai”). “Phai” dùng để nhuộn chàm, làm đồ đựng, không có nắp. Theo ông Chiển,“Phai” được bố ông nặn từ những năm 1965 – 1966, nặn hoàn toàn bằng tay sau đó phơi khô rồi mới nung. Cách nung khá đặc biệt, nặn xong đem phơi ở chỗ đất trống. nguyên liệu đốt được lấy từ phân trâu khô, khi nung đốt người Thái dùng phân trâu khô cho vào bên trong “Phai” để nung. Nung liên tục trong 02 ngày đêm, trong quá trình nung, thay chất đốt liên tục sao cho lửa không tắt, lửa tắt sẽ làm cho gốm chín không đều.

Do kiều kiện sống, lối sống tự cung tự cấp người Thái ở Yên Châu đã sáng tạo ra các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong đó có “Phai” bằng đất nung. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy người Thái ở Yên Châu rất ít gia đình làm “Phai” để sử dụng, chỉ những gia đình có điều kiện sống khó khăn, đông con mới làm, bởi tiền, bạc rất khan hiếm để có thể mua bán các vật dụng bằng chất liệu khác. Còn đối với các hộ dân, gia đình khá giả hơn thường mua hoặc trao đổi lấy các loại đồ đựng có chất liệu khác hoặc trao đổi thóc với người dân mang gốm ở làng nghề gốm Mường Chanh. huyện Mai Sơn đến buôn bán. 

Đây là ví dụ cho thấy tính đặc trưng của người dân dựa vào tự nhiên để chế tạo ra các dụng cụ phục vụ mục đích sinh hoạt của con người. Đồng thời thấy được thói quen, nhu cầu sử dụng đồ đựng của người Thái được làm từ chất liệu gốm, đất nung là một trong những nét đặc trưng nổi bật của văn hoá Thái Sơn La trong tiến trình lịch sử. Khi nghiên cứu các di tồn văn hóa vật chất, các nhà nghiên cứu cho rằng, người Thái ưa thích sử dụng vật liệu từ đất nung, bởi có độ bền cao, phù hợp với điều kiện sống, góp phần làm phong phú thêm vốn văn hóa của cộng đồng người Thái ở Sơn La nói riêng và người Thái ở Tây Bắc nói chung.