Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) về chủ trương điều chỉnh nhân lực giữa đồng bằng và miền núi, trong những năm 1961 - 1965, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hơn 14.000 nhân khẩu đến từ hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tính đến cuối năm 1965, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282 đồng bào khai hoang, được phân bố tại khắp các huyện trong tỉnh, trong đó tập trung đông nhất tại huyện Sông Mã và huyện Thuận Châu. Lực lượng trên đây đã xây dựng được 80 cơ sở khai hoang, trong đó có 78 hợp tác xã khai hoang độc lập và 2 cơ sở xen ghép vào các hợp tác xã địa phương. Đó là những đơn vị dân cư, cơ sở kinh tế mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhiệm vụ đầu tiên của đồng bào khai hoang là tổ chức phát hoang, phá rậm, dọn sạch nương đồi, chuẩn bị cho vụ sản xuất đầu tiên. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với những người nông dân vốn chỉ quen với công việc chân lội ruộng bùn, tay cấy lúa nước. Tác giả Hoàng Bắc trong tác phẩm “Chung sức xây dựng miền núi” đã phản ánh: “Phá hoang, phát rậm, đánh gốc, giẫy cỏ, là những công việc còn mới mẻ với đồng bào miền xuôi. Những ngày đầu tiên, bà con cầm con dao phát còn ngượng, vung lên vài nhát đã thấy mỏi, chặt một hồi, hai bàn tay phồng rộp cả. Có người bi quan, không tin sức mình có thể khuất phục được rừng hoang” [2;6]. Dụng cụ để phát hoang cũng hết sức thô sơ, phần lớn được trang bị từ khi còn ở nhà; hoặc đến địa điểm khai hoang được chính quyền cung cấp và đồng bào địa phương cho mượn như: dao phát, cuốc (cuốc bàn, cuốc chim, cuốc bướm), thuổng, xà beng, mai, búa,...

Để chinh phục thử thách đầu tiên này, cấp ủy và ban quản trị các hợp tác xã đã phát động phong trào thi đua, động viên các xã viên tích cực lao động sản xuất. Các đội, tổ xã viên nêu cao tinh thần quyết tâm không lùi bước trước khó khăn; xã viên đi sớm về khuya, cố gắng phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, các hợp tác xã khuyến khích xã viên học tập, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ và nhân dân địa phương. Nhờ kinh nghiệm của địa phương, đồng bào khai hoang từng bước quen dần với những công việc mới. Năng suất phát hoang, phát rậm, đánh gốc, cuốc nương, cày ruộng từng bước được cải thiện, nâng cao. Những “kiện tướng”[1] xuất hiện ngày càng nhiều. Đã có những “kiện tướng” phát hoang một ngày được 3.650 m2, cuốc một ngày được 2.500 m2; có những xã viên nữ một ngày cuốc được trên 1.000 m2 [4;18]. Nhiều đội sản xuất được công nhận danh hiệu “tên lửa”, “mũi tên xanh”. Thanh niên là lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua; điển hình là chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Lũy[2] ở hợp tác xã Hoàng Văn Thụ.

Nhìn chung, trong 3 năm đầu (1961 - 1963), diện tích khai hoang của các hợp tác xã không ngừng được mở rộng. Cuối năm 1961, diện tích thống kê được 702 ha[3]; năm 1962 khai hoang thêm được 1.236 ha [7;3]. Tính đến cuối năm 1963, tổng diện tích đất đai khai hoang được 2.359,32 ha; trừ 295 ha vì độ dốc cao, bị mưa lũ xói mòn bạc màu phải bỏ, diện tích thực tế còn lại được các hợp tác xã sử dụng là 2.064,32 ha [8;8]. Bước sang năm 1964, việc khai hoang, mở rộng diện tích chủ yếu tập trung ở các hợp tác xã mới được xây dựng và các hợp tác xã được bổ sung thêm nhân lực; còn đối với các hợp tác xã xây dựng trước đó, tuy cũng có khai hoang thêm nhưng lại có một số diện tích đất bạc màu, phải bỏ nên thực tế diện tích đất sản xuất mở rộng không nhiều. Do đó, diện tích khai hoang mới trong năm 1964 chỉ tăng thêm khoảng trên 300 ha so với năm 1963 [1;5]. Năm 1965, các hợp tác xã đã khai hoang thêm 266 ha, cộng với diện tích cũ được 2.064 ha; trong khi đó bỏ hoang 77 ha, bình quân 1 hợp tác xã khai hoang có 25,4 ha đất canh tác [3;10].

Tổng hợp qua 5 năm (1961 - 1965) không kể số ruộng đất được các địa phương nhường lại cho và diện tích bị xói mòn phải bỏ, các hợp tác xã khai hoang trong toàn tỉnh đã khai hoang, phục hóa và đưa vào sản xuất được 1.849 ha [9;4]. Như vậy, so với diện tích khai hoang trong 3 năm đầu, tính đến cuối năm 1965, diện tích khai hoang sử dụng được có xu hướng giảm, mặc dù lực lượng khai hoang vẫn tiếp tục được bổ sung. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ những khó khăn trong sản xuất, các hợp tác xã không tận dụng hết diện tích đã khai phá được.

Đại bộ phận đất khai hoang và sản xuất của các hợp tác xã là đất nương đồi. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1963, có tới 95% diện tích trồng trọt của các hợp tác xã khai hoang là đất nương đồi [8;22]. Đó là một thực tế khó khăn đối với các hợp tác xã, vì đồng bào khai hoang vốn chỉ quen sản xuất trên đồng ruộng, không quen canh tác trên nương đồi, chưa nắm kỹ đặc điểm, biện pháp kỹ thuật của việc sản xuất trên nương; mặt khác, đất nương đồi có độ dốc lớn, thường bị xói mòn, sau một vài năm canh tác bị bạc màu phải bỏ (hiện tượng tái hoang). Hiện tượng này cũng giải thích vì sao diện tích khai hoang trong những năm 1964 - 1965 của các cơ sở khai hoang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm đi so với thời gian trước đó, mặc dù nhân lực vẫn tiếp tục được bổ sung thêm, một số hợp tác xã khai hoang vẫn được thành lập mới. Thực tế, diện tích tái hoang hàng năm của các hợp tác xã khai hoang chiếm số lượng không nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1963, diện tích đất đã khai hoang nhưng phải bỏ là 181 ha [7;3]; đến cuối 1963, con số này là 295 ha [8;8]; riêng năm 1965, các hợp tác xã phải bỏ 77 ha [3;10]. Tổng hợp qua 5 năm, có tất cả 649 ha đã khai hoang nhưng bị xói mòn, bạc màu phải bỏ [9;4]. Con số này tương đương 25% diện tích đất đã khai hoang của các hợp tác xã. Đó là một tỷ lệ lớn, phản ánh tính chất khó khăn của công tác khai hoang ở miền núi cũng như những hạn chế của các hợp tác xã khai hoang trong những năm đầu sản xuất trên quê hương mới.

Bên cạnh diện tích nương đồi là chủ yếu, các hợp tác xã khai hoang cũng chú trọng khai phá ruộng nước để phát huy sở trường sản xuất lúa nước. Khó khăn với các hợp tác xã khai hoang là diện tích ruộng nước ở miền núi vốn đã ít, hầu hết đã được nhân dân địa phương sử dụng để cày cấy; trong khi đó, nguồn nước phục vụ sản xuất lại không dồi dào và thuận tiện. Để khắc phục những khó khăn đó, một số hợp tác xã khai hoang tích cực tổ chức đào mương, phai, làm những công trình thủy lợi nhỏ để chứa nước, dẫn nước nhằm cải tạo những khu vực có điều kiện thành ruộng nước, khai phá chân đồi, ven suối làm ruộng; đồng thời tìm cách liên hệ, xin ruộng nước của địa phương, v.v... để phát triển thêm diện tích ruộng nước cấy lúa. Tiêu biểu là hợp tác xã Sông Hồng (Mộc Châu) trong 2 năm 1963 - 1964 đã khắc phục nhiều khó khăn để khai hoang được khoảng 9 ha ruộng nước từ bãi hoang [5]. Nhân dân địa phương ở nhiều nơi cũng sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ bằng việc nhường lại một phần diện tích ruộng nước đã trồng cấy cho đồng bào khai hoang. Năm 1964, diện tích ruộng nước của các hợp tác xã khai hoang đã tăng thêm 60 ha, bằng 63% so với năm 1963 [1;7-8]. Đó là sự cố gắng lớn của đồng bào khai hoang trong việc chinh phục thiên nhiên, phát triển sản xuất. Diện tích ruộng nước tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích đất nương đồi nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sản lượng lương thực (thóc ăn) cho một số hợp tác xã. Một số hợp tác xã khai hoang nhờ có diện tích ruộng nước tương đối lớn nên đã tự túc được thóc ăn cả năm, không phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Nhà nước, thậm chí còn có thóc dư thừa để bán cho Nhà nước.

Diện tích đất khai hoang của hợp tác xã phần lớn được sử dụng cho sản xuất của tập thể, một bộ phận được chia cho các hộ gia đình, các xã viên độc thân hoặc các tổ, nhóm xã viên để phát triển kinh tế phụ; một phần được sử dụng làm đất kiến thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng của hợp tác xã (nhà ở, nhà bếp, nhà câu lạc bộ, nhà làm việc; căng tin, nhà để xe, nhà giữ trẻ, trạm y tế, chuồng trại, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, sân phơi, giếng nước ăn...). Theo thống kê, đến cuối năm 1963, trong tổng số 2.064,32 ha đất khai hoang của các hợp tác xã, đã phân chia cho: sản xuất tập thể 1.717 ha (chiếm 83%); gia đình xã viên 274,12 ha (chiếm 13,3%); đất kiến thiết 72,30 ha (chiếm 3,6%) [8;8]. Một hiện tượng rất đáng lưu ý là diện tích sản xuất kinh tế phụ của xã viên và gia đình xã viên có xu hướng ngày càng mở rộng. Từ sau khi có chủ trương tạo điều kiện cho kinh tế phụ phát triển, ngoài diện tích đất chia cho các xã viên, một số hợp tác xã đã để cho nhiều gia đình, xã viên tự khai phá thêm nên diện tích sản xuất phụ trên thực tế vượt hơn nhiều so với quy định chung, có gia đình sản xuất tới hơn 1 mẫu Bắc Bộ (hơn 3.600 m2), trong khi quy định tối đa không vượt quá 1.500 m2. Diện tích sản xuất riêng của gia đình xã viên chiếm tỷ lệ cao (từ 16 đến 18% so với diện tích sản xuất của tập thể), nhiều hộ vượt xa mức quy định [8;10]. Hiện tượng này về lâu dài có thể nảy sinh những vấn đề về tư hữu ruộng đất, đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý.

Với những cố gắng của đồng bào khai hoang; sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương (hướng dẫn cách phát hoang, nhượng lại ruộng nước, đồi nương,...), các hợp tác xã khai hoang đã tạo ra vốn liếng quan trọng đầu tiên trên quê hương mới. Bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người trong các hợp tác xã khai hoang đã cao hơn nhiều so với lúc còn ở quê cũ. Tính đến thời điểm giữa năm 1963, mỗi lao động khai hoang tính bình quân có 4.430 m2, tương đương 1 mẫu 3 sào Bắc Bộ; nếu tính riêng lao động nông nghiệp thì bình quân tương đương 1 mẫu 5 sào Bắc Bộ [10;2-3]. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1963, bình quân mỗi lao động khai hoang đạt 5.722 m2 (tương đương 1 mẫu 6 sào Bắc Bộ), mỗi nhân khẩu đạt 3.888 m2 (tương đương 1 mẫu 1 sào Bắc Bộ) [8;8]. Đến cuối năm 1965, mặc dù diện tích bình quân có giảm so với 3 năm đầu do kết quả khai hoang trong hai năm 1964 - 1965 có chiều hướng chững lại, trong khi số lượng đồng bào lên khai hoang vẫn tiếp tục được bổ sung, nhưng mỗi nhân khẩu vẫn có bình quân 2.000 m2 (tương đương hơn 5 sào Bắc Bộ), mỗi lao động có 4.280 m2 (tương đương 1 mẫu 2 sào Bắc Bộ) [6;2]. Như vậy, so với diện tích ruộng đất bình quân khi còn ở quê cũ là 3 sào/nhân khẩu (khoảng 1.000 m2) thì diện tích ruộng đất bình quân đầu người mà đồng bào khai hoang đạt được trên quê hương mới đã cao gấp 2 lần. Đó là thành quả đầu tiên của những người nông dân Hưng Yên, Thái Bình trên đất Sơn La. Thành quả đó có ý nghĩa hết sức quan trọng: vừa phá được cái “xiềng ba sào”, giải phóng sức lao động của bản thân; vừa góp phần mở rộng diện tích đất canh tác của miền núi, là tiền đề dẫn tới nâng cao sản lượng lương thực, cải thiện đời sống. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của đồng bào khai hoang trong cuộc đấu tranh chinh phục và cải tạo tự nhiên, xây dựng cuộc sống mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Khai hoang tỉnh Sơn La, Báo cáo số 02/BC/KH ngày 10-3-1965 về tổng kết công tác khai hoang năm 1964 tỉnh Sơn La (Báo cáo tại Hội nghị cán bộ khai hoang toàn tỉnh ngày 5-3-1965), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  2. Hoàng Bắc (1963), Chung sức xây dựng miền núi, Nxb Phổ thông.
  3. Chi cục Thống kê tỉnh Sơn La, Báo cáo số 210/TK ngày 25-12-1965 về tình hình sản xuất nông nghiệp 1965, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  4. Dự thảo báo cáo của Khu tại Hội nghị khai hoang nhân dân Tây Bắc tháng 9-1962, Hồ sơ 12125, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  5. Yên Nhuệ, Hợp tác xã Sông Hồng làm tốt công tác khai hoang ruộng nước và chống xói mòn trên nương, Báo Sơn La, số ra ngày 22-3-1965.
  6. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08-12-1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  7. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo về công tác khai hoang 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 1963 (ngày 1-8-1963), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  8. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  9. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  10. Ủy ban Lâm thời phụ trách hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch từ tháng 1 đến ngày 15-6-1963 (ngày 9-7-1963), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.

 

[1]Danh hiệu thi đua được bình bầu trong các hợp tác xã dựa trên kết quả lao động, sản xuất.

[2] Kiện tướng cuốc đất, một ngày cuốc được 2.500 thước vuông, dẫn đầu hợp tác xã Hoàng Văn Thụ trong nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất, sáng tạo. Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (tháng 5-1962), Nguyễn Văn Lũy được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.

[3] Số liệu thống kê có thể chưa đầy đủ vì còn ít hơn diện tích của hai hợp tác xã Hoàng Văn Thụ và Bình Thuận khai hoang đến giữa năm 1961. Chúng tôi chưa có điều kiện làm sáng tỏ.