Có thể nói, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ ở Sơn La đã ít nhiều tác động tới văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa dân tộc Thái nói riêng. Dưới tác động của hội nhập, các giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà cửa, ẩm thực, văn học nghệ thuật, tín ngưỡng truyền thống…của người Thái đã có nhiều biến đổi, nhiều khía cạnh bị mất đi và xuất hiện nhiều nhân tố mới thay thế truyền thống, hoặc bổ sung, làm giàu thêm truyền thống.

Về tiếng nói, chữ viết

Trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiếng nói chữ viết là những giá trị văn hóa riêng vốn có. Dân tộc Thái có chữ viết từ thế kỷ thứ VI, theo hệ chữ Pali của Ấn Độ, thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Chữ Thái tương đối thống nhất giữa các vùng của người Thái, có khác nhau chỉ là những ký hiệu riêng của từng địa phương, ghi theo âm của địa phương mình. Hiện nay, trong Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh còn lưu giữ  hơn 1.400 cuốn sách chữ Thái cổ được viết trên giấy dó, dướng. Ngoài ra, ở trong dân cũng còn một số sách chữ Thái cổ đang được lưu giữ. Sách chữ Thái cổ có nhiều thể loại: văn học, lịch sử, răn dạy con người, tín ngưỡng…. Tại các bản có một số người biết viết, đọc và dịch những cuốn sách chữ Thái cổ, trong đó có cả phụ nữ. Tuy nhiên, số lượng không nhiều vì trước đây không phải ai cũng được học chữ, hình thức học không được tổ chức theo lớp mà chủ yếu trong gia đình tự dạy nhau, không có giáo trình.10 năm trở lại đây, các Trường CĐ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của Tỉnh và gần đây nhất là Trường Đại học Tây Bắc đã thực hiện việc mở các lớp đào tạo tiếng, chữ Thái – góp phần không nhỏ vào việc khôi phục và duy trì vốn tiếng, chữ Thái cho đồng bào dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc khác quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc này. Theo kết quả kiểm kê, đối với những bản ở các huyện, vùng sâu, vùng xa thì có đến 90-100% số dân trong bản biết và vẫn nói tiếng Thái, tuy nhiên, một số bản gần thị trấn, thành phố, một số người đi công tác, là công chức nhà nước, hôn nhân khác tộc nên ở thế hệ con cái một số người không biết nói tiếng Thái.

Hiện nay, việc sử dụng song ngữ Kinh – Thái trong các gia đình và cộng đồng ngày càng phổ biến. Song ngữ đã thâm nhập vào hầu hết các lửa tuổi, các mối quan hệ trong gia đình : từ vợ/chồng, bố mẹ/con cái, ông bà/chá và giữa anh chị em. Song ngữ ngày càng phổ biến trong quan hệ với đồng tộc. Việc sử dụng tiếng Kinh trong gia đình và trong môi trường cộng đồng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt, sự chuyển đổi ngôn ngữ diễn ra chủ yếu ở nhiều thanh thiếu niên khi môi trường tiếp xúc của họ hàng ngày chủ yếu là tiếng Kinh. Họ sử dụng tiếng Kinh là chủ yếu để biểu đạt tâm tư – tình cảm.

Về trang phục

Trang phục là một trong những yếu tố dễ nhận biết đến đặc điểm và bản sắc tộc người nhưng cũng lại là yếu tố có nhiều biến đổi. Trang phục truyền thống của người Thái may bằng vải sợi bông, nhuộm chàm: nam giới mặc quần may theo lối chân què, áo xẻ ngực, khăn màu đen; ngày lễ, tết, cưới họ mặc áo dài màu đen giống như áo dài của đàn ông dân tộc Kinh, khăn dài màu đen. Phụ nữ mặc áo cóm, may theo lối xẻ ngực, đính hàng cúc bạc hình các con côn trùng hoặc hoa lá: bướm, ve sầu, nhện, lá sắn...áo bó sát thân, váy dài màu đen  (phụ nữ Thái đen may cổ áo cao, ôm khít cổ, đội khăn Piêu; phụ nữ Thái trắng may áo cổ thấp, hình trái tim; ngoài ra, Sơn La còn có các nhóm Thái địa phương cũng có đôi chút khác biệt về trang phục phụ nữ). Ngày lễ, tết, cưới phụ nữ Thái trắng mặc áo dài may theo lối chui đầu, phụ nữ Thái đen mặc áo dài may theo lối xẻ nách, cài cúc cạnh. Người Thái có trang phục tang ma, thầy mo riêng.

Tuy nhiên, hiện nay các loại trang phục được bảo tồn chủ yếu là trang phục phụ nữ, bảo tồn chủ yếu về kiểu dáng và cách thức cắt may, còn vải đã dùng vải công nghiệp là chủ yếu, chỉ  trang phục tang ma còn bảo tồn đậm nét. Dưới tác động của quá trình giao lưu văn hóa, sự hội nhập văn hóa, trang phục truyền thống đang dần bị mai một. Việc sử dụng trang phục truyền thống hiện nay chủ yếu chỉ còn ở phụ nữ trung niên và người già, tuy nhiên, chất liệu và nhiều yếu tố truyền thống của bộ trang phục đã bị thay đổi. Hiện nay, ngày thường chỉ có khoảng 20-30 % phụ nữ mặc trang phục truyền thống; trong những dịp lễ, tết có khoảng 70-80% phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Y phục còn được bảo tồn, tuy nhiên mức độ bảo tồn đậm, nhạt ở từng địa phương khác nhau; y phục của phụ nữ, y phục ngày thường được bảo tồn đậm nét hơn. Xu hướng dùng y phục ngày thường được được cắt may bằng chất liệu, màu sắc đẹp được dùng như y phục lễ hội ngày càng tăng. Y phục được bảo tồn về kiểu dáng, còn chất liệu đã được dùng hầu hết bằng chất liệu công nghiệp. Y phục nam chỉ còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 5-10%  dân số trong một bản sử dụng. Người Thái vẫn ưa dùng nhiều đồ trang sức, trước đây chủ yếu làm bằng bạc và hợp kim tổng hợp, ngày nay xu hướng dùng vàng làm đồ trang sức ngày càng tăng. Trang phục tang ma còn bảo tồn đậm nét.. Ở thành phố, do nhận thức được vẻ đẹp của trang phục truyền thống nên trang phục dân tộc Thái đã và đang được bảo tồn khá tốt. Một số vùng khác có sự vào cuộc của chính quyền, đưa vào hương ước của bản để quy định mặc trang phục truyền thống.

Về nhà cửa truyền thống

Người Thái ở nhà sàn, nhà của người Thái trắng có 4 mái phẳng; nhà của người Thái đen mái khum hình mui rùa, trên nóc nhà thường trang trí khau cút. Hiện nay, nhà ở đang có sự biến đổi mạnh về cả chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Trong nhiều năm trở lại đây khi thành phố Sơn La ngày càng phát triển với nhiều công trình xây dựng, các nhà cao tầng, các trung tâm thương mại được mọc lên không gian sống của con người dần bị thu hẹp. Hình ảnh những bản dân tộc với những ngôi nhà sàn lấp ló sau rặng cây dần bị mất đi, đặc biệt ở những khu trong thành phố, ven thành phố. Trước đây người ta có thể cảm nhận được « bản trong phố » thì ngày nay dường như mọi thứ đã được hòa lẫn trong một không gian phố núi hiện đại. Người Thái hiện nay sống ở nhiều loại hình nhà cửa khác nhau và số lượng các nhà phi truyền thống đang dần chiếm ưu thế : nhà nhiều tầng, nhà mái bằng, nhà cấp 4, chỉ còn số ít nhà ở nhà sàn. Các ngôi nhà được xây dựng với nhiều kiểu kiến trúc hiện đại, khang trang, nội thất tiện nghi theo phong cách người Kinh. Hình ảnh những ngôi nhà sàn với bếp lửa, những chõ xôi, mâm tre…dần dần bị mai một.

Văn học nghệ thuật

Bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết. Ở loại hình di sản văn hóa phi vật thể này, người Thái không có các thể loại: hò, vè. Các di sản còn lại hầu như không còn nhiều, thể loại hát ru (ú lu) chủ yếu là bà ru cháu, mẹ ru con, những lời ru chủ yếu do người hát tự sáng tác (ứng tác), không có bài mẫu, vừa hát vừa nghĩ và đặt lời; Sử thi, trường ca được ghi lại trong những cuốn sách cổ, tuy nhiên người biết sử dụng không còn nhiều.

Người Thái có kho tàng truyện cổ dân gian, truyện thơ, ca dao dân ca,… với những tác phẩm nổi tiếng như: “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú nàng Ủa”, “Tản chụ xống xương”, “Tản chụ xiết xương”,… người Thái rất yêu thích văn nghệ đặc biệt là hát dân ca (Khắp) và múa (Xòe). Trong các bản làng còn khá nhiều người biết hát, họ thường hát khi đi hỏi vợ, làm mối, hát đám cưới, các bài hát này chủ yếu hát theo hình thức ứng tác (vừa hát vừa nghĩ và đặt lời), hát đối, hát giao duyên, hát thơ (theo tác phẩm “sống chụ son sao” – Tiễn dặn người yêu); Hát tiễn hồn người chết...

Người Thái sử dụng nhạc cụ truyền thống chủ yếu: các loại sáo (pí), trống, chiêng, khèn bè, chũm chọe. Dùng sáo, khèn thổi để tỏ tình, đệm cho các bài hát dân ca. Vào những ngày lễ, hội người ta đánh trống, chiêng rộn ràng để múa vòng (xòe vòng). Hiện nay, việc sử dụng nhạc cụ dân tộc chủ yếu là các loại: trống, chiêng, chũm chọe… để làm nhạc đệm cho các điệu xòe. Một số điệu múa truyền thống vẫn được bảo tồn như: múa quạt, múa khăn, múa sạp, múa hoa, múa chai, múa quả bầu, múa nón... Mỗi bản thường có ít nhất từ 01 - 02 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện và biểu diễn, là một trong những môi trường tốt để bảo tồn loại hình di sản này. Điệu múa xòe, múa sạp là những nét nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Thái, được cả nước biết đến.

Người Thái không có nghệ thuật sân khấu, các loại hình ca, múa, nhạc được bảo tồn tương đối tốt, tuy nhiên một số điệu múa đã được cải biên, nâng cao, có sự tiếp thu một số tác phẩm múa của các dân tộc khác: Khơ mú, La ha…các làn điệu dân ca ngày càng ít được sử dụng, xu hướng của thanh niên hiện nay chủ yếu theo hiện đại: Nghe nhạc, hát từ đài, đĩa VCD, DVD, ti vi….

Tập quán xã hội

Bao gồm: luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác. Người Thái có nhiều tập quán xã hội mang đậm bản sắc tộc người. Hiện nay một số tập quán truyền thống vẫn được bảo lưu, một số tập quán đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp:Các luật tục đã được xây dựng thành hương ước để cả bản cùng thực hiện, hàng năm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp ; Các chuẩn mực đạo đức vẫn được giữ gìn: kính trên, nhường dưới, kính người già, yêu trẻ nhỏ… ; Các nghi lễ và phong tục truyền thống được bảo tồn tương đối tốt: lễ đầy tháng, lễ đặt tên, lễ cưới; lễ tang và một số nghi lễ khác…Tuy nhiên, một số phong tục đã được thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ví dụ : của hồi môn trong đám cưới không còn phải chuẩn bị kỹ và nhiều như lễ cưới truyền thống; hình thức ở rể hầu như không còn; thời gian tổ chức đám ma được rút ngắn cho phù hợp với nếp sống mới… Nhưng các bước tiến hành các nghi lễ hầu như vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống.

Lễ hội truyền thống

 Người Thái không có nhiều lễ hội, lễ hội lớn nhất là như Xên Mường hoàn toàn mất hẳn, năm 2008 tỉnh Sơn La có tổ chức phục dựng lại lễ hội Xên Mường La của người Thái đen tại thành phố Sơn La nhưng sau khi phục dựng, lễ hội không được bảo tồn; lễ hội Xên bản: chỉ một số ít bản còn tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần; một vài nơi còn tổ chức lễ hội Xên lẩu nó; Kin pang then, Hết Chá… đây là lễ hội của những người làm nghề thầy mo, thầy thuốc. Hiện nay, ngoài tết nguyên đán của dân tộc, nhân dân các bản đều lấy ngày 18/11 hàng năm (Ngày hội đại đoàn kết toàn dân) làm ngày hội lớn, cả bản tổ chức liên hoan ẩm thực, giao lưu văn hóa văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc…Bên cạnh đó, những năm gần đây, lễ hội Hoa ban được tổ chức hàng năm, kết hợp với lễ hội là các trò chơi dân gian truyền thống được phục dựng như tó má lẹ, ném còn, hội thi thêu khăn piêu… nhằm góp phần duy trì và giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa Thái tới các cộng đồng dân cư khác cùng sinh sống (tuy nhiên, đây không phải là hoạt động được tổ chức tại tất cả các địa phương trong tỉnh nên khả năng lan tỏa chưa đủ lớn)

Nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống của người Thái vốn chỉ phục vụ cho nền kinh tế tự cung, tự cấp, không trở thành sản phẩm để trao đổi, không có các làng bản chuyên về nghề thủ công truyền thống. Do sự chi phối nhiều mặt của nền kinh tế thị trường và cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó phải kể đến sự tiện lợi, hình thức đẹp, giá thành phù hợp của các loại hình sản phẩm thủ công, bên cạnh đó, việc sản xuất các mặt hàng này theo phương thức công nghiệp hiện đại lại có tác dụng giải phóng sức lao động của con người nên hiện nay một số nghề thủ công truyền thống đã và đang bị mai một, đặc biệt là ở vùng I (thị trấn, thành phố).Cụ thể : Nghề đan lát mây tre, đan chài, đan lưới, nghề nhuộm chàm, nuôi tằm, dệt vải còn rất ít gia đình làm, một số rất ít gia đình đi mua sợi và len ở chợ về để dệt thổ cẩm. Mỗi bản chỉ còn lại một vài hộ còn dệt vải. Khăn piêu của người Thái Đen vẫn được thêu nhưng hiện nay chủ yếu dùng sợi len để thêu.Nghề rèn chỉ còn 1-2 hộ/ bản, thậm chí nhiều bản không có hộ nào làm; sản phẩm cũng không nhiều, chủ yếu là sửa chữa các loại dụng cụ đang dùng của gia đình và trong bản. Nghề đan chiếu chỉ còn một vài nhà. Nghề gốm chỉ còn duy nhất 01 gia đình làm tại vùng gốm Mường Chanh nổi tiếng đang làm để giữ nghề chứ không có hiệu quả kinh tế.

Tri thức dân gian

Bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Những tri thức dân gian hiện nay ít được sử dụng do đã áp dụng khá nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ vào lao động sản xuất: Tri thức về lao động sản xuất: Kỹ thuật dẫn thủy nhập điền vẫn được bảo tồn song song với việc tiếp thu kỹ thuật dẫn nước hiện đại; Về y dược học cổ truyền: Ngoài việc đến bệnh viện thì vẫn còn một số người biết bốc thuốc nam chữa bệnh, một số hộ gia đình vẫn cúng ma, gọi hồn khi bị đau ốm, đặc biệt là những gia đình gặp chuyện không may mắn. Về sử dụng lịch Thái: Hiện nay đa số người Thái vẫn sử dụng lịch của mình để xem ngày cúng cơm cho bố mẹ, ngày cưới hỏi, làm nhà…tuy nhiên chỉ có những người biết chữ Thái, thầy mo mới biết xem ngày, tháng cụ thể, còn những người bình thường chỉ xem theo trí nhớ của mình để cúng cơm…

Về ẩm thực

Người Thái có rất nhiều món ăn đặc sắc được chế biến từ lương thực, thực vật; động vật, thủy sản… ngoài ra họ còn dùng nhiều loại côn trùng để chế biến món ăn: dế mèn, châu chấu, bọ sít, niềng niễng… Họ có nhiều phương thức để chế biến các món ăn: Nướng, đồ, làm khô, làm mắm…họ cũng dùng rất nhiều loại gia vị để chế biến món ăn, vừa ngon miệng, vừa đảm bảo sức khỏe. Ẩm thực của người Thái được bảo tồn tương đối tốt về cả cách thức chế biến, các loại thực phẩm, gia vị lẫn phong cách đón tiếp khách. Người Thái vẫn yêu thích các món ăn của dân tộc mình và tự nguyện gìn giữ, bảo tồn. Hiện nay, một số món ăn của người thái đã trở thành các sản phẩm để giới thiệu tại các nhà hàng, khách sạn, phục vụ khách du lịch đến Sơn La và được quảng bá ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, một số gia đình không còn giữ gìn cách chế biến truyền thống trong các bữa ăn hàng ngày, kể cả trong tiếp đón khách, thậm chí các món ăn trong đám cưới cũng đã tiếp nhận ảnh hưởng “đậm đặc” phong cách ẩm thực của người Kinh.

Biến đổi trong món ăn của người Thái có xu hướng đáp ứng tính tiện dụng và sự đổi thay về sản xuất, thị trường và môi trường tự nhiên. Nguồn lương thực và thực phẩm thay đổi khiến cơ cấu bữa ăn và món ăn của người dân cũng thay đổi. Nhiều món ăn truyền thống mất đi do không còn nguyên liệu, nhất là những món ăn khai thác từ tự nhiên. Một số món ăn ít được chế biến do cầu cầu kỳ, tốn thời gian.