Sau Chiến dịch Tây Bắc, phần lớn đất đai Tây Bắc đã được giải phóng. Trên địa bàn Tây Bắc, thực dân Pháp chỉ còn chiếm đóng Thị xã Lai Châu và khu vực Nà Sản. Mặc dù vậy, chúng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu tái chiếm và duy trì thống trị lâu dài đối với địa bàn quan trọng này. Nhằm chiếm lại các địa bàn đã mất, thực dân Pháp một mặt ra sức củng cố hai vị trí Nà Sản và Thị xã Lai Châu; mặt khác tăng cường tổ chức các cuộc càn quét vào các khu vực trọng yếu. Tại những vùng kiểm soát được, chúng tái lập ngụy quyền; thực hiện âm mưu gây phỉ ở các địa phương khác để phá hoại hậu phương kháng chiến. Chúng tung tay chân cài cắm vào các xã đội, ủy ban xã, công an xã, cơ quan giao thông… để lấy cắp tài liệu, moi tin tức, chia rẽ đội ngũ cán bộ, tập hợp lực lượng, chờ thời cơ nổi dậy chống phá. Để bù vào số quân bị thiếu hụt, thực dân Pháp tăng cường đôn quân, bắt lính, tổ chức các đơn vị địa phương quân, mở rộng chiến tranh gián điệp một cách tinh vi hơn.

Kết hợp với các hoạt động quân sự, thực dân Pháp còn sử dụng những thủ đoạn chính trị thâm độc, như nêu cao chiêu bài độc lập, dân chủ giả hiệu, lợi dụng tôn giáo, mê tín và trình độ nhận thức còn lạc hậu của đồng bào để tuyên truyền, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo theo chúng và gây chia rẽ giữa các dân tộc. Chúng dùng ruộng đất để khống chế, ép buộc những gia đình có thanh niên phải đi lính cho phỉ; thậm chí còn đe dọa “nếu ai không đi lính cho phỉ thì sẽ bị giết”. Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, một số cơ sở kháng chiến bị vỡ; một số đồng bào buộc phải tham gia các tổ chức của địch, phải đi phu, vào lính, hoạt động cho địch. Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với các địa phương Tây Bắc vừa phải nhanh chóng tiếp quản, làm chủ vùng mới giải phóng; vừa phải chủ động, tích cực đấu tranh với những âm mưu, hành động của địch, bảo vệ nhân dân.

Với chiến thắng Tây Bắc 1952, đại bộ phận đất đai và nhân dân Tây Bắc đã được giải phóng. Đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp và tay sai, có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến. Sau chiến dịch, các địa phương Tây Bắc khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ củng cố vùng mới giải phóng: đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng; phát triển lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích; khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa. Các địa phương ra sức giải quyết nạn đói, hỗ trợ nhân dân tăng gia sản xuất, sớm ổn định cuộc sống mới.

Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Tây Bắc, chỉ một thời gian ngắn, tình hình Tây Bắc đã thay đổi căn bản. Mới đó không lâu, khi Chiến dịch Tây Bắc vừa mở màn, các chiến sĩ của Đại đoàn 312 đã bắt gặp cảnh: “Anh em lại được gặp các mẹ, các chị, các em nô nức ra gặp bộ đội. Người nào cũng tiều tụy, rách rưới, gầy như xác ve. Đồng bào cho biết mấy tháng nay chỉ toàn ăn củ rừng, nhưng củ rừng đào mãi cũng hết. Một cụ già ở Bản Vàng kể, nhân dân đói đã ba tháng nay vì không cấy được ruộng, không đi được nương. Mỗi năm Pháp bắt dân đi phu 11 tháng. Đàn ông còn sức lực chúng bắt đem đi, đàn bà đêm nào cũng phải lên đồn làm đồ chơi cho bọn quan lính trên đồn…”[1]. Dọc đường chiến dịch, đến đâu các chiến sĩ cũng chứng kiến cảnh đói nghèo: “Nhìn nắm cơm của dân chỉ thấy một màu nâu xỉn cứng như nắm gỉ sắt. Hỏi nhân dân ăn gì? Dân vừa khóc vừa nói ăn củ nâu. Hỏi củ nâu chát thế ăn làm sao? Sao không đào củ mài mà ăn? Bà con trả lời củ mài nằm sâu lắm không có sức đào”[2]. Ngay cả một vùng trù phú, màu mỡ như cánh đồng Phù Yên - 1 trong 4 cánh đồng lớn của vùng Tây Bắc[3] thì dưới chế độ cai trị của thực dân và tay sai cũng chỉ còn là cảnh tượng: “Cánh đồng Phù Yên bằng phẳng dài hàng chục ki-lô-mét chỉ toàn một màu tro xám đến rợn người”[4]. Vậy mà chưa đầy 4 tháng sau Chiến dịch Tây Bắc, trên đường hành quân tham gia Chiến dịch Thượng Lào, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã cảm nhận được không khí, cảnh vật, con người Tây Bắc khác hẳn: “Trên cánh đồng Quang Huy, quang cảnh phục hồi ruộng hoang hóa làm phấn chấn lòng người. Đêm đến, trên cao nguyên Mộc Châu mù sương, đồng bào thắp đuốc gọi nhau đi họp. Sự hồi sinh kỳ diệu của Tây Bắc thật nhanh chóng”[5]. Rõ ràng, sức mạnh của kháng chiến, niềm vui được giải phóng đã mang lại cho vùng đất Tây Bắc và con người nơi đây sức sống mới. Đó là khí thế mới, điều kiện mới để đồng bào các dân tộc quyết tâm xây dựng lại bản mường, tiếp tục đóng góp cho kháng chiến.

Trong khi các địa phương Tây Bắc đang tích cực ổn định tình hình sau giải phóng, thì các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mới. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc đã vượt ra ngoài biên giới nước ta; vùng giải phóng của ta đã mở đến sát Thượng Lào. Vừa mới đây, địa bàn này còn là hậu phương an toàn của địch, nay đã bị uy hiếp trực tiếp. Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp tốt hơn với Chính phủ và quân đội kháng chiến Lào. Ngay sau Chiến dịch Tây Bắc, một số đơn vị bộ đội Việt Nam đã được cử sang phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Pathet Lào. Trên đường từ chiến trường Tây Bắc trở về căn cứ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc tranh thủ thời gian trước mùa mưa, đưa bộ đội chủ lực sang giúp bạn giải phóng một phần đất đai ở Thượng Lào, mở rộng chỗ đứng chân cho Chính phủ kháng chiến Lào trên một địa bàn tiếp giáp với vùng Tây Bắc mới giải phóng của ta. Sầm Nưa - tỉnh tiếp giáp với Sơn La và Thanh Hóa của Việt Nam đã từng được lãnh đạo hai nước bàn bạc và thống nhất chọn làm mục tiêu giải phóng khi thời cơ đến.

Mùa Xuân năm 1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định đưa quân đội Việt Nam sang phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công Sầm Nưa. Mục đích chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng những căn cứ du kích, tạo lập hậu phương, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào phát triển, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng của địch.

Ngày 9/4/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh vượt biên giới đến vị trí tập kết. Ngày 12/4/1953, phát hiện các đơn vị đi đầu của ta cách Sầm Nưa gần một ngày hành quân, Tướng Xalăng vội ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở thị xã rút chạy. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Từ phương án vận động bôn tập từ xa đến bao vây, đánh địch trong công sự vững chắc, bộ đội ta đã thích ứng với tình huống mới, nhanh chóng chuyển sang thực hiện phương án vận động truy kích tiêu diệt địch, bắt đầu từ ngày 13/4/1953.

Trải qua hơn một tháng vận động truy kích (từ ngày 13/4/1953 đến ngày 18/5/1953), Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch (bằng 1/5 tổng số lực lượng của địch ở Lào); giải phóng một khu vực rộng 4.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ (chiếm 1/5 diện tích Bắc Lào) với hàng chục vạn dân. Với những kết quả đó, chiến dịch đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra, góp phần đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước quan trọng, đẩy thực dân Pháp lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào ghi nhận đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù là vùng tạm chiếm trong suốt những năm tháng chống thực dân Pháp tính đến trước khi được giải phóng (tháng 12/1952), trình độ kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và lạc hậu, lực lượng kháng chiến còn mỏng và yếu nhưng đây lại không phải là lần đầu tiên đồng bào các dân tộc Tây Bắc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả là giúp đỡ cách mạng Lào. Với đặc điểm tiếp giáp với các tỉnh Bắc Lào, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư, văn hóa,…. nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tây Bắc đã được chọn là địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến Lào. Sự ra đời của Ban xung phong Lào Bắc (tháng 5/1948) do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chỉ huy trưởng là bước khởi đầu để xây dựng lực lượng và cơ sở kháng chiến ở các tỉnh Bắc Lào. Ban xung phong Lào Bắc quyết định chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài), huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La làm địa bàn đứng chân để từ đó tiến sâu vào vùng Bắc Lào. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân bản Phiêng Sa đã hết lòng ủng hộ về lương thực, thực phẩm, tiền của để Ban xung phong Lào Bắc mua sắm vũ khí; giữ bí mật cho hoạt động của Ban. Được sự đùm bọc, che chở của đồng bào dân tộc Mông bản Phiêng Sa, đặc biệt là gia đình Cụ Tráng Lao Khô - người vừa là giao thông viên dẫn đường, vừa bảo vệ đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Ban xung phong Lào Bắc có cơ sở vững chắc để từng bước thâm nhập vào các bản làng thuộc khu vực tả ngạn sông Mã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân các bộ tộc Lào, tiến tới lập căn cứ cách mạng. Đến tháng 10/1948, Ban xung phong Lào Bắc đã gây dựng được cơ sở ở 44 bản, gồm 333 gia đình với số dân hơn 1.500 người. Vùng này được xây dựng thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn[6]. Từ đó, lực lượng kháng chiến Lào từng bước được xây dựng, phát triển.

Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Tây Bắc, trực tiếp là đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã tích cực phối hợp với hoạt động của các đơn vị tham gia chiến dịch. Để phân tán sự chú ý và đối phó của địch, hỗ trợ các hoạt động của bộ đội chủ lực, trước và trong thời gian diễn ra chiến dịch, quân và dân Tây Bắc đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Bộ đội địa phương và dân quân du kích đã kiên cường chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của địch. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Bắc đã chủ động tổ chức tiễu phỉ. Việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên địa bàn Tây Bắc, nhất là khu vực quanh Nà Sản và Thị xã Lai Châu còn có tác dụng kìm chân địch, không cho chúng có cơ hội, điều kiện tăng cường, ứng cứu cho các lực lượng ở Thượng Lào.

Trên phương diện hậu cần, sau những chiến thắng liên tiếp giành được trên chiến trường rừng núi trong các chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), Tây Bắc (14/10/1952 - 10/12/1952), Chiến dịch Thượng Lào là chiến dịch đầu tiên quân đội ta tổ chức trên chiến trường nước bạn Lào, rất xa hậu phương. So với Nà Sản thì đường tiếp tế từ hậu phương tới Sầm Nưa dài gấp đôi. Do đó, yêu cầu đối với công tác hậu cần cũng cao hơn so với các chiến dịch trước đó. Để đáp ứng yêu cầu trên, công tác chuẩn bị hậu cần đã được tính toán và chuẩn bị kỹ. Trên hướng chính của chiến dịch, Tổng cục Cung cấp bố trí các kho, trạm ở khu vực Mộc Châu, Vạn Mai sau đó chuyển dần vào Sốp Ban, Sốp Hào bảo đảm cho các lực lượng tiến công Sầm Nưa. Liên khu 4 bảo đảm hậu cần cho cánh quân đánh Xiêng Khoảng theo Đường số 7; còn hướng Mường Sài đảm bảo cho Trung đoàn 148 do bạn Lào đảm nhiệm. Hơn 80 ô tô, 880 thuyền, hơn 2.000 xe đạp và 180 ngựa thồ được huy động vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch. Kết quả, trên cả hai hướng, hậu cần đã cung cấp cho bộ đội được hơn 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt và 190 tấn thực phẩm khác, bố trí 166 tấn vũ khí, cứu chữa 490 thương binh. Từ trung tuyến trở ra đã sử dụng hơn 62.500 dân công, quy thành 2.535.000 ngày công, chưa kể phần Hội đồng Cung cấp Mặt trận chuyển từ hậu phương tới trung tuyến[7]. Có thể nói, công tác đảm bảo hậu cần - kỹ thuật trong Chiến dịch Thượng Lào đã có sự tiến bộ lớn về tổ chức và chỉ huy, phương thức đảm bảo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được tình huống đột biến của chiến dịch mà không có sự chuẩn bị trước.

Xét về điều kiện huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch, Tây Bắc “cũng là một khu vực rừng núi mới được giải phóng, kinh tế nghèo nàn, nhân dân chưa quen phục vụ chiến dịch. Khả năng huy động nhân vật lực ở Tây Bắc rất hạn chế, cho nên chủ yếu phải dựa vào Liên khu 3 - 4 và Việt Bắc”[8]. Trên thực tế, hậu cần chiến dịch được huy động chủ yếu từ hai tỉnh Thanh Hóa (phục vụ hướng chính Sầm Nưa) và Nghệ An (phục vụ hướng phối hợp Xiêng Khoảng). Mặc dù vậy, với vai trò là hậu phương trực tiếp, các tỉnh Tây Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Thượng Lào. Theo số liệu thống kê chính thức được ghi nhận, mặc dù mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng quân và dân các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động được 34.650 dân công phục vụ chiến dịch từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô và 12 tấn đường[9]. Những số liệu tổng hợp nêu trên đã góp phần khẳng định đóng góp quan trọng của các tỉnh Tây Bắc cho Chiến dịch Thượng Lào. Đáng chú ý, trong phong trào thi đua tăng năng suất, vượt mức kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch, đoàn dân công Văn Chấn (Yên Bái) cùng với đoàn thuyền Thanh Ba (Phú Thọ), đoàn dân công Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Nghi Thuận (Nghệ An), đoàn xe đạp thị xã Thanh Hóa,… đã đoạt được giải thưởng “Thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh[10]. Công tác quân nhu cũng ghi nhận đóng góp tích cực của các đội dân công chủ lực như Văn Chấn, Văn Bàn đã kịp thời chuẩn bị kho, lán đầy đủ, đảm bảo để tập kết hàng hóa, trang thiết bị[11].

Trong những đóng góp chung của nhân dân Tây Bắc, không thể không nói tới những đóng góp của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu. Trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, Mộc Châu giữ vị trí quan trọng đặc biệt: là nơi đóng đại bản doanh của Sở Chỉ huy tiền phương, nơi tổ chức Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến chiến dịch trong 2 ngày 5/4 và 6/4/1953 trước khi các đơn vị xuất phát tới mặt trận. Sau Chiến dịch Tây Bắc, các đại đoàn chủ lực của ta như Đại đoàn 308, 312 và một bộ phận của Đại đoàn 316 được lệnh tập kết tại Mộc Châu để tham gia hướng chính chiến dịch, qua Pa Háng tiến đánh Sầm Nưa. Huyện Mộc Châu trở thành căn cứ đứng chân đầu tiên, là điểm xuất phát và là tuyến trung chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến dịch. Cùng với Vạn Mai, Mộc Châu là điểm tập kết của binh trạm vận tải, tổng kho vũ khí, tổng kho gạo, đội điều trị quân y,… trước khi đưa tới hỏa tuyến. Với tình nghĩa keo sơn hữu nghị Việt - Lào, với tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mộc Châu tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến[12].

Đó là những đóng góp hết sức quan trọng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đặt trong bối cảnh vừa mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhiều nơi vừa mới trải qua nạn đói mới thấy hết ý nghĩa, sự cố gắng, quyết tâm của đồng bào qua những hoạt động hưởng ứng, phối hợp, đóng góp cho chiến dịch; thể hiện tinh thần cách mạng và niềm tin của nhân dân với sự nghiệp kháng chiến. Đó cũng là cội nguồn tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, tình hữu nghị kề vai sát cánh của hai dân tộc Việt - Lào, góp phần tô thắm thêm mối tình thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc anh em./.

 

[1] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.229-230.

[2] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.237.

[3] Câu “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc” để nói về 4 cánh đồng lớn ở Tây Bắc, gồm: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), Than Uyên (Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La).

[4] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.237.

[5] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.260.

[6] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2002), Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945 - 1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr.143.

[7] Ban Khoa học Hậu cần (1984), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953 (Phần bổ sung), Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.33.

[8] Ban Khoa học Hậu cần (1984), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953 (Phần bổ sung), Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.6.

[9] Viện Sử học (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945 - 1954), Nxb Khoa học Xã hội, tr.412-413.

[10] Ban Khoa học Hậu cần (1982), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.26.

[11] Ban Khoa học Hậu cần (1982), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.29.

[12] Huyện Mộc Châu đã huy động và cung cấp 1.000 tấn trong tổng số gần 7.000 tấn lương thực, thực phẩm (chiếm khoảng 15% khối lượng lương thực, thực phẩm) phục vụ chiến dịch (xem thêm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La (1995), Sơn La - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, tr.147).