Hang Chú là xã vùng cao của huyện Bắc Yên nằm cách Trung tâm huyện lỵ 52km về phía Tây Bắc, với 100% là người Mông sinh sống. Người Mông có lịch sử cư trú lâu đời tại xã, là tộc người có một nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc được thể hiện trong đời sống với nhiều phong tục, nhiều điệu múa hay, kho tàng truyện cổ tích, thần thoại,... đặc biệt là nghề rèn bằng phương pháp thủ công. Nghề tồn tại từ đời này qua đời khác tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mông xã Hang Chú, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thành quả lao động của chính cộng đồng người Mông tạo ra.

  1. Nguồn nguyên liệu

            - Với nền kinh tế tự cung tự cấp, mọi đồ vật, dụng cụ lao động do chính cộng đồng tự chế tạo ra phục vụ nhu cầu lao động sản xuất hàng ngày. Việc tìm nguyên liệu cho nghề rèn cũng khá đặc biệt, họ thu gom những mảnh bom trong chiến tranh từ các núi đá trong rừng, khi các mảnh bom dần cạn kiệt người Mông thu mua từ nơi khác về sử dụng. Ưu điểm của dụng cụ làm từ mảnh bom là không bị rỉ sét như các loại sắt từ nhíp ô tô, dụng cụ khi sử dụng nhiều có độ sáng trắng, sắc, tỉ lệ ăn mòn thấp, có thể sử dụng trong lao động sản xuất vài chục năm.

  1. Nhiên liệu

            Trước đây khi chưa có than đá, người Mông thường tự tạo nguồn nhiên liệu có trong tự nhiên. Họ vào rừng lấy các loại gỗ trắc mang về chặt nhỏ từng đoạn dài khoảng 20cm phơi khô. Sau đó đào hố rộng 1m, dài 1,2m, sâu 60cm cho củi gỗ vào hố đốt cháy khi nào ngọn lửa cháy hết lấy lá bụi tươi hoặc lá chuối phủ lên bề mặt hố có chứa than củi một lớp mỏng đủ độ kín. Rồi lấy đất, bùn phủ lên trên cùng, ủ một tuần mới dỡ hố lấy than sử dụng làm nhiên liệu cho nghề rèn.

  1. Dụng cụ rèn

- Lò rèn: là loại bếp lộ thiên gồm có 2 phần, phần dưới là trụ vuông cao 60cm, phía trên được cấu tạo bởi 2 ụ đất cách nhau 20cm, ở giữa là để than trong quá trình rèn. Ụ đất phía trái có lỗ đón gió từ ống dẫn gió (người Mông gọi là pun sa) ống giống pít tông để đưa gió vào bếp, ống có hình tròn, đường kính 35cm, dài 1,5m 1 đầu kín có 4 lỗ nhỏ có tác dụng đón hơi. 1 đầu có cần và tay cầm có tác dụng kéo ra để lấy hơi và đẩy gió vào cung cấp gió cho than củi khi rèn, ở giữa thân ống có ống dẫn gió vào bếp giúp cho lượng nhiệt ổn định. Khi rèn người thợ thường đứng, do đó cấu tạo lò như trên để đảm bảo thuận lợi trong quá trình rèn.

- Bếp lò nấu đồng: bếp có 2 phần, phần dưới để thoáng, đón gió từ chiếc bễ, quạt, phần trên được ngăn cách với phần dưới (bầu lò) là các thanh sắt đặt song song tránh để than rơi xuống bầu lò, trên các thanh sắt là lớp than đá (trước kia dùng than củi) rồi mới đến xoong đựng đồng (xoong được làm bằng đá, có màu trắng, không dính, giữ nhiệt và tạo nhiệt tốt, loại đá chỉ có ở xã Hang Chú, huyện Bắc Yên).

- Đồng lá: đồng được mua từ các cơ sở mua bán phế liệu, cửa hàng sửa chữa đồ cũ, loại đồng tốt nhất là đồng nằm trong những chiếc loa hỏng, máy bơm,... dùng để bọc chuôi dao. Công thức pha, nấu đồng là cứ một miếng đồng thô có 50% đồng cứng + 50% đồng mềm + 5 hào bạc trắng (tương ứng 5 đồng tiền bạc). Theo kinh nghiệm của người thợ thì pha với tỉ lệ như vậy sẽ tạo ra những vòng cuốn quanh chuôi dao có màu vàng nhạt, có độ bền cao khi cầm nắm sử dụng.

- Trụ sắt: được làm bằng sắt cứng, một đầu gắn xuống đất, hoặc tấm gỗ, một đầu ngửa lên để khi rèn người thợ đặt vật muốn rèn lên để tạo hình.

- Búa: Búa được làm bằng sắt đặc, chuôi bằng gỗ, có nhiều loại to nhỏ, kích thước khác nhau. Búa dùng để đập sắt khi tôi và tạo hình cho vật dụng có độ dày, mỏng to nhỏ khác nhau.

- Kìm sắt: được làm bằng sắt, thép, có tác dụng gắp, cặp, kẹp các thanh sắt, đồ vật khi rèn. Ngoài ra còn có các dụng cụ khác như ống khều than và xúc bỏ than đã cháy hết trong lò tạo thông thoáng cho lò rèn. Người Mông khi rèn bên cạnh lò lúc nào cũng có một ống tre đựng nước dùng để làm nguội sản phẩm khi rèn. Ngoài các dụng cụ chính còn có các loại dụng cụ khác như dũa, đá mài…

  1. Kỹ thuật rèn

            - Tạo hình sản phẩm: Nghề rèn của người Mông cần 2 người, một người rèn chính có nhiệm vụ tạo hình sản phẩm thong qua kìm kẹp, búa và trụ sắt; một người dùng tay đẩy, kéo quạt gió giữ cho ngọn lửa trong lò đảm bảo lượng nhiệt thường xuyên, ngoài ra, còn xúc sỉ than và bổ xung thêm than vào lò. Trước khi rèn, người thợ cho một lượng than vừa đủ vào lò rồi nhóm lửa, dùng quạt gió đẩy gió vào cho than cháy hồng. Đồng thời dùng đột sắt đột lấy lượng sắt vừa đủ với nhu cầu cũng như kích thước của dụng cụ như dao, cuốc,… cho vào lò nung, nung đến khi nào miếng sắt đỏ thì dùng kìm kẹp lấy ra đặt trên trụ sắt rồi lấy búa tạo hình dáng đặc trưng dày mỏng ban đầu cho sản phẩm, phần này mất rất nhiều công sức bởi sản phẩm dày quá thì người thợ phải tán cho mỏng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Trong lúc đạp, tán mỏng sản phẩm cần đều tay, trải đều trên bề mặt sản phẩm, vừa tạo hình vừa đột bỏ các phần thừa của sản phẩm sao cho dụng cụ gọn theo khuôn mẫu. Khi tạo hình phải nhanh tay vì sắt rất nhanh nguội sẽ cứng, khó làm. Đập đi đập lại nhiều lần cho tới khi cứng không còn màu đỏ thì cho tiếp vào lò cho nóng mềm, cứ làm như vậy nhiều lần cho tới khi sản phẩm theo ý muốn mới chuyển qua công đoạn khác.

            - “Tôi” sản phẩm rèn là khâu quan trọng nhất, người Mông ở Hang Chú có nhiều cách tôi khác nhau để tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người sử dụng

“Tôi” sản phẩm bằng nước lạnh: trong các loại sản phẩm thì “tôi” dao là cần nhiều kỹ thuật nhất, người Mông ở Bắc Yên sử dụng cách “tôi” là nước lạnh và sử dụng kinh nghiệm bằng mắt thường để quan sát. Nếu cần thép cứng cần nung thật đỏ sau đó dùng kìm sắt kẹp nhúng vào nước, còn thép mềm chỉ cần nung cho sản phẩm đỏ vừa phải là nhúng vào nước. Mỗi lần tôi diễn ra từ 1 – 2 lần cho sản phẩm thật ưng ý, đảm bảo chất lượng khi sử dụng.

“Tôi” sản phẩm bằng cây chuối tươi: “tôi” bằng cấy chuối tươi (chỉ dùng khi sản phẩm được làm bằng nhíp xe ô tô hoặc thép, sắt của các loại máy ủi, máy xúc) thì người thợ rèn chặt cây chuối trưởng thành, tạo rãnh trên thân cây vừa với sản phẩm, khi nung đỏ, họ lấy sản phẩm khứa đi khứa lại vào rãnh đã tạo sẵn nhằm tạo độ sắc, độ cứng vừa phải. Không để sản phẩm cứng quá và không  giòn quá bởi cứng quá dao hay bị sứt, mẻ còn giòn quá khi chặt cây sẽ bị vỡ những mảnh to ở lưỡi. Trong lúc “tôi” nếu quan sát phần lưỡi ngả màu vàng đất là công đoạn “tôi” sản phẩm đã thành công.

“Tôi” bằng cát: trước khi “tôi”, dùng cát với nước trộn đều, thợ rèn cho rằng nhiệt độ khi “tôi” bằng cát thấp hơn so với hai cách “tôi” trên, lấy dụng cụ từ lò rèn vùi vào cát 2 -3 lần sao cho phần lưỡi của sản phẩm ngả màu vàng là được.

“Tôi” bằng đất sét: lấy ống tre bổ đôi, sau đó lấy đất sét đổ vào ống tre, đổ nước sôi ngập phần đất trong ống, trộn đều với đất dùng để “tôi” dao. Khi “tôi” xong, người thợ tiến hành thử độ sắc của dao mới “tôi” bằng cách chặt các ống tre già hoặc chặt các cây gỗ chắc. Nếu dao bị mẻ, vỡ thì phải “tôi” lại vì chất lượng “tôi” chưa đảm bảo khi thử nghiệm.

- Dũa sản phẩm: sau khi “tôi” chuyển sang khâu dũa, dũa đều trên bề mặt của dụng cụ, lan xuống phía lưỡi sao cho thật sáng, khắc phục các vết lồi lõm trên sản phẩm. Nếu khâu tạo hình ban đầu không kỹ thì ở khâu này mất rất nhiều công để tạo độ phẳng cho sản phẩm. Vì thế, muốn các công đoạn sau nhàn hơn thì khi đập, dàn mỏng thép phải đều tay để các công đoạn sau ít tốn công hơn.

- Làm chuôi dao: chuôi dao được làm bằng gỗ lấy trên núi đá về trồng gần nhà tiện cho việc khai thác và sử dụng. Gỗ làm chuôi dao có thân to, lá nhỏ nhiều cành, ít mắt, gỗ chắc, không mối mọt, không nứt vỡ. Chuôi dao phải thật khô, được cắt từng khúc rồi mới đẽo gọt nhẵn nếu không nhẵn khi sử dụng rễ bị chai tay. Chuôi có sống trên cong thuôn về sau, kích thước chuôi tùy thuộc vào tay cầm của người sử dụng, dao động từ 15 – 25cm. Tiếp theo, người thợ rèn sử dụng bếp lò để nấu đồng tạo các vòng cuốn quanh chuôi dao. Để nấu đồng trước tiên người thợ cho xoong lên bếp lò dùng bễ quạt cho than hồng, đồng thời cho các miếng đồng vào xoong đun 20 - 25 phút, khi các miếng đồng tan chảy thành chất lỏng, dùng kìm gắp xoong đồng đổ vào khuôn tạo các thanh đồng lá thô dài 30cm, rộng 4cm, dày 0,4 cm. Sau đó, người thợ dùng các loại búa, trụ sắt dùng để tán lá đồng thành miếng mỏng, dài dùng để làm vòng cuốn, bọc quanh chuôi dao. Miếng đồng tán mỏng, cắt hình rộng 2cm, dài 7 – 10cm tùy thuộc vào đường kính của chuôi dao sao cho phù hợp và thuận lợi khi gắn lại thành vòng ôm xung quanh, sau đó nung đồng bạc cho tan chảy dùng để gắn, bịt phần giáp nối 2 đầu ôm quanh chuôi dao lại với nhau cho thật chắc chắn.

- Mài sản phẩm: trước tiên dao, dụng cụ được mài với đá có màu trắng trước bởi đá thô ráp sẽ giúp cho dụng cụ nhanh bào mòn, tạo độ sắc ban đầu. Sau đó chuyển qua mài với đá màu xanh, loại đá mài này mịn hơn giúp cho dụng cụ được mài mịn, sắc và đặc biệt không bị mất lưỡi.

- Làm bao dao: công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm (dao mèo) là làm bao dao, bao được làm bằng gỗ pơ mu, hoặc các loại gỗ ít mắt. Bao được ghép bởi 2 miếng gỗ có kích thước lớn hơn dao (từ phần giáp với chuôi cho đến đầu nhọn của dao), bao được khoét rỗng phía trong sau đó ghép lại, đút dao vào nếu chưa vừa cần khoét tiếp để dao có thể khít với bao dao sau khi hoàn thiện. Lấy lá đồng và đồng bạc (tương tự như làm chuôi dao) bịt lại cho kín. Người thợ rèn lấy dây rừng hoặc vải lanh cuốn quanh bao, thắt nút lại, để thừa hai đầu 40 – 50cm dùng thắt ngang eo mỗi khi sử dụng vào việc lao động.

  1. Các loại hình sản phẩm

- Dao rựa: (còn gọi là dao mèo), dao thường dùng cho đàn ông khi đi săn bắt, đi đường, đi rừng, giết mổ gia súc hoặc được dùng khi làm cỗ bàn, bếp núc,… dao dài 50 cm, một đầu nhọn 9cm, phần chuôi và lưỡi 30cm. Bao dao được làm bằng gỗ pơmu dài 38cm rộng 8cm và được bọc bởi 4 đai đồng có dây buộc 100cm - 110cm để buộc ngang thắt lưng khi sử dụng cho an toàn. Dao có nhiều loại có kích thước khác nhau nhưng thông thường có độ dài 15cm, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dân.

- Cuốc: người Mông rèn phẳng to bản ở phần lưỡi và một thanh nhỏ phía trên để tra vào cán rồi dùng cây chêm vào lỗ cho chắc. Không đánh vòng tròn để tra cán, lưỡi cuốc sâu phù hợp với việc cuốc cỏ danh, cuốc đất trồng ngô, tra sắn, dẫy cỏ, tạo bờ cho ruộng,... cuốc có 2 phần: cán là một đoạn được đánh từ gốc rễ cây tre hoặc thân cây gỗ dài 1.4m, lưỡi cuốc cao 20cm, độ rộng của lưỡi 22cm.

- Thuổng: trong gia đình người Mông thuổng được dùng nhiều trong lao động, sản xuất như việc đào sắn, đào măng, đào củ mài, đào dúi, đào cọc vườn, đào hố, đào dế mèn, nhái ở ruộng nứt nẻ khô. Do đó, mỗi thành viên khi lao động sản xuất thường mang theo một cái thuổng. Tùy từng công việc sử dụng mà thuổng được đánh to hay nhỏ hoặc tra cán dài hay ngắn cho phù hợp.Thuổng có lưỡi hình bán nguyệt phía trên có lỗ tròn để tra cán. Cán dài 1m, lưỡi hình tròn trăng khuyết dài 26cm, phần tra cán hình tròn đường kính 4.5cm – dài 10cm.

- Liềm: người Mông cũng trồng lúa nước và hình thức thu hoạch lúa cũng gặt đại trà và bảo quản sau thu hoạch giống với người Thái. Do đó, liềm thường được sử dụng để gặt lúa. Số liềm thường dùng tương đương với số lượng lao động chính trong gia đình. Ngoài ra, liềm còn được dùng để cắt gianh lợp nhà, cắt cỏ cho trâu, bò. Liềm được đánh cong hình trăng non, có tra cán giống chuôi dao. Chuôi dài 12cm, có bọc thép để tra cán được chắc, lưỡi cong 16cm.

  1. Kết luận

Nghề rèn là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc sắc của người Mông ở Sơn La. Nghề rèn không thể thiếu bởi nó đã tạo ra các công cụ để đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Sản phẩm của nghề rèn rất đa dạng và phong phú thích hợp cho việc canh tác trống lúa nước. Làm nương làm rẫy trên địa hình núi cao đất dốc. Ngoài ra, sản phẩm nghề rèn còn được coi là vật thiêng liêng mang ý nghĩa tâm linh như dao nhọn dùng trong việc cúng tế đưa ma, dao kiếm dùng đuổi ma tà. Mặc dù ngày nay, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn nhưng các giá trị văn hóa dân gian truyền thống vẫn được bảo lưu, giữ gìn và phát huy. Trong số rất nhiều những yếu tố văn hóa độc đáo đó, nghề rèn thủ công truyền thống là một loại hình không thể thiếu, làm nên những yếu tố đặc sắc trong văn hóa của tộc người. Đồng thời thông qua đó, góp phần nghiên cứu cách thức tư duy cũng như đặc trưng của tộc người. Sản phẩm rèn hội tụ trình độ kỹ thuật, thẩm mỹ, óc sáng tạo, là nơi lưu giữ và thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Mông.

Bễ dùng kéo gió vào lò 

Đồng lá tán mỏng dùng để thắt quanh chuôi và bao dao

Trụ sắt dùng để tạo hình sản phẩm

các loại kìm và búa


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC