Xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh nhân lực giữa các vùng miền, nhằm phát huy nguồn nhân lực dồi dào của khu vực đồng bằng khai thác tiềm năng kinh tế của khu vực miền núi, qua đó phát triển kinh tế, văn hóa miền núi “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (tháng 9-1969) đã đề ra chủ trương vận động nông dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên khai hoang tại các tỉnh trung du và miền núi. Thực hiện chủ trương đó, các tỉnh đồng bằng có mật độ dân số đông, bình quân diện tích đất canh tác hạn chế như Thái Bình, Hưng Yên đã tích cực hưởng ứng, khẩn trương triển khai công tác tổ chức đưa nhân dân đi khai hoang, phát triển kinh tế miền núi, lựa chọn địa bàn Tây Bắc để thực hiện công tác thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi đó, Khu Tự trị Thái - Mèo và tỉnh Sơn La với đặc thù là địa phương có mật độ dân số thưa thớt nhất trên miền Bắc, diện tích đất đai rộng lớn nhưng thiếu lực lượng lao động, cũng chủ động, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng tiếp nhận nhân lực lên khai hoang. Chính quyết tâm của Trung ương Đảng cùng với sự chủ động, tích cực của các địa phương đã mở đầu cho một cuộc vận động cách mạng lớn trên toàn miền Bắc trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX - cuộc vận động“Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”.

Tháng 11-1960, tỉnh Hưng Yên cử một đoàn cán bộ lên làm việc với lãnh đạo Khu Tự trị Thái - Mèo đặt vấn đề phối hợp thực hiện thăm dò, điều tra địa điểm và xây dựng kế hoạch tổ chức đưa lực lượng lên khai hoang, phát triển sản xuất. Theo dự định của hai bên, đợt điều chỉnh nhân lực đầu tiên tỉnh Hưng Yên sẽ chuyển lên 1.000 xã viên, xây dựng cơ sở khai hoang ở 3 địa điểm thuộc 3 xã Chiềng Sinh (Mường La), Chiềng Mung (Mai Sơn) và Chiềng Ve (Thuận Châu). Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và Tỉnh ủy Hưng Yên thống nhất điều chỉnh phương án bố trí lực lượng khai hoang tập trung vào một khu vực từ Nà Sản đến Ngã ba Mai Sơn để thuận lợi cho công tác chỉ đạo.

Ngày 5-12-1960, Ban Tuyên huấn Khu ủy Tây Bắc ban hành Kế hoạch số 86/HC-TH tuyên truyền giáo dục về việc điều chỉnh nhân lực xây dựng mở mang khu tự trị tiến lên CNXH. Tiếp đó, ngày 26-12-1960, Ban Chấp hành Khu ủy Tây Bắc ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TB về đề án điều chỉnh nhân lực miền xuôi lên góp phần củng cố, mở mang Khu Tự trị. Khu Tự trị Thái - Mèo đã cử một đoàn văn công của Khu về tận tỉnh Hưng Yên để biểu diễn chào mừng. Qua các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ, nhân dân Hưng Yên cảm nhận về một vùng đất Tây Bắc gần gũi, ấm áp tình người, thấy được nơi mình sắp đến khai hoang không phải là “đất lạ quê người”, qua đó thêm phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm. Đó là sự cổ vũ, khích lệ lớn đối với những người chuẩn bị lên đường xây dựng quê hương mới. Đồng thời, tại Mai Sơn - địa bàn chuẩn bị đón tiếp đợt đầu tiên nông dân đồng bằng lên tham gia phát triển kinh tế miền núi, nhiều cán bộ đã được cử xuống từng bản để báo tin, giải thích chủ trương của Đảng, Chính phủ và của Khu, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng. Để chuẩn bị tiếp đón đồng bào khai hoang, các hợp tác xã địa phương tổ chức họp xã viên, bàn việc giúp đỡ. Nhiều hợp tác xã quyết định nhường một phần diện tích nương đồi, kể cả ruộng nước đang sản xuất tặng cho đồng bào khai hoang; quyết định cho không một số trâu bò, bán chịu trả dần một số con, số nào phải trả tiền ngay thì chỉ tính giá phải chăng. Không khí chuẩn bị đón tiếp đồng bào khai hoang được tác giả Hoàng Bắc miêu tả: “Từng xóm, từng bản nhộn nhịp chuẩn bị chờ đón đồng bào miền xuôi lên, y như hồi mới giải phóng, mọi người náo nức chờ đón bộ đội Cụ Hồ vậy. Mỗi xóm, mỗi xã đều có tổ chức ban đón tiếp” [3;4].

Về phía tỉnh Hưng Yên, ngay từ khi phát động phong trào, ngày 12-12-1960, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, thảo luận và quyết định một số phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo công tác khai hoang, cử đồng chí Bùi Ân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách hợp tác xã khai hoang thí điểm trên Tây Bắc. Căn cứ tình hình đất đai và tính chất của đợt thí điểm, để đảm bảo thành công, lãnh đạo tỉnh xác định “chỉ huy động đi 1.000 người” [2;2]. Để giúp đỡ lực lượng đi khai hoang, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần “tự lực cánh sinh”, tỉnh Hưng Yên đã phát động phong trào “xẻ người, xẻ của”, vận động các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyên góp tiền bạc, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất ủng hộ người đi. Lãnh đạo tỉnh cũng quyết định trích quỹ của địa phương để hỗ trợ những người đi khai hoang. Đồng bào đi khai hoang được chăm lo chu đáo, “Từ những đồ dùng cần thiết như chăn, màn, áo ấm, cho đến các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, mai, cuốc, giống, vốn, vân vân... đều được các hợp tác xã sắm sửa cho đầy đủ” [4;57].

Sau một thời gian chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và các điều kiện vật chất, tỉnh Hưng Yên tiến hành đưa xã viên lên xây dựng cơ sở khai hoang thí điểm tại Sơn La. Tính đến tháng 1-1961, công tác chuyển dân thực hiện qua 2 đợt: đợt thứ nhất vào tháng 12-1960, đợt thứ hai vào tháng 1-1961. Tổng số xã viên tham gia qua 2 đợt là 1.168 người, được tập hợp từ 9 huyện trong tỉnh (Văn Lâm, Phù Cừ, Mỹ Hào, Ân Thi, Tiên Lữ, Yên Mỹ, Kim Động, Văn Giang, Khoái Châu), gồm 987 thanh niên, trong đó có 480 đoàn viên thanh niên lao động, 256 đảng viên, 24 cán bộ thoát ly gồm 1 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 9 huyện ủy viên và 3 cán bộ tương đương, một số cán bộ các ngành chuyên môn và đoàn thể [7;2]. Lực lượng trên đây được tổ chức thành một hợp tác xã cấp cao lấy tên Hoàng Văn Thụ - tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung của dân tộc. Phạm vi của hợp tác xã Hoàng Văn Thụ được bố trí dọc theo đường số 6, xen kẽ với đồng ruộng của 4 xã gồm 2 xã Chiềng Ban, Chiềng Mung thuộc châu Mai Sơn và 2 xã Chiềng Sinh, Chiềng Chung thuộc châu Mường La, trên một diện tích rộng với chiều dài 16 km và chiều ngang 3 km.

Tại địa điểm khai hoang, đồng bào đã được Khu ủy Tây Bắc, trực tiếp là cấp ủy Đảng, chính quyền châu Mai Sơn đón tiếp chu đáo. Khu ủy Tây Bắc đã phân công một đồng chí Khu ủy viên và Châu ủy Mai Sơn phân công hai đồng chí Châu ủy viên trực tiếp cùng ban lãnh đạo của tỉnh để giải quyết những việc cần thiết. Khu ủy đã cung cấp cho đồng bào khai hoang những vật dụng sau:

“Về thức ăn: gạo tẻ 6 tấn 9, gạo nếp 4 tấn, ngô 2 tấn, sắn 11 tấn 15 cân, khoai môn 5 tạ 9, muối 2 tạ, tôm khô 2 tạ, mắm tôm 400 cân, nước mắm 10 thùng, mỡ nước 40 cân, lợn 42 con (841 cân thịt).

Về dụng cụ và dụng cụ sản xuất: chảo gang 33 cái, thùng đựng nước uống 9 cái, phuy đựng nước ăn 4 cái, thùng để thổi xôi 7 cái, bát to 300 cái, đĩa to 300 cái, chậu men xới cơm 92 cái, bát con ăn cơm 1.000 cái, đèn con 300 cái, đèn bão 30 cái, xanh đồng và soong to 15 cái, muôi múc 150 cái, chiếu 580 chiếc, 12 con dao và một số thớt.

Dụng cụ sản xuất: 100 con trâu, 210 con dao chặt, 150 cái xẻng, 450 bồ cào, 10 thùng tưới, 30 xà beng, 102 cuốc bướm, 15 cưa con, 9 cưa xẻ, 5 cái bào, 10 rũa cưa, 9 cái kìm, 3 cái đe, 14 choòng đục đá, 110 cái đục các loại” [1;2].

Hoàng Văn Thụ chính là hợp tác xã khai hoang thí điểm đầu tiên trên miền Bắc của nông dân đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”. Sự thành lập hợp tác xã Hoàng Văn Thụ đặt một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp củng cố, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với vai trò tiên phong trong phong trào khai hoang xa, tham gia phát triển kinh tế miền núi, hợp tác xã Hoàng Văn Thụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng chiếc máy cày Đông Phương Hồng để phục vụ sản xuất. Đó là kỷ vật vô cùng giá trị, có ý nghĩa động viên to lớn đối với cán bộ, xã viên hợp tác xã Hoàng Văn Thụ; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ với những đồng bào khai hoang đầu tiên.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, hợp tác xã Hoàng Văn Thụ đã nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất, phấn đấu tự túc lương thực. Ngay trong năm 1961, hợp tác xã đã khai hoang được 437 ha, trồng trọt được 574 ha (cả tăng vụ), thu hoạch bình quân 370 kg lương thực (riêng thóc 170 kg); bình quân 1 công lao động đạt 1,0 đồng, bình quân thu nhập 205,29 đồng [5]. Đó là những thành tích đầu tiên của lá cờ đầu trong phong trào khai hoang xa trên quê hương mới, là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ đối với những đồng bào khai hoang vừa mới “chân ướt chân ráo” lên Tây Bắc. Những kết quả đầu tiên đó đã khẳng định trên thực tế: “có khả năng để đưa dân lên khai phá miền núi Tây Bắc và khi khai phá có kết quả tốt thì đời sống nhân dân càng no ấm, nền kinh tế của Tây Bắc ngày càng phát triển” [6;14]. Đồng thời, những thành công, hạn chế trong bước đầu thực hiện thí điểm đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương rút ra nhiều kinh nghiệm thiết thực để vận dụng cho những đợt tổ chức nông dân đồng bằng Bắc Bộ lên khai hoang miền núi sau này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Thông báo số 1-TB/TU ngày 03-01-1961 về tình hình chuyển nhân lực của tỉnh lên khai hoang xây dựng cơ sở sản xuất mới ở Tây Bắc, Hồ sơ 162, Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Dự thảo báo cáo tình hình và nhiệm vụ khai hoang nhân dân, Hồ sơ 165, Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên.
  3. Hoàng Bắc (1963), Chung sức xây dựng miền núi, Nhà xuất bản Phổ thông, Hà Nội.
  4. Lê Quý Quỳnh (1961), “Nông dân Hưng Yên giương cao lá cờ đầu trên mặt trận khai hoang vùng núi Tây Bắc”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 2 năm 1961, tr. 56-58.
  5. 5. “Thành tích sản xuất năm 1961 của hai hợp tác xã khai hoang thí điểm”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 7-10-1962.
  6. Hữu Thọ (1963), Đi khai hoang Tây Bắc, Nhà xuất bản Nông thôn, Hà Nội.
  7. Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, Báo cáo tổng kết đợt điều chỉnh nhân lực miền xuôi lên xây dựng hợp tác xã khai hoang ở Tây Bắc (ngày 15-5-1961), Hồ sơ 3366, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC