Trong 3 ngày 1 - 3/11/2023, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam), Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học Thông báo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 58 - năm 2023. Đây là Hội thảo khoa học thường niên, có quy mô cấp quốc gia, quốc tế của ngành Khảo cổ học Việt Nam. Hội thảo năm nay có sự tham dự của gần 1000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.  

          Hội thảo đã nhận được 456 bài báo cáo, thông báo đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học, trong đó có 10 bài viết về hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ trung ương và địa phương; 75 bài Khảo cổ học tiền sử; 54 bài khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm; 253 bài khảo cổ học lịch sử; 49 bài khảo cổ học Champa-Óc Eo; 15 bài khảo cổ học dưới nước,... Với số lượng các bài thông báo, báo cáo lớn nhất từ trước tới nay, cho thấy hoạt động Khảo cổ học Việt Nam các năm 2022 - 2023 diễn ra sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao. Nhiều thông báo (đặc biệt là các cuộc khai quật lớn) được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó là những tư liệu vật thật mới nhằm đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình hình thành, phát triển của người Việt cổ từ xa xưa đến nay.

          Tham gia vào hoạt động nghiên cứu về các di tồn văn hoá tại Sơn La, nhóm nghiên cứu của Trung tâm NCVHCDTTB (Trường Đại học Tây Bắc) đã gửi 03 thông báo tới hội thảo thuộc lĩnh vực khảo cổ học lịch sử:

  1. Một số hiện vật tại Đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La).
  2. Hoạ tiết hoa văn trên tháp Mường Bám (Sơn La)
  3. Tượng đá hình lợn ở Mai Sơn (Sơn La)

          Hội thảo là hoạt động khoa học hàng năm của ngành khảo cổ học, là diễn đàn để các nhà nghiên cứu khảo cổ học và các ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, tranh luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là một cơ hội lớn để các cán bộ trẻ tiếp cận, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm tiếp thu, học tập và hoàn thiện năng lực khoa học của bản thân.