Với quan niệm về linh hồn, các loại “phi” (ma) nên trong đời sống tâm linh của mình, người Thái Đen cũng có những điều kiêng kị nhất định. Vì cho rằng, các loại “phi” sẽ có thể quấy rối cuộc sống của người đang sống nên người Thái có tục kiêng mang thịt sống, cành lá xanh ngang qua gian thờ cúng vì thịt sống, cành lá xanh biểu hiện nơi rừng cây - chỗ ngụ của các loài "phi". Cầm cành lá xanh qua gian hóng, "phi hướn" sẽ tưởng có ma quỷ ở đâu đến vội vàng dậy hỏi chủ nhà. Do đó người trong nhà sinh ốm đau...

            Theo quan niệm của người Thái, số lẻ là số của sự sống, số của người đang sống, là biểu hiện của sự chưa hoàn chỉnh đang vươn lên. Do vậy, không chỉ bậc thang mà cả cúc áo, song cửa sổ, gian nhà sàn của người Thái bao giờ cũng là số lẻ. Còn số chẵn là số sung mãn, của người chết. Chính vì thế,người Thái mới có tục dựng nhà mồ với số bậc thang chẵn để người chết lên trời.

            Nhà mồ của người Thái Đen cũng như ngôi nhà sàn của người đang sống, chỉ có điều nhà của người đang sống thường làm bằng gỗ rất chắc chắn với cầu thang số lẻ thì nhà mồ lại được làm bằng tre buộc lạt. Điểm đặc biệt của ngôi nhà mồ là mối lạt không cài lại và chỉ có một cầu thang với số bậc chẵn.

Khi có người chết, theo lệ Thái, phải đem tất cả đồ của người chết ra rừng ma, không được phép bỏ sót bất cứ thứ đồ nào đã cho người chết. Nếu chẳng may quên sót thì chủ nhà hoặc nhà em trong nhóm “họ đầu trắng” phải lập tức đem ra rừng ma để vứt ngay lập tức.Từ quan niệm ấy, nên khi trong gia đình, dòng họ có người thân qua đời, người Thái Đen thường có tục dựng nhà mồ trong đó có chứa đầy đủ các vật dụng cho người chết như trong lúc còn sống vẫn sử dụng.

Người Thái khi có tang ma thường có một bài mo đọc về các điềm gở “Án khên” thuật lại mọi điều gở, điềm dữ mà người chết đã gặp phải trong quãng đời quá khứ (đây hoàn toàn là giả thuyết chứ không phải cuộc sống thực tế). Khái niệm về những điềm gở, điềm dữ đáng tránh hoặc kiêng kị của người Thái cũng như “chim sa cá nhảy” của người Kinh:“Đi nương thấy con trăn đất. Đi ruộng thấy rắn cạp nong cạp nia. Dạo quanh bản thấy bọ hung bò dưới đất. Trõ xôi thành vệt máu. Giữa nhà thấy giọt máu rơi. Người ta bảo điềm gở điềm dữ. Mình cho là điềm tốt điềm lành liền trộm lấy tha về. Dế mèn dế dũi sa vào mâm cơmNên mới dẫn đến hôm nay. Cột giữa nhà mình đâm chồi. Cột hiên nhà mình nảy lộc. Mối lạt nhà mình thành mầm mặt trời nắng gắt. Dây “Khên” rơi nơi xó bàn thờ…Khách Mường Lay đã đến. Khách Mường Sa, Mường Là đã tụ. Khách Mường trời đã xuống. Người ta bảo đây là ẩm ương tai họa. Mình cho là điều lành điều hay. Nên tưng hửng hứng lấy. Đem lên với tổ tiên làm nhà ở. Đem lên cùng tổ tiên làm ăn”[1].

Những điềm gở này chính là những điều không lành.Vì thế, nếu ốm đau hay đi đưa đám ma về ngoài việc tự kêu hồn: “ơi linh hồn ơi, hãy về nhà về cửa theo tao” (hu khuôn cu mà hươn, ma dảo) đến nhà còn phải làm nghi thức “gọi hồn lạc” (hiệk khuân lông) vì nghĩ là “thể xác mình đã ở nhà nhưng hồn còn lạc lõng ở đâu đó nơi xa”. Sau đó thì làm lễ “tụ hồn” (sú khuân) vì họ cho rằng, khi đã về đến nhà các linh hồn sẽ đòi được ăn cỗ. Khi người Thái Đen nhìn thấy có con giòi hay con bọ rơi ở xà nhà, giọt máu rơi ở gian giữa thì gia đình và họ hàng thân thuộc của gia đình đó sẽ phải buộc chỉ trắng ở quanh nhà để không cho các loại “phi” vào nhà quấy nhiễu những người đang sống. Sau đó, lại phải có những nghi lễ cúng để những điềm gở ấy biến mất, không khiến cho người nhà bị ốm đau, bệnh tật.

Theo quan niệm của người Thái Đen Sơn La,khi một người chết đi thì hồn ma người chết sẽ phân thành hai loại. Một là, biết sống, chết và hóa kiếp, trong đó nếu người chết thì hóa ma; ma chết thì hóa kiếp gọi là “phi”, “phi” chết biến thành con ve sầu để hàng năm một lần treo mình trên cây, đói khát, kêu khóc nỉ non. Ve sầu chết biến thành rêu mọc trên đá ở dưới nước để người đi qua thì kéo chân ngã nên người đi qua suối có đá ngầm luôn luôn thận trọng đi dò từng bước. Hai là biến hóa thành “phi đẳm” - tức tổ tiên tồn tại mãi mãi ở “cõi vĩnh hằng”. Do có quan niệm như vậy, người Thái Đen có tục thờ cúng tổ tiên, coi đó là tín ngưỡng chính. Nơi thờ cúng tổ tiên tức “ma nhà” (phi hướn) đặt ở gian gọi là “klọ hóng” bên phía quản. Gian “hóng” thực ra chỉ là một xó nhà nằm phía bên quản dành cho nam giới, sát nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà. Riêng trong nhà của những người thuộc dòng họ quý tộc như Bạc, Cầm, Sa, Điêu, Hoàng thì có thêm gian thờ ở mé ngoài giáp lan can phía quản, gọi là chong căm (klọ hóng - chong cắm).

Gian “hóng” bao giờ cũng để bỏ trống, thường ngày có tục kiêng không quét dọn, không đặt bàn thờ cũng không có tục thắp hương khói thờ hoa quả… Theo lệ, chỉ nam giới mới được phép ra vào nơi gian “hóng” còn người phụ nữ tuyệt đối không được phép, đặc biệt là nàng dâu.

Hàng năm, người Thái Đen chỉ có một ngày cúng tổ tiên tùy theo từng dòng họ, chẳng hạn họ quý tộc là ngày bính (hai) hoặc ngày tân (huộng) trong các tháng 2, 3, 4 (theo lịch Thái) tức tháng 8, 9, 10 theo âm lịch và 9, 10, 11 theo dương lịch. Vào các ngày này, “Đẳm” mới từ trên trời xuống “hóng” để cùng nhau hưởng cỗ của con cháu cúng. Ngày đó, họ thường gọi là “cúng nhà” (xên hươn) còn họ quý tộc gọi là hay ló liêng. Đây là những ngày kiêng của người Thái, do đó, họ sẽ tránh làm những việc trọng đại trong những ngày này như động thổ làm nhà mới, cưới xin…Nếu muốn cúng hoặc gọi hồn người chết cũng phải kiêng ngày mất của những người trong họ để tránh gọi ma thức dậy hoặc nếu gọi thì hồn ma cũng không thể về với con cháu…

Người Thái sau khi chết sẽ được chôn ở rừng ma. Khu rừng ma này được coi là khu rừng thiêng của cả bản, mường là nơi chôn cất chung các thành viên trong bản. Rừng ma sẽ là những khu rừng thiêng nên người Thái nghiêm cấm tuyệt đối việc chặt phá rừng. Chính vì thế, những khu rừng ma đồng thời cũng là những khu rừng già nguyên sinh (đông nga pá ngao) đầy thú rừng chim muông thuộc chủng loại nhiệt đới gió mùa.

            Ở mỗi bản, mường bao giờ cũng có nơi gọi là “rừng cửa hồn”. Đây là khu rừng nguyên sinh chứa đựng ý niệm hồn thiêng của bản hoặc mường nơi che chắn cuộc sống tâm linh được yêu lành ở nơi quê hương thân yêu của mình”. Bởi thế, nhiều nơi còn đặt tên cho nó là “rừng thiêng” (đông căm).

            Còn ở trung tâm của một châu mường (chiềng) có hẳn một khu rừng già che phủ hết mọi ngọn núi mang tên “nền linh hồn của mường” (pom minh mướng) hoặc “núi che chở mường” (pom pha băng mương). Đây là núi và rừng tượng trưng cho sự bền vững của mường nên được đồng bào xem là rất linh thiêng và không được phép làm điều gì xâm phạm tới…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TÀI LIỆU THÀNH VĂN
  2. Hoàng Trần Nghịch (2000), Lời tang lễ dân tộc Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  3. X.A.Tôcarev (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Cầm Trọng, Ngô Đức Thịnh (1999), Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp), Nxb Văn hóa Dân tộc.
  5. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Nxb Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
  7. Lời tang lễ của người Thái Đen bản Sang, Mường Bú, Mường La, Sơn La.
  8. “Quám Chiến lang” (Ngạn ngữ Thái), tài liệu lưu bảo tàng tỉnh Sơn La.
  9. “Quám tố mương Mường La” (Chuyện kể bản mường), tài liệu lưu bảo tàng tỉnh Sơn La
  10. TÀI LIỆU TRUYỀN MIỆNG
  11. 1. Ông Lò Ín, 80 tuổi, Bản Ngoạng, Mường Bú, Mường La, Sơn La.
  12. 2. Ông Tòng Văn Nhình, 78 tuổi, Bản Sang, Mường Bú, Mường La, Sơn La.
  13. Ông Lường San, 75 tuổi, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

 

 

 

 

 

 

[1]Lời tang lễ đọc trong đám tang người Thái Đen tại Bản Sang, Mường Bú, Mường La, Sơn La.