Chiềng Ngần là một trong 12 xã, phường của thành phố Sơn La. Phía đông và đông nam giáp 2 xã: Mường Bú (huyện Mường La), Mường Bằng (huyện Mai Sơn); phía tây giáp các phường: Quyết Tâm, Quyết Thắng và Chiềng Sinh (thành phố Sơn La); phía nam giáp xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn); phía bắc giáp xã Chiềng Xôm, phường Quyết Thắng, phường Chiềng An (thành phố Sơn La). Chiềng Ngần có nhiều nét đặc trưng của văn hóa Thái đặc biệt là cộng đồng người Thái Đen được thể hiện rõ nét trong trang phục truyền thống. Trang phục phụ nữ với chiếc áo cóm, trên đường nẹp xẻ dọc giữa khuôn ngực có đính hai hàng cúc có hình bướm, ong, ve sầu (thường gọi chung là cúc bướm), được các nghệ nhân chế tác từ bạc, nhôm, được người Thái Đen lựa chọn, ưa chuộng và gìn giữ nhiều đời nay.

Cúc bướm (tiếng Thái gọi là mắk pém) vừa là vật dụng để nối 2 tà áo cóm với nhau, vừa là đồ trang sức trang trí cho chiếc áo cóm thêm phần nổi bật - trở thành nét đặc trưng rất riêng trong trang phục người Thái. Cúc được người thợ làm thủ công bằng nguyên liệu nhôm nguyên chất đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ, tỉ mỉ, chăm chút, khéo léo, tinh tế trong quan sát, sáng tạo trong từng khâu để tạo ra chiếc cúc đặc trưng, được đông đảo người dân đón nhận. Để quy trình chế tác có hiệu quả phải trải qua các khâu từ chuẩn bị các loại khuôn, lò nung nguyên liệu... cho đến kỹ thuật đúc, dập, cắt thì người thợ phải có bộ đồ nghề chuyên dụng, đa dạng tương ứng với từng khâu trong chuỗi quy trình làm cúc.

- Lò nung: lò được xây bằng gạch đỏ đắp bùn pha trấu, lò dùng để nung cho nguyên liệu nhôm nóng chảy, lò trước kia to so với hiện nay do để đốt bằng củi. Ngày nay đã chuyển sang dùng than đá, với diện tích lò cao 80cm, rộng 70cm, cửa lò rộng 30cm, có tác dụng khi nung chảy người thợ dùng muôi sắt múc nguyên liệu, lò được ngăn thành 2 lớp, lớp dưới cao 20cm rộng 70cm, để thoáng có tác dụng đưa không khí vào hoặc để quạt (dùng bễ quạt) và chứa phần sỉ than. Phần trên được ngăn cách một tấm phên đan, ghép bằng sắt ngăn không cho than rơi xuống phía dưới, trên tấm phên là một lớp than bùn rồi đến than đá trên than đá đặt chiếc chảo gang, dày đủ để nung 30kg nhôm nguyên chất, trên cùng là nắp lò được gia công từ tấm bìa sắt cứng.

- Khuôn đúc: khuôn được làm bằng đất nung, được tạo bởi đất sét được nung đỏ qua lửa sẽ chịu được nhiệt độ cao, có độ bền, rễ sửa chữa. Khuôn dùng để đúc phôi, phần cúc thô ban đầu là khâu đầu tiên trong tạo hình cúc bướm, diện tích khuôn rộng 10cm, dài 25cm, cao 5cm, một đầu hở để đổ nguyên liệu. Khuôn gồm hai mặt ốp/ghép vào nhau, một chiếc trơn, một chiếc được người thợ gia công 24 con tương ứng mỗi con một cúc, độ dày của cúc dao động từ 1mm - 1,5mm, khi đúc 2 chiếc khuôn ốp vào nhau để chắc và không chảy nguyên liệu ra ngoài người ta dùng 2 chiếc kẹp tre vam dài 0,7cm, dài 40cm cố định một đầu và đầu còn lại được khóa bằng dây thép để đúc xong tháo dây thép ra và lấy phôi. Để tránh nóng người ta thường tạo đế bằng gỗ và mặt trên được lót bằng bằng vải ướt sao cho khi đúc, tháo kẹp tre/vam không bị cháy thanh tre và tránh nóng cho người đúc. Khuôn được làm thủ công bằng các vật liệu tự nhiên tuy khá đơn sơ nhưng lại có độ bền, chắc chắn, nhẹ và dễ di chuyển.

khuôn đúc

- Khuôn dập: khuôn dập được làm thủ công trên đoạn sắt đặc có đường kính 6cm hình trụ một đầu được gắn vào thanh gỗ để làm đế hoặc gắn phần đế gỗ xuống đất sao cho khoảng cách giữa mặt đế lên mặt dập là 10cm. Mặt khuôn được khắc chìm/âm bản hình con bướm đực và bướm cái, được người thợ dùng các thanh, đoạn sắt nhọn khắc trực tiếp bằng tay, tạo hình con bướm rồi khắc các đường hoa văn, họa tiết trên thân con bướm, sao cho độ dày mỏng, nông, sâu phải đảm bảo đến tạo hình, chất lượng của cúc. Mỗi một chiếc khuôn khoảng 1,5 - 2 năm là phải khắc lại cho họa tiết chìm sâu xuống bởi đúc phôi xong chuyển qua dập người thợ dùng búa và phôi đặt lên khuôn đập mạnh tạo hình cúc bướm. Khi dập phôi và khuôn với nhau qua tác động bằng búa nhiều lần và liên tục khuôn mòn đi dẫn đến phần cổ họa tiết bướm cái mỏng khi sử dụng áo cóm dễ bị gãy.

- Khuôn cắt: khuôn cắt được gia công bằng thanh sắt đặc, khuôn nhỏ ở phần cán và phình to phần đầu, khuôn dài 10 – 12cm, một đầu cán và một đầu được tạo hình khá cung phu khoét sâu vào thân khuôn tạo hình gờ, đường bao hình cúc để cắt đập lên phần khuôn dập đã tạo ra. Khuôn không có đủ các chi tiết như thân, đầu, họa tiết,.. mà chỉ có hình diềm hay còn gọi là hình bên ngoài/đường bo, hình bao quanh. Đặc biệt hình cắt khi cắt phải khớp với hình khuôn dập. Thợ dùng khuôn cắt đặt lên trên sao cho khớp với hình khuôn dập đã tạo rồi dùng búa đập nhằm loại bỏ phần nguyên liệu thừa xung quanh hình cúc. 

Khuôn cắt

- Các dụng cụ khác: búa cầm tay với nhiều kích cỡ dùng để đập khi cắt, dập, chỉnh sửa hoàn thiện. Đục bằng sắt nhọn đầu dùng để đục lỗ trên thân cúc, mỗi chiếc cúc đục 4 lỗ để đơm cúc vào áo, một thanh gỗ dài 80cm dầy 15cm dùng để tì cúc khi đục, một trụ gỗ tròn đường 35cm cao 50cm dùng cho khuôn cắt hình cúc bướm, mỡ động vật dùng để nhúng khuôn cắt và bôi khuôn dập cho trơn dễ làm và chống dính, muôi/thìa múc nguyên liệu,...

            Để tạo ra bộ cúc được người dân tin dùng người thợ đã sáng tạo ra các loại khuôn trong chế tác bằng phương pháp thủ công. Mỗi loại khuôn đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tác. Bộ dụng cụ và các loại khuôn không thể thiếu trong quá trình chế tác, cúc có đảm bảo chất lượng hay không phụ thuốc rất lớn vào chất lượng khuôn và dụng cụ chết tác. Là nghề thủ công truyền thống với chất liệu nhôm dễ kiếm dễ sử dụng, đặc biệt là giá thành rẻ và có độ bền cao, quy trình sản xuất được đúc kết từ nhiều thập kỷ, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng cũng như điều kiện sống của người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Sơn La nói chung.

           

Hang Chú là xã vùng cao của huyện Bắc Yên nằm cách Trung tâm huyện lỵ 52km về phía Tây Bắc, với 100% là người Mông sinh sống. Người Mông có lịch sử cư trú lâu đời tại xã, là tộc người có một nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc được thể hiện trong đời sống với nhiều phong tục, nhiều điệu múa hay, kho tàng truyện cổ tích, thần thoại,... đặc biệt là nghề rèn bằng phương pháp thủ công. Nghề tồn tại từ đời này qua đời khác tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mông xã Hang Chú, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thành quả lao động của chính cộng đồng người Mông tạo ra.

Tà Xùa là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, cách thị trấn huyện Bắc Yên 14,5km và cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng hơn 100km theo hướng Đông Bắc. Đây là địa bàn cư trú của tộc người Mông với hai nhóm chính là Mông Hoa và Mông Đen. Theo số liệu thống kê cuối năm 2017, toàn xã có 99,57% dân số là tộc người Mông, còn lại là người Kinh và người Thái. Khoảng 20 năm trở lại đây, dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và sự đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương nói riêng, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào Mông ở Tà Xùa cũng từng bước được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng. Đời sống người dân sung túc hơn, lớp trẻ được đi học trong đó có nhiều người vươn lên trở thành cán bộ trong hệ thống chính quyền và hệ thống giáo dục địa phương, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ... Bên cạnh đó, những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng vẫn được bảo lưu, gìn giữ. “Kéo vợ” được coi là nét độc đáo, khác lạ của đồng bào Mông so với cộng đồng các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Tuy vậy, dưới ảnh hưởng của đặc điểm vùng miền nên ở mỗi địa phương tập tục này cũng được thực hiện với những thủ tục khác nhau, trong đó “kéo vợ” của người Mông ở Tà Xùa là một điển hình.

“Kéo vợ” trong tiếng Mông gọi là “hay pù” - là một tập tục đặc biệt của người Mông. Kéo vợ được coi là cách thức thể hiện giá trị của người con gái khi gả về nhà chồng. Trong quan niệm của người Mông ở xã Tà Xùa, một cô gái không được “kéo” về nhà chồng thì cô gái đó sẽ không được cộng đồng và gia đình chàng trai coi trọng. Sau này khi gia đình hoặc vợ chồng khúc mắc với nhau thì cô gái cũng sẽ không có quyền được lên tiếng vì suy nghĩ chính cô gái là người chủ động chạy theo chàng trai về nhà chồng. Vì vậy, từ khoảng giữa thập niên 80 trở lại đây việc tổ chức “kéo vợ” đối với người Mông đã có nhiều thay đổi chỉ còn tồn tại mang tính chất hình thức. Nhưng đây lại là nghi lễ bắt buộc, không cặp vợ chồng nào có thể bỏ qua. Chàng trai, cô gái người Mông sau một khoảng thời gian yêu đương, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân thì bước đầu tiên để hợp lí hóa vấn đề này là phải tổ chức kéo vợ. Thủ tục hoàn toàn được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, sau khi cô gái đã chấp nhận làm vợ chàng trai. Việc “cướp vợ” không diễn ra hoặc có chăng cũng chỉ là một vài trường hợp trong xã hội cũ.

          Để chuẩn bị tổ chức kéo vợ, chàng trai phải thông báo với bố mẹ dự định của mình để bố mẹ nhờ người xem ngày. Người Mông quan niệm, ngày tốt sẽ là các ngày chẵn trong tháng, đặc biệt là các ngày lợn, ngày rồng, ngày chó. Ngược lại, ngày gà và ngày thỏ được xem là những ngày đại kị của họ. Sau khi nhận được thông báo của thầy Mo về ngày tốt, công việc kéo vợ bắt đầu được chuẩn bị. Đầu tiên, bố mẹ chàng trai phải nhờ từ 1 đến 2 người là anh em họ hàng hoặc láng giềng hiểu biết phong tục tập quán, giỏi ăn nói để cùng con trai đi kéo vợ. Cùng lúc đó, chàng trai cũng phải nhờ cậy thêm 1 số bạn bè thân thiết đi cùng hỗ trợ. Thông thường, đoàn kéo vợ của nhà trai sẽ có từ 4 đến 5 người. Số lượng này không cố định, tùy thuộc vào điều kiện sản xuất là những ngày nông nhàn hay ngày mùa bận rộn mà số người có thể nhiều hơn hoặc ít hơn.

          Trước ngày kéo vợ, chàng trai và cô gái đã bàn bạc, thống nhất với nhau về thời gian và địa điểm kéo. Chàng trai cũng nhân dịp cô gái lên nương hay xuống chợ một mình... để giới thiệu một số bạn bè của mình cho cô gái quen biết trước để khi tổ chức kéo vợ cô gái sẽ không bị bất ngờ. Người Mông thường tổ chức kéo vợ vào khoảng thời gian ban đêm. Người ta kiêng kéo ban ngày bởi cho rằng ban ngày đang là thời gian đi làm, nếu kéo vợ vào ban ngày thì chứng tỏ đó là cô gái lười biếng không chịu làm việc. Và như vậy cũng sẽ bị phạt vạ. Buổi tối ngày kéo vợ, đoàn nhà trai đã sớm đến gần nhà cô gái tuy nhiên họ phải tuyệt đối giữ bí mật, nấp ở một chỗ an toàn không được để gia đình nhà gái phát hiện. Đến thời gian đã hẹn, đợi bố mẹ cô gái ngủ say, chàng trai sẽ di chuyển đến gần vách phòng ngủ của cô gái và gõ nhẹ vào vách báo hiệu rằng chàng trai đã đến để cô gái chuẩn bị. Ngay khi cô gái bước chân ra khỏi cửa, chàng trai phải nhanh chóng nắm lấy tay cô gái dắt ra xa nhà khoảng cách 20, 30m sau đó sẽ bật đèn pin làm ám hiệu, gọi các bạn đang nấp ở một chỗ gần đó ra giúp kéo cô gái chạy nhanh về phía trước. Quá trình này phải được thực hiện một cách nhanh chóng, cẩn thận, nhẹ nhàng để không làm kinh động đến bố mẹ cô gái đang ngủ trong nhà. Trường hợp nếu bị gia đình nhà gái phát hiện, chàng trai và bạn của mình vẫn tiếp tục kéo cô gái bỏ chạy. Trong khi đó, hai người lớn tuổi được bố mẹ chú rể nhờ cậy đi cùng sẽ đảm nhận trọng trách ở lại nói chuyện cùng bố mẹ cô gái. Để tránh xô sát, 2 người này phải ăn nói thật mềm mỏng, khéo léo, thuyết phục gia đình nhà gái để họ đồng ý không đuổi theo nữa. Đồng thời, đoàn nhà trai sẽ phải đưa cho bố mẹ và những người họ hàng nhà gái đuổi theo, mỗi người số tiền tầm 20 - 30 nghìn, cũng có thể nhiều hơn tùy điều kiện gọi là tiền lễ để làm dịu tình hình. Về phía nhà gái, sau khi nghe người nhà trai phân tích lý lẽ phải trái sẽ nhận tiền và không đuổi theo nữa mà ngầm đồng ý để đoàn nhà trai kéo con gái mình đi.

          Đoàn kéo dâu phải gấp rút kéo cô gái ra khỏi bản một cách nhanh nhất. Thông thường họ sẽ không chọn những con đường vẫn hay đi mà sẽ đi đường nương, đường tắt... chủ yếu để đánh lạc hướng nhà gái, khiến họ không biết đường nào để đuổi theo. Sau khi xác định đã không còn người đuổi theo thì họ thả tay để cô gái tự mình đi. Đoàn người sẽ đi bộ suốt đêm trở về. Khi cách nhà trai khoảng 1km, chú rể cử 1 người trong số các bạn đi cùng chạy về trước gọi cửa, thông báo với bố mẹ chàng trai đã sắp kéo dâu về đến nhà để mọi người thức dậy mở cửa, đón dâu mới. Lúc cô dâu bước chân qua ngưỡng cửa nhà chàng trai cũng là lúc thủ tục kéo vợ hoàn thành. Những người tham gia kéo vợ trở về nhà nghỉ ngơi và sáng sớm ngày mai sẽ quay lại tham dự bữa cơm cảm ơn do gia đình nhà trai thết đãi.

          Có thể nhận thấy, xét về bản chất “kéo vợ” của người Mông được xem là một việc làm văn minh bởi nó được thực hiện dựa trên sự thống nhất và tự nguyện của cả đôi bên trai, gái. Chỉ sau khi cả hai tìm hiểu và cùng mong muốn được “về chung một nhà” thì khi đó thủ tục này mới được thực hiện. Thiết nghĩ cần phải bảo lưu và phát triển nét đẹp văn hóa này trên cơ sở có sự định hướng của Nhà nước, tuân thủ các quy định về tuổi kết hôn trong Luật hôn nhân và Gia đình nhằm đảm bảo vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật vừa bảo lưu được nét văn hóa mang đặc trưng tộc người theo định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “đa dạng trong thống nhất”.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo Sơn La Online, “Xã Tà Xùa”, <http://www.baosonla.org.vn:8080/bai-viet/82/ta%20xua>, truy cập 25/01/2019.
  2. Hồ Ly Giang (2004), Dòng họ người Hmông Trắng (quan nghiên cứu ở bản Mô Cổng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), Khóa luận tốt nghiệp đại học, Trường ÐH KHXH&NV - ÐHQG TP Hồ Chí Minh.
  3. Ninh Văn Hiệp, Tuấn Dũng, Hoàng Quyết, Trương Thị Xứng, Bùi Ngọc Quang (Sưu tầm, giới thiệu) (2012), Phong tục tập quán một số dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  4. Dương Hà Hiếu (2008), Tục cưới xin của người Hmông Trắng ở Thuận Châu, Sơn La (Qua nghiên cứu tại bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái), Tạp chí Dân tộc học, số 3.
  5. Nguyễn Thị Huyền (2019), Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Dân tộc học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.

 

Khèn Mông là nhạc cụ phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mông. Chiếc khèn là kết quả của quá trình lao động kiên trì, tài hoa, khéo léo. Người thợ đã gửi gắm tâm huyết của mình qua quy trình chế tác một cách tỉ mỉ để có được sản phẩm hoàn hảo. Là nghề thủ công truyền thống với chất liệu có sẵn trong tự nhiên dễ sử dụng, đặc biệt là nhu cầu sử dụng loại hình nhạc cụ này khá cao trong cộng đồng. Quy trình sản xuất được đúc kết từ lâu đời, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu cũng như điều kiện sống của người Mông. Ngoài ra để có cái nhìn đa dạng và phong phú hơn chúng tôi đề cập tới một số đặc điểm của khèn Mông dưới đấy:

Trong quá trình nghiên cứu về nghề gốm của người Thái xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nhóm nghiên cứu đã thực hiện điền dã và sưu tầm được một số bình gốm tại các gia đình trong xã và một số xã lân cận trong tỉnh. Các hiện vật hiện được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Băc – trường Đại học Tây Bắc. Các bình gốm được lưu giữ là những hiện vật mang tính độc bản, hình thức, chất liệu. Đặc biệt, các mô-típ hoa văn thể hiện rất rõ nét kỹ thuật chế tác trên gốm của cộng đồng người Thái Đen ở Sơn la. 

Tháng 9 năm 2022 nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 4 trụ đá tại bản Ban, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

          Trụ thứ nhất (Hình 1): trụ được làm bằng đá xanh, có hình vuông, đất đá đã phủ một phần chữ ở phần chân. Trụ cao 2m, cạnh 30cm, 4 mặt có khắc chữ Thái, chữ khắc chìm các nét có độ nông sâu khác nhau, chữ đều, rõ, khắc theo dòng ngang thẳng có xuống dòng, dọc theo các mặt của trụ đá. Ở phần chân trụ (nơi tiếp giáp với đất) có khắc số 1871, 1923, 58. Phần đỉnh trụ chia làm 2 phần có tạo hình thắt giống hình quả bầu hoặc hình búi tóc của phụ nữ người Thái:

          Phần ngọn: cao 15cm, thon hình quả bầu, uốn nhỏ lại về phía đỉnh trụ, có khắc hoạ tiết hình cánh sen, hướng lên trên, đều nhau ôm quanh phần ngọn, các đường khắc sâu hai lớp song song, rõ nét, mềm mại, mặt trước đã bị sứt ngang làm biến dạng một số nét khắc.

          Phần đế: cao 15cm, thon vát từ thân trụ nhỏ dần về phía ngọn, có khắc hoạ tiết hình cánh sen ngả xuống phía dưới, đều nhau ở cả 4 cạnh, ngoài ra còn khắc hình chữ "Thọ" ở mặt trước và sau của phần đế.

                          Hình 1                           Hình 2                    Hình 3                          Hình 4

(Nguồn: Nhóm tác giả, chụp ngày 20/9/2022)

          Trụ thứ hai (Hình 2): trụ cao 180cm, hình bát giác, 4 mặt to, 4 mặt nhỏ, chiều rộng của mỗi mặt to là 18cm, mặt nhỏ 12cm. Phần đỉnh trụ tạo hình chóp 4 mặt có ngăn cách với phần thân trụ là khối phẳng 4 mặt, mỗi mặt rộng 30cm, cao 15cm. Các cạnh và phần cạnh của phần chóp có khắc chữa Hán cạnh nhỏ bên trái trụ, chữ Thái ở các mặt và số khắc 1908 ở sau trụ. Chữ khắc chìm, các nét to rõ ràng, có độ nông sâu khác nhau ở mặt phẳng của các cạnh. Trụ 2 cách trụ thứ nhất 20m và không khắc hoạ tiết hoa văn. 

          Trụ thứ ba (Hình 3): nằm trong khuôn viên của Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ của xã, cách trụ thứ 2 khoảng 600m, trụ hình bát giác, 4 mặt to mỗi mặt 18cm, mặt nhỏ 13cm. Bề mặt trụ nhẵn, mặt chính có khắc số 1903 nằm ngang, chữ Thái to ở chính giữa 2 bên là chữa Hán, phía trên số, 1903 có khắc nổi con vật giống hình Nghê: mình nằm ngang, đầu hướng về phía trước, có bờm ở cổ, miệng rộng, có răng lanh, đùi trước và sau có hình soắn ốc, toàn thân nằm trên một khối vuông (rộng 18cm, cao 18cm, dày 7cm), hình đã bị sứt không nhận diện được phần mũi, mắt và đuôi. Mặt sau có khắc chữa Thái nhỏ, đều theo chiềng ngang. Phần chóp cao 20cm vát đều sang 2 bên tạo hình tam giác cân, chính giữa của mặt trước và sau là chữ "Thọ", tiếp đến là chữ Hán và chữ Thái. Mặt bên của phần chóp khắc hình 2 con rồng, uốn lượn, ôm mây, các nét khắc mềm mại, uốn lượn từ phía trước ra phía sau, đầu hướng xuống dưới phía sau trụ.

          Trụ thứ tư (Hình 4): nằm trong một miếu thờ bao quanh là ruộng lúa, cách trụ thứ 3 700m, trụ đã bị gẫy, không còn nguyên vẹn, người dân đã xây ngôi miếu nhỏ và đặt trụ bên trong. Trụ gồm 2 phần: phần thân trụ vuông, cao 70cm, có khắc chữ Thái ở mặt trước, phần đỉnh trụ là một khối cầu gắn với phần thân bằng xi măng, không khắc hoạ tiết và chữ, bề mặt gồ ghề, diện tích 30cm.

          Căn cứ vào nhiều nguồn thông tin khác nhau, 4 trụ đá rất có thể là bia mộ của Tri châu (chức quan do Nhà Nguyễn phong) Cầm Bun Oai (1871 - 1934) và những người thân cận. Các trụ đá mang nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử về vị "vua Thái" (tên người dân thường gọi) và vùng đất Mường mụa (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn ngày nay). Trong tương lai cần có các cuộc thám sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ theo quy định để làm rõ những nội dung khắc trên trụ đá và những vấn đề có liên quan, để từ đó làm cơ sở cho các cấp chính quyền địa phương có phương án, kế hoạch, bảo vệ, phục dựng, bảo tồn khu mộ "vua Thái" ở Sơn La.