Đây là một cuốn sách rất hay cho những bạn mới bắt đầu nghiên cứu về nhân học. Nó trang bị một hệ thống phương pháp cho các bạn khi làm việc ở thực địa, với phương pháp quan sát tham dự, sự trở đi trở lại, tìm kiếm phản hồi ra sao... Do tác giả là một nhà nhân học có nhiều năm nghiên cứu ở châu Phi nên trong chừng mực một cuốn sách nhỏ, người đọc cũng tìm thấy những tư liệu và đồng thời ở đó là cách tiếp cận một địa bàn ở châu Phi. Mặt khác, nó bắt đầu hướng tới việc định hình lý thuyết cho các bạn.

Cuốn “Nhân học phát triển lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu điền dã” gồm bốn chuyên luận nghiên cứu của Jean Pierre Olivier De Sardan về các vấn đề của nhân học phát triển (lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật điền dã). Đây là một ngành khoa học còn mới mẻ ở Việt Nam. Các công trình này được chia làm ba chủ đề chính.

Chủ đề thứ nhất: Các phương pháp điều tra điền dã trong ngành nhân học xã hội. Trong chuyên luận này, tác giả trình bày một số điều hướng dẫn căn bản chuẩn bị cho cuộc điền dã; một bản phác thảo điều tra tập thể tiến hành trên nhiều địa bàn và chính sách điều tra điền dã. Tóm lại, công trình này bao gồm một cách cô đọng các phương pháp thực hành và các hướng dẫn tìm tòi khảo sát. Đây là điều đặc biệt hữu ích cho những người nghiên cứu trẻ tuổi.

Chủ đề thứ hai: Nghiên cứu về sự tham nhũng trong đời sống thường nhật, với trường hợp nghiên cứu nhân viên hộ sinh và nhân viên thuế quan. Điểm nổi bật ở đây là tác giả đã khái quát tám loại tính chất của sự tham nhũng: tham nhũng như là một sự thu hồi; tham nhũng như là một “cách xử sự đúng mực”; tham nhũng là một đặc ân; tham nhũng như là một áp lực xã hội; tham nhũng như là một sự phân phối lại; tham nhũng như là một sự bắt chước; tham nhũng như là một thách thức; tham nhũng như là một sự vay mượn. Trong hai nghiên cứu trường hợp, tác giả đã chọn cách làm việc trên những phạm trù quan hệ giữa người dân với những người nắm quyền, chức không phải trên những loại hoạt động. Cách tiếp cận như vậy chính là một trong những tiến bộ của ngành nhân học xã hội. Đó là việc “tập trung các công trình nghiên cứu vào mối quan hệ và các phương thức trao đổi, các mối liên hệ xã hội, hơn là vào những thao tác phạm trù hóa, hay những thuộc tính thuộc về các tác nhân”[ tr. 29].

Chủ đề thứ ba: Ba lối tiếp cận trong ngành nhân học về sự phát triển. Tác giả giới thiệu chi tiết về ba nhóm công trình tiêu biểu thể hiện ba lối tiếp cận trong ngành nhân học phát triển: Những lối tiếp cận diễn ngôn về sự phát triển; những lối tiếp cận mang tính chất dân túy và những lối tiếp cận tập trung vào sự đan xen giữa các logic xã hội. Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu về hướng nghiên cứu tập trung vào tác nhân mà người đứng đầu là Norman Long (Hà Lan) và hướng nghiên cứu thực nghiệm mà tiêu biểu là hiệp hội APAD (Hiệp hội Âu - Phi về ngành nhân học về sự biến đổi xã hội và về sự phát triển).

Cuốn sách đã trình bày những kinh nghiệm nghiên cứu của tác giả trên cả lý luận cũng như nghiên cứu trường hợp về ngành nhân học phát triển. Đây là một tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ tuổi đang đặt những bước chân đầu tiên trong lĩnh vực nhân học.

Nguyễn Thu Quỳnh

(Nguồn: http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/4299/nhan-hoc-phat-trien-ly-thuyet-phuong-phap-va-k-thuat-nghien-cuu-dien-da?fbclid=IwAR2v7qANUaITsv70Acs5ePiifFc9aIo-QzsRMLJM14pUAdgPP6UJ-2mfDdE)