Sinh kế được hiểu theo nghĩa khái quát nhất là cách thức kiếm sống của con người. Mỗi tộc người căn cứ vào điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội… để lựa chọn cách thức mưu sinh cho phù hợp.

Chiềng Xôm là xã trực thuộc thành phố Sơn La, nằm ở phía Bắc thành phố và chạy dọc theo dòng suối Nậm La, cách trung tâm thành phố 3km. Phía Bắc giáp xã Bó Mười huyện Thuận Châu và xã Mường Bú huyện Mường La, phía Nam giáp phường Chiềng An, phía Đông giáp xã Chiềng Ngần, phía Tây giáp xã Chiềng Đen thành phố Sơn La. Xã có tổng diện tích tự nhiên 6.159,65 ha (Trong đó đất sản xuất nông nghiệp 902,35 ha, đất lâm nghiệp 3.622,16 ha, còn lại là núi đá và đất khác).Xã có tổng số 1.511 hộ dân với 5.752 nhân khẩu. Dân cư được phân bố thành 10 bản với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 92,1%, đa số nhân dân sống bằng nghề thuần nông. Các hình thức sinh kế chủ đạo của người Thái ở xã Chiềng Xôm hiện nay bao gồm: Làm ruộng nước, làm nương rẫy, Làm vườn và khai thác các nguồn lợi tự nhiên, chăn nuôi và hoạt động tiểu thủ công nghiệp.

  1. Làm ruộng nước

            Người Thái định cư ở những vùng đất thấp, nơi gần nguồn nước. Do đó, làm ruộng nước trở thành hình thức sinh kế phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào Thái.

Để bắt đầu mùa vụ, trước hết người ta phải tiến hành làm đất cày sâu, bừa kĩ, dọn dẹp cỏ dại và vun đắp bờ cẩn thận nhằm đảm bảo giữ nước cho ruộng, đồng thời tránh chuột bọ phá hoại mùa màng. Trước đây, người Thái chỉ canh tác một vụ lúa trong năm nên mùa vụ chính của họ thường bắt đầu cấy tháng 11 theo lịch Thái (tức tháng 5 âm lịch, tháng 6 dương lịch), thu hoạch tầm tháng 3 theo lịch Thái (tháng 9 âm lịch, tháng 10 dương lịch). Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời tiết và căn cứ vào nông lịch cụ thể mà người ta có thể cấy sớm hoặc muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa vụ chính. Trong suốt khoảng thời gian đó, người nông dân Thái phải thường xuyên chăm nom nước trong ruộng, phát cỏ, be bờ đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt nhất.

Người Thái xưa kia thường làm ruộng nước một vụ lúa theo lối độc canh. Giống cây trồng chính là giống nếp tan nhe. Lúa tẻ được trồng với diện tích không đáng kể. Nếp tan truyền thống của đồng bào Thái là giống nếp dài ngày, được gieo trồng trên những thửa ruộng màu mỡ, thông thường từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch phải mất từ 5 đến 6 tháng nên trước kia người ta chỉ có thể canh tác được 1 vụ lúa trong năm đồng thời năng suất lúa không cao nên tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt vẫn diễn ra. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ lai tạo giống, nếp tan sử dụng trong gieo trồng hiện nay đã có sự cải tiến tăng năng suất nhưng theo bà con nhận xét thì “nếp tan mới mà trồng ở ruộng này thì nó không ngon đâu, thứ nhất là đất nó bạc màu, thứ hai là  hóa học nhiều không được ngon như xưa nữa. Ngày xưa người ta không dùng  hóa học cũng không dùng thuốc phun, có dùng thì hầu hết là dùng phân chuồng, hoặc là phân xanh ủ hoặc cho vào trực tiếp chứ không dùng phân hóa học, không dùng phân hữu cơ vô cơ, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng gì cả” (ông Quàng Văn Hoan, 1960, bản Tông, hưu trí).

Dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, tập quán canh tác ruộng nước của người Thái ở Chiềng Xôm cũng có nhiều thay đổi. Giống cây trồng được chuyển đổi từ độc canh lúa nếp sang trồng cả lúa nếp và lúa tẻ. Người Thái đã bắt đầu canh tác hai vụ trong năm là vụ mùa và vụ chiêm xuân, đồng thời đưa các giống lúa lai ngắn ngày vào sản xuất cho năng suất cao. Phương thức canh tác cũng có nhiều thay đổi, người dân đã bắt đầu sử dụng máy móc vào sản xuất, thay thế cho sức kéo của trâu bò. Không chỉ thế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, một phần lớn diện tích đất nông nghiệp của người dân trong xã đã được chuyển nhượng lại cho một số hộ dưới xuôi lên canh tác, trồng hoa hồng để phục vụ nhu cầu thương mại. Đây là một chuyển biến lớn trong đời sống đồng bào vốn quen canh tác ruộng lúa từ xa xưa. Từ đó dẫn đến các thay đổi trong mối quan hệ sản xuất kinh tế, trong phân công lao động truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay trong cộng đồng Thái. Sự chuyển đổi đổi này làm nảy sinh thêm nhiều công việc mới, nguồn thu nhập mới... đồng bào dần thích nghi và thay đổi nhằm mục đích cải thiện đời sống kinh tế.

  1. Làm nương rẫy

            Nương rẫy là một bộ phận quan trọng trong sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta trong đó có đồng bào Thái. Ở Chiềng Xôm, hầu hết các hộ người Thái đều có nương và diện tích nương còn lớn gấp nhiều lần so với diện tích ruộng nước.

            Trong xã hội truyền thống, nương thường được canh tác để trồng các loại hoa màu như ngô, sắn, đậu, bầu bí,... một phần đất tốt còn được dùng để trồng bông và chàm phục vụ nhu cầu làm trang phục theo lối tự cấp tự túc, đồng thời nương còn được dùng để trồng lúa nương. Tuy nhiên, do đất nương kém màu mỡ so với ruộng nước và phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên do đó năng suất lúa nương kém nhiều lần so với lúa nước.

            Hiện nay, nương của người Thái ở Chiềng Xôm chủ yếu được sử dụng trồng ngô với tổng diện tích 640 ha. Sau tết, người dân bắt đầu dọn cỏ, đốt nương, làm đất và đợi khi mưa xuống, đất ngấm nước trở nên ẩm ướt sẽ bắt đầu trỉa hạt. Ngô thường được trồng vào tháng 4, tháng 5 sang tháng 8 sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Người Thái làm ngô mỗi năm một vụ trên đất đồi dốc, vì phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên (nước mưa) nên năng suất không ổn định. Những năm mưa thuận gió hòa, ít sâu bệnh thì ngô được mùa, ngược lại có những năm thiên tai hạn hán, dịch bệnh thì thường thất thu. Tháng 4 sau khi trỉa hạt xuống đất, người ta bắt đầu chăm sóc bón phân, diệt sâu bệnh, làm cỏ dại… Trước kia, người Thái sử dụng giống ngô nếp bắp bé, hạt màu trắng, đều hạt, ăn rất dẻo. Ngày nay, đồng bào đã chuyển sang sử dụng các giống ngô lai cho năng suất cao hơn. Ngô được người Thái dùng một phần để chăn nuôi gà, lợn, trâu bò còn phần lớn được người dân bán lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Ngô sau khi thu hoạch sẽ được người dân dùng xe máy chở từ nương xuống đường nhựa, thương lái sẽ đưa xe tải đến thu mua trực tiếp. Thông thường, những năm được giá được mùa thì 1 ha ngô sẽ có giá trị từ 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài vụ mùa chính, người Thái vẫn làm trái vụ nhưng diện tích gieo trồng không đáng kể. Do không thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu như ruộng nước nên đồng bào chỉ chủ yếu canh tác một vụ trong năm.

Ngoài phần lớn diện tích sử dụng trồng ngô, người Thái ở Chiềng Xôm còn dành một phần đất nương để trồng đậu, lạc, bầu bí, một số loại rau... để bổ sung thực phẩm cho gia đình.

  1. Làm vườn và khai thác nguồn lợi tự nhiên

            Xung quanh nhà ở của người Thái bao giờ cũng có một khu vườn rộng. Trước đây, vườn không được coi trọng. Hiện nay, vườn được người Thái chủ yếu đầu tư trồng tỏi và hành. Hành, tỏi mỗi năm trồng được một vụ, tháng 9 bắt đầu gieo trồng thì đến tháng 2 sau khi ăn tết xong sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Theo bà Quàng Thị Họp ở bản Hụm (Chiềng Xôm) cho biết: gia đình bà dành ra 200m2 đất vườn để trồng tỏi (khoảng 2/3 diện tích đất vườn hiện có của gia đình). Vụ đông xuân 2019, gia đình bà thu tỏi và bán với giá 40.000đ/1kg tỏi tươi, được tổng 1.500.000 đồng. Ngoài ra, bà còn dành ra một phần làm quà “lấy tỏi cho anh em họ hàng thì họ cho thóc”.

Vườn còn được sử dụng để trồng các loại rau thơm, rau cải, một số loại cây họ đậu, cà chua... phần lớn được sử dụng để phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình đã biết đầu tư làm vườn, trồng rau để bán ra các chợ trên địa bàn thành phố Sơn La. Đối với mô hình này, một số hộ sẽ trực tiếp thu hoạch rau và đem đi bán, một số khác sau khi thu hoạch sẽ bán lại cho những tiểu thương chuyên nhập, bán rau tại các chợ. Hình thức này tuy mới chỉ xuất hiện một vài năm trở lại đây với quy mô manh mún, nhỏ lẻ nhưng cũng là hình thức sinh kế mới đã phần nào cải thiện chất lượng đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

            Khai thác nguồn lợi tự nhiên là hình thức sinh kế truyền thống, từng là sinh kế chủ đạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống đồng bào Thái. Thu hoạch từ tự nhiên (rừng, sông, suối) không chỉ giúp người dân cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn có thêm thu nhập khi các sản vật được đem bày bán tại các chợ hoặc quầy hàng. Có thể thấy, với người Thái, chỉ cần có rừng, có suối thì cuộc sống con người sẽ luôn đủ đầy, không sợ đói. 

Ngày nay, hoạt động hái lượm từ rừng và đánh bắt từ các sông, suối không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, rừng vẫn là nơi cung cấp cho bữa ăn của con người nguồn thực phẩm thiết yếu. Thực trạng đó đã tác động đến sinh kế của đồng bào, từ phụ thuộc vào thiên nhiên biến đổi sang hình thức dựa vào tự nhiên, cùng cải tạo và hưởng lợi từ tự nhiên.

  1. Chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp

            Trong xã hội truyền thống, người Thái chăn nuôi theo hướng tự cấp tự túc. Mục đích chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình trong các dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi… hoặc có thể dùng để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Gia súc lớn như bò, trâu được sử dụng làm sức kéo. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình đều có một ao cá cạnh nhà. Đây là đặc trưng trong chăn nuôi cũng như thói quen bố trí nhà cửa, ao, vườn của người Thái.

Ngày nay, chăn nuôi của người Thái đã có nhiều thay đổi. Hình thức chăn nuôi tự cấp tự túc vẫn tồn tại, bên cạnh đó chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng được triển khai. Một số trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ đã được thành lập. Lợn, gà, vịt được chăn nuôi theo hướng công nghiệp và dùng để xuất ra thị trường bên ngoài. Mô hình nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm phát triển. Tính đến cuối năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Chiềng Xôm đạt 23,1 ha. Sản lượng ước đạt 90 tấn cá các loại. Người Thái ở Chiềng Xôm đã từng bước tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm biến các sản phẩm vật nuôi trong gia đình thành hàng hóa. Từ đó góp phần cải thiện thu nhập, giúp đời sống đồng bào được sung túc hơn.

Tiểu thủ công nghiệp xưa kia tương đối phát triển với các nghề như: đan lát, rèn, dệt vải bông,... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, nghề thủ công truyền thống dần mai một. Hiện nay, số hộ làm đồ thủ công trong xã còn rất ít, đa phần chỉ làm để sử dụng trong phạm vi gia đình với những đồ cần thiết như nơm, vó, ếp khẩu, đệm bông gạo, rèn cuốc, xẻng... nếu có trao đổi hoặc buôn bán cũng trong quy mô bản, xã.

Cho đến nay, phương thức mưu sinh chính của người Thái ở xã Chiềng Xôm vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ đạo là làm ruộng nước và nương rẫy. Các hình thức sinh kế khác như chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, khai thác nguồn lợi tự nhiên... tồn tại mang tính chất là các hoạt động kinh tế phụ bổ trợ cho nông nghiệp. Việc giao thương của người Thái ở địa phương cũng ngày càng được mở rộng và phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa. Dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, tập quán mưu sinh truyền thống của đồng bào Thái ít nhiều đã có sự biến đổi. Các giống ngô, giống lúa mới và các giống cây trồng khác cho năng suất cao hơn đã được áp dụng; kĩ thuật canh tác có nhiều biến đổi theo hướng tích cực, máy móc dần được sử dụng để thay thế sức lao động của con người, các loại phân bón hoá học cũng được áp dụng trong sản xuất... Tất cả những sự thay đổi này đã góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn, ổn định hơn và giảm sự lệ thuộc vào tự nhiên.

               Tín ngưỡng vật linh (hay “vạn vật hữu linh”, “vạn vật có linh hồn”) là tín ngưỡng ra đời từ thời kỳ nguyên thủy trong các thị tộc, bộ lạc cổ xưa. Thuyết vật linh được coi là mảnh đất tốt cho hạt giống tâm linh nảy mầm, vừa là động lực, vừa là căn nguyên cho việc xuất hiện các nghi thức mai táng, cúng tế, ma chay, là cơ sở tâm lý dẫn tới sự ra đời của hệ thống tôn giáo nguyên thủy sơ khai.Linh hồn là một hình ảnh tinh tế, phi vật chất của con người mà về bản chất nó giống như hơi, không khí hay bóng đen. Linh hồn cấu thành nguyên nhân của sự sống và tư duy thực thể mà nó có ở đó. Nó có thể nhanh chóng rời bỏ thân thể và di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Tuy phần lớn là không thể sờ thấy và nhìn thấy nhưng nó vẫn bộc lộ một sức mạnh vật chất và hiện lên với những người đang ngủ hay đang thức như một ảo ảnh, một bóng ma tách rời khỏi thân thể nhưng có hình dáng giống người… [5;tr514].

Linh hồn có thể nhập vào thân thể những người khác, những động vật khác hay những đồ vật chi phối chúng. Con người có nhiều linh hồn khác nhau bởi có nhiều hình ảnh theo nhiều hướng khác nhau, thực hiện các chức năng không giống nhau. Linh hồn có thể bay đi, có trọng lượng và chịu tác động của bên ngoài. Vì sự giống nhau mà linh hồn còn giữ được so với thân thể, dù cho nó là bóng ma phiêu diêu trên mặt đất hay là những kẻ cư trú của thế giới bên kia thì có thể vẫn nhận ra được. Theo quan niệm đó, người chết phải được toàn thây (nghĩa là giữ nguyên hình dáng như khi đang sống) thì sau khi chết đi linh hồn của họ mới được nguyên vẹn, có thể tìm về quê hương, nhà của mình, còn nếu không linh hồn đó sẽ lang thang vô định.

          Xuất phát từ quan niệm về linh hồn như đã nói ở trên, trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Thái từ buổi sơ khai của mình và cho đến tận ngày nay, họ vẫn luôn tin rằng vạn vật đều có linh hồn, Then (thần) là lực lượng sáng tạo ra vạn vật và cũng hủy diệt được vạn vật, số phận của họ đều do Then Luông ở trên trời quyết định. Do đó tín ngưỡng của người Thái luôn xoay quanh vấn đề linh hồn (khuân).

            Trong tâm niệm của người Thái, có hai loại linh hồn: linh hồn tồn tại trong thế giới có sự sống, gọi là Mường Côn. Linh hồn mà mắt trần không nhìn thấy được gọi là Mường Phi (mường ma). Hai mường có liên hệ với nhau nhờ có linh hồn. Theo quan niệm này thì mường ma được coi là thế giới vĩnh hằng, bất biến. Mường côn (mường người) thì tồn tại trong sự biến động.

Theo người Thái, thế giới vũ trụ gồm có 5 tầng, mỗi tầng là một thế giới riêng. Tầng trên cùng là nơi trú ngụ của những người đeo dao ở cổ, sống lang thang nay đây mai đó, ăn sương, ăn gió. Tầng này được gọi là tầng hỗn mang, hỗn cư.

            Tầng thứ hai là nơi trú ngụ của lực lượng siêu nhiên, thế giới của các vị thần linh, những người sáng tạo ra con người, vạn vật quyết định số phận của vạn vật. Đứng đầu thế giới thần linh này là Then Luông, vị thần này giàu sang và có quyền lực lớn. Ngôi nhà sàn nơi Then ở là ngôi nhà rộng, đẹp với cột vàng, sân bạc, mái kim cương, nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông, lúa tốt quanh năm. Sân nhà Then có vườn quả pin quả pán, loại quả linh hồn để Then ban phát cho những người sống dưới trần gian, quả này được Then quy định từng loại gắn với tuổi được sống ở cõi trần của mỗi người.

            Cạnh Then Luông còn có các vị thần giúp việc với chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Đó là các bà Bẩu làm nhiệm vụ nặn người đưa xuống trần gian. Ngoài ra, còn có các vị thần khác làm chức năng tạo ra hạnh phúc, công danh, sự nghèo hèn, đau khổ, hòa bình và chiến tranh…cho con người. Khu vực này được gọi là Liến Pán Luông (Niết bàn lớn).

            Thần dân của các vị thần là các chức dịch cao cấp và gia đình họ sống ở khu Liến Pán Nọi (Niết bàn nhỏ). Cuối cùng là nơi sống của các linh hồn dân thường sống theo dòng họ, khu này gọi là Đẳm đoi. Ngoài ra, tầng này còn có rắn in, ban phúc lành cho linh hồn.

            Mặc dù là nơi trú ngụ của các vị thần linh, các linh hồn đã siêu thoát… song trong quan niệm của người Thái cuộc sống ở nơi này giống như thế giới trần gian cũng lao động sản xuất, cũng có sự phân chia đẳng cấp, cũng có vui buồn, ganh tị… Tuy nhiên, cuộc sống ở đây dễ chịu hơn rất nhiều so với thế giới trần tục, các linh hồn không bao giờ đói khát, vật chất luôn đầy đủ.

            Tầng thứ ba gồm vòm trời và các tầng mây, ở đó có sao trăng là nơi trú ngụ, nghỉ ngơi của những người khổng lồ được Then Luông sai xuống trần gian, giúp con người khai phá đất đai, sông biển, trong thời kỳ hồng hoang. Đây cũng là nơi giam con chó Chuông Nhánh phạm tội với Then. Mỗi khi sổng chuồng đến nuốt nàng mặt trời tạo nên nhật thực, nơi đây cũng có con ếch khổng lồ, mỗi khi đói quá ăn cả mặt trăng tạo nên hiện tượng nguyệt thực.

            Tầng thứ tư là mặt đất, là thế giới loài người và muôn vật

Tầng cuối cùng là thế giới ma quỷ ở mường ma (mường phi). Thế giới mường ma là thế giới con người trần tục không thể nhìn thấy. Ngoài ra, tầng này còn là nơi trú ngụ của các loài thuồng luồng dưới nước.

Cũng có quan niệm cho rằng, vũ trụ của người Thái Đen gồm có ba tầng. “Nậm Tốc Tát phi pay, Phi cái đay cái cau mưa phạ”, tức là “Nậm Tốc Tát là đường ma đi, Ma bắc cầu bắc thang lên trời”. Tầng Trời (Mường Trời, Mường Then) có cây vũ trụ (là biểu tượng của sự bất tử - không bao giờ chết) chính là cái hoa chuối và con trăn; Then cũng có đến 18 then tất cả, trong đó có cả then trí tuệ. Mường trời cũng được chia ra thành nhiều mường, trong đó có Then Luông là đấng tối cao nhất cai quản tất cả trời đất, loài người và vạn vật, Then Luông được các quần thần giúp việc.

 Tầng giữa (Tầng trần gian - thế giới của con người), tầng này chính là nơi tiếp nối giữa trời và đất và tầng cuối cùng là tầng ma quỷ (hay còn gọi là Tầng người lùn). Theo quan niệm của người Thái “vạn vật hữu linh” (cái gì cũng có linh hồn), bất cứ ở nơi nào cũng có các ma (phi) cai quản, từ cây cối, đất đai, ruộng vườn, ao hồ…., muốn lập bản, khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú đều phải xin phép các ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối…Do đó, việc cúng tế đối với người Thái Đen rất được coi trọng bởi “Côn đẩy kin cáo đi, Phi đẩy kin cáo cụm”, tức là “Người được ăn cho chủ bụng tốt, Ma được ăn phù hộ cho người”.

            Cho rằng, sự sống có linh hồn, linh hồn tồn tại trong thể xác, thể xác là con người, con người sẽ chết. Người Thái tin rằng, mỗi người có “Xam xíp khuôn nang nả, hả xíp khuôn mang lăng” (ba mươi hồn ở phía trước, năm mươi hồn ở phía sau),đó là những hồn của từng bộ phận cơ thể người, trong đó linh hồn chủ nằm ở đỉnh đầu, gọi là chan khuân (đỉnh hồn). Từ ý niệm trên đã dẫn đến tục kiêng không cho người khác đụng vào đầu, nếu vô tình đụng tới sẽ phải chịu phạt theo nghi thức Peng khuân (chữa hồn).

            Niềm tin vào linh hồn dẫn đến sự ra đời nghi thức và nghi lễ xoay quanh nó như peng khuân (chữa hồn), hieek công (gọi hồn lạc), xên khuân (cúng hồn).

            Đặc biệt, trong tín ngưỡng về linh hồn, người Thái còn có cái gọi là một (phi một), đó là lực lượng trên hồn có chức năng bảo vệ cho sự tồn tại của linh hồn trong mỗi cá thể con người, sự vật hiện tượng. Do đó khi người chết muốn về được nơi ở cùng họ hàng ở thế giới bên kia phải do phi một dẫn đường.

            Người Thái xưa tin rằng thế giới “phi” có rất nhiều loại: “phi khuân” là linh hồn của người và vật, “phi pá” lại là một loại yêu quái trong rừng… mỗi loại “phi” lại có một hình dáng khác nhau và tác động trực tiếp, gián tiếp, tốt hoặc xấu đến cuộc sống con người. Tục ngữ Thái xưa có câu: “khách được ăn cho chủ tốt bụng, “phi được ăn phù hộ cho người” (côn kịn cáo đi, phi đẩy kin cáo cụm).

            Bởi vậy, các loài “phi” thường được cho ăn uống. Theo tín ngưỡng đó nên người Thái cho rằng, nếu lơi việc cúng bái “phi” sẽ gây cho người ốm đau, chết chóc, bản mường thường không ổn định, sản xuất thường bị thiên tai. Từ đó, trong xã hội cũ tồn tại phổ biến các tục lệ cúng, khấn “phi” từ đơn giản đến phức tạp.

            Người xưa quan niệm “phi” có cuộc sống ngược với người. Đêm của người là ngày của “phi”. Người ăn bằng thức ăn còn “phi” chỉ ăn hương ăn hoa của thức ăn đó. Người có sống có chết nhưng có những “phi” lại tồn tại vĩnh cửu như “phi hướn” có nghĩa là tổ tiên hay “phi then” là chủ cõi trời.

            Theo quan niệmcủa người Thái, “phi” có thể được chia làm 5 loại:

Thứ nhất là “Phi khuân” hay linh hồn. Đây là một loại “phi” gắn liền với mỗi người và một số con vật. Người Thái xưa tin rằng, các vật thể còn sống, linh hồn tồn tại trong thể xác, con người, các sự vật, hiện tượng đều có linh hồn của riêng mình trú ngụ. Nó là lực lượng tạo ra hình khối và sự sống của vật thể như đất đá, núi sông, cây cối…cũng như tạo ra tư thế, tính cách, hành vi, tình cảm, tinhthần…của con người. Người Thái quan niệm, trên thân thể con người có 80 hồn (30 hồn ở phía trước và 50 hồn ở phía sau.). Trời là thế giới bên trên - nơi ngự trị của Then. Các hồn ở tứ chi tập trung thành ma nhà (phi hươn) và nương tựa nơi bàn thờ người chết trong nhà. Ma nhà cũng tồn tại với người sống, trong thế giới của người sống.

Thứ hai là “Phi hướn” có thể dịch là “ma nhà”. Nhà của người Thái vừa là nơi để ở vừa là nơi chứa đựng hồn của người trong gia đình đó. Cũng như ở một người có hồn trên chỏm tóc là chủ, ở nhà hồn của người cha sẽ là chủ và tượng trưng cho hồn chủ là cái áo của người cha, “chủ áo” hay còn gọi là “chủ hồn” vì người Thái cho rằng chiếc áo mặc là vật chứa đựng linh hồn người.

Khi các thành viên trong gia đình chết, linh hồn biến thành “phi” vĩnh cửu. Gian thờ ma nhà thường ở sát gian đầu hồi phía tay phải gọi là “klọ hóng”. Với quý tộc (Lò, Cầm, Bạc, Sa, Điêu) thường có hai ngăn, một ngăn gọi là “hóng” và một ngăn gọi là “chóng căm”. Tất cả những “phi” trong “hóng” gọi là “đẳm” nên “phi hướn” cũng có tên là “phi đẳm”. Thờ "phi hướn" là một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Thái.

Thứ ba là"Phi Bản", "Phi Mường" (ma bản, ma mường). Bản mường là một thể thống nhất có nhiều linh hồn và một linh hồn chủ. Linh hồn "bản mường" gồm tất cả linh hồn của mọi thành viên trong một đơn vị cư trú. Hồn chủ là hồn của người được "bản mường" chọn áo để cúng, người Thái gọi đó là "chẩu xửa" dịch là chủ áo, tức là chủ hồn.

            "Chẩu xửa" của bản, mường trước hết phải là người đứng đầu thuộc họ quý tộc thống trị ở bản, mường đó. Họ phải là người thuộc con cháu của lớp "tạo đầu tiên có công dẫn dắt người trong mường lập ra "bản mường". Bởi vậy, người xưa cho rằng "mường" cũng chỉ là một "nhà sàn lớn".

             Như vậy, việc thờ cúng "phi mướng" của người Thái xưa đã mang trong mình nội dung về sự phân biệt đẳng cấp giữa tầng lớp thống trị, bóc lột với tầng lớp bị trị, bị bóc lột một cách rõ rệt. Thờ cúng "phi mướng" là sự thừa nhận trật tự xã hội cũ trong đó khẳng định về mặt tư tưởng, phục tùng sự thống trị của tầng lớp quý tộc.

            Thứ tư là "Phi pá heo" (ma rừng ma). Rừng ma là nghĩa địa, thường là nghĩa địa chung của bản, xuất hiện trước khi công xã nông thôn ra đời. Ở mỗi bản lại có khu nghĩa địa riêng cho từng họ. Họ quý tộc Thái thường được chôn ở rừng ma lớn nhất (đông mả luông), luật quy định rất ngặt nghèo, cấm các dòng họ khác chôn chung hoặc chặt phá cây. Vì thế, đây chính là khu rừng nguyên sinh nhiều muông thú. Trước kia do đất rộng, rừng ma được phân thành nhiều loại: loại chôn người già, phụ nữ, loại dành cho trẻ nhỏ xấu số.

            Cuối cùng là các "phi" ở tự nhiên và ma thuật. Với quan niệm "vạn vật hữu linh", người Thái xưa cũng tin rằng trong tự nhiên cũng có rất nhiều "phi", các "phi" này có thể chia làm 3 loại:"Phi" do linh hồn người chết biến thành, ngụ ở rừng gọi là "phi pá heo" (ma rừng ma) ;  "Phi" vốn có trong tự nhiên như "phi pá" (ma rừng), "phi hua pó" (ma đầu nguồn) hay "phi khuông" (ma hủi), "phi luông" (ma lớn)...

             Những người mê tín còn tin rằng có một người biết dùng thủ pháp của "phi" để đuổi "phi", đánh "phi" hay giết chết "phi". Ngoài ra, họ còn có những thủ pháp biến thành "phi". Đó là những người biết yểm bùa, chài, bùa phép…những người vừa là người vừa là "phi" đó còn được gọi là  ma cà rồng…Đây là những dấu vết của tín ngưỡng ma thuật, bùa chú từ thời nguyên thủy mà tàn dư của nó vẫn hiện hữu trong cuộc sống của người Thái Đen hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TÀI LIỆU THÀNH VĂN
  2. Hoàng Trần Nghịch (2000), Lời tang lễ dân tộc Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  3. X.A.Tôcarev (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Cầm Trọng, Ngô Đức Thịnh (1999), Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp), Nxb Văn hóa Dân tộc.
  5. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Nxb Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
  7. Lời tang lễ của người Thái Đen bản Sang, Mường Bú, Mường La, Sơn La.
  8. “Quám Chiến lang” (Ngạn ngữ Thái), tài liệu lưu bảo tàng tỉnh Sơn La.
  9. “Quám tố mương Mường La” (Chuyện kể bản mường), tài liệu lưu bảo tàng tỉnh Sơn La

 

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Xinh Mun ở Việt Nam có 29.503 người, trong đó tập trung đông nhất tại tỉnh Sơn La với 27.031 người, (chiếm 91,62% tổng số người Xinh Mun trong toàn quốc), chủ yếu cư trú tại các huyện Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn và Mộc Châu. Cộng đồng người Xinh Mun có 2 nhóm tộc người là Xinh Mun Nghẹt và Xinh Mun Dạ.

Trước kia, khoảng đầu tháng 10 hàng năm, khi mùa thu hoạch kết thúc, lương thực đã chất đầy trên gác và trong kho, cũng là lúc các cụ già trong bản tính toán thời điểm ăn tết cơm mới và thông báo cho cả bản cùng tổ chức. Người Mông quan niệm lễ cơm mới được tổ chức trước tiên là để cảm tạ trời đất, tổ tiên, ma nhà đã “bảo vệ ngô lúa, nương rẫy, gia súc cho con cháu, và đuổi ma rừng ma núi đi”[1], đồng thời cũng là dịp các thành viên trong gia đình, dòng họ gặp gỡ, ăn bữa cơm đoàn viên và người chủ gia đình “thông báo cho con cháu là vụ mùa năm nay đã thu hoạch xong, nên mời bà con, anh em đến cùng nhau nâng chén chúc mừng thành công của năm nay, sang năm lại tiếp tục phấn đấu”[2].

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Mông ở Việt Nam hiện có 1.393.547 người. Trong đó tập trung cư trú tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên… Tại Sơn La, tổng số người Mông hiện có 1.248.415 người, chiếm 14,4% tổng số người Mông toàn quốc và chiếm 16,1% tổng dân số toàn tỉnh Sơn La (sau người Thái và người Kinh).

Gốm ở xã Mường Chanh là dòng gốm lâu đời, trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái Đen trên đất Sơn La. Tuy nhiên, do không được cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, nguồn nguyên liệu làm nghề gốm bị thu hẹp, gốm sản xuất ra ra đã bị rò. Từ một làng gốm nay chỉ còn duy nhất một hộ gia đình còn duy trì. Bởi vậy, nghề gốm có nguy cơ thất truyền, mai một.