1. Từ yêu cầu đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực Tây Bắc

Sau hơn 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), khu vực Tây Bắc (gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) đã đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đường bộ được cải thiện đáng kể; kinh tế từng bước có sự chuyển dịch từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cho đến những năm cuối thế kỷ XX, khu vực Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ kinh tế kém phát triển, xã hội lạc hậu nhất so với cả nước. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của vùng trung du và miền núi phía Bắc (trong đó có các tỉnh Tây Bắc) năm 1998 là 64,5%, cao nhất cả nước (trong khi khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai với 52,4%; tỷ lệ hộ nghèo trung bình của cả nước là 37,4%) [13]. Kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999 cho thấy thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 1999 (số liệu đã làm tròn) của tỉnh Lai Châu là 161.000 đồng, tỉnh Sơn La là 192.000 đồng, tỉnh Hòa Bình là 207.000 đồng, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Bắc và Tây Bắc (210.000 đồng) và của cả nước (295.000 đồng) [12]. Mặc dù đã bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tuy nhiên, sản lượng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu kinh tế của vùng; toàn vùng chỉ có 8.894 cơ sở công nghiệp [6;tr.4].

Về mặt xã hội, tổng số lao động của khu vực Tây Bắc có khoảng 1,115 triệu người; trong đó, khoảng 28,2% số người có bằng tốt nghiệp tiểu học, 22,6% số người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và 8,7% số người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngành giáo dục và đào tạo của các địa phương trong khu vực còn nhiều hạn chế. Giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn; theo số liệu thống kê thời điểm tháng 9/1999, toàn vùng có 284 trường (3.427 lớp) mẫu giáo với 4.840 giáo viên và 75.451 học sinh; có 452 trường tiểu học với 15.692 giáo viên và 352.155 học sinh; có 432 trường trung học cơ sở với 6.051 giáo viên và 148.965 học sinh; có 57 trường trung học phổ thông với 1.276 giáo viên và 35.903 học sinh [6;tr.4-5]. Tính đến năm 2000, Tây Bắc vẫn còn trên 50% số trường học được làm từ gianh tre, nứa lá; trang thiết bị, đồ dùng phục vụ giảng dạy và học tập thiếu thốn; năng lực chuyên môn của giáo viên không đều và không đủ đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách giáo dục; số đông đội ngũ giáo viên cắm bản, xoá mù trước đây được đào tạo theo kiểu “cấp tốc” đến nay vẫn chưa được đào tạo lại… [14;tr.33]. Lĩnh vực đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề còn thiếu và yếu; năm 1999, toàn vùng có 2 trường cao đẳng sư phạm (Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình) với 200 giảng viên và 3.366 sinh viên hệ tập trung; 10 trường trung học chuyên nghiệp với 338 giáo viên và 5.397 học sinh hệ tập trung; 4 trường dạy nghề với 105 giáo viên và 2.431 học sinh học nghề hệ tập trung [6;tr.4-5].

Trên bình diện toàn vùng, sự phân bố trường lớp, ngành nghề so với khu vực đồng bằng và giữa các địa phương trong vùng còn nhiều bất cập, trong đó bất cập lớn nhất không chỉ là tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề trong vùng, giữa các địa phương với nhau và giữa các cấp học trong ngành giáo dục mà còn là thực trạng nguồn nhân lực trình độ cao ở Tây Bắc thuộc các lĩnh vực kinh tế, nông lâm, y dược,... chủ yếu được đào tạo ở miền xuôi hoặc được tăng cường từ miền xuôi lên chứ không phải được đào tạo tại chỗ ở Tây Bắc. Thực trạng này cũng đã được Trung ương Đảng và Chính phủ quan tâm, nhận thức rõ. Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 ban hành theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ khi đánh giá về những yếu kém của giáo dục Việt Nam qua 15 năm đổi mới, cũng đã khẳng định: Các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tập trung quá nhiều vào các thành phố lớn, khu công nghiệp lớn. Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn” [7].

Theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4/1999, khu vực Tây Bắc có xấp xỉ 2.227 nghìn người. Dự báo, dân số trong vùng sẽ lên tới 2.800 nghìn người vào năm 2010, và khoảng 3.400 nghìn người vào năm 2020. Thời điểm thống kê, số lao động có chuyên môn, kỹ thuật và được kinh qua đào tạo mới chiếm khoảng 8,6% tổng số lực lượng lao động của cả vùng (xấp xỉ bằng 61% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước). Nếu tính riêng số người có trình độ đại học và cao đẳng trong tổng lực lượng lao động của Tây Bắc thì tỷ lệ bình quân chung của vùng là 1,5% (trong khi bình quân của toàn quốc là 3,5%). Tính toán phù hợp với dự thảo chiến lược giáo dục và đào tạo đến năm 2010, để có từ 25% đến 30% số lao động chuyên môn kỹ thuật và được đào tạo trong tổng số lực lượng lao động làm việc vào năm 2010, thì trong thời gian 10 năm (từ năm 2001 đến năm 2010), khu vực Tây Bắc phải đào tạo được từ 350.000 đến 420.000 người ở các trình độ khác nhau; trong đó, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên từ 35.000 đến 42.000 người, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật từ 245.000 người đến 294.000 người [6; tr.6]. Như vậy, để có được lực lượng lao động với trình độ như trên, bình quân mỗi năm, khu vực Tây Bắc cần phải đào tạo ít nhất 3.500 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên.

Thực trạng và những tính toán nêu trên cho thấy, nhu cầu đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng để tham gia vào quá trình lao động, sản xuất, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở Tây Bắc đã trở nên vô cùng cấp thiết.

Tây Bắc không thể tăng tốc phát triển kinh tế trong điều kiện phần lớn lao động xã hội vẫn còn là lực lượng lao động giản đơn, chưa qua đào tạo. Mặt khác, do điều kiện kinh tế, xã hội của vùng còn có khoảng cách nhất định so với khu vực đồng bằng, đặc biệt là điều kiện giao thông và những khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán,... nên việc điều chuyển cán bộ, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao từ các khu vực khác cho vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, song song với các giải pháp động viên, khuyến khích và xây dựng các chế độ chính sách ưu tiên phù hợp để huy động cán bộ khoa học, kỹ thuật từ nơi khác đến công tác và làm việc thì vấn đề đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu cho vùng đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết. Đây là cơ sở khẳng định sự cần thiết phải thành lập một trường đại học, đặt trụ sở tại vùng Tây Bắc. Nhu cầu đó càng cấp bách hơn khi xem xét trên phạm vi toàn quốc, tính đến cuối thế kỷ XX, chỉ còn khu vực Tây Bắc chưa có một trường đại học; trong khi các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đều đã thành lập được các trường đại học để phục vụ nhu cầu đào tạo tại chỗ lực lượng lao động trình độ cao[1].

  1. Đến sự thành lập Trường Đại học Tây Bắc

Mong muốn thành lập một trường đại học ở khu vực Tây Bắc để đào tạo cán bộ cho đồng bào các dân tộc đã được nêu ra từ rất sớm, nhất là từ những năm 60 thế kỷ XX. Nhà giáo Phạm Viết Hoàng công tác tại Phòng Giáo vụ Khu học xá Mường La thuộc Khu Tự trị Thái - Mèo trong bài viết về Khu học xá đăng trên Tập san Dân tộc, tháng 9/1961 đã tâm sự: “Trong khi phát biểu về mơ ước của mình, có em thiếu nhi đã “ước mơ khu học xá có trường đại học”. Ước mơ của em là ước mơ chung của cán bộ, giáo viên và học sinh chúng tôi. Chắc chắn một ngày không xa nữa, với sự chăm sóc và dìu dắt của Đảng, những con người mà trước kia thực dân cho là “lạc hậu, mọi rợ”, sẽ ngồi vào ghế trường đại học ngay ở “quê hương hoa ban và hội còn” của họ” [8;tr.30]. Trong thư gửi nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo sau chuyến thăm Tây Bắc (cuối tháng 1/1962), Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Phải gắng sao cho mỗi xã đều có trường cấp 1, mỗi châu đều có trường cấp 2, rồi cấp 3. Phải tiến đến mở trường Đại học ở khu” [11]. Mong muốn đó được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân các dân tộc Tây Bắc tin tưởng, gửi gắm vào Trường Sư phạm Cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (sau này là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc). Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mong muốn đó càng trở nên bức thiết và chính đáng. Để hiện thực hóa được mong muốn đó, tháng 9/1997, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu và Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị “nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc lên thành Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc tại Thị xã Sơn La, với chức năng đào tạo đa ngành nhằm đào tạo - bồi dưỡng cán bộ giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật có trình độ Đại học cho hai tỉnh Lai Châu - Sơn La”. Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu còn nhấn mạnh: “Đây là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, vừa phù hợp với thực tiễn miền núi và đảm bảo sự công bằng giữa các vùng trong cả nước” [16].

Cùng với sự ủng hộ của các tỉnh Tây Bắc, từ những năm cuối thế kỷ XX, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo đội ngũ, mở rộng địa bàn tuyển sinh, tăng cường mối quan hệ với các địa phương Tây Bắc,... Tính đến năm 2000, đội ngũ giảng viên của Trường có 120 người, trong đó số người có trình độ trên đại học đã tăng lên 40% (gồm 01 Tiến sĩ và 49 Thạc sĩ), sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học. Quy mô tuyển sinh của Trường không ngừng tăng lên: năm 1996: 416 sinh viên; năm 1997: 462 sinh viên; năm 1998: 708 sinh viên; năm 1999: 624 sinh viên; năm 2000: 730 sinh viên [6;tr.10]. Địa bàn tuyển sinh của Trường ngày càng mở rộng, bao gồm cá tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương,... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ủng hộ chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Nhiều cuộc Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã được triển khai để bàn về chủ trương và phương án thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Đặc biệt, sau chuyến thăm và làm việc với các tỉnh Tây Bắc của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, ngày 07/5/1998, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 98/TB-VPCP về chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La lựa chọn địa điểm quy hoạch xây dựng Trường Đại học Tây Bắc tại khu vực Bản Dửn (thuộc xã Chiềng Ngần và một phần của xã Chiềng Cơi - Thị xã Sơn La); đồng thời triển khai xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Tây Bắc, trình Chính phủ phê duyệt.

Theo nội dung Đề án, Trường Đại học Tây Bắc thành lập nhằm đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực trình độ cao cung cấp cho các địa phương trong vùng, đồng thời mở rộng và tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng, phù hợp với mục tiêu chung trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010. Việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để mọi đối tượng dân cư thuộc các dân tộc ít người, những người nghèo và những người ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học và được tham gia học tập ở bậc đại học; thực hiện điều tiết từng bước cơ cấu đào tạo theo vùng, miền và khắc phục tình trạng phân bố lực lượng lao động khoa học - kỹ thuật - công nghệ không đồng đều giữa các vùng, miền và các địa phương [6;tr.7]. 

Đáp ứng những mong muốn và nhu cầu chính đáng nêu trên, ngày 23/3/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg về thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Nội dung của Quyết định cụ thể như sau:

Điều 1. Thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Điều 2. Trường Đại học Tây Bắc có nhiệm vụ:

  1. Đào tạo nhân lực có trình độ đại học và cao đẳng.
  2. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức.
  3. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.

Điều 3. Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trụ sở của trường đặt tại tỉnh Sơn La; Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng” [10].

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/5/2001, Lễ Công bố thành lập Trường Đại học Tây Bắc được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (thị trấn Thuận Châu, Sơn La) trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đại biểu Ban Dân tộc Trung ương, Ban Dân tộc Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại biểu của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Tây Bắc [14;tr.35].

Sự thành lập Trường Đại học Tây Bắc là sự kiện lịch sử quan trọng, không chỉ thuần tuý đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của địa phương mà còn thể hiện chính sách dân tộc của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc. NGND.PGS.TS Đặng Quang Việt - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tây Bắc đã khẳng định: “Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc của Chính phủ đã hiện thực hóa ý tưởng thành lập trường đại học cho khu vực Tây Bắc của thế hệ lãnh đạo Nhà trường từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đã phản ánh được ước vọng bao đời của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, tạo ra cơ hội được học tập đạt trình độ cao cho nhân dân và con em các dân tộc Tây Bắc, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh Tây Bắc, tạo thêm một động lực quan trọng, giúp cho Tây Bắc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [15;tr.8].

  1. Bước phát triển mới của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc

Ngay sau Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc, ngày 04/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, trong đó khẳng định rõ: “Đối với vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên: Tập trung đầu tư phát triển Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc để nâng cao năng lực thu nhận sinh viên, đảm nhận vai trò chủ đạo trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ trong vùng” [9]. Đó là định hướng lâu dài của Trung ương đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo ở các khu vực còn nhiều khó khăn.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, tương xứng với vị thế và vai trò của một trường đại học, phù hợp với tên gọi mới của Nhà trường, ngày 27/6/2001, Huyện ủy Thuận Châu ban hành Quyết định số 167-QĐ/HU về việc đổi tên Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, trực thuộc Huyện ủy Thuận Châu. Trước yêu cầu mới, Đảng bộ Trường sớm xác định nhiệm vụ trong giai đoạn mới là lãnh đạo xây dựng Trường Đại học Tây Bắc “thực sự là một trường đại học đa ngành, đa cấp, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục hàng đầu của vùng Tây Bắc”. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển Trường Đại học Tây Bắc giai đoạn 2002 - 2005, trong đó xác định những quan điểm định hướng cơ bản: “Từng bước phát triển hoạt động đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo chuẩn mực của các cấp đào tạo (đại học, cao đẳng). Duy trì đào tạo trình độ cao đẳng, tăng dần quy mô đào tạo trình độ đại học. Từng bước hoàn thiện tổ chức, phát triển đội ngũ, củng cố cơ sở vật chất hiện có, phát triển cơ sở vật chất theo dự án đủ đảm bảo cho phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ... Từng bước đa dạng hóa loại hình đào tạo, tạo thuận lợi cho người theo học, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên,... Tận dụng triệt để các quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo, từng bước học tập, tiếp thu, tiếp nhận trình độ, quy trình đào tạo, quy trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế” [1].

Với vị thế, vai trò và quy mô của một trường đại học mới thành lập, dự kiến trong những năm tiếp theo, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, sẽ có từ 100 đến 120 đảng viên, từ 10 tới 12 chi bộ trực thuộc; cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, quy mô đào tạo, các mối quan hệ hợp tác,... sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Trước yêu cầu phát triển đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường đã đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến hiệp thương với Tỉnh ủy Sơn La xem xét về vị trí của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc. Trên cơ sở đó, ngày 04/5/2003, Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 30-CV/BCS gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc đề nghị Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La. Đồng thời, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, căn cứ Điểm 2 Điều 10 Quy định số 14-QĐ/TW ngày 16/11/2001 về cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, tháng 8/2003, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đã có Tờ trình số 18-TTr/ĐU gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La về việc xem xét, quyết định để Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La. Việc Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc cùng có ý kiến đề nghị với Tỉnh ủy Sơn La xem xét về vị trí của Đảng bộ Trường trong tình hình mới thể hiện tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm đối với tương lai phát triển của Nhà trường; đồng thời là bước chuẩn bị cần thiết phục vụ cho việc kết nối, triển khai những nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trong đó đặc biệt quan trọng là nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, triển khai Dự án xây dựng Trường Đại học Tây Bắc tại cơ sở mới Thị xã Sơn La.

Trên cơ sở đề nghị của Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tiễn, ngày 01/12/2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quyết định số 591-QĐ/TU, có hiệu lực từ ngày ký, trong đó quy định: “Nay thành lập Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy, trên cơ sở chuyển giao Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đang trực thuộc Đảng bộ huyện Thuận Châu” [3]. Quyết định thành lập Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử phát triển của Đảng bộ Trường. Sau một thời gian triển khai công tác chuẩn bị, bàn giao, ngày 16/01/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quyết định số 679-QĐ/TU chuyển giao Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc thuộc Đảng bộ huyện Thuận Châu, nay trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La [4]. Đến đây, hoàn tất quá trình chuyển giao Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Huyện ủy Thuận Châu về trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La; kết thúc một chặng đường phát triển của Đảng bộ và Nhà trường đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Thuận Châu; mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc - trở thành một trong số ít đảng bộ cơ sở đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn La.

Cùng với những sự kiện quan trọng nêu trên, ngay trong nhiệm kỳ 2001 - 2005, nhiệm kỳ đầu tiên lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của một trường đại học, Đảng bộ Trường đã có sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2005, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đã có 8 chi bộ với 114 đảng viên, so với năm 2001, thời điểm Đảng bộ mới có 5 chi bộ với 70 đảng viên. Với phương hướng xác định trong kế hoạch chiến lược giai đoạn 2005 - 2010, dự kiến trong nhiệm kỳ XX (2005 - 2010), Đảng bộ Trường sẽ tiếp tục phát triển, có từ 9 đến 12 chi bộ, với số lượng đảng viên từ 160 đến 200, mỗi năm sẽ kết nạp từ 20 đến 25 đảng viên mới [2]. Trước sự phát triển và yêu cầu lãnh đạo trong giai đoạn mới, để tạo điều kiện cho công tác lãnh đạo của Đảng bộ, nhất là đối với nhiệm vụ phát triển Đảng, ngày 10/4/2005, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc xây dựng Tờ trình số 126-TTr/ĐU đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La xem xét, ủy quyền cho Đảng bộ quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên. Trên cơ sở đó, căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 29/4/2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quyết định số 1090-QĐ/TU ủy quyền cho Đảng ủy cơ sở Trường Đại học Tây Bắc được quyền quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên [5]. Sự kiện này thêm một lần nữa đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc - từ một Tổ Đảng của Trường Sư phạm Cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo (1960) phát triển lên thành Chi bộ Trường Sư phạm Cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (1965), rồi Đảng bộ Trường Sư phạm Cấp II Tây Bắc (1967), Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (1981) trực thuộc Huyện ủy Thuận Châu, trước khi chính thức trở thành Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La (2003), được ủy quyền cấp trên cơ sở quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên (2005). Đó là quá trình phát triển và trưởng thành của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc gắn liền với những nhiệm vụ, vị thế và vai trò lịch sử của Nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, 2002. Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 24/4/2002 về kế hoạch phát triển Trường Đại học Tây Bắc giai đoạn 2002 - 2005. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, 2005. Đề án công tác nhiệm kỳ XX (2005 - 2010), Dự thảo lần 4. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, 2003. Quyết định số 591-QĐ/TU ngày 01/12/2003 thành lập Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, 2004. Quyết định số 679-QĐ/TU ngày 16/01/2004 về việc chuyển giao tổ chức cơ sở Đảng. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, 2005. Quyết định số 1090-QĐ/TU ngày 29/4/2005 về việc ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên cho Đảng ủy cơ sở Trường Đại học Tây Bắc. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2000. Đề án Thành lập và xây dựng Trường Đại học Tây Bắc. Tài liệu lưu tại bộ phận Lưu trữ Trường Đại học Tây Bắc.
  7. “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010” ban hành theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
  8. Phạm Viết Hoàng, 1961. “Khu học xá Mường La - Trung tâm văn hóa của Khu Tự trị Thái - Mèo”, Tập san Dân tộc, số 27, tr.25-30
  9. “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010” ban hành theo Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
  10. Thủ tướng Chính phủ, 2001. Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg ngày 23/3/2001 về thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Tài liệu lưu tại bộ phận Lưu trữ Trường Đại học Tây Bắc.
  11. “Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo sau khi đi thăm Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  12. Tổng cục Thống kê. Điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999. https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=417&idmid=4&ItemID=1341 (truy cập ngày 03/9/2020)
  13. Tổng cục Thống kê. Tỷ lệ hộ nghèo phân theo thành thị, nông thôn và phân theo vùng, Nguồn: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=395&idmid=3&ItemID=12632 (truy cập ngày 03/9/2020).
  14. Trường Đại học Tây Bắc, 2010. Lịch sử Trường Đại học Tây Bắc 1960 - 2010.
  15. Trường Đại học Tây Bắc, 2010. Tập san Văn nghệ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Tây Bắc.
  16. 16. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, 1997. Công văn số 569/CV-UB ngày 06/9/1997 về việc đề nghị nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc và Trường Trung học Sư phạm tỉnh Lai Châu. Tài liệu lưu tại bộ phận Lưu trữ Trường Đại học Tây Bắc.

 

[1] Trường Đại học Cần Thơ (tiền thân là Viện Đại học Cần Thơ) thành lập ngày 31/3/1966; Trường Đại học Tây Nguyên thành lập theo Quyết định số 298/CP ngày 11/11/1977 của Hội đồng Chính phủ.

Cách đây tròn 60 năm, tại Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba tổ chức vào tháng 5/1962 tại Thủ đô Hà Nội, hợp tác xã Cao Đa của châu Phù Yên (Khu Tự trị Thái - Mèo) đã vinh dự được tuyên dương và tặng Cờ “Đơn vị tiên tiến xuất sắc nhất” trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn miền Bắc; được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đó là thành tích ghi dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Tây Bắc Tổ quốc.

Hợp tác xã Cao Đa thuộc xã Phiêng Ban, châu Phù Yên, Khu Tự trị Thái - Mèo (từ tháng 10/1962 đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc), nằm bên đường số 13 (nay là Quốc lộ 37), do hai hợp tác xã Noong Đa và Bản Cao hợp nhất từ vụ đông - xuân 1961 - 1962.

Xã Phiêng Ban ở vùng tương đối cao, mùa hè mát, mùa đông đến sớm và thường có sương muối. Chung quanh các bản có nhiều núi cao, rừng cây lấy gỗ, rừng tre, nứa, đồi tranh… thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trồng trọt trên nương. Tuy nhiên, khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp nằm ở chỗ ruộng ở đây toàn là bậc thang phân tán. Mùa mưa hàng năm, đất màu bị rửa trôi vì xói mòn. Đến mùa khô, nhiều dòng suối trên cao bị cạn, ruộng bị khô nước, nên trải qua nhiều thế hệ, nhân dân chỉ cấy một vụ lúa mùa.

Tiền thân đầu tiên của hợp tác xã Cao Đa là hợp tác xã bản Noong Đa, thành lập từ năm 1958 [4;tr.2]. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Phù Yên (trước năm 1952), nhân dân bản Noong Đa đã tản cư vào rừng sâu, tổ chức thành 3 tổ sản xuất, ngày đêm chung lưng đấu cật cuốc rẫy trồng lúa, trồng ngô tự túc lương thực và cung cấp cho tiền tuyến. Hòa bình lập lại, trở về bản mường, nhân dân Noong Đa vẫn không từ bỏ tổ sản xuất vì đã quen với lối làm ăn tập thể và thấy rằng càng những lúc khó khăn này, càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau [3].

Năm 1957, từ tổ đổi công từng vụ, từng việc, một trong 3 tổ sản xuất trên đã tiến lên bình công chấm điểm. Đầu năm 1958, hợp tác xã Noong Đa được thành lập. Lúc đầu, hợp tác xã có 12 hộ tham gia, còn các hộ khác vẫn làm đổi công nên giai đoạn này, nhân dân vẫn quen gọi là làm hợp công. Qua một vụ thì tất cả bản cùng vào; ruộng đất, trâu bò đưa làm sở hữu chung. Như vậy, bản Noong Đa đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất từ cuối năm 1958 [4;tr.3].

Dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, công cụ và kĩ thuật sản xuất của bản Noong Đa và bản Cao cũng lạc hậu như hầu hết các nơi khác trong khu: sử dụng cày Thái, bừa gỗ; về kĩ thuật thì cày nông, bừa dối, cấy thưa, không bón phân, kết quả thu hoạch phụ thuộc thời tiết… Mỗi hộ trong bản nuôi vài con trâu, bò để lấy sức kéo, sau vụ cày bừa thì thả trâu vào rừng tự tìm lấy cỏ ăn, khi cần cày bừa lại đi tìm về. Lợn nuôi đều thả rông, cho ăn thất thường nên chậm lớn.

Mùa Xuân năm 1959, để đánh dấu bước trưởng thành của hợp tác xã nhỏ tiến lên quy mô toàn bản, Tổ Đảng của hợp tác xã Noong Đa đề xuất phát hoang một bãi tha ma làm nương kỷ niệm, nhưng vì trong bãi có nhiều mồ mả, một số xã viên còn mê tín nên lúc đầu không dám làm. Trước tình huống đó, Tổ Đảng kiên định chủ trương vận động nhân dân, dựa vào lực lượng thanh niên làm nòng cốt, cuối cùng đã huy động được hết thảy xã viên cùng tham gia. Cuối vụ thu hoạch, riêng 4 ha nương mới đã đem lại cho hợp tác xã thêm 10 tấn thóc, ai nấy đều phấn khởi, tin tưởng [2].

Từ đó, hợp tác xã liên tiếp phát động những đợt thi đua mới nhằm khắc phục thiên tai, sâu bệnh, đẩy mạnh áp dụng kĩ thuật và cải tiến nông cụ. Hợp tác xã đã tổ chức đào mương suối Quế dài 2.800 thước, chạy vòng qua sườn núi để đưa nước về đủ tưới cho 18 ten ruộng, cấy tăng thêm 18 ten chiêm. Hợp tác xã còn tiến hành cải tiến nông cụ: chuyển cày chìa vôi sang cày 51; loại bỏ hết bừa răng tre, dùng bừa răng sắt; làm thêm yên thồ, dùng trâu chuyển phân; đồng thời phát triển trồng cây công nghiệp như chè, bông, thầu dầu, v.v…

Nhờ áp dụng những biện pháp kĩ thuật cải tiến, cùng với tinh thần lao động hăng say “ngày làm không đủ tranh thủ làm đêm”, sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã được cải thiện rõ rệt. Ruộng được cấy tăng thêm một vụ chiêm; diện tích sản xuất trên nương mỗi năm một mở rộng. Từ năm 1960 trở đi, hợp tác xã bắt đầu trồng xen khoai dong vào ngô, sắn xen ngô, lúa nương xen bí. Năng suất lúa vụ chiêm và vụ mùa tăng đều qua các năm. Năm 1959, sản lượng lúa thu hoạch đạt 85.647 kg, đến năm 1961 lên 100.840 kg, tăng 15 tấn. Thu nhập bình quân nhân khẩu tính riêng về lúa từ 372 kg năm 1959 tăng lên 418 kg năm 1961. Tổng số thu nhập bình quân theo nhân khẩu tăng từ 99đ lên 136đ50 [3]. Thành tích cụ thể của hợp tác xã Noong Đa trong 3 năm (1959 - 1961) thể hiện qua bảng sau:

Năm

Số ngày công làm cho hợp tác xã

Giá trị một ngày công

Bình quân lương thực quy ra thóc

Bình quân thu nhập thực tế hàng tháng theo đầu người cả phần hợp tác xã và gia đình

1959

176,2

0đ99

381,7 kg

9đ15

1960

160,7

1đ29

423,0 kg

11đ21

1961

172,7

1đ80

521,4 kg

13đ54

 

Năm

Tổng sản lượng phần hợp tác xã

Giá trị sản lượng lương thực

Tính thành tiền

Chỉ số

Riêng thóc

Lương thực nói chung quy ra thóc

1959

22.541đ56

100

18.842đ34

19.862đ60

1960

26.836đ00

119

22.182đ00

23.395đ79

1961

39.779đ34

163,1

23.504đ82

27.374đ33

Nguồn: [4;tr.5]

Bên cạnh trồng trọt, tình hình chăn nuôi của hợp tác xã Noong Đa cũng đạt kết quả rất tốt. Đàn trâu của hợp tác xã đã được chuyển chuồng 2 lần, đầu năm 1962 được đưa vào khu đồng cỏ rộng trên 100 ha, cách xa bản khoảng 10 cây số. Cuối năm 1961, hợp tác xã có 66 con trâu, 83 con bò, 20 con dê. Hàng năm 50% trâu cái đẻ thì nuôi được 93%, 70% bò cái đẻ thì nuôi được 92% [4;tr.4]. Hợp tác xã Noong Đa cũng là một trong những nơi đầu tiên trên miền Bắc thí điểm vắt sữa trâu; sữa được chế biến thành bánh và bán ra thị trường, trở thành một nguồn thu nhập thường xuyên của hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã còn có một trại chăn nuôi gồm 120 con lợn, một số gà, vịt và một ao cá. Cùng với phát triển chăn nuôi chung, hợp tác xã cũng khuyến khích xã viên chăn nuôi thêm gà, lợn. Năm 1961, gia đình nào cũng nuôi được từ 3 đến 5 con lợn, những gia đình đông người đã nuôi tới 11 con. Thu nhập phụ gia đình đã chiếm tới 53% tổng số thu nhập hàng năm [3].

Trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống văn hóa của nhân dân Noong Đa cũng từng bước được nâng cao. Trước kia, thời Pháp thuộc, cả bản chỉ có 4 người biết đọc, biết viết. Từ sau ngày giải phóng, các lớp bình dân mở đều đặn, đồng bào tích cực tham gia học tập. Năm 1960, nạn mù chữ đã được thanh toán. Đến năm 1962, hầu hết xã viên đều phổ cập cấp 1. Ban quản trị hợp tác xã đã có trình độ văn hóa bổ túc; con em xã viên phần lớn học lớp 4, 5, có em đã học tới lớp 10. Số thanh, thiếu niên đi học trường phổ thông và sơ cấp, trung cấp kỹ thuật mỗi năm một tăng. Nạn mê tín dị đoan đã được xóa bỏ căn bản. Hợp tác xã đã xây dựng được tủ thuốc phòng bệnh, hàng tháng cấp phát thuốc cho xã viên. Chuồng trại trâu, bò đã được chuyển đi xa bản; hàng tuần hợp tác xã tổ chức quét dọn bản mường sạch sẽ. Ngoài ra, hợp tác xã còn tổ chức được một đội văn nghệ, sắm đủ dụng cụ phục vụ luyện tập và biểu diễn [2].

Không chỉ tiến bộ trong sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, hợp tác xã Noong Đa còn thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc. Hợp tác xã có 2 dân tộc: Mường và Thái mà gần như một dân tộc. Trong một gia đình, chồng Thái thì vợ Mường hoặc chồng Mường vợ Thái, mọi người đều biết 2 thứ tiếng. Cho nên tuy có khác nhau về tiếng nói và một vài phong tục nhưng không có vấn đề gì phát sinh phải giải quyết về quan hệ dân tộc. Sự đoàn kết của họ đã trở thành tự nhiên trong sinh hoạt gia đình. Người dân Noong Đa không những đoàn kết nội bộ tốt mà còn mở rộng đoàn kết với các bản xung quanh. Những khi nhân dân các bản lân cận thiếu thóc ăn đến vay đều được nhân dân hợp tác xã Noong Đa nhiệt tình giúp đỡ. Năm 1961, hợp tác xã đem một số cây ăn quả và tre lên trồng trên bản người Mông Phiêng Ban, nơi kết nghĩa anh em. Để đáp lại, đồng bào Mông cũng mang hơn 73 cân gà giống “kết nghĩa” xuống trại chăn nuôi của hợp tác xã.

Những thành tích bước đầu của hợp tác xã Noong Đa tuy còn nhiều điểm cần phải khắc phục và phát huy hơn nữa, nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là đã phát triển theo hướng đi lên qua từng năm và tất cả các mặt đều phát triển cân đối; tinh thần xã viên mỗi ngày thêm phấn khởi; hợp tác xã mỗi năm được củng cố thêm một bước phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp của Trung ương. Thành tích của hợp tác xã Noong Đa có tác dụng lôi cuốn mạnh mẽ đối với các hợp tác xã xung quanh; có tác dụng thúc đẩy phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn xã Phiêng Ban, ảnh hưởng tích cực đối với phong trào chung. Giữa năm 1961, các bản lân cận đều muốn hợp nhất với Noong Đa, nhất là 2 bản Phiêng Ban và bản Cao. Tổ Đảng và ban quản trị hợp tác xã nhận thấy khả năng lãnh đạo của mình còn nhiều hạn chế nên đề nghị Chi bộ trước mắt cho hợp nhất với hợp tác xã Bản Cao, tăng thêm 14 hộ xã viên, rồi sau này củng cố được tốt sẽ bàn việc mở rộng thêm nữa. Chủ trương đó được Chi bộ và Châu ủy Phù Yên nhất trí chuẩn y. Ngay trong vụ đông - xuân năm 1961 - 1962, vụ đầu tiên của hợp tác xã hợp nhất, mặc dù lúa chiêm gặp rét, một số ruộng phải cấy lại đến 3 lần nhưng năng suất bình quân vẫn đạt 2.559 kg/ha, giá trị một ngày công đạt 7,13 kg thóc. Đến tháng 6/1962, bình quân mỗi lao động của hợp tác xã đã làm 89 ngày công [4;tr.6].

Ngày 31/3/1962, hợp tác xã Cao Đa vinh dự được đón tiếp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương tới thăm. Sau khi nghe đại diện hợp tác xã báo cáo, Đại tướng đã phát biểu, chỉ rõ năm điểm tiên tiến của hợp tác xã, bao gồm: 1) Phương hướng sản xuất tiên tiến; 2) Mở rộng ngành, nghề: ngựa thồ, rèn, mộc, may…; 3) Biện pháp kĩ thuật tiên tiến; 4) Quản lý tiên tiến: thực hiện ba khoán, phân phối theo lao động; 5) Văn hóa tiên tiến, đã thanh toán nạn mù chữ,… đặc biệt là hợp tác xã biết nhìn xa cử người đi để đào tạo thành cán bộ trung cấp kĩ thuật, y tế,… [1;tr.119]. Đại tướng đã góp nhiều ý kiến quý báu để củng cố hợp tác xã và thúc đẩy sản xuất phát triển hơn nữa.

Tiếp đó, ngày 26/4/1962, nhân dân Cao Đa và toàn châu Phù Yên lại vui mừng, phấn khởi được tiếp nhận chiếc máy kéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Khu Tự trị Thái - Mèo, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu quyết định tặng lại cho hợp tác xã Cao Đa để làm phương tiện sản xuất. Đó là phần thưởng hết sức ý nghĩa đối với cán bộ, xã viên hợp tác xã.

Với những thành tích và đóng góp của mình, trong Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba họp tháng 5/1962 tại Thủ đô Hà Nội, hợp tác xã Cao Đa vinh dự được tuyên dương và tặng Cờ Đơn vị tiên tiến xuất sắc nhất” trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn miền Bắc; được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Hợp tác xã Cao Đa trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua lao động, sản xuất của Khu Tự trị Thái - Mèo - một “Đại Phong” trên miền Tây Bắc Tổ quốc. Trong những năm thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), hợp tác xã luôn là một điển hình tiêu biểu của Khu trên nhiều lĩnh vực: sản xuất, đổi mới quản lý, cải tiến kĩ thuật, học tập văn hóa, vệ sinh phòng bệnh,… Một phong trào thi đua rộng lớn “Học tập, đuổi kịp và vượt Cao Đa” được Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo phát động trong toàn Khu, trở thành động lực to lớn, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Yên (2001), Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên (1945 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. “Cao Đa - Đại Phong miền núi Khu Tự trị Thái - Mèo”, Báo Tây Bắc, số 24, ra ngày 22/9/1962.
  3. H.N, “Cao Đa - Lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa châu Phù Yên”, Báo Tây Bắc, số 2, ra ngày 20/4/1962.
  4. Nguyễn Thành (1963), Hợp tác xã Cao Đa - Lá cờ Đại Phong của Khu Tự trị Tây Bắc, Nxb Nông thôn, Hà Nội.

5. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2005), Tỉnh Sơn La 110 năm (1895 - 2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

  1. Vài nét khái quát về đồng bào khai hoang ở Sơn La (1961 - 1965)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã thông qua Nghị quyết, trong đó xác định chủ trương: “Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau”[1]. Đó là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế miền núi, củng cố miền Bắc.

Thực hiện chủ trương điều chỉnh nhân lực từ đồng bằng lên khu vực trung du và miền núi, tham gia phát triển kinh tế, từ cuối năm 1960, các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình đã vận động, tổ chức đưa nông dân lên Khu Tự trị Thái - Mèo, thành lập các hợp tác xã (HTX) khai hoang. HTX Hoàng Văn Thụ là HTX khai hoang thí điểm đầu tiên của tỉnh Hưng Yên, được thành lập tháng 12/1960 tại châu Mai Sơn. HTX Bình Thuận là HTX khai hoang thí điểm đầu tiên của tỉnh Thái Bình, thành lập tháng 2/1961 tại châu Thuận Châu. Đây là hai lá cờ đầu trong phong trào khai hoang xa trên miền Bắc. Trong tác phẩm “Đi khai hoang Tây Bắc”, tác giả Hữu Thọ khẳng định: “Dự tính đến năm 1965, số dân Tây Bắc sẽ lên tới 1 triệu, nhiều hơn hai lần số dân hiện nay. Lúc đó, hoặc sau đây nữa, dù tình hình kinh tế phồn thịnh, dân cư đông đúc như thế nào, cũng không ai quên được những người dân Hưng Yên đầu tiên lên Tây Bắc thành lập hợp tác xã Hoàng Văn Thụ ở huyện Mai Sơn và những người dân Thái Bình lên thành lập hợp tác xã Bình Thuận ở chân đèo Phạ Đin thuộc huyện Thuận Châu”[2].

Từ hai châu Mai Sơn và Thuận Châu, đồng bào khai hoang đã mở rộng địa bàn đến các địa phương khác trong toàn tỉnh. Từ hai HTX thí điểm ban đầu, đến cuối năm 1965, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 80 cơ sở khai hoang của nông dân hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được xây dựng (trong đó có 78 HTX độc lập và 2 đội xen ghép vào các HTX địa phương). Các HTX khai hoang của đồng bào Hưng Yên phân bố tại 5 huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La và Sông Mã; các HTX khai hoang của đồng bào Thái Bình phân bố tại 2 huyện: Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Hầu hết các HTX khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La được xây dựng theo mô hình HTX cấp cao, phạm vi tương đương một bản dân cư. Trong quá trình xây dựng và củng cố, HTX khai hoang từng bước được chuyển giao cho chính quyền các xã địa phương gần nhất quản lý. Về tổ chức, các HTX khai hoang đều được chia thành các đội - tổ - nhóm sản xuất; lãnh đạo có đảng bộ (hoặc chi bộ), ban quản trị; mỗi HTX khai hoang đều xây dựng lực lượng dân quân, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ để thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh.

Qua 5 năm (1961 - 1965), không kể 870 cháu nhỏ được sinh ra trên quê hương mới, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận tổng cộng 14.046 nhân khẩu thuộc 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông (trong đó, tuyệt đại bộ phận là nông dân tỉnh Hưng Yên và Thái Bình; tỉnh Hà Đông chỉ có 30 người, bước đầu đưa lên để khảo sát địa điểm khai hoang). Cũng trong 5 năm đó, đã có 263 lao động tham gia nghĩa vụ quân sự; 69 lao động thoát ly tham gia công tác tại các cơ quan, các ngành kinh tế khác; và 4.302 người thuộc các trường hợp bỏ về, được cho về quê cũ hoặc đi khai hoang nơi khác. Tính đến cuối năm 1965, tổng số đồng bào khai hoang còn bám trụ trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282 người, gồm 5.169 nam, 5.113 nữ, tỷ lệ lao động chiếm khoảng 48%[3]. Số lượng trên tương đương với dân số huyện Quỳnh Nhai hoặc Thị xã Sơn La cùng thời điểm[4]. Đó thực sự là một lực lượng đáng kể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Sơn La.

 Sự xuất hiện của đồng bào khai hoang và các HTX của người Kinh với số lượng ngày càng nhiều là một trong những biến đổi quan trọng của tỉnh Sơn La trong những năm 1961 - 1965. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đồng bào khai hoang đã có những đóng góp quan trọng và tích cực, góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

  1. Đồng bào khai hoang góp phần tăng cường cơ sở chính trị trên địa bàn tỉnh Sơn La

 Cùng với những đóng góp trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, sự hiện diện với số lượng lớn đồng bào khai hoang góp phần phát triển nhanh chóng cơ sở chính trị và xã hội; củng cố và tăng cường sức mạnh cho hệ thống chính trị của các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, cùng hàng chục chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ ở các cơ sở khai hoang bổ sung cho hệ thống chính trị của các địa phương đã làm tăng thêm sức mạnh của tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng ở Sơn La, nhất là từ khi các HTX khai hoang được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhiều xã viên khai hoang được bầu tham gia cơ quan chính quyền Nhà nước các cấp của tỉnh Sơn La và Khu Tự trị. Trong số 116 đại biểu Hội đồng nhân dân Khu Tây Bắc khóa III, có 2 xã viên của các HTX khai hoang[5]. Trong số 71 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa II, có 3 xã viên của các HTX khai hoang[6]. Bên cạnh đó, nhiều xã viên khai hoang được cử đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập đã được bố trí công tác tại các cơ quan chính quyền, chuyên môn của địa phương, giúp tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ cơ sở cho tỉnh Sơn La. Quá trình trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ giữa HTX khai hoang và HTX địa phương cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý cho một bộ phận cán bộ, xã viên của các HTX địa phương, đặc biệt trong công tác “ba quản” (quản lý lao động, quản lý sản xuất, quản lý tài vụ).

Đồng bào khai hoang tại Sơn La còn có tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Được sự tuyên truyền, giáo dục của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ trước khi lên quê hương mới, đồng bào khai hoang đã sớm ý thức rõ nhiệm vụ tăng cường đoàn kết với nhân dân các dân tộc địa phương. Đoàn kết với nhân dân địa phương, coi địa phương là quê hương thứ hai của mình không những là nhiệm vụ chính trị mà còn là một nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi. Ý thức đoàn kết thể hiện ngay trong cách đặt tên cho nhiều HTX khai hoang, phản ánh sự gắn bó, hòa hợp giữa quê hương cũ và quê hương mới như: Bình Thuận (Thái Bình + Thuận Châu), Ninh Thuận (Thái Ninh + Thuận Châu), Ân Sinh (Ân Thi + Chiềng Sinh), Tây Hưng (Tây Bắc + Hưng Yên), Hưng Sơn (Hưng Yên + Sơn La), Văn Bú (Văn Lâm + Mường Bú), Kim Chung (Kim Động + Chiềng Chung),... Trên thực tế, hơn 10.000 nhân khẩu được bố trí vào các địa điểm khai hoang cùng sinh sống, lao động và sản xuất với nhân dân địa phương đã củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào người Kinh với đồng bào các dân tộc, xóa bỏ những thành kiến trước đây. Trong thời gian đầu tiếp nhận đồng bào khai hoang lên xây dựng cơ sở kinh tế mới ở Sơn La và Tây Bắc, trong một bộ phận nhân dân địa phương cũng nảy sinh tâm lý e ngại, lo sợ người Kinh lên chiếm đất, lo ngại con cháu sau này không còn nương canh tác, không còn chỗ thả trâu,... Nhưng cùng với thời gian, quá trình tiếp xúc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và đời sống đã giúp đồng bào khai hoang và nhân dân địa phương thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với nhau; từng bước xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti và ngờ vực; nâng cao nhận thức, tăng cường tin tưởng và đoàn kết. Nhiều HTX khai hoang đã thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc, hết lòng giúp đỡ địa phương, được nhân dân địa phương tin yêu, quý mến. Không chỉ cải thiện mối quan hệ với nhân dân địa phương, xóa bỏ những thành kiến tồn tại bấy lâu để tạo dựng quan hệ tốt đẹp, đồng bào khai hoang còn trở thành nhân tố thúc đẩy nhân dân các dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất. “Nhiều bản đề nghị, nếu có những đợt lên khai hoang mới, nên phân tán các gia đình người Kinh vào các HTX địa phương để cho sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau được mật thiết hơn”[7]. Đó là tác động tích cực, rõ nét mà đồng bào khai hoang đem lại. Có thể nói, “Thắng lợi to lớn nhất là tình đoàn kết giữa nhân dân địa phương với đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế, văn hóa ở địa phương”[8].

  1. Đồng bào khai hoang góp phần củng cố thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Sơn La

Sự hiện diện của đồng bào khai hoang không chỉ tăng cường cơ sở chính trị và xã hội cho các địa phương của tỉnh Sơn La mà còn bổ sung cho các địa phương lực lượng dân quân tự vệ có ý nghĩa quan trọng cả về mặt số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng tự vệ và sức chiến đấu trong tình hình mới. Theo quy định của công tác tổ chức, mỗi HTX khai hoang sẽ bố trí khoảng 10% lực lượng xã viên để thực hiện nhiệm vụ dân quân. Trên thực tế, qua 3 năm đầu triển khai (1961 - 1963), trong tổng số 8.104 nhân khẩu lên tham gia khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La, đã có 1.458 nam, nữ dân quân (chiếm 18% tổng số nhân khẩu khai hoang)[9]. Đặc biệt, trong số nhân khẩu khai hoang tại Sơn La, có một bộ phận là bộ đội phục viên, công an vũ trang; đó là những nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của lực lượng dân quân trong các HTX khai hoang; tăng cường thêm kinh nghiệm trong công tác quân sự địa phương. Các tổ, đội dân quân được thành lập ngay trong mỗi HTX khai hoang, thường xuyên tổ chức học tập, sinh hoạt chính trị, luyện tập quân sự, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng này cùng với dân quân của các HTX và lực lượng vũ trang địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đã phối hợp luyện tập, xây dựng phương án tuần tra chung, tích cực tham gia lùng bắt gián điệp, biệt kích, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La năm 1965 khẳng định: “Ngay từ khi mới lên, HTX khai hoang đã tổ chức những đơn vị dân quân thường xuyên phối hợp với lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở các địa phương cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự chung. Mấy năm qua đã góp phần bắt gọn nhiều toán gián điệp biệt kích từ các chuyến máy bay ban đêm địch thả dù xuống, từ biên giới lén lút vào hoặc bọn phản động địa phương âm mưu gây bạo loạn…”[10]. Bên cạnh đó, từ năm 1961 đến năm 1965, trong tổng số nhân khẩu khai hoang tại Sơn La, đã có 263 người tham gia nghĩa vụ quân sự[11], góp phần chi viện sức người cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Trên phương diện tổ chức, việc thành lập các HTX khai hoang độc lập có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố thế trận quốc phòng - an ninh. Ngay từ khi cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi” được phát động và tổ chức, vai trò và đóng góp của các HTX khai hoang trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã được đề cập và khẳng định. Tác giả Hằng Anh trong công trình “Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước” đã khẳng định: “Đồng bào miền xuôi tham gia cuộc vận động chính là góp phần thiết thực tăng thêm lực lượng hậu bị cho miền núi, làm cho miền núi có dự trữ to lớn về người, về của. Mỗi một cơ sở kinh tế mạnh thêm hoặc xây dựng mới ở miền núi đều tăng thêm tiềm lực quốc phòng”[12]. Trong nghiên cứu của mình, tác giả Nguyễn Đình Lê cũng đã khẳng định một luận điểm quan trọng về vai trò của các HTX nông nghiệp đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh: “Chính HTX nông nghiệp có tác dụng như một tấm lưới an toàn, đóng vai trò như hiệp hội quần chúng, lại có chức năng như một tổ chức hành chính có hiệu quả, góp phần quyết định đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước khó khăn, quyết liệt”[13]. Trên thực tế, mỗi HTX khai hoang được xây dựng là một đơn vị dân cư, có vị trí, vai trò như một “cứ điểm” trong thế bố phòng chung. Gần 80 HTX khai hoang độc lập là chừng ấy cơ sở quần chúng, ngày đêm làm tai mắt cho thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng - là phên dậu phía Tây Bắc Tổ quốc - góp phần làm cho tấm lưới bảo vệ được ken dày thêm, gia cố thêm sức mạnh tự vệ. Nhiều HTX khai hoang được xây dựng bên cạnh đường giao thông; một số được xây dựng ở khu vực ngã ba, ngã tư đường giống như những chốt quân sự trong hoàn cảnh có chiến tranh. Đặc biệt, trong số các HTX khai hoang tại Sơn La, có một số HTX được xây dựng ở địa bàn biên giới, giáp Vương quốc Lào, nơi các thế lực phản động thường xuyên lợi dụng, hoạt động, như HTX Sông Hồng (Lóng Sập, Mộc Châu), HTX Kim Chung (Phiêng Khoài, Yên Châu), một số HTX khai hoang ở huyện Sông Mã,... Các HTX này giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược biên giới; góp phần cùng nhân dân các dân tộc Sơn La giữ vững vùng biên cương phía Tây Bắc Tổ quốc.

  1. Đồng bào khai hoang tích cực chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại

Bước sang năm 1965, trước nguy cơ thất bại của chiến lược Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam. Ngày 14/6/1965, không quân Mỹ bắt đầu tiến hành ném bom, đánh phá địa bàn tỉnh Sơn La. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1965, đã có 10 cơ sở khai hoang ở các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá[14].

Trước âm mưu và hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, cùng với nhân dân miền Bắc, đồng bào khai hoang tại Sơn La thể hiện tinh thần quyết tâm, chủ động, sẵn sàng tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Các đồng chí trong Ban quản trị của HTX Sông Hồng (Lóng Sập, Mộc Châu) đã khẳng định: “Với tình thế cách mạng hiện nay, bà con HTX Sông Hồng chúng tôi một lòng bám chặt rễ làm giàu trên làng mới, đồng thời cũng kiên quyết đánh trúng, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc ta!”[15]. Đó cũng là quyết tâm chung của đồng bào khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, các HTX khai hoang đã tổ chức sơ tán đồng bào khỏi những trọng điểm có nguy cơ bị đánh phá; đào, đắp hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn; triển khai các biện pháp phòng không nhân dân. Công tác phòng không được các HTX khai hoang thực hiện tốt. Cán bộ và xã viên các HTX khai hoang đã đào, đắp được 8.675 thước giao thông hào, 68 hầm hố trú ẩn và ụ súng bắn máy bay[16]. Nhờ đó, trải qua hơn một năm bị máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá, mặc dù hơn 20 HTX khai hoang bị trúng bom đạn, có những HTX bị bắn phá nhiều lần như Tây Hưng, Sông Hồng, Hưng Sơn, Bãi Sậy (Mộc Châu), Kim Chung, Chiềng Kim (Yên Châu), Ninh Thuận (Thuận Châu),… nhưng thiệt hại về người và của không đáng kể; đồng bào khai hoang vẫn bám sát đồng ruộng để tiếp tục sản xuất[17]. Báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên ngày 08/2/1966 cho biết: “Ở nhiều HTX chẳng những chỉ tiêu sản xuất không giảm mà còn tăng lên rõ rệt như 25 cơ sở khai hoang ở Sông Mã, trồng trọt đạt 107%, chăn nuôi đạt 140%”[18].

Không chỉ duy trì sản xuất bình thường, cán bộ và xã viên ở 20 HTX khai hoang này đã 56 lần trực tiếp bắn máy bay Mỹ[19]. Điển hình là thành tích chiến đấu của HTX khai hoang Hưng Sơn (Mộc Châu). Ngay trong ngày đầu tiên ném bom đánh phá địa bàn Sơn La (ngày 14/6/1965), chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ đã bị quân dân Mộc Châu bắn rơi. Tên phi công Thiếu tá người Mỹ nhảy dù ra khỏi máy bay, vừa đặt chân tới mặt đất đã bị tốp dân quân của HTX Hưng Sơn (gồm năm anh chị em Lê Bá Vi, Đỗ Quang Dư, Giang Thị Hướng, Đỗ Hữu Bốn, Trương Thị Thanh) tổ chức bao vây và bắt sống. Đó là chiến công đầu tiên của đồng bào khai hoang trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, gây tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, mở đầu và góp phần vào thành tích chiến đấu chống Mỹ của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Với thành tích đó, HTX khai hoang Hưng Sơn đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba[20]. Bên cạnh đó, một số HTX khai hoang khác như HTX Chu Văn Thịnh (Mường La), HTX Kim Chung (Yên Châu),... cũng lập được các chiến công trong chiến đấu, phòng gian, bắt gián điệp, biệt kích, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, đồng bào khai hoang tại Sơn La còn tích cực đóng góp công sức phục vụ chiến đấu. Tính riêng trong khoảng thời gian 120 ngày vừa thực hiện sơ tán, vừa tham gia chiến đấu, đồng bào khai hoang đã đóng góp được 14.739 công trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chuyển 148 tấn thóc, bán 13.250 cây gỗ, tre, nứa; 5 vạn phên gianh, trên 2.000 thước phên cót để các cơ quan làm lán trại và một số thực phẩm như lợn, gà, vịt, rau xanh,…[21]. Các tổ, đội dân quân ở các HTX khai hoang ngoài việc bố trí lực lượng trực chiến thường xuyên còn tranh thủ phối hợp cùng với xã viên và nhân dân địa phương đóng góp 4.640 công phục vụ bộ đội xây dựng công sự, vận chuyển vũ khí, khiêng cáng thương binh, sửa chữa cầu đường, và chuyên chở kho tàng cho các cơ quan Nhà nước. Trong hoàn cảnh sơ tán, phân tán, các đơn vị bộ đội, cơ quan Nhà nước gặp một số khó khăn, nhất là về thực phẩm và vật liệu xây dựng lán trại, các HTX khai hoang đã bán 88 tấn rau xanh, 4.682 cân thịt các loại, 6.987 cây tre, gỗ, 39.920 phên gianh và 1.532 thước cót[22]; góp phần công sức trong sự nghiệp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tại Đại hội thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của tỉnh Sơn La nhân dịp tổng kết 120 ngày đánh Mỹ (tháng 10/1965), nhiều tập thể và cá nhân ở các HTX khai hoang đã được tuyên dương, khen thưởng. Hầu hết các HTX khai hoang được tặng giấy khen, bằng khen. Riêng HTX khai hoang Hưng Sơn (Mộc Châu) được Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La tặng Cờ thi đua “HTX khá nhất” cùng với HTX Lò Văn Giá (xã Chiềng An, huyện Mường La)[23]. Đó là những trang truyền thống đáng tự hào, là nguồn động lực cổ vũ, động viên đối với phong trào sản xuất, chiến đấu ở các HTX khai hoang nói riêng, cũng như đối với quân và dân trên toàn tỉnh Sơn La.

  1. 5. Kết luận

Không chỉ có tác động tích cực và sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đưa miền núi tiến gần với miền xuôi theo chủ trương của Đảng; đồng bào khai hoang tại Sơn La còn có đóng góp to lớn trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên ác liệt, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, đưa không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, sự xuất hiện của đồng bào khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần tăng cường cơ sở chính trị, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh tại khu vực miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, nâng cao năng lực và sức mạnh chống Mỹ, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Với những đóng góp quan trọng đó, đồng bào khai hoang tại Sơn La đã góp phần công sức bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hằng Anh (1965), Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước, Nxb Phổ thông, Hà Nội.
  2. Hoàng Bắc (1962), “Về vấn đề đoàn kết dân tộc ở Tây Bắc”, Tập san Dân tộc, số 32.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 (1960), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Nguyễn Tân Hòa, “Chuyển biến mới trong các HTX khai hoang ở Sơn La”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 15/3/1965.
  5. Nguyễn Đình Lê (2015), “Suy nghĩ về vị thế của phong trào tập thể hóa nông nghiệp miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (469), tr. 45-50.
  6. 6. “Danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa II”, Báo Sơn La, số ra ngày 17/5/1965.
  7. 7. “Kỳ họp thứ nhất khóa III của Hội đồng nhân dân Khu”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 26/7/1963.
  8. P.V, “Đại hội đánh Mỹ”, Báo Sơn La, số ra ngày 25/10/1965.
  9. Hữu Thọ (1963), Đi khai hoang Tây Bắc, Nhà xuất bản Nông thôn, Hà Nội.
  10. Hải Trà, “Làng mới trên biên giới”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 1/6/1965.
  11. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  12. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Phương hướng nhiệm vụ công tác khai hoang trong năm 1966, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  13. Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên, Báo cáo số 02/KH ngày 08/02/1966 về tình hình công tác khai hoang 1965, Hồ sơ 180, Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Hưng Yên
  14. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

15. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 (1960), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.928.

[2] Hữu Thọ (1963), Đi khai hoang Tây Bắc, Nhà xuất bản Nông thôn, tr.10.

[3] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.4.

[4] Năm 1965, huyện Quỳnh Nhai có 10.520 người, Thị xã Sơn La có 10.094 người. Theo: Phòng Thống kê Khu Tự trị Tây Bắc, Số liệu thống kê dân số năm 1955 - 1969, Hồ sơ 3027, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Trung ương III, tr.32.

[5] Bà Vũ Thị Thìn (xã viên HTX Ninh Thuận, Thuận Châu) và bà Đào Thị Nga (xã viên HTX Hoàng Văn Thụ, Mai Sơn). Theo: “Kỳ họp thứ nhất khóa III của Hội đồng nhân dân Khu”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 26/7/1963.

[6] Bà Chu Thị Thuận (cán bộ HTX Hoa Mai, Mai Sơn), ông Nguyễn Thế Cưu (Chủ nhiệm HTX Lê Hồng Phong, Sông Mã), và chị Lê Thị Hoa (Phó Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động HTX Bình Thuận, Thuận Châu). Theo: “Danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa II”, Báo Sơn La, số ra ngày 17/5/1965.

[7] Hoàng Bắc (1962), “Về vấn đề đoàn kết dân tộc ở Tây Bắc”, Tập san Dân tộc, số 32, tr.11.

[8] Nguyễn Tân Hòa, “Chuyển biến mới trong các HTX khai hoang ở Sơn La”, Báo Tây Bắc, ngày 15/3/1965.

[9] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.16.

[10] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[11] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.4.

[12] Hằng Anh (1965), Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước, Nxb Phổ thông, Hà Nội, tr.19.

[13] Nguyễn Đình Lê (2015), “Suy nghĩ về vị thế của phong trào tập thể hóa nông nghiệp miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (469), tr.47.48.

[14] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.3-4.

[15] Hải Trà, “Làng mới trên biên giới”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 1/6/1965.

[16] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.3.

[17] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[18] Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên, Báo cáo số 02/KH ngày 08/02/1966 về tình hình công tác khai hoang 1965, Hồ sơ 180, Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Hưng Yên, tr.7.

[19] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Phương hướng nhiệm vụ công tác khai hoang trong năm 1966, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.2.

[20] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[21] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.3.

[22] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[23] P.V, “Đại hội đánh Mỹ”, Báo Sơn La, số ra ngày 25-10-1965.

Sau Chiến dịch Tây Bắc, phần lớn đất đai Tây Bắc đã được giải phóng. Trên địa bàn Tây Bắc, thực dân Pháp chỉ còn chiếm đóng Thị xã Lai Châu và khu vực Nà Sản. Mặc dù vậy, chúng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu tái chiếm và duy trì thống trị lâu dài đối với địa bàn quan trọng này. Nhằm chiếm lại các địa bàn đã mất, thực dân Pháp một mặt ra sức củng cố hai vị trí Nà Sản và Thị xã Lai Châu; mặt khác tăng cường tổ chức các cuộc càn quét vào các khu vực trọng yếu. Tại những vùng kiểm soát được, chúng tái lập ngụy quyền; thực hiện âm mưu gây phỉ ở các địa phương khác để phá hoại hậu phương kháng chiến. Chúng tung tay chân cài cắm vào các xã đội, ủy ban xã, công an xã, cơ quan giao thông… để lấy cắp tài liệu, moi tin tức, chia rẽ đội ngũ cán bộ, tập hợp lực lượng, chờ thời cơ nổi dậy chống phá. Để bù vào số quân bị thiếu hụt, thực dân Pháp tăng cường đôn quân, bắt lính, tổ chức các đơn vị địa phương quân, mở rộng chiến tranh gián điệp một cách tinh vi hơn.

Kết hợp với các hoạt động quân sự, thực dân Pháp còn sử dụng những thủ đoạn chính trị thâm độc, như nêu cao chiêu bài độc lập, dân chủ giả hiệu, lợi dụng tôn giáo, mê tín và trình độ nhận thức còn lạc hậu của đồng bào để tuyên truyền, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo theo chúng và gây chia rẽ giữa các dân tộc. Chúng dùng ruộng đất để khống chế, ép buộc những gia đình có thanh niên phải đi lính cho phỉ; thậm chí còn đe dọa “nếu ai không đi lính cho phỉ thì sẽ bị giết”. Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, một số cơ sở kháng chiến bị vỡ; một số đồng bào buộc phải tham gia các tổ chức của địch, phải đi phu, vào lính, hoạt động cho địch. Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với các địa phương Tây Bắc vừa phải nhanh chóng tiếp quản, làm chủ vùng mới giải phóng; vừa phải chủ động, tích cực đấu tranh với những âm mưu, hành động của địch, bảo vệ nhân dân.

Với chiến thắng Tây Bắc 1952, đại bộ phận đất đai và nhân dân Tây Bắc đã được giải phóng. Đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp và tay sai, có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến. Sau chiến dịch, các địa phương Tây Bắc khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ củng cố vùng mới giải phóng: đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng; phát triển lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích; khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa. Các địa phương ra sức giải quyết nạn đói, hỗ trợ nhân dân tăng gia sản xuất, sớm ổn định cuộc sống mới.

Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Tây Bắc, chỉ một thời gian ngắn, tình hình Tây Bắc đã thay đổi căn bản. Mới đó không lâu, khi Chiến dịch Tây Bắc vừa mở màn, các chiến sĩ của Đại đoàn 312 đã bắt gặp cảnh: “Anh em lại được gặp các mẹ, các chị, các em nô nức ra gặp bộ đội. Người nào cũng tiều tụy, rách rưới, gầy như xác ve. Đồng bào cho biết mấy tháng nay chỉ toàn ăn củ rừng, nhưng củ rừng đào mãi cũng hết. Một cụ già ở Bản Vàng kể, nhân dân đói đã ba tháng nay vì không cấy được ruộng, không đi được nương. Mỗi năm Pháp bắt dân đi phu 11 tháng. Đàn ông còn sức lực chúng bắt đem đi, đàn bà đêm nào cũng phải lên đồn làm đồ chơi cho bọn quan lính trên đồn…”[1]. Dọc đường chiến dịch, đến đâu các chiến sĩ cũng chứng kiến cảnh đói nghèo: “Nhìn nắm cơm của dân chỉ thấy một màu nâu xỉn cứng như nắm gỉ sắt. Hỏi nhân dân ăn gì? Dân vừa khóc vừa nói ăn củ nâu. Hỏi củ nâu chát thế ăn làm sao? Sao không đào củ mài mà ăn? Bà con trả lời củ mài nằm sâu lắm không có sức đào”[2]. Ngay cả một vùng trù phú, màu mỡ như cánh đồng Phù Yên - 1 trong 4 cánh đồng lớn của vùng Tây Bắc[3] thì dưới chế độ cai trị của thực dân và tay sai cũng chỉ còn là cảnh tượng: “Cánh đồng Phù Yên bằng phẳng dài hàng chục ki-lô-mét chỉ toàn một màu tro xám đến rợn người”[4]. Vậy mà chưa đầy 4 tháng sau Chiến dịch Tây Bắc, trên đường hành quân tham gia Chiến dịch Thượng Lào, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã cảm nhận được không khí, cảnh vật, con người Tây Bắc khác hẳn: “Trên cánh đồng Quang Huy, quang cảnh phục hồi ruộng hoang hóa làm phấn chấn lòng người. Đêm đến, trên cao nguyên Mộc Châu mù sương, đồng bào thắp đuốc gọi nhau đi họp. Sự hồi sinh kỳ diệu của Tây Bắc thật nhanh chóng”[5]. Rõ ràng, sức mạnh của kháng chiến, niềm vui được giải phóng đã mang lại cho vùng đất Tây Bắc và con người nơi đây sức sống mới. Đó là khí thế mới, điều kiện mới để đồng bào các dân tộc quyết tâm xây dựng lại bản mường, tiếp tục đóng góp cho kháng chiến.

Trong khi các địa phương Tây Bắc đang tích cực ổn định tình hình sau giải phóng, thì các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mới. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc đã vượt ra ngoài biên giới nước ta; vùng giải phóng của ta đã mở đến sát Thượng Lào. Vừa mới đây, địa bàn này còn là hậu phương an toàn của địch, nay đã bị uy hiếp trực tiếp. Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp tốt hơn với Chính phủ và quân đội kháng chiến Lào. Ngay sau Chiến dịch Tây Bắc, một số đơn vị bộ đội Việt Nam đã được cử sang phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Pathet Lào. Trên đường từ chiến trường Tây Bắc trở về căn cứ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc tranh thủ thời gian trước mùa mưa, đưa bộ đội chủ lực sang giúp bạn giải phóng một phần đất đai ở Thượng Lào, mở rộng chỗ đứng chân cho Chính phủ kháng chiến Lào trên một địa bàn tiếp giáp với vùng Tây Bắc mới giải phóng của ta. Sầm Nưa - tỉnh tiếp giáp với Sơn La và Thanh Hóa của Việt Nam đã từng được lãnh đạo hai nước bàn bạc và thống nhất chọn làm mục tiêu giải phóng khi thời cơ đến.

Mùa Xuân năm 1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định đưa quân đội Việt Nam sang phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công Sầm Nưa. Mục đích chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng những căn cứ du kích, tạo lập hậu phương, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào phát triển, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng của địch.

Ngày 9/4/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh vượt biên giới đến vị trí tập kết. Ngày 12/4/1953, phát hiện các đơn vị đi đầu của ta cách Sầm Nưa gần một ngày hành quân, Tướng Xalăng vội ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở thị xã rút chạy. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Từ phương án vận động bôn tập từ xa đến bao vây, đánh địch trong công sự vững chắc, bộ đội ta đã thích ứng với tình huống mới, nhanh chóng chuyển sang thực hiện phương án vận động truy kích tiêu diệt địch, bắt đầu từ ngày 13/4/1953.

Trải qua hơn một tháng vận động truy kích (từ ngày 13/4/1953 đến ngày 18/5/1953), Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch (bằng 1/5 tổng số lực lượng của địch ở Lào); giải phóng một khu vực rộng 4.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ (chiếm 1/5 diện tích Bắc Lào) với hàng chục vạn dân. Với những kết quả đó, chiến dịch đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra, góp phần đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước quan trọng, đẩy thực dân Pháp lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào ghi nhận đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù là vùng tạm chiếm trong suốt những năm tháng chống thực dân Pháp tính đến trước khi được giải phóng (tháng 12/1952), trình độ kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và lạc hậu, lực lượng kháng chiến còn mỏng và yếu nhưng đây lại không phải là lần đầu tiên đồng bào các dân tộc Tây Bắc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả là giúp đỡ cách mạng Lào. Với đặc điểm tiếp giáp với các tỉnh Bắc Lào, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư, văn hóa,…. nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tây Bắc đã được chọn là địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến Lào. Sự ra đời của Ban xung phong Lào Bắc (tháng 5/1948) do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chỉ huy trưởng là bước khởi đầu để xây dựng lực lượng và cơ sở kháng chiến ở các tỉnh Bắc Lào. Ban xung phong Lào Bắc quyết định chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài), huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La làm địa bàn đứng chân để từ đó tiến sâu vào vùng Bắc Lào. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân bản Phiêng Sa đã hết lòng ủng hộ về lương thực, thực phẩm, tiền của để Ban xung phong Lào Bắc mua sắm vũ khí; giữ bí mật cho hoạt động của Ban. Được sự đùm bọc, che chở của đồng bào dân tộc Mông bản Phiêng Sa, đặc biệt là gia đình Cụ Tráng Lao Khô - người vừa là giao thông viên dẫn đường, vừa bảo vệ đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Ban xung phong Lào Bắc có cơ sở vững chắc để từng bước thâm nhập vào các bản làng thuộc khu vực tả ngạn sông Mã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân các bộ tộc Lào, tiến tới lập căn cứ cách mạng. Đến tháng 10/1948, Ban xung phong Lào Bắc đã gây dựng được cơ sở ở 44 bản, gồm 333 gia đình với số dân hơn 1.500 người. Vùng này được xây dựng thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn[6]. Từ đó, lực lượng kháng chiến Lào từng bước được xây dựng, phát triển.

Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Tây Bắc, trực tiếp là đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã tích cực phối hợp với hoạt động của các đơn vị tham gia chiến dịch. Để phân tán sự chú ý và đối phó của địch, hỗ trợ các hoạt động của bộ đội chủ lực, trước và trong thời gian diễn ra chiến dịch, quân và dân Tây Bắc đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Bộ đội địa phương và dân quân du kích đã kiên cường chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của địch. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Bắc đã chủ động tổ chức tiễu phỉ. Việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên địa bàn Tây Bắc, nhất là khu vực quanh Nà Sản và Thị xã Lai Châu còn có tác dụng kìm chân địch, không cho chúng có cơ hội, điều kiện tăng cường, ứng cứu cho các lực lượng ở Thượng Lào.

Trên phương diện hậu cần, sau những chiến thắng liên tiếp giành được trên chiến trường rừng núi trong các chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), Tây Bắc (14/10/1952 - 10/12/1952), Chiến dịch Thượng Lào là chiến dịch đầu tiên quân đội ta tổ chức trên chiến trường nước bạn Lào, rất xa hậu phương. So với Nà Sản thì đường tiếp tế từ hậu phương tới Sầm Nưa dài gấp đôi. Do đó, yêu cầu đối với công tác hậu cần cũng cao hơn so với các chiến dịch trước đó. Để đáp ứng yêu cầu trên, công tác chuẩn bị hậu cần đã được tính toán và chuẩn bị kỹ. Trên hướng chính của chiến dịch, Tổng cục Cung cấp bố trí các kho, trạm ở khu vực Mộc Châu, Vạn Mai sau đó chuyển dần vào Sốp Ban, Sốp Hào bảo đảm cho các lực lượng tiến công Sầm Nưa. Liên khu 4 bảo đảm hậu cần cho cánh quân đánh Xiêng Khoảng theo Đường số 7; còn hướng Mường Sài đảm bảo cho Trung đoàn 148 do bạn Lào đảm nhiệm. Hơn 80 ô tô, 880 thuyền, hơn 2.000 xe đạp và 180 ngựa thồ được huy động vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch. Kết quả, trên cả hai hướng, hậu cần đã cung cấp cho bộ đội được hơn 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt và 190 tấn thực phẩm khác, bố trí 166 tấn vũ khí, cứu chữa 490 thương binh. Từ trung tuyến trở ra đã sử dụng hơn 62.500 dân công, quy thành 2.535.000 ngày công, chưa kể phần Hội đồng Cung cấp Mặt trận chuyển từ hậu phương tới trung tuyến[7]. Có thể nói, công tác đảm bảo hậu cần - kỹ thuật trong Chiến dịch Thượng Lào đã có sự tiến bộ lớn về tổ chức và chỉ huy, phương thức đảm bảo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được tình huống đột biến của chiến dịch mà không có sự chuẩn bị trước.

Xét về điều kiện huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch, Tây Bắc “cũng là một khu vực rừng núi mới được giải phóng, kinh tế nghèo nàn, nhân dân chưa quen phục vụ chiến dịch. Khả năng huy động nhân vật lực ở Tây Bắc rất hạn chế, cho nên chủ yếu phải dựa vào Liên khu 3 - 4 và Việt Bắc”[8]. Trên thực tế, hậu cần chiến dịch được huy động chủ yếu từ hai tỉnh Thanh Hóa (phục vụ hướng chính Sầm Nưa) và Nghệ An (phục vụ hướng phối hợp Xiêng Khoảng). Mặc dù vậy, với vai trò là hậu phương trực tiếp, các tỉnh Tây Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Thượng Lào. Theo số liệu thống kê chính thức được ghi nhận, mặc dù mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng quân và dân các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động được 34.650 dân công phục vụ chiến dịch từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô và 12 tấn đường[9]. Những số liệu tổng hợp nêu trên đã góp phần khẳng định đóng góp quan trọng của các tỉnh Tây Bắc cho Chiến dịch Thượng Lào. Đáng chú ý, trong phong trào thi đua tăng năng suất, vượt mức kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch, đoàn dân công Văn Chấn (Yên Bái) cùng với đoàn thuyền Thanh Ba (Phú Thọ), đoàn dân công Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Nghi Thuận (Nghệ An), đoàn xe đạp thị xã Thanh Hóa,… đã đoạt được giải thưởng “Thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh[10]. Công tác quân nhu cũng ghi nhận đóng góp tích cực của các đội dân công chủ lực như Văn Chấn, Văn Bàn đã kịp thời chuẩn bị kho, lán đầy đủ, đảm bảo để tập kết hàng hóa, trang thiết bị[11].

Trong những đóng góp chung của nhân dân Tây Bắc, không thể không nói tới những đóng góp của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu. Trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, Mộc Châu giữ vị trí quan trọng đặc biệt: là nơi đóng đại bản doanh của Sở Chỉ huy tiền phương, nơi tổ chức Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến chiến dịch trong 2 ngày 5/4 và 6/4/1953 trước khi các đơn vị xuất phát tới mặt trận. Sau Chiến dịch Tây Bắc, các đại đoàn chủ lực của ta như Đại đoàn 308, 312 và một bộ phận của Đại đoàn 316 được lệnh tập kết tại Mộc Châu để tham gia hướng chính chiến dịch, qua Pa Háng tiến đánh Sầm Nưa. Huyện Mộc Châu trở thành căn cứ đứng chân đầu tiên, là điểm xuất phát và là tuyến trung chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến dịch. Cùng với Vạn Mai, Mộc Châu là điểm tập kết của binh trạm vận tải, tổng kho vũ khí, tổng kho gạo, đội điều trị quân y,… trước khi đưa tới hỏa tuyến. Với tình nghĩa keo sơn hữu nghị Việt - Lào, với tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mộc Châu tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến[12].

Đó là những đóng góp hết sức quan trọng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đặt trong bối cảnh vừa mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhiều nơi vừa mới trải qua nạn đói mới thấy hết ý nghĩa, sự cố gắng, quyết tâm của đồng bào qua những hoạt động hưởng ứng, phối hợp, đóng góp cho chiến dịch; thể hiện tinh thần cách mạng và niềm tin của nhân dân với sự nghiệp kháng chiến. Đó cũng là cội nguồn tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, tình hữu nghị kề vai sát cánh của hai dân tộc Việt - Lào, góp phần tô thắm thêm mối tình thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc anh em./.

 

[1] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.229-230.

[2] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.237.

[3] Câu “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc” để nói về 4 cánh đồng lớn ở Tây Bắc, gồm: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), Than Uyên (Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La).

[4] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.237.

[5] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.260.

[6] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2002), Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945 - 1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr.143.

[7] Ban Khoa học Hậu cần (1984), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953 (Phần bổ sung), Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.33.

[8] Ban Khoa học Hậu cần (1984), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953 (Phần bổ sung), Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.6.

[9] Viện Sử học (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945 - 1954), Nxb Khoa học Xã hội, tr.412-413.

[10] Ban Khoa học Hậu cần (1982), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.26.

[11] Ban Khoa học Hậu cần (1982), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.29.

[12] Huyện Mộc Châu đã huy động và cung cấp 1.000 tấn trong tổng số gần 7.000 tấn lương thực, thực phẩm (chiếm khoảng 15% khối lượng lương thực, thực phẩm) phục vụ chiến dịch (xem thêm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La (1995), Sơn La - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, tr.147).

Thu Đông năm 1952, quân và dân Việt Nam giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Tây Bắc. Sau gần 2 tháng chiến đấu (từ ngày 14/10/1952 đến ngày 10/12/1952), qua 3 đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 6.000 quân địch, giải phóng một khu vực rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (rộng khoảng 28.500 km2 với 250.000 dân), nối liền vùng Tây Bắc mới giải phóng với căn cứ địa Việt Bắc. Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc đã vượt ra ngoài biên giới nước ta; vùng giải phóng của ta đã mở đến sát Thượng Lào. Mới hôm nào, chiến trường này còn là hậu phương an toàn của địch nay đã bị uy hiếp trực tiếp. Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp tốt hơn với Chính phủ và quân đội kháng chiến Lào. Ngay sau chiến dịch, một số đơn vị bộ đội Việt Nam đã được cử sang phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Pathet Lào. Trên đường từ Tây Bắc trở về căn cứ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc tranh thủ trước mùa mưa, đưa bộ đội chủ lực sang giúp bạn giải phóng một phần đất đai ở Thượng Lào, mở rộng chỗ đứng chân cho Chính phủ kháng chiến Lào trên một địa bàn tiếp giáp với vùng Tây Bắc mới giải phóng của ta. Đại tướng đã trao đổi vấn đề này với đồng chí Nguyễn Chí Thanh và chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu, đề xuất kế hoạch với Tổng Quân ủy. Ngày 2/2/1953, Tổng Quân ủy nhất trí mở chiến dịch Xuân Hè năm 1953 ở Thượng Lào và đề nghị với Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở một chiến dịch ở Sầm Nưa. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định đưa quân đội Việt Nam sang phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công Sầm Nưa. Mục đích chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng căn cứ du kích, tạo lập hậu phương, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào phát triển, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng của địch.

Mở chiến dịch Thượng Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của quân dân Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Thượng Lào (ngày 3/4/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ của ta cần phải: “Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta; Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn; Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam; Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi”[1].

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm có Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và Trung đoàn 148; cùng một số đơn vị pháo binh, phòng không, công binh, thông tin. Một số đơn vị quân giải phóng Pathet Lào tham gia phối hợp cùng chiến đấu. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị và Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp. Trung ương còn cử đồng chí Nguyễn Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, đặc trách công tác về Lào cùng đi với Bộ Chỉ huy chiến dịch. Về phía các bạn Lào có các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Xinhgapo - Thứ trưởng Quốc phòng, Thao Ma - Bí thư tỉnh Sầm Nưa.

Theo kế hoạch tác chiến, hướng chính của chiến dịch là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở phía bắc là lưu vực sông Nậm Hu, ở phía nam là Xiêng Khoảng. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông đi chiến dịch ở hướng chính. Về chiến thuật, “bộ đội sẽ dùng lối bôn tập chiến dịch, từ xa ập tới bao vây toàn bộ quân địch, khống chế sân bay, bãi thả dù không cho tăng viện, nhổ những điểm cao quan trọng ở ngoại vi, đánh sâu vào tung thâm, chia cắt quân địch để tiêu diệt”[2].

Để đánh lừa phán đoán của địch, Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng một kế hoạch nghi binh đánh Nà Sản từ 3 hướng: sông Đà vào, Sơn La xuống, Yên Châu lên. Mọi hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch từ hậu phương lên tới Cò Nòi, nếu bị lộ, địch vẫn có thể nghĩ ta chuẩn bị đánh Nà Sản; chỉ cần hết sức giữ bí mật trên đoạn đường từ Cò Nòi sang Sầm Nưa. Kế hoạch nghi binh được thực hiện hiệu quả, góp phần phân tán sự chú ý của địch, khiến chúng phán đoán sai hướng, mục tiêu tấn công của ta trong chiến dịch. Chúng tung tin ta sắp tiến công Thượng Lào hoặc Tây Bắc, nhằm các mục tiêu Xiêng Khoảng, Sầm Nưa hoặc Nà Sản. Ta tương kế tựu kế, chỉ đạo bộ đội đẩy mạnh hoạt động, thu hút sự chú ý của địch trên hướng Nà Sản. Khi bộ đội đến Mộc Châu và một cánh quân xuất hiện trên hướng đường số 7 thì Đài “Con nhạn” của địch loan tin cuộc tiến công của ta sắp bắt đầu, nhưng chúng vẫn còn nghi ngờ, chưa biết ta đánh Sầm Nưa hay Nà Sản. Chúng có vẻ nghiêng về phương án mục tiêu bị tiến công là Nà Sản. Ngày 7/4/1953, chúng rút quân ở Cò Nòi tập trung về Nà Sản, bổ sung lương thực, đạn dược cho vị trí này; trong suốt một tuần lễ đầu tháng 4/1953, máy bay địch đánh phá dữ dội đường số 41, đoạn Quang Huy - Tạ Khoa. Đến thời điểm các đơn vị chủ lực hành quân từ Mộc Châu sang Lào, địch vẫn chưa phát hiện mục tiêu của chiến dịch.

Ngày 9/4/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh vượt biên giới đến vị trí tập kết. Ngày 12/4/1953, phát hiện các đơn vị đi đầu của ta cách Sầm Nưa gần một ngày hành quân, Tướng Xalăng (Raoul Salan) vội vã ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở thị xã rút chạy. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Từ phương án vận động bôn tập từ xa đến bao vây, đánh địch trong công sự vững chắc, bộ đội ta nhanh chóng thích ứng với tình huống mới, chuyển sang thực hiện phương án vận động truy kích tiêu diệt địch, bắt đầu từ ngày 13/4/1953.

Trải qua hơn một tháng vận động truy kích (từ ngày 13/4/1953 đến ngày 18/5/1953)[3], Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch (bằng 1/5 tổng số lực lượng của địch ở Lào); giải phóng một vùng đất rộng 4.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ (chiếm 1/5 diện tích Bắc Lào) với hàng chục vạn dân. Với những kết quả đó, chiến dịch đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra.

Với thắng lợi của chiến dịch, lực lượng kháng chiến của Lào đã có một địa bàn đứng chân rộng lớn và vững chắc, nối liền với hậu phương chiến lược của Việt Nam. Vùng mới giải phóng ở Thượng Lào cho phép liên quân Lào - Việt tiến sâu vào hậu phương địch, củng cố và mở rộng vùng tự do của hai nước và tạo nên một chiến trường cơ động, có thể tiến đánh địch trên nhiều hướng. Thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Lào có điều kiện phát triển thuận lợi. Lực lượng kháng chiến Lào được tôi luyện và trưởng thành.

Về phía Việt Nam, thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào giúp củng cố thêm quyền chủ động chiến lược của quân và dân ta, không chỉ trong phạm vi Bắc Bộ mà đã mở rộng ra toàn chiến trường Bắc Đông Dương. Cùng với chiến thắng Tây Bắc trước đó, chiến thắng Thượng Lào là nguồn cổ vũ, thúc đẩy các chiến trường khác trong cả nước hoạt động sôi nổi và có hiệu quả hơn.

Đối với thực dân Pháp, sau hai đòn thua đau ở Tây Bắc, Thượng Lào, hệ thống bố trí và chiếm đóng của quân đội Pháp và lực lượng ngụy binh co lại một cách nguy hiểm. Trên chiến trường Bắc Đông Dương, lực lượng cơ động của Pháp bị căng mỏng và phân tán, buộc địch phải lựa chọn ưu tiên nhiệm vụ đóng giữ những vị trí chiến lược. Kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của Tướng Đờ Lát (De Lattre de Tassigny), được Xalăng dốc sức thực hiện, đến đây coi như đã thất bại. Một lần nữa Pari phải thực hiện kế hoạch “thay ngựa giữa dòng” - quyết định đưa Tướng Nava (Henry Navarre) sang thay Tướng Xalăng ngay trong thời gian Chiến dịch Thượng Lào đang diễn ra (ngày 7/5/1953).

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào ghi nhận đóng góp không nhỏ của  đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Mặc dù mới được giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động được 34.650 dân công phục vụ chiến dịch từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô và 12 tấn đường[4]. Những số liệu cụ thể nêu trên đã khẳng định, các tỉnh Tây Bắc đóng góp phần lớn sức người, sức của cho Chiến dịch Thượng Lào[5]. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, tình hữu nghị kề vai sát cánh của hai dân tộc Lào - Việt, góp phần tô thắm thêm mối tình thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc anh em.

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8 (1953 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.105.

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ (Hồi ức, Hữu Mai thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.363.

[3] Một số tài liệu và công trình nghiên cứu xác định thời gian Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 8/4/1953 đến ngày 3/5/1953. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trận mở màn Chiến dịch là trận Mường Hàm (đêm 13/4/1953); và trận kết thúc Chiến dịch là trận Mường Khoa lần thứ hai (sáng 18/5/1953).

[4] Viện Sử học (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945 - 1954), Nxb Khoa học Xã hội, tr.412-413.

[5] Tổng hợp công tác hậu cần phục vụ chiến dịch đã cung cấp được 6.300 tấn lương thực, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô và hơn 166 tấn vũ khí.

Dân tộc Mông là dân tộc có tỉ lệ cao trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở các tỉnh phía bắc nước ta. Riêng tại Sơn La, theo Tổng điều tra về dân số và nhà ở cả nước năm 2009, dân số người Mông trong tỉnh là 157.253 người, chiếm hơn 15% dân số trên địa bàn tỉnh, sinh sống tại các xã vùng núi cao của 12 huyện, thành phố [1].

          Dân tộc Mông thường cư trú ở vùng núi cao, giao thông khó khăn, với lối sống khép kín theo hình thức tự cấp tự túc, do vậy điều kiện sinh sống của đồng bào Mông đặc biệt khó khăn, cùng với đó phần đa người Mông đều không biết đọc, biết viết, khả năng giao lưu và hội nhập với bên ngoài còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người Mông vẫn bảo lưu, trao truyền được các giá trị văn hóa truyền thống tộc người gần như nguyên vẹn. Các giá trị văn hóa của người Mông rất phong phú và đa dạng thể hiện trong các lĩnh vực văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội.

          Văn hóa vật chất: Người Mông sử dụng lương thực chính là gạo tẻ. Gạo nếp chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết. Ngô, sắn được trồng chủ yếu phục vụ trong chăn nuôi. Thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của họ rất đơn giản, ngoài cơm tẻ người ta chỉ cần một chút thức ăn theo kiểu “có gì ăn đấy”, các món ăn thường được chế biến theo kiểu luộc hoặc nấu canh. Dịp tết hoặc đám cưới có thêm bánh dày được làm từ gạo nếp nương do gia đình trồng. Do sống ở vùng núi cao nhiệt độ thấp nên người Mông có thói quen nấu và uống rượu thóc. Nhìn chung có thể thấy, tập quán ăn uống của người Mông tương đối đơn giản. Do điều kiện kinh tế khó khăn lại ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài do vậy tập tục ăn uống của người Mông vẫn không có nhiều thay đổi.

          Nhà ở truyền thống của đồng bào người Mông thường là kiểu nhà trệt nền đất vách được dựng bằng các tấm gỗ lớn. Nhà thường được làm 3 gian, 2 chái với ưu điểm đông ấm, hè mát. Trong đó gian giữa bao giờ cũng rộng hơn 2 gian bên cạnh “bởi đây là gian trung tâm của ngôi nhà, nơi diễn ra các sinh hoạt của mỗi thành viên sinh sống trong đó, đặc biệt đây là nơi tổ chức cúng ma nhà vào các dịp lễ tết hay các nghi lễ liên quan đến chu kì đời người...”[2, tr299]. Trong nhà người ta đặt 2 bếp lửa ở hai bên đầu nhà, gian giữa đặt bàn thờ ma. Cột ma được dựng ở gian giữa của ngôi nhà gần đầu bếp chính. Xung quanh nhà người ta thường trồng một ít rau để phục vụ gia đình. Hiện nay hình thức nhà xây được lợp mái tôn cũng dần xuất hiện. Tuy nhiên người Mông vẫn sinh sống chủ yếu trong những ngôi nhà nền đất ván gỗ như trước.

          Trang phục truyền thống của người Mông được làm từ vải lanh nhuộm chàm thêu hoa văn hoặc nhuộm sáp ong. Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chủ yếu vẫn mặc váy được trang trí sặc sỡ màu sắc, nam giới mặc quần ống rộng của người Mông kết hợp với áo sơ mi hoặc áo thun như của người Kinh. Nguyên liệu để làm váy áo được thay đổi từ vải lanh nhuộm chàm thành vải sợi công nghiệp. Vải lanh chỉ còn được sử dụng trong tang ma, khi đưa tiễn người chết về thế giới bên kia.

          Văn hóa xã hội: Người Mông thường sống tập trung thành các bản nhỏ, được bố trí theo lối mật tập. Trước đây, quy mô các bản của người Mông thường từ 10 - 20 hộ. Ngày nay, cùng với sự gia tăng về dân số và sự phát triển của kinh tế - xã hội, số hộ trong các bản đã tăng lên nhiều lần. Với quan điểm “cùng họ đều là anh em”, trong cuộc sống hàng ngày các gia đình thường tương trợ giúp đỡ nhau về mọi mặt. Bởi vậy khi gia đình có việc trọng đại như cưới xin, ma chay thì đó được coi là việc lớn của cả dòng họ và sẽ do anh em trong họ tổ chức giúp đỡ.

          Gia đình của người Mông phổ biến là gia đình phụ hệ, thường có từ 2 đến 3 thế hệ cùng chung sống. Người đàn ông lớn tuổi nhất đóng vai trò trụ cột, đứng ra quản lý tài sản chung của gia đình, phân chia tài sản cho các con ra ở riêng, đồng thời đứng ra tổ chức, phân công lao động cho các thành viên còn lại và trực tiếp đảm nhiệm những công việc nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất trong sản xuất như chặt cây, đánh đá, khai phá nương rẫy, và đốn gỗ, vận chuyển từ rừng về nhà khi làm nhà mới… Họ còn là người lo toan việc tổ chức hôn lễ cho con cái, thờ cúng tổ tiên, các ma nhằm cầu mong sự phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Về đối ngoại, họ còn thay mặt các thành viên trong gia đình giải quyết mọi quan hệ với dòng họ và xã hội. Có thể nói người đàn ông là chủ gia đình có vị trí cao trong gia đình và cả ngoài cộng đồng, mọi ý kiến của họ đều được các thành viên trong gia đình cho là sáng suốt và nghe theo. Người vợ, người mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và gia đình nhà chồng. Một vài năm trở lại đây, đã có một số phụ nữ người Mông có cơ hội được học tập và làm việc ở các cơ quan nhà nước, hoặc tham gia hoạt động buôn bán ở chợ thị trấn hoặc mở cửa hàng ngay ở các bản, xã... Tuy số lượng này không nhiều nhưng những thay đổi trên đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống khép kín bao đời nay của người phụ nữ Mông giúp họ thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả và trở nên đa sắc hơn. 

          Văn hóa tinh thần: Người Mông có đời sống văn hoá tinh thần phong phú và đa dạng. Trong một năm, người Mông tổ chức rất nhiều nghi lễ mang đặc trưng văn hoá tộc người như lễ cúng cơm mới, lễ cúng tu su… được coi là dịp sinh hoạt văn hoá chung của anh em gia đình, dòng họ, tăng tính cố kết của cộng đồng. Đặc biệt vào dịp tết cổ truyền họ thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng như như ném pao, kéo co, thi thổi khèn… Với người Mông, tết là dịp để nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả vì thế trong 3 ngày này họ kiêng không làm việc nặng, cả ngày sẽ uống rượu ăn thịt, hát ca và thăm hỏi anh em họ hàng. Hết 3 ngày tết họ lại tiếp tục các cuộc chơi xuân khắp các bản làng, tham gia vào các hoạt động văn hoá cộng đồng do bản tổ chức. Đây chính là dịp để các chàng trai cô gái làm quen, tìm hiểu lẫn nhau. Phần lớn các cặp đôi người Mông đều xuất phát từ những đám chơi hội này vì vậy họ quan niệm đây cũng chính là “mùa cưới” của đồng bào Mông.

          Về mặt tín ngưỡng, người Mông cũng có quan điểm vạn vật hữu linh. Họ thờ cúng ma nhà, ma cửa, ma bếp, ma buồng, ma núi, ma rừng… đây là hệ thống các ma lành được người Mông thờ cúng để bảo vệ sức khoẻ và bình an của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng tin là có một loại ma dữ chuyên làm hại con người có thể sẽ gặp phải khi đi đường xa. Vì thế trước kia, khi gia đình có người chuẩn bị vào rừng hoặc đi làm ăn, học tập xa… người ta vẫn thường tổ chức lễ cúng cầu sức khoẻ, cầu mong nhận được sự bảo vệ của ma lành để mọi người tránh bị ma dữ quấy phá.

          Nhìn chung, phần đông các gia đình người Mông vẫn thờ cúng tổ tiên theo truyền thống, tuy nhiên những năm gần đây tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng có một số gia đình đã cải đạo chuyển sang Tin lành. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc người Mông từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng hàng trăm năm của mình để theo Tin lành là do gánh nặng về mặt kinh tế bởi các tập tục, các nghi lễ rườm rà, tốn kém. Trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì chính những thủ tục, nghi lễ đó đã tạo nên sự ngột ngạt, đè nén trong tâm lí và trong đời sống kinh tế của người dân. Trong số đó, một bộ phận người Mông khát khao được giải phóng và họ tìm đến với Tin lành như một sự giải thoát. Tuy nhiên, trên con đường cải đạo đó phần lớn người dân đều tin theo một cách mù quáng. Họ xóa bỏ hoàn toàn văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng hàng trăm năm qua, từ đó cũng xóa đi những đặc trưng của văn hóa tộc người. Biến người Mông từ một tộc người có nhiều nét riêng, độc đáo thành tộc người bị đồng hóa về văn hóa cũng như mọi mặt của đời sống xã hội [3, tr 30].

          Tập quán chu kỳ đời người bao gồm sinh đẻ, hôn nhân và tang ma. Cho đến nay người Mông tỉnh Sơn La vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo trong các tập quán liên quan đến chu kỳ đời người thể hiện qua các nghi lễ, các bài ca, làn điệu đối đáp... vẫn được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

          Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào Mông dần được cải thiện, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội được giao lưu, học tập, làm việc tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó dưới ảnh hưởng của quá trình giao lưu và hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế đã mở ra cơ hội cho người Mông được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa của các tộc người khác, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của chính tộc người mình. Mặt khác đây cũng là khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa bản thân mỗi tộc người trong việc giữ vững những giá trị văn hoá mang tính bản sắc.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc H’Mông Sơn La, nguồn: https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/tin-tuc/trai-nghiem-van-hoa-dong-bao-dan-toc-h-mong-son-la-610649.html
  2. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Nguyễn Thị Huyền (2019), Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, huyện Bắc yên, tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.