Sinh kế được hiểu theo nghĩa khái quát nhất là cách thức kiếm sống của con người. Mỗi tộc người căn cứ vào điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội… để lựa chọn cách thức mưu sinh cho phù hợp.
Chiềng Xôm là xã trực thuộc thành phố Sơn La, nằm ở phía Bắc thành phố và chạy dọc theo dòng suối Nậm La, cách trung tâm thành phố 3km. Phía Bắc giáp xã Bó Mười huyện Thuận Châu và xã Mường Bú huyện Mường La, phía Nam giáp phường Chiềng An, phía Đông giáp xã Chiềng Ngần, phía Tây giáp xã Chiềng Đen thành phố Sơn La. Xã có tổng diện tích tự nhiên 6.159,65 ha (Trong đó đất sản xuất nông nghiệp 902,35 ha, đất lâm nghiệp 3.622,16 ha, còn lại là núi đá và đất khác).Xã có tổng số 1.511 hộ dân với 5.752 nhân khẩu. Dân cư được phân bố thành 10 bản với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 92,1%, đa số nhân dân sống bằng nghề thuần nông. Các hình thức sinh kế chủ đạo của người Thái ở xã Chiềng Xôm hiện nay bao gồm: Làm ruộng nước, làm nương rẫy, Làm vườn và khai thác các nguồn lợi tự nhiên, chăn nuôi và hoạt động tiểu thủ công nghiệp.
- Làm ruộng nước
Người Thái định cư ở những vùng đất thấp, nơi gần nguồn nước. Do đó, làm ruộng nước trở thành hình thức sinh kế phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào Thái.
Để bắt đầu mùa vụ, trước hết người ta phải tiến hành làm đất cày sâu, bừa kĩ, dọn dẹp cỏ dại và vun đắp bờ cẩn thận nhằm đảm bảo giữ nước cho ruộng, đồng thời tránh chuột bọ phá hoại mùa màng. Trước đây, người Thái chỉ canh tác một vụ lúa trong năm nên mùa vụ chính của họ thường bắt đầu cấy tháng 11 theo lịch Thái (tức tháng 5 âm lịch, tháng 6 dương lịch), thu hoạch tầm tháng 3 theo lịch Thái (tháng 9 âm lịch, tháng 10 dương lịch). Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời tiết và căn cứ vào nông lịch cụ thể mà người ta có thể cấy sớm hoặc muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa vụ chính. Trong suốt khoảng thời gian đó, người nông dân Thái phải thường xuyên chăm nom nước trong ruộng, phát cỏ, be bờ đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt nhất.
Người Thái xưa kia thường làm ruộng nước một vụ lúa theo lối độc canh. Giống cây trồng chính là giống nếp tan nhe. Lúa tẻ được trồng với diện tích không đáng kể. Nếp tan truyền thống của đồng bào Thái là giống nếp dài ngày, được gieo trồng trên những thửa ruộng màu mỡ, thông thường từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch phải mất từ 5 đến 6 tháng nên trước kia người ta chỉ có thể canh tác được 1 vụ lúa trong năm đồng thời năng suất lúa không cao nên tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt vẫn diễn ra. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ lai tạo giống, nếp tan sử dụng trong gieo trồng hiện nay đã có sự cải tiến tăng năng suất nhưng theo bà con nhận xét thì “nếp tan mới mà trồng ở ruộng này thì nó không ngon đâu, thứ nhất là đất nó bạc màu, thứ hai là hóa học nhiều không được ngon như xưa nữa. Ngày xưa người ta không dùng hóa học cũng không dùng thuốc phun, có dùng thì hầu hết là dùng phân chuồng, hoặc là phân xanh ủ hoặc cho vào trực tiếp chứ không dùng phân hóa học, không dùng phân hữu cơ vô cơ, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng gì cả” (ông Quàng Văn Hoan, 1960, bản Tông, hưu trí).
Dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, tập quán canh tác ruộng nước của người Thái ở Chiềng Xôm cũng có nhiều thay đổi. Giống cây trồng được chuyển đổi từ độc canh lúa nếp sang trồng cả lúa nếp và lúa tẻ. Người Thái đã bắt đầu canh tác hai vụ trong năm là vụ mùa và vụ chiêm xuân, đồng thời đưa các giống lúa lai ngắn ngày vào sản xuất cho năng suất cao. Phương thức canh tác cũng có nhiều thay đổi, người dân đã bắt đầu sử dụng máy móc vào sản xuất, thay thế cho sức kéo của trâu bò. Không chỉ thế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, một phần lớn diện tích đất nông nghiệp của người dân trong xã đã được chuyển nhượng lại cho một số hộ dưới xuôi lên canh tác, trồng hoa hồng để phục vụ nhu cầu thương mại. Đây là một chuyển biến lớn trong đời sống đồng bào vốn quen canh tác ruộng lúa từ xa xưa. Từ đó dẫn đến các thay đổi trong mối quan hệ sản xuất kinh tế, trong phân công lao động truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay trong cộng đồng Thái. Sự chuyển đổi đổi này làm nảy sinh thêm nhiều công việc mới, nguồn thu nhập mới... đồng bào dần thích nghi và thay đổi nhằm mục đích cải thiện đời sống kinh tế.
- Làm nương rẫy
Nương rẫy là một bộ phận quan trọng trong sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta trong đó có đồng bào Thái. Ở Chiềng Xôm, hầu hết các hộ người Thái đều có nương và diện tích nương còn lớn gấp nhiều lần so với diện tích ruộng nước.
Trong xã hội truyền thống, nương thường được canh tác để trồng các loại hoa màu như ngô, sắn, đậu, bầu bí,... một phần đất tốt còn được dùng để trồng bông và chàm phục vụ nhu cầu làm trang phục theo lối tự cấp tự túc, đồng thời nương còn được dùng để trồng lúa nương. Tuy nhiên, do đất nương kém màu mỡ so với ruộng nước và phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên do đó năng suất lúa nương kém nhiều lần so với lúa nước.
Hiện nay, nương của người Thái ở Chiềng Xôm chủ yếu được sử dụng trồng ngô với tổng diện tích 640 ha. Sau tết, người dân bắt đầu dọn cỏ, đốt nương, làm đất và đợi khi mưa xuống, đất ngấm nước trở nên ẩm ướt sẽ bắt đầu trỉa hạt. Ngô thường được trồng vào tháng 4, tháng 5 sang tháng 8 sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Người Thái làm ngô mỗi năm một vụ trên đất đồi dốc, vì phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên (nước mưa) nên năng suất không ổn định. Những năm mưa thuận gió hòa, ít sâu bệnh thì ngô được mùa, ngược lại có những năm thiên tai hạn hán, dịch bệnh thì thường thất thu. Tháng 4 sau khi trỉa hạt xuống đất, người ta bắt đầu chăm sóc bón phân, diệt sâu bệnh, làm cỏ dại… Trước kia, người Thái sử dụng giống ngô nếp bắp bé, hạt màu trắng, đều hạt, ăn rất dẻo. Ngày nay, đồng bào đã chuyển sang sử dụng các giống ngô lai cho năng suất cao hơn. Ngô được người Thái dùng một phần để chăn nuôi gà, lợn, trâu bò còn phần lớn được người dân bán lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Ngô sau khi thu hoạch sẽ được người dân dùng xe máy chở từ nương xuống đường nhựa, thương lái sẽ đưa xe tải đến thu mua trực tiếp. Thông thường, những năm được giá được mùa thì 1 ha ngô sẽ có giá trị từ 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài vụ mùa chính, người Thái vẫn làm trái vụ nhưng diện tích gieo trồng không đáng kể. Do không thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu như ruộng nước nên đồng bào chỉ chủ yếu canh tác một vụ trong năm.
Ngoài phần lớn diện tích sử dụng trồng ngô, người Thái ở Chiềng Xôm còn dành một phần đất nương để trồng đậu, lạc, bầu bí, một số loại rau... để bổ sung thực phẩm cho gia đình.
- Làm vườn và khai thác nguồn lợi tự nhiên
Xung quanh nhà ở của người Thái bao giờ cũng có một khu vườn rộng. Trước đây, vườn không được coi trọng. Hiện nay, vườn được người Thái chủ yếu đầu tư trồng tỏi và hành. Hành, tỏi mỗi năm trồng được một vụ, tháng 9 bắt đầu gieo trồng thì đến tháng 2 sau khi ăn tết xong sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Theo bà Quàng Thị Họp ở bản Hụm (Chiềng Xôm) cho biết: gia đình bà dành ra 200m2 đất vườn để trồng tỏi (khoảng 2/3 diện tích đất vườn hiện có của gia đình). Vụ đông xuân 2019, gia đình bà thu tỏi và bán với giá 40.000đ/1kg tỏi tươi, được tổng 1.500.000 đồng. Ngoài ra, bà còn dành ra một phần làm quà “lấy tỏi cho anh em họ hàng thì họ cho thóc”.
Vườn còn được sử dụng để trồng các loại rau thơm, rau cải, một số loại cây họ đậu, cà chua... phần lớn được sử dụng để phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình đã biết đầu tư làm vườn, trồng rau để bán ra các chợ trên địa bàn thành phố Sơn La. Đối với mô hình này, một số hộ sẽ trực tiếp thu hoạch rau và đem đi bán, một số khác sau khi thu hoạch sẽ bán lại cho những tiểu thương chuyên nhập, bán rau tại các chợ. Hình thức này tuy mới chỉ xuất hiện một vài năm trở lại đây với quy mô manh mún, nhỏ lẻ nhưng cũng là hình thức sinh kế mới đã phần nào cải thiện chất lượng đời sống, tăng thu nhập cho người dân.
Khai thác nguồn lợi tự nhiên là hình thức sinh kế truyền thống, từng là sinh kế chủ đạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống đồng bào Thái. Thu hoạch từ tự nhiên (rừng, sông, suối) không chỉ giúp người dân cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn có thêm thu nhập khi các sản vật được đem bày bán tại các chợ hoặc quầy hàng. Có thể thấy, với người Thái, chỉ cần có rừng, có suối thì cuộc sống con người sẽ luôn đủ đầy, không sợ đói.
Ngày nay, hoạt động hái lượm từ rừng và đánh bắt từ các sông, suối không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, rừng vẫn là nơi cung cấp cho bữa ăn của con người nguồn thực phẩm thiết yếu. Thực trạng đó đã tác động đến sinh kế của đồng bào, từ phụ thuộc vào thiên nhiên biến đổi sang hình thức dựa vào tự nhiên, cùng cải tạo và hưởng lợi từ tự nhiên.
- Chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp
Trong xã hội truyền thống, người Thái chăn nuôi theo hướng tự cấp tự túc. Mục đích chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình trong các dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi… hoặc có thể dùng để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Gia súc lớn như bò, trâu được sử dụng làm sức kéo. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình đều có một ao cá cạnh nhà. Đây là đặc trưng trong chăn nuôi cũng như thói quen bố trí nhà cửa, ao, vườn của người Thái.
Ngày nay, chăn nuôi của người Thái đã có nhiều thay đổi. Hình thức chăn nuôi tự cấp tự túc vẫn tồn tại, bên cạnh đó chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng được triển khai. Một số trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ đã được thành lập. Lợn, gà, vịt được chăn nuôi theo hướng công nghiệp và dùng để xuất ra thị trường bên ngoài. Mô hình nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm phát triển. Tính đến cuối năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Chiềng Xôm đạt 23,1 ha. Sản lượng ước đạt 90 tấn cá các loại. Người Thái ở Chiềng Xôm đã từng bước tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm biến các sản phẩm vật nuôi trong gia đình thành hàng hóa. Từ đó góp phần cải thiện thu nhập, giúp đời sống đồng bào được sung túc hơn.
Tiểu thủ công nghiệp xưa kia tương đối phát triển với các nghề như: đan lát, rèn, dệt vải bông,... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, nghề thủ công truyền thống dần mai một. Hiện nay, số hộ làm đồ thủ công trong xã còn rất ít, đa phần chỉ làm để sử dụng trong phạm vi gia đình với những đồ cần thiết như nơm, vó, ếp khẩu, đệm bông gạo, rèn cuốc, xẻng... nếu có trao đổi hoặc buôn bán cũng trong quy mô bản, xã.
Cho đến nay, phương thức mưu sinh chính của người Thái ở xã Chiềng Xôm vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ đạo là làm ruộng nước và nương rẫy. Các hình thức sinh kế khác như chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, khai thác nguồn lợi tự nhiên... tồn tại mang tính chất là các hoạt động kinh tế phụ bổ trợ cho nông nghiệp. Việc giao thương của người Thái ở địa phương cũng ngày càng được mở rộng và phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa. Dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, tập quán mưu sinh truyền thống của đồng bào Thái ít nhiều đã có sự biến đổi. Các giống ngô, giống lúa mới và các giống cây trồng khác cho năng suất cao hơn đã được áp dụng; kĩ thuật canh tác có nhiều biến đổi theo hướng tích cực, máy móc dần được sử dụng để thay thế sức lao động của con người, các loại phân bón hoá học cũng được áp dụng trong sản xuất... Tất cả những sự thay đổi này đã góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn, ổn định hơn và giảm sự lệ thuộc vào tự nhiên.