Khèn Mông là nhạc cụ phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mông. Chiếc khèn là kết quả của quá trình lao động kiên trì, tài hoa, khéo léo. Người thợ đã gửi gắm tâm huyết của mình qua quy trình chế tác một cách tỉ mỉ để có được sản phẩm hoàn hảo. Là nghề thủ công truyền thống với chất liệu có sẵn trong tự nhiên dễ sử dụng, đặc biệt là nhu cầu sử dụng loại hình nhạc cụ này khá cao trong cộng đồng. Quy trình sản xuất được đúc kết từ lâu đời, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu cũng như điều kiện sống của người Mông. Ngoài ra để có cái nhìn đa dạng và phong phú hơn chúng tôi đề cập tới một số đặc điểm của khèn Mông dưới đấy:

- Đặc điểm văn hóa: chiếc khèn là sản phẩm mang dấu ấn của đôi bàn tay, trí óc, tính cần cù, kiên nhẫn mang đậm dấu ấn tộc người với các nguyên liệu trong tự nhiên, ngoài ra còn nhằm mục đích mang lại giá trị sử dụng cho cộng đồng. Đây là điểm khác biệt với các mặt hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt nhưng thiếu đi dấu ấn bàn tay của người thợ. Chính vì vậy tính văn hóa của sản phẩm thủ công cao hơn rất nhiều đối với sản xuất hàng loạt, phụ thuộc máy móc thiết bị hiện đại. Ngay khi tiếp cận chiếc khèn Mông qua trực tiếp, gián tiếp chúng tôi đã nhận ra đó là đặc điểm nổi bật của cộng đồng người Mông. Từ chiếc khèn có thể tìm hiểu về âm nhạc, nhạc cụ, tri thức dân gian,… qua đó làm tăng thêm tính văn hóa của sản phẩm nghề làm khèn. Đặc tính văn hóa đã thu hút mạnh mẽ của các tộc người khác đối với văn hóa Mông qua các lễ hội, diễn xướng dân gian của chiếc khèn. Sản phẩm khèn được người thợ ở xã Nà Bó chế tác, tiêu thụ không chỉ gói gọn trong phạm vi sản phẩm hàng hóa mà đã trở thành sản phẩm văn hóa có tính nghệ thuật cao, người Mông luôn coi khèn là biểu tượng của cộng đồng.

Khèn mông sản phẩm mang giá trị thẩm mĩ cao

- Đặc điểm mỹ thuật: chiếc khèn ngoài mục đích sử dụng còn là sản phẩm trang trí nội thất, bởi tính thẩm mĩ cao cho nên nhiều nhà sưu tầm đã mang về để treo tại phòng khách, sảnh, hiên nơi đón hoặc ngồi tiếp khách hoặc các khách sạn, nhà hàng,... Khèn được kết hợp giữa các vật liệu gỗ, tre, vỏ cây đào rừng bằng phương pháp thủ công theo lối truyền thống với sự sáng tạo nghệ thuật, tính thẩm mĩ, độ tinh xảo trong chế tác. Theo ông Hờ A Cở, thợ làm khèn xã Nà Bó thì: ống khèn trước đây thẳng nhưng do nhu cầu làm tăng thêm vẻ đẹp khi kết hợp với múa, vận chuyển, mang theo khi đi chơi hội mà người thợ đã sáng tạo cách làm cong ống khèn bằng cách hơ với lửa và dùng rẻ ẩm để vuốt sao cho đạt độ cong của ống đảm bảo hướng “vênh”, đi lên của ống khi sử dụng tạo độ mềm mại cho chiếc khèn. Mặc dù thay đổi rất đơn giản, ống khèn được hơ qua bếp củi để tạo độ cong theo ý muốn bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

- Tính đơn chiếc: mỗi chiếc khèn tạo ra đều mang tính đặc biệt riêng và sản phẩm mang sắc thái của cộng đồng rõ nét. Người thợ mỗi năm chế tác ra hàng chục chiếc khèn nhưng âm thanh thì không giống nhau, do đó tính đơn chiếc rất rõ ràng, cụ thể trên mỗi chiếc khèn. Bên cạnh đó, tính đơn chiếc có được là do chiếc khèn chứa đựng giá trị của cộng đồng, mang nét văn hoá và bản sắc của người Mông nơi vùng cao Tây Bắc, chính vì vậy khèn có thay đổi về vật liệu, màu sắc và phong phú đa dạng đến đâu cũng không thể có được những nét đặc trưng đó, cho dù kiểu dáng có thể giống nhưng không thể mang “hồn cốt” của núi rừng do chính đôi bàn tay con người tạo ra trên từng sản phẩm. Cùng với đặc trưng về văn hoá, tính riêng biệt đã mang lại ưu thế tuyệt đối cho nghề chế tác khèn của người Mông hiện nay. Đối với người Mông chiếc khèn không chỉ trao đổi – mua bán mà còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của cộng đồng.

Khèn được kết hợp giữa tre, gỗ, vỏ cây đào rừng và đồng lá 

- Tính đa dạng: tính đa dạng của sản phẩm được chế tác thủ công truyền thống thể hiện ở phương thức, nguyên liệu làm nên sản phẩm đó và chính nét văn hoá trong sản phẩm. Nguyên liệu làm nên sản phẩm có là vỏ cây, gỗ, tre, nứa,… mỗi loại sẽ đều có chức năng riêng tạo nên một sản phẩm với những sắc thái khác nhau trên chiếc khèn Mông, giúp cho người sử dụng có những cảm nhận gần gũi với tập tính sinh hoạt thường ngày của con người về sản phẩm. Bên cạnh đó, tính đa dạng còn được thể hiện qua những nét văn hoá trên sản phẩm bởi vì mỗi nguyên liệu chế tác đều mang những nét văn hoá đặc trưng của từng vùng, từng giai đoạn, quy cách chế tác ra chúng. Chính vì vậy trên thị trường có rất nhiều loại khèn cùng là đồ chế tác thủ công và lấy nguyên liệu từ rừng nhưng người sử dụng rễ nhận biết đâu là khèn Mai Sơn, đâu là khèn Sông Mã, Mộc Châu…nhờ cách tạo hoa văn bằng vỏ đào rừng, màu sắc của vỏ đào, của tre trên chiếc khèn.

- Tính thủ công: có thể cảm nhận ngay tính thủ công qua tên gọi của sản phẩm thông qua quy trình chế tác, nguồn nguyên liệu do chính cộng động gìn giữ và phát huy. Tính chất thủ công thể hiện ở cách làm và kinh nghiệm được đúc rút, trao truyền qua nhiều thế hệ, các sản phẩm đều là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo và sáng tạo nghệ thuật. Chính đặc tính này tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm là nhạc cụ truyền thống của người Mông với các loại nhạc cụ công nghiệp hiện đại được sản xuất hàng loạt. Ngày nay, cho dù không thể so sánh kịp tính ứng dụng của các sản phẩm này nhưng loại hình nhạc cụ truyền thống luôn được sự yêu thích của người sử dụng.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC