Tà Xùa là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, cách thị trấn huyện Bắc Yên 14,5km và cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng hơn 100km theo hướng Đông Bắc. Đây là địa bàn cư trú của tộc người Mông với hai nhóm chính là Mông Hoa và Mông Đen. Theo số liệu thống kê cuối năm 2017, toàn xã có 99,57% dân số là tộc người Mông, còn lại là người Kinh và người Thái. Khoảng 20 năm trở lại đây, dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và sự đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương nói riêng, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào Mông ở Tà Xùa cũng từng bước được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng. Đời sống người dân sung túc hơn, lớp trẻ được đi học trong đó có nhiều người vươn lên trở thành cán bộ trong hệ thống chính quyền và hệ thống giáo dục địa phương, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ... Bên cạnh đó, những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng vẫn được bảo lưu, gìn giữ. “Kéo vợ” được coi là nét độc đáo, khác lạ của đồng bào Mông so với cộng đồng các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Tuy vậy, dưới ảnh hưởng của đặc điểm vùng miền nên ở mỗi địa phương tập tục này cũng được thực hiện với những thủ tục khác nhau, trong đó “kéo vợ” của người Mông ở Tà Xùa là một điển hình.

“Kéo vợ” trong tiếng Mông gọi là “hay pù” - là một tập tục đặc biệt của người Mông. Kéo vợ được coi là cách thức thể hiện giá trị của người con gái khi gả về nhà chồng. Trong quan niệm của người Mông ở xã Tà Xùa, một cô gái không được “kéo” về nhà chồng thì cô gái đó sẽ không được cộng đồng và gia đình chàng trai coi trọng. Sau này khi gia đình hoặc vợ chồng khúc mắc với nhau thì cô gái cũng sẽ không có quyền được lên tiếng vì suy nghĩ chính cô gái là người chủ động chạy theo chàng trai về nhà chồng. Vì vậy, từ khoảng giữa thập niên 80 trở lại đây việc tổ chức “kéo vợ” đối với người Mông đã có nhiều thay đổi chỉ còn tồn tại mang tính chất hình thức. Nhưng đây lại là nghi lễ bắt buộc, không cặp vợ chồng nào có thể bỏ qua. Chàng trai, cô gái người Mông sau một khoảng thời gian yêu đương, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân thì bước đầu tiên để hợp lí hóa vấn đề này là phải tổ chức kéo vợ. Thủ tục hoàn toàn được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, sau khi cô gái đã chấp nhận làm vợ chàng trai. Việc “cướp vợ” không diễn ra hoặc có chăng cũng chỉ là một vài trường hợp trong xã hội cũ.

          Để chuẩn bị tổ chức kéo vợ, chàng trai phải thông báo với bố mẹ dự định của mình để bố mẹ nhờ người xem ngày. Người Mông quan niệm, ngày tốt sẽ là các ngày chẵn trong tháng, đặc biệt là các ngày lợn, ngày rồng, ngày chó. Ngược lại, ngày gà và ngày thỏ được xem là những ngày đại kị của họ. Sau khi nhận được thông báo của thầy Mo về ngày tốt, công việc kéo vợ bắt đầu được chuẩn bị. Đầu tiên, bố mẹ chàng trai phải nhờ từ 1 đến 2 người là anh em họ hàng hoặc láng giềng hiểu biết phong tục tập quán, giỏi ăn nói để cùng con trai đi kéo vợ. Cùng lúc đó, chàng trai cũng phải nhờ cậy thêm 1 số bạn bè thân thiết đi cùng hỗ trợ. Thông thường, đoàn kéo vợ của nhà trai sẽ có từ 4 đến 5 người. Số lượng này không cố định, tùy thuộc vào điều kiện sản xuất là những ngày nông nhàn hay ngày mùa bận rộn mà số người có thể nhiều hơn hoặc ít hơn.

          Trước ngày kéo vợ, chàng trai và cô gái đã bàn bạc, thống nhất với nhau về thời gian và địa điểm kéo. Chàng trai cũng nhân dịp cô gái lên nương hay xuống chợ một mình... để giới thiệu một số bạn bè của mình cho cô gái quen biết trước để khi tổ chức kéo vợ cô gái sẽ không bị bất ngờ. Người Mông thường tổ chức kéo vợ vào khoảng thời gian ban đêm. Người ta kiêng kéo ban ngày bởi cho rằng ban ngày đang là thời gian đi làm, nếu kéo vợ vào ban ngày thì chứng tỏ đó là cô gái lười biếng không chịu làm việc. Và như vậy cũng sẽ bị phạt vạ. Buổi tối ngày kéo vợ, đoàn nhà trai đã sớm đến gần nhà cô gái tuy nhiên họ phải tuyệt đối giữ bí mật, nấp ở một chỗ an toàn không được để gia đình nhà gái phát hiện. Đến thời gian đã hẹn, đợi bố mẹ cô gái ngủ say, chàng trai sẽ di chuyển đến gần vách phòng ngủ của cô gái và gõ nhẹ vào vách báo hiệu rằng chàng trai đã đến để cô gái chuẩn bị. Ngay khi cô gái bước chân ra khỏi cửa, chàng trai phải nhanh chóng nắm lấy tay cô gái dắt ra xa nhà khoảng cách 20, 30m sau đó sẽ bật đèn pin làm ám hiệu, gọi các bạn đang nấp ở một chỗ gần đó ra giúp kéo cô gái chạy nhanh về phía trước. Quá trình này phải được thực hiện một cách nhanh chóng, cẩn thận, nhẹ nhàng để không làm kinh động đến bố mẹ cô gái đang ngủ trong nhà. Trường hợp nếu bị gia đình nhà gái phát hiện, chàng trai và bạn của mình vẫn tiếp tục kéo cô gái bỏ chạy. Trong khi đó, hai người lớn tuổi được bố mẹ chú rể nhờ cậy đi cùng sẽ đảm nhận trọng trách ở lại nói chuyện cùng bố mẹ cô gái. Để tránh xô sát, 2 người này phải ăn nói thật mềm mỏng, khéo léo, thuyết phục gia đình nhà gái để họ đồng ý không đuổi theo nữa. Đồng thời, đoàn nhà trai sẽ phải đưa cho bố mẹ và những người họ hàng nhà gái đuổi theo, mỗi người số tiền tầm 20 - 30 nghìn, cũng có thể nhiều hơn tùy điều kiện gọi là tiền lễ để làm dịu tình hình. Về phía nhà gái, sau khi nghe người nhà trai phân tích lý lẽ phải trái sẽ nhận tiền và không đuổi theo nữa mà ngầm đồng ý để đoàn nhà trai kéo con gái mình đi.

          Đoàn kéo dâu phải gấp rút kéo cô gái ra khỏi bản một cách nhanh nhất. Thông thường họ sẽ không chọn những con đường vẫn hay đi mà sẽ đi đường nương, đường tắt... chủ yếu để đánh lạc hướng nhà gái, khiến họ không biết đường nào để đuổi theo. Sau khi xác định đã không còn người đuổi theo thì họ thả tay để cô gái tự mình đi. Đoàn người sẽ đi bộ suốt đêm trở về. Khi cách nhà trai khoảng 1km, chú rể cử 1 người trong số các bạn đi cùng chạy về trước gọi cửa, thông báo với bố mẹ chàng trai đã sắp kéo dâu về đến nhà để mọi người thức dậy mở cửa, đón dâu mới. Lúc cô dâu bước chân qua ngưỡng cửa nhà chàng trai cũng là lúc thủ tục kéo vợ hoàn thành. Những người tham gia kéo vợ trở về nhà nghỉ ngơi và sáng sớm ngày mai sẽ quay lại tham dự bữa cơm cảm ơn do gia đình nhà trai thết đãi.

          Có thể nhận thấy, xét về bản chất “kéo vợ” của người Mông được xem là một việc làm văn minh bởi nó được thực hiện dựa trên sự thống nhất và tự nguyện của cả đôi bên trai, gái. Chỉ sau khi cả hai tìm hiểu và cùng mong muốn được “về chung một nhà” thì khi đó thủ tục này mới được thực hiện. Thiết nghĩ cần phải bảo lưu và phát triển nét đẹp văn hóa này trên cơ sở có sự định hướng của Nhà nước, tuân thủ các quy định về tuổi kết hôn trong Luật hôn nhân và Gia đình nhằm đảm bảo vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật vừa bảo lưu được nét văn hóa mang đặc trưng tộc người theo định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “đa dạng trong thống nhất”.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo Sơn La Online, “Xã Tà Xùa”, <http://www.baosonla.org.vn:8080/bai-viet/82/ta%20xua>, truy cập 25/01/2019.
  2. Hồ Ly Giang (2004), Dòng họ người Hmông Trắng (quan nghiên cứu ở bản Mô Cổng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), Khóa luận tốt nghiệp đại học, Trường ÐH KHXH&NV - ÐHQG TP Hồ Chí Minh.
  3. Ninh Văn Hiệp, Tuấn Dũng, Hoàng Quyết, Trương Thị Xứng, Bùi Ngọc Quang (Sưu tầm, giới thiệu) (2012), Phong tục tập quán một số dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  4. Dương Hà Hiếu (2008), Tục cưới xin của người Hmông Trắng ở Thuận Châu, Sơn La (Qua nghiên cứu tại bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái), Tạp chí Dân tộc học, số 3.
  5. Nguyễn Thị Huyền (2019), Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Dân tộc học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC