Chiềng Ngần là một trong 12 xã, phường của thành phố Sơn La. Phía đông và đông nam giáp 2 xã: Mường Bú (huyện Mường La), Mường Bằng (huyện Mai Sơn); phía tây giáp các phường: Quyết Tâm, Quyết Thắng và Chiềng Sinh (thành phố Sơn La); phía nam giáp xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn); phía bắc giáp xã Chiềng Xôm, phường Quyết Thắng, phường Chiềng An (thành phố Sơn La). Chiềng Ngần có nhiều nét đặc trưng của văn hóa Thái đặc biệt là cộng đồng người Thái Đen được thể hiện rõ nét trong trang phục truyền thống. Trang phục phụ nữ với chiếc áo cóm, trên đường nẹp xẻ dọc giữa khuôn ngực có đính hai hàng cúc có hình bướm, ong, ve sầu (thường gọi chung là cúc bướm), được các nghệ nhân chế tác từ bạc, nhôm, được người Thái Đen lựa chọn, ưa chuộng và gìn giữ nhiều đời nay.

Cúc bướm (tiếng Thái gọi là mắk pém) vừa là vật dụng để nối 2 tà áo cóm với nhau, vừa là đồ trang sức trang trí cho chiếc áo cóm thêm phần nổi bật - trở thành nét đặc trưng rất riêng trong trang phục người Thái. Cúc được người thợ làm thủ công bằng nguyên liệu nhôm nguyên chất đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ, tỉ mỉ, chăm chút, khéo léo, tinh tế trong quan sát, sáng tạo trong từng khâu để tạo ra chiếc cúc đặc trưng, được đông đảo người dân đón nhận. Để quy trình chế tác có hiệu quả phải trải qua các khâu từ chuẩn bị các loại khuôn, lò nung nguyên liệu... cho đến kỹ thuật đúc, dập, cắt thì người thợ phải có bộ đồ nghề chuyên dụng, đa dạng tương ứng với từng khâu trong chuỗi quy trình làm cúc.

- Lò nung: lò được xây bằng gạch đỏ đắp bùn pha trấu, lò dùng để nung cho nguyên liệu nhôm nóng chảy, lò trước kia to so với hiện nay do để đốt bằng củi. Ngày nay đã chuyển sang dùng than đá, với diện tích lò cao 80cm, rộng 70cm, cửa lò rộng 30cm, có tác dụng khi nung chảy người thợ dùng muôi sắt múc nguyên liệu, lò được ngăn thành 2 lớp, lớp dưới cao 20cm rộng 70cm, để thoáng có tác dụng đưa không khí vào hoặc để quạt (dùng bễ quạt) và chứa phần sỉ than. Phần trên được ngăn cách một tấm phên đan, ghép bằng sắt ngăn không cho than rơi xuống phía dưới, trên tấm phên là một lớp than bùn rồi đến than đá trên than đá đặt chiếc chảo gang, dày đủ để nung 30kg nhôm nguyên chất, trên cùng là nắp lò được gia công từ tấm bìa sắt cứng.

- Khuôn đúc: khuôn được làm bằng đất nung, được tạo bởi đất sét được nung đỏ qua lửa sẽ chịu được nhiệt độ cao, có độ bền, rễ sửa chữa. Khuôn dùng để đúc phôi, phần cúc thô ban đầu là khâu đầu tiên trong tạo hình cúc bướm, diện tích khuôn rộng 10cm, dài 25cm, cao 5cm, một đầu hở để đổ nguyên liệu. Khuôn gồm hai mặt ốp/ghép vào nhau, một chiếc trơn, một chiếc được người thợ gia công 24 con tương ứng mỗi con một cúc, độ dày của cúc dao động từ 1mm - 1,5mm, khi đúc 2 chiếc khuôn ốp vào nhau để chắc và không chảy nguyên liệu ra ngoài người ta dùng 2 chiếc kẹp tre vam dài 0,7cm, dài 40cm cố định một đầu và đầu còn lại được khóa bằng dây thép để đúc xong tháo dây thép ra và lấy phôi. Để tránh nóng người ta thường tạo đế bằng gỗ và mặt trên được lót bằng bằng vải ướt sao cho khi đúc, tháo kẹp tre/vam không bị cháy thanh tre và tránh nóng cho người đúc. Khuôn được làm thủ công bằng các vật liệu tự nhiên tuy khá đơn sơ nhưng lại có độ bền, chắc chắn, nhẹ và dễ di chuyển.

khuôn đúc

- Khuôn dập: khuôn dập được làm thủ công trên đoạn sắt đặc có đường kính 6cm hình trụ một đầu được gắn vào thanh gỗ để làm đế hoặc gắn phần đế gỗ xuống đất sao cho khoảng cách giữa mặt đế lên mặt dập là 10cm. Mặt khuôn được khắc chìm/âm bản hình con bướm đực và bướm cái, được người thợ dùng các thanh, đoạn sắt nhọn khắc trực tiếp bằng tay, tạo hình con bướm rồi khắc các đường hoa văn, họa tiết trên thân con bướm, sao cho độ dày mỏng, nông, sâu phải đảm bảo đến tạo hình, chất lượng của cúc. Mỗi một chiếc khuôn khoảng 1,5 - 2 năm là phải khắc lại cho họa tiết chìm sâu xuống bởi đúc phôi xong chuyển qua dập người thợ dùng búa và phôi đặt lên khuôn đập mạnh tạo hình cúc bướm. Khi dập phôi và khuôn với nhau qua tác động bằng búa nhiều lần và liên tục khuôn mòn đi dẫn đến phần cổ họa tiết bướm cái mỏng khi sử dụng áo cóm dễ bị gãy.

- Khuôn cắt: khuôn cắt được gia công bằng thanh sắt đặc, khuôn nhỏ ở phần cán và phình to phần đầu, khuôn dài 10 – 12cm, một đầu cán và một đầu được tạo hình khá cung phu khoét sâu vào thân khuôn tạo hình gờ, đường bao hình cúc để cắt đập lên phần khuôn dập đã tạo ra. Khuôn không có đủ các chi tiết như thân, đầu, họa tiết,.. mà chỉ có hình diềm hay còn gọi là hình bên ngoài/đường bo, hình bao quanh. Đặc biệt hình cắt khi cắt phải khớp với hình khuôn dập. Thợ dùng khuôn cắt đặt lên trên sao cho khớp với hình khuôn dập đã tạo rồi dùng búa đập nhằm loại bỏ phần nguyên liệu thừa xung quanh hình cúc. 

Khuôn cắt

- Các dụng cụ khác: búa cầm tay với nhiều kích cỡ dùng để đập khi cắt, dập, chỉnh sửa hoàn thiện. Đục bằng sắt nhọn đầu dùng để đục lỗ trên thân cúc, mỗi chiếc cúc đục 4 lỗ để đơm cúc vào áo, một thanh gỗ dài 80cm dầy 15cm dùng để tì cúc khi đục, một trụ gỗ tròn đường 35cm cao 50cm dùng cho khuôn cắt hình cúc bướm, mỡ động vật dùng để nhúng khuôn cắt và bôi khuôn dập cho trơn dễ làm và chống dính, muôi/thìa múc nguyên liệu,...

            Để tạo ra bộ cúc được người dân tin dùng người thợ đã sáng tạo ra các loại khuôn trong chế tác bằng phương pháp thủ công. Mỗi loại khuôn đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tác. Bộ dụng cụ và các loại khuôn không thể thiếu trong quá trình chế tác, cúc có đảm bảo chất lượng hay không phụ thuốc rất lớn vào chất lượng khuôn và dụng cụ chết tác. Là nghề thủ công truyền thống với chất liệu nhôm dễ kiếm dễ sử dụng, đặc biệt là giá thành rẻ và có độ bền cao, quy trình sản xuất được đúc kết từ nhiều thập kỷ, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng cũng như điều kiện sống của người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Sơn La nói chung.

           


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC