Ngọc Chiến là một trong 16 xã của huyện Mường La, cách trung tâm huyện 34 km. Phía Đông giáp xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phía Tây giáp xã Nặm Păm; phía Nam giáp xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La; phía Bắc giáp xã Nặm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, La Ha và Kinh. Người Mông ở Ngọc Chiến thuộc 2 nhóm: Mông Đu (Mông Đen) và Mông Lềnh (Mông Hoa). Người Mông là tộc người còn nhiều giá trị văn hóa ít bị mai một nhất so với các tộc người khác cùng sinh sống như: nghề thủ công chế tác khèn, nhuộm chàm, thêu dệt thổ cẩm, rèn,... Đặc biệt là loại hình nhà ở mang dấu ấn tộc người, nhà ở của người Mông có những đặc trưng về kiến trúc không lẫn với nhà ở của các cộng đồng người trong vùng. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, giao lưu, với các tộc người khác cũng như tác động của điều kiện tự nhiên nhà ở của người Mông cũng bị tác động và ảnh hưởng rõ nét.

            - Nhà ở của người Mông tại xã Ngọc Chiến hiện nay: Nhà làm bằng gỗ pơ mu và các loại gỗ quý trên núi cao, nơi mây mù bao phủ. Họ san nền bằng phẳng để dựng nhà, nhà thường dựa vào núi hoặc nơi có địa thế dựa lưng vững chắc, kiêng quay lưng ra các khe sông, suối, vực sâu. Chất liệu làm nhà là gỗ, tre, nứa,... người Mông tận dụng sự phong phú về nguyên vật liệu trong tự nhiên. Nhà thấp, cửa ít mở có tác dụng giúp cho không gian mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, ngoài ra còn có thể giúp chống thú dữ và sương mù bao phủ. Nhà thông thường có 3 gian, 2 chái, cửa ra vào gồm một cửa chính và 2 cửa phụ, bên cạnh đó còn có 2 cửa sổ, không có cửa sổ hậu vì thế nhà người Mông thường ít cửa hơn so người người Kinh. Mái nhà không lợp ngói như người Thái mà được lợp hoàn toàn bằng gỗ.

            Gian bên phải vào là bếp và buồng ngủ gia chủ, gian bên trái vào là giường khách, bếp sưởi hoặc bếp lò, gian giữa rộng hơn hai bên đặt nơi thờ cúng tổ, đồng thời là nơi tiếp khách và ăn uống của gia đình. Gian ngủ của vợ chồng, con cái được bố trí kín đáo để đảm bảo sinh hoạt riêng tư. Các cửa được mở vào trong và thường có bục, cửa phụ dành cho phụ nữ mới sinh để qua lại, khi gia đình có khách mới mở và đi cửa chính. Trong nhà có chiếc cột trụ đặt ở vì của gian giữa nối với nóc nhà. Cột được đẽo vuông hoặc tròn, có đường kính 6 - 8cm. Khi trong nhà có công to việc lớn, gia chủ thắp hương lên bàn thờ hoặc nơi thờ cúng và ở chân cột trụ để báo cáo với tổ tiên, thổ công biết. Không gian bên ngoài nhà người Mông thường lấy đá xếp thành tường bao hoặc rào bằng tre, phên gỗ để che chắn xung quanh nhà.

            Quan niệm của người Mông cho rằng, mọi thành viên sống trong nhà đều khỏe mạnh, làm ăn phát đạt là nhờ những lực lượng siêu nhiên phù hộ. Lực lượng siêu nhiên trong văn hóa Mông gồm các loại ma ngự trong ngôi nhà. Theo Tiến Sĩ Trần Hữu Sơn thì: Xử ca, là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà người H'mông. Xử ca gắn liền với ý niệm giàu có, nhất là về tiền bạc. Nơi thờ xử ca là tấm ván hậu gian giữa nhà. Nơi thờ được gián hai miếng giấy bản màu vàng và bạc cắm 3 (hoặc 9) lông gà, bôi ít máu gà. Mỗi năm cúng xử ca một lần vào đêm 30 tết,... Ma cột chính: cột chính là cột giữa của vì kèo thứ 2 ,... cột tượng trưng cho sự hưng thịnh của gia đình, liên quan đến sức khỏe và vận mệnh của gia đình,...Ma cửa (xìa mềnh) có nhiệm vụ như người lính gác cửa, ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ các hồn ngăn cho các hồn trong nhà không bỏ đi,...Ma buồng (đá trùng), Ma bếp (đá kho trù), Ma bếp lửa ở gian giữa (hú sinh), Ma bảo vệ hồn lúa, hồn ngô. Đối với người Mông, nhà ở cũng có linh hồn của ngôi nhà, chính là những con người sống trong đó. Ngôi nhà ở vừa đại diện cho văn hóa vật thể của tộc người vừa chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa tinh thần.

- Cấu trúc nhà: Với chất liệu làm nhà hoàn toàn là từ thực vật, tận dụng sự phong phú về thực vật, hiểu biết môi trường, độ ẩm lớn, nhiều thú dữ, mặt bằng không bằng phẳng,... Nhà ở đã hình thành lối sống gần gũi với thiên nhiên, cấu trúc của nhà là không gian mở ra nhiều phía, tiếp cận và hòa đồng với thiên nhiên. Kiểu dáng nhà thấp mang nét đặc trưng riêng biệt, đến bất kỳ bản người Mông nào ở huyện Bắc Yên cũng bắt gặp cấu trúc ngoại thất của nhà ở bao gồm: nhà chính để ở, các công trình phụ cận như nhà phụ, chuồng gia súc gia cầm, vườn rau.

- Mặt bằng: Nhà ở có cấu trúc phổ biến là loại nhà 3 gian hai chái. Mái dốc thấp nên trong nhà thường thiếu ánh sáng, xung quanh được bưng bằng ván gỗ. Bộ vì kèo thường là 3, 5, 7 cột hoặc những biến thể 4 cột. Nhà có cấu trúc không gian theo chiều cao, chia làm 2 tầng cơ bản: nền và gác. Khi bước vào cửa nhà chính, nhìn thẳng vào gian chính giữa sẽ là bàn thờ tổ tiên, người Mông gọi là "xử ca" của gia đình. Bàn thờ tổ tiên được dán giấy và lông gà, ống tre để cắm hương, cách bài trí khá đơn giản. Mỗi chi, mỗi họ sẽ có cách bài trí gian thờ khác nhau.

Gác trong nhà được ngăn bằng gỗ phía bên trên phòng của chủ nhà, kích thước tương đương với kích thước của bếp, có chiều cao vừa tay với của người trưởng thành. Gác có tác dụng dùng để cất giữ các loại thực phẩm khô và để các loại hạt ngô, thóc,... gác được tạo bởi những tấm ván gỗ một đầu gác lên xà ngang một đầu gác lên vách nhà. Để lên gác người Mông làm cầu thang là thanh gỗ đặc đẽo vát tương ứng với bước chân người trưởng thành.  Ngoài ra, trong nhà còn có thêm các bộ phận phụ nhưng lại không thể thiếu đó gác bếp, gác để bát hoặc gác treo đồ ăn.

- Cấu trúc khung nhà: Bộ vì kèo khá đơn giản, gồm: cột, xà, kèo, thanh ngang,... nhằm tạo nên hình hài của ngôi nhà đồng thời là bộ phận chính tạo nên sự vững chãi, lien kết các bộ phận, các gian với nhau. Trong bộ vì kèo thì hệ thống cột là điểm tựa cho ngôi nhà có nhiệm vụ trụ vững trên mặt đất. Các bộ phận khác như xuyên, kèo,... đều liên kết với cây cột thông qua các lỗ đục trên thân cột. Nhà có 2 loại cột: cột cái và cột quân là những cây cột có kích thước lớn nhất (25 - 30cm) cột quân nằm ở ngoài cùng 2 bên còn cột cái nằm ở giữa, các cột sẽ chịu lực theo phương thẳng đứng từ trên xuống. Trước đây nhà ở chủ yếu làm cột tròn, dọc theo hình dáng tự nhiên của thân cây, tuy nhiên hiện nay đa số làm nhà cột vuông, cột vuông có kích thước nhỏ hơn so với cột tròn nhưng lại rất thuận tiện trong việc bật mực và đục lỗ xuyên, khi lắp các bộ phận của khung nhà cũng dễ dàng hơn, thông thường nhà gồm 8 cột cái và 12 cột quân.

Nhà ở truyền thống của người Mông xã Ngọc Chiến

Kèo là những thanh gỗ vắt chéo lại thành hệ thống kết nối các đầu cột của vì. Đây là bộ phận kết hợp cùng với xà tạo thành hình dáng mái nhà. Kèo được lắp vào hệ thống cột trong cùng bộ vì tạo nên hình chóp của mái. Phía đầu xuyên qua các rãnh mộng, thắt, trước khi đục các rãnh, lỗ mộng cần phải tính toán đến kích thước của kèo sao cho vừa khít. Xuyên là hệ thống những thanh gỗ chịu lực theo phương nằm ngang, xuyên qua các thân cột từ nhiều vị trí khác nhau. Xuyên có chức năng liên kết với các cột tạo thành bộ vì kèo và liên kết các bộ vì kèo với nhau tạo thành bộ khung nhà. Xà có hai chức năng cơ bản là dung để xuyên ngang và xuyên dọc: xuyên ngang là xuyên nằm trong bộ vì kèo, liên kết với hệ thống cột, kèo tạo nên bộ vì kèo; xuyên dọc là xuyên tiên kết các bộ vì kèo lại với nhau. Để bộ khung được vững chắc, có sức bền chịu được thời tiết khắc nghiệt thì cột, xà, xuyên, kèo phải làm từ các loại gỗ tốt.

- Cấu trúc mái: Hệ thống các bộ phận tạo thành mái nhà gồm: xà nóc, rui, mè, cạp mái,gỗ lợp có tác dụngche chắn mưa nắng cho con người sống trong nhà. Trước đây mái nhà thường được lợp bằng gỗ pơ mu, mái gỗ có kích thước rộng 50cm, dài 1,2m, dày 3 – 5cm được đan xen kẽ và cố định với rui, mè bằng hệ thống dây buộc. Mái nhà mang đặc trưng riêng biệt dễ nhận dạng, độ bền cao mang tính văn hóa vùng miền rõ nét. Các cây đòn tay trong hệ thống mái dài đều từ trên đỉnh nóc xuôi xuống hai bên theo chiều vuông góc với kèo. Đòn tay có thể làm bằng gỗ hoặc tre, thẳng chắc để có thể chịu lực tốt. Rui rải đều theo chiều xuôi của mái theo chiều gốc quay xuống dưới, bên trên các hàng rui là những thanh mè được dải vuông góc tạo thành các ô vuông. Các bộ phận của bộ khung mái được cố định với nhau bằng lạt, mây buộc. Đối với nhà lợp gỗ thường có thêm cạp mái, là những thanh tre giống như những thanh mè. Cạp mái được sử dụng để ép chặt mái gỗ xuống khung mái,  mái có dốc nên có thể thoát nước nhanh, đảm bảo cho ngôi nhà không bị dột khi trời mưa to. Nhìn chung mái nhà thường phủ xuống thấp cách mặt đất 170cm, do cấu tạo 4 mái, hai mái chính và hai chái nên có lác dụng cản gió bão và không bị hắt mưa vào nhà.

- Vách và hệ thống cửa: Là hệ thống bưng, rào, trình... để che chắn xung quanh nhà hoặc ngăn các buồng, gian,... đa số nhà ở làm bằng vách gỗ, hệ thống vách bao quanh bưng kín để che gió lạnh. Chính vì thế mà trong nhà thường bí và thiếu ánh sáng. Hệ thống cửa khá đơn sơ, thông thường chỉ mở một cửa ra vào ở đầu chái, cửa ra vào được làm bằng gỗ, có hai loại cửa đó là cửa chính và cửa phụ, cửa phụ ở 2 chái. Tất cả các cửa đều có bục cửa, cửa có hai cánh được mở vào trong. Nhưng dù là loại cửa nào thì cũng có cấu tạo tương tự nhau, đều được cố định với khung cửa thông qua chiếc trụ ngăn ở hai đầu trên và dưới có lác dụng làm trụ xoay khi đóng mở. Cửa được chốt bằng một chiếc then cài ngang giữa cánh cửa và khung đối với cửa một cánh, và giữa hai cánh cửa đối với cửa hai cánh.

Nhà người Mông ở Ngọc Chiến hệ thống cửa sổ ít khi mở, thường mang tính chất tượng trưng, không thoáng, thiếu ánh sáng. Cửa sổ có cấu tạo tất đơn giản, chỉ có thanh gỗ bắc ngang cách mặt đất khoảng 60cm, chiều rộng thì tùy mỗi gia đình, có thể làm 80cm hay 1m cũng có thể làm nhỏ hơn. Ở giữa có thanh ngang và các thanh chấn song làm bằng gỗ vuông hoặc tròn đơn giản và không chạm khắc trang trí hoa văn. Trong những năm gần đây, nhà có biến đổi về cấu trúc phên, vách, cửa và cửa sổ. Thay cho vách phên gỗ thô sơ, mái gỗ, nền đất thì đã xuất hiện vách xây hoặc luồn gạch, mái được lợp bằng các loại vật liệu công nghiệp mới, nền được dát đá, gạch. Hệ thống cửa cũng được cải tiến theo hướng chắc chắn và mở rộng hơn, thoáng hơn để ánh sang vào nhà. Nhà ngày càng trở nên kiên cố, chắc chắn hơn bởi ngoài mục đích che nắng, che mưa nó còn có tác dụng tích trữ của cải, vật chất, đặc biệt là nhận diện những gia đình có kiều kiện kinh tế trong vùng.

 

 

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC