Lường Hoài Thanh[1]

  1. Quá trình di cư của người Thái vào khu vực Đông Nam Á

Dân tộc Thái thuộc ngành phía Tây của nhóm các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày - Thái (tên tộc người chính xác là Tai, Tay, Táy và những biến âm như: Thay Tháy, Dáy, Đài, Kađai…) trong ngữ hệ Nam - Thái (Australo - Thái) hay Thái - Kađai. Khu vực sinh sống của họ được phân bố ở các vùng thung lũng dọc theo các con sông lớn từ Nam sông dương Tử đến Mekong, Menam, Irrawaddy, sông Hồng, trong khu vực Bắc Đông Dương tạo thành một “vành đai” khổng lồ kéo dài từ phía Đông đến phía Tây Assam của Ấn Độ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lịch sử của nhóm tộc người nói tiếng Thái đã diễn biến theo quy luật không ngừng “định cư” nhưng cũng không ngừng “di cư”. Trong quá trình đó, người Thái đã tạo ra không phải một mà nhiều “vùng đất tổ” trong lịch sử hàng ngàn năm của mình. Tuy nhiên, sớm hơn cả và được coi là địa bàn cư trú đầu tiên của tổ tiên tộc người Thái là một vùng miền rộng lớn: từ miền Vân Nam Trung Quốc cho đến Mường Theng (Mường Thanh) Việt Nam. Kí ức về “vùng đất tổ” này đã được lưu truyên trong dân gian và trong sử sách của người Thái nhiều nơi, được nhiều nhà nghiên cứu xem xét, khẳng định.

Năm 1967, trong công trình Lịch sử Lào (Bangkok), tác giả M.L.Mannich đã dành hẳn một chương cho việc tìm hiểu về lịch sử khởi nguồn của người Thái. “Người ta nghĩ rằng, quê hương đầu tiên của người Thái là ở vùng núi Altai. Lúc đó họ chưa được gọi bằng cái tên này. Họ dần dần di chuyển về phía Nam lưu vực sông Hoàng Hà và sau đó là sông Trường Giang. Lúc đó là khoảng 5000 năm TCN... Lịch sử của người Thái trước khi họ đến Vân Nam ở phía Nam Trung Quốc thì rất mơ hồ và họ được cho là đã hình thành hai vương quốc ở phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên gọi là vương quốc của Lung (bác) và vương quốc của Pa (chú). Người Hán tràn xuống và tấn công họ lần nữa và chỗ họ đến tiếp theo là Ngio. Ngio được thành lập vào năm 212 TCN. Điểm định cư tiếp theo là Pegnai…. Người Thái lúc này được gọi chung là Ngai lao (Ailao)”[2].

Cùng với ý kiến trên, tác giả Rong Syamananda trong cuốn Lịch sử Thái Lan cũng đã tổng hợp ý kiến của nhiều học giả và khẳng định “Người Thái sinh sống ở vùng Tây Bắc của Tứ Xuyên từ hơn 4000 năm TCN; sau đó họ bắt đầu di cư dọc theo sông Dương Tử để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Khi tiếp xúc với người Trung Quốc, họ đã có một cuộc chạy đua tuyệt vời, nhưng họ không đoàn kết với nhau thành một quốc gia. Họ được chia thành các bộ lạc hoặc nhóm có các hoàng tử hoặc các thủ lĩnh đứng đầu. Họ đã tự gọi mình bằng các tên riêng như Mung, Lung, Pa nhưng người Thái tự gọi mình là Ailao. Khoảng năm 936 TCN, người Tartar đã bắt đầu xâm nhập vào phía Tây Trung Quốc và sớm quấy nhiễu vương quốc của Lung. Không thể chống lại áp lực của người Tartar, người Thái tại vương quốc Lung đã di chuyển về phía Tứ Xuyên, nơi họ sáp nhập với một nhóm Thái của vương quốc Pa lập nên một vương quốc mới là Ngiou”[3].

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu của các tác giả Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng… cũng đều khẳng định quê hương tổ tiên của người Thái ở vùng Vân Nam và Mường Theng. “Các truyền thuyết và tài liệu chép tay của người Thái, Lào và Lự ở Tây Bắc và ở Lào tìm được đều thống nhất ghi chép quê hương xưa của người Thái, người Lào và người Lự trước khi di cư vào Đông Dương là ở miền “chín con sông gặp nhau” tức là miền các con sông Hồng (Nặm Tao), sông Đà (Nặm Tè), sông Mã (Nặm Ma), sông Mekong (Nặm Khoong), sông Nặm Na, Nặm U và ba con sông chưa rõ tên ở Trung Quốc. Những tài liệu trên còn chép tổ tiên xưa ở các mường (tức các khu vực, các “nước”) như Mường Ôm, Mường Ai, Mường Lò, Mường Hỏ, Mường Bo – te, Mường Ốc, Mường Ác, Mường Tum Hoàng. Hiện nay các tên đất này đã được xác định đều ở miền Vân Nam hiện nay. Đáng chú ý là còn có cả Mường Then hay Mường Theng tức Miền Điện Biên Phủ hiện nay. Xưa Mường Then có lẽ rộng hơn bao gồm Mường Tè, sông Mã ở Tây Bắc Việt Nam và một phần tỉnh Phong-sa-lỳ thuộc nước Lào nữa” [4].  

Còn theo tác giả Cầm Trọng trong cuốn Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam thì cho rằng “Có thể thấy sự xuất hiện tên đen, trắng để chỉ các tộc người cư trú ở miền Vân Nam trong các thư tịch cổ Trung Quốc như Man thư, Đường thư…Vào thời Lưu Tống (thế kỉ V Công nguyên) đã có các tên Ô man đông Thoán (người Man đen ở phía đông đất Thoán) hay còn gọi là Di; Bạch Man tây Thoán (người Man trắng ở phí tây đất Thoán) hay còn gọi là Bạch, Bặc” [5].

  1. Sự hình thành các tiểu quốc đầu tiên của người Thái tại khu vực Đông Nam Á

Theo truyền thuyết về Khun Borom, các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Thái như Thái Đen, Thái Trắng, Thái Đỏ và các nhóm tương tự đã bắt đầu di cư khỏi phía Nam Trung Quốc với các nhóm Shan, Ahom, Lu và Thái Bắc (Thái Yuan – Thái Lớn) vào thế kỉ VIII và thế kỉ XI “Nhóm người nói ngữ hệ Thái được chia thành 5 nhóm. Đầu tiên, nhóm phía Bắc ở lại Trung Quốc tiếp tục phát triển và trở thành tổ tiên của người Chuang (Choang) hiện nay. Thứ hai, nhóm Thái ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam, tổ tiên của người Thái Đen, Trắng và Đỏ. Nhóm Thái thứ ba được bản địa hóa tại một nơi nào đó ở phía Đông Bắc Lào và lân cận của Việt Nam, tổ tiên của người Thái Siang Khwang (Xiêng Khoảng) và Siam - Ayutthaya. Nhóm thứ tư có lẽ ở phía Bắc Lào trong vùng lân cận của Luang Prabang và cuối cùng chắc chắn là nhóm Thái ở phía Tây, vùng cực bắc Thái Lan và phần tiếp giáp Lào, Việt Nam và Miến Điện” [6].

Đợt thiên di mạnh mẽ nhất của người Thái bắt đầu diễn ra từ thế kỉ IX đến thế kỉ X. Một bộ phận Thái ở thượng lưu Tây Giang đã men theo triền sông Đà và sông Mekong đi về phía Nam. Cho nên trong thời gian này đã xuất hiện một số điểm tụ cư của người Thái ở vùng sông Đà như Mường Lay, Mường Tè, Mường La… Chính quá trình di cư này đã góp phần hình thành nên ở khu vực (bây giờ là) Tây Bắc Việt Nam một điểm tụ cư được gọi là Síp hốc châu táy (Mười sáu châu Thái).

Một bộ phận khác của người Thái đã đi về phía Tây, đến thượng lưu Irrawaddy lập nên các vùng quần cư của người Thái (gọi là Shan, Maa hay Pong) với các vương quốc cổ như Mogaung ở Thượng Miến năm 1215. Năm 1223, một vương quốc cổ của người Shan được thành lập. Năm 1229, một vương quốc khác là Assam của người Ahom ở phía Đông Ấn Độ cũng xuất hiện và tồn tại cho đến năm 1842 thì được sáp nhập vào lãnh thổ Ấn Độ thuộc Anh.

Theo GS Vũ Dương Ninh trong cuốn Lịch sử vương quốc Thái Lan: “Vào thế kỉ VIII, ở miền cực bắc Thái Lan đã xuất hiện một vương quốc của người Thái, kinh đô là ChiêngSaen được xây dựng năm 773. Năm 1096, ở lưu vực hai dòng sông là Ping và Oang, phía bắc thành phố Raheng ngày nay, đã thành lập một vương quốc độc lập của người Thái là Payao. Năm 1262, một bộ phận người Thái lập nên quốc gia của họ là Chiêngrai phía Bắc Thái Lan. Trong vòng ba chục năm, vua xứ Chiêngrai là Mawnglai (Mangrai) chinh phục các vương quốc láng giềng lập nên vương quốc Lanna ở phía Bắc “một triệu thửa ruộng”, đóng đô ở Chiang mai…Cùng với đó là sự ra đời của vương quốc Sukhothai (1260), và sau đó là Ayutthaya (1350) - tiền thân của nhà nước Thái Lan hiện đại”[7]. Người Thái ở miền Trung Thái Lan được gọi là Thái Nọi tức là Thái Nhỏ để phân biệt với người Shan ở Myanma là Thái Yai hay Thái Lớn.

Còn theo D.E.G Hall: “Người Thái chưa bao giờ ngừng di chuyển. Họ cứ từ từ, rất từ từ thâm nhập theo các con sông và các lưu vực của miền Trung Đông Dương. Các nhóm nhỏ người Thái định cư giữa những người Khmer, người Môn và người Miến Điện. Những lính đánh thuê người Thái cũng đã xuất hiện trên các bức khắc nổi của đền Ăngco Vát. Trước đó từ rất lâu, họ từ các lưu vực sông Salween và Mêkông đi vào lưu vực sông Mê Nam ở phía Bắc Raheng, nơi giao nhau của hai con sông Me’ping và Mewang một quốc gia độc lập của người Thái tên là Payao đã ra đời vào đầu năm 1096”[8].

Về nhánh di cư vào Lào, Đặng Nghiêm Vạn cũng như nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định, người Thái di cư vào Lào thành nhiều đợt, mạnh mẽ nhất vào khoảng thế kỉ thứ VIII dựa trên các câu truyện truyền thuyết liên quan đến nhân vật được coi là thủy tổ của người Thái là Khun Borom và con trai Khun Lò. Đến năm 1353, Pha Ngừm đã giải phóng các mường Lào khỏi quân đội Sukhothai và thành lập nên vương quốc Lào độc lập.

Như vậy, cho đến thế kỉ XI, người Thái đã không ngừng di chuyển xuống phía Nam, không chỉ sống trong vùng lưu vực sông Mêkông, dọc theo sông Nậm U với khu vực Luang Prabang và Tây Bắc Việt Nam tới lưu vực sông Chaophraya Mê Nam. “Có thể họ đã bị các cuộc chinh chiến của quân Nguyên Mông đẩy về phía Nam vào cuối thế kỉ XII. Cũng có thể họ di cư do các mối quan hệ thương mại hoặc đơn giản là họ chuyển đến những vùng đất chưa có người định cư” [9].

Năm 1253, việc Hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt đánh chiếm Nam Chiếu đã gây ra một “sự  sôi sục” mạnh hơn nữa trong người Thái. Chính quyền Nguyên Mông đã thi hành chính sách “chia để trị” truyền thống và ủng hộ việc thiết lập một loạt các quốc gia của người Thái để chống lại chính quyền cũ. Chính điều này đã giúp các thủ lĩnh người Thái tại khu vực sông Mê Nam nổi lên giành chính quyền, thôn tính các tiểu quốc của người Môn và đã xây dựng nên Vương quốc Thái thống nhất đầu tiên tại khu vực Mê Nam, mở đường cho sự toàn thịnh của người Thái tại khu vực này vào giai đoạn sau.

Tóm lại, người Thái từ vùng Vân Nam Trung Quốc đã thiên di xuống khu vực Đông Nam Á theo nhiều đợt khác nhau, rõ nét nhất là từ thế kỉ VII, VIII từ nhà nước Nam Chiếu và tiếp sau đó là đợt di cư mạnh mẽ vào thế kỉ XI, XII từ nhà nước Đại Lý, dưới sức ép của triều đình nhà Tống và đặc biệt là dưới sức mạnh quân sự của quân Nguyên Mông. Quá trình di cư của người Thái gắn liền với quá trình cộng cư, phát triển một cách thịnh vượng và vững chắc trong sự đan xen với các tộc người khác, hình thành các vương quốc cổ của tộc người trong suốt một dải ở khu vực Đông Nam Á lục địa, nên nhiều nhà nghiên cứu còn gọi giai đoạn lịch sử này là “thế kỉ của người Thái”.

Quá trình di cư của người Thái cũng là quá trình mà người Thái từ một gốc ngôn ngữ và văn hóa chung - văn hóa cội nguồn, dần dần vỡ ra để hình thành nên các nhóm địa phương cũng như những cộng đồng tộc người khác ở khu vực Đông Nam Á. Hai bộ phận người Thái định cư tại Lào và Thái Lan đã phát triển thành hai quốc gia dân tộc. Ngược lại, các bộ phận còn lại của tộc người Thái sau khi hoàn thành quá trình tụ cư, định cư và di cư lan tỏa đã dừng lại trong trạng thái tổ chức Bản Mường rồi gia nhập thành dân tộc thiểu số của các quốc gia khác Thái như trường hợp ở Việt Nam, Trung Quốc, Myanma, Ahom…trong khoảng từ thế kỉ XIV trở về sau.

 

[1] Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc -  Trường Đại Học Tây Bắc

[2] Mannich, M.L (1967), History of Laos (including the history of Lanna Thai, Chiang Mai) Lịch sử Lào (bao gồm cả lịch sử của Vương quốc Thái Lanna), copyright: Chalesmit, 1 -2 Erawan Arcade, Bangkok. Tr11

[3] Rong Syamnanda (1976), A History of Thailand, (Lịch sử Thái Lan) Bangkok: Chulalongkorn University. Tr7 - 8

[4] Đặng Nghiêm Vạn  (cb) (1968), Sơ bộ bàn về quá trình hình thành các nhóm dân tộc Tày - Thái ở Việt Nam. Mối quan hệ với các nhóm Nam Trung Quốc và Đông Dương, Nhà xb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tr31

[5]Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nhà xb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tr29

[6] David K.Wyatt (1982), Thailand a short History (Tóm tắt lịch sử Thái Lan), Yale University Press, New Haven and London. Tr.12

[7] Vũ Dương Ninh (1990), Vương quốc Thái Lan - lịch sử và hiện tại, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Hà Nội. Tr.42

[8] D.E.G. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nhà xb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr.272

[9] Chris Baker và Pasuk Phongpaichit (2005), Lịch sử Thái Lan, (bản dịch của Võ Thị Thu Nguyệt lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á). Tr.13

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC