Một điều dễ nhận thấy khi nghiên cứu về kiến trúc Ayutthaya là hầu hết các công trình kiến trúc đẹp nhất của vương quốc đều là các kiến trúc Phật giáo. Việc coi Phật giáo là quốc giáo khiến cho hàng loạt các công trình kiến trúc Phật giáo mọc lên ở khắp nơi và dấu tích của nó còn vô kể cho đến ngày nay.

Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Ayutthaya là sự kết hợp tổng thể của nhiều phong cách kiến trúc Phật giáo khác nhau như phong cách Môn, Khmer, Sri Lanka và cả nghệ thuật kiến trúc Trung Quốc vào giai đoạn muộn.

         Trong giai đoạn Ayutthaya, các công trình kiến trúc Phật giáo có nhiều loại hình và tên gọi khác nhau vì kinh đô Ayutthaya được xây dựng tại nơi đã từng là thành trì của Phật giáo Tiểu thừa trong thời kì Dvaravati và Đại thừa kể từ khi người Khmer kiểm soát tại Lopburi. Khi người Thái vào Đông Dương, Phật giáo Tiểu thừa cũng tràn ngập và ngự trị cả xứ này. Từ nay trở đi, những kiến trúc đồ sộ kiểu như Angkor Vát, Bayon không còn nữa. Một dạng kiến trúc mới đã ra đời: ngôi chùa (Wat, Vát).

         Theo truyền thống Sinhalese (Sri Lanka), chùa thường được chia thành 4 loại: (1) Chùa hoặc tịnh xá (Vihara, Tỳlaha); (2) Tăng phòng (nơi ở của nhà sư); (3) Học viện Phật giáo hoặc trường học Phật giáo; (4) Alannhã (Arannaka) Phật dành cho các nhà sư phái rừng.

        Trên cơ sở mô hình này, các công trình kiến trúc trong các Wat tại Ayutthaya thường được chia thành 5 phần cơ bản: (1) Chùa; (2) Một Tu viện (monastery), một ngôi đền (Temple); (3) Một Uposatha (Ubosoth - Bot) – Chính điện; (4) Một bảo tháp (cetiya – chêđi, prangs) là nơi lưu giữ tro xương hoặc các di vật của đức Phật (nơi thiêng liêng nhất); (5) Chỗ ở của các nhà sư (Tăng phòng, tịnh xá - Viharn).

Sơ đồ Wat Mahathat – mô hình kiến trúc tiêu biểu của một ngôi Wat tại Ayutthaya

            Ngoài ra, còn có nhà thuyết pháp, thư viện (hỏ trai)... Một ngôi chùa lớn thường có cấu trúc bổ sung như: nhiều Bảo tháp, tháp mộ, một tòa nhà, nơi có “dấu chân” đức Phật, một kho lưu trữ các Tam Tạng kinh, một thư viện hoặc nhà bảo tàng, trường học, một lò hỏa thiêu, nơi ở của các nhà sư và một số khu vực dành riêng cho các ni sư. Một ngôi chùa Thái có thể được xây dựng ở trung tâm dân cư đông đúc như kinh thành hoặc trong một ngôi làng hẻo lánh, ở sâu trong rừng... Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tăng sư, Phật tử mà còn trở thành trung tâm văn hóa của từng khu vực dân cư. Các ngôi chùa tại Ayutthaya nổi bật nhất với hai loại hình kiến trúc độc đáo là Pra PrangPra Chêđi (Cetiya).

            Pra Prang là loại hình kiến trúc bắt đầu từ kiểu đền tháp Prasat (đền thờ) trong kiến trúc Khmer; là một dạng bảo tháp nhiều tầng với phần thân trên hình lõi ngô nhiều tầng bậc, ở Campuchia nó chủ yếu được xây dựng bằng đá nhưng tại Ayutthaya, nguyên liệu chủ yếu lại là gạch và vôi, vữa nên các công trình trông nhẹ nhõm và hài hòa hơn.

            Loại hình kiến trúc thứ hai được xây dựng phổ biến tại Ayutthaya là các Chêđi (bảo tháp - cetiyas). Trong kiến trúc Thái có 4 loại chêđi chính: (1) Phra Dhatucetiya (Đhatuchetiya) theo truyền thuyết chứa tro cốt của đức Phật hoặc các thánh tích khác như mảnh xương còn xót lại của đức Phật sau khi hỏa táng; (2) Phra Paribhogacetiya (Poripokachedi) chứa các đồ dùng cá nhân của đức Phật như chiếc bát khất thực và áo cà sa; (3) Dhammacetiya (Dhamachêdi): Kho chứa kinh Phật hoặc Luật tạng như kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pali hoặc một bộ sách luận về nó...; (4) Uddesikacetiya (Uđêsiachêđi): có hình dáng của một vật gợi nhớ đến tôn giáo như tượng Phật với các tư thế khác nhau... Một bảo tháp (Chêđi) thường có 4 phần: chân, cấu trúc hình vòm gọi là chuông, bệ và chóp. Đây là một biến thể của kiểu tháp mộ (stupa) tại Ấn Độ và ở Ayutthaya, hầu hết các Chêđi đều chịu ảnh hưởng của phong cách Sri Lanka và Sukhothay.

                                               

                                                         Prang tại Wat Mahathat                                                                                Chêđi tại Wat Yai Chaimongkol                                            

                                                                                              (Nguồn: tác giả đi điền dã năm 2013 tại Ayutthaya)

  1. Ngô Văn Doanh (1981), Kiến trúc Stupa ở Đông Nam Á, tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 3 (38), tr.30.
  2.  Damrong Rajanubhab (1973), Monument of the Buddha in Siam, Bangkok, tr.23, tr.25.
  1. R.G. Le May (1963), Aconsise history of Buddhist Art in Siam, b.1885/Rutlant, Vt. C.E Tuttle Co, tr.139.

 

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC