Người Hmông ở Việt Nam là tộc người có dân số xếp thứ 8 về tỉ trọng dân số cả nước. Người Hmông cư trú tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… một phần ở tây Thanh Hóa, Nghệ An. Ngoài ra còn rải rác ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Người Hmông ở Việt Nam có nhiều nhóm khác nhau. Về tộc danh của tộc người này hiện vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Phía các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thường sử dụng tên gọi Hmông trong các công trình nghiên cứu. Phía Ủy ban dân tộc và một số phương tiện thông tin truyền thông thường sử dụng tộc danh Mông. Hiện nay, cả hai tộc danh Hmông và Mông đều đang được sử dụng song song trong các công trình nghiên cứu và các văn bản pháp luật. Ngoài ra, các tộc danh như Mèo, Miêu, Mẹo, H’mông… cũng vẫn được nhắc đến nhưng không chính thống.

Ở tỉnh Sơn La, dân tộc Hmông đứng thứ 3 về dân số, chiếm 13% tổng dân số toàn tỉnh (sau người Thái và người Kinh). Họ cư trú tập trung ở các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Yên Châu, Bắc Yên… Tà Xùa là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Yên - một huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, cách Thành phố Sơn La khoảng 100 km về phía Đông Bắc. Tà Xùa cách trung tâm huyện 14,5 km. Phía Bắc giáp xã Bản Mù huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp xã Phiêng Ban; phía Đông giáp xã Suối Tọ và xã Suối Bau huyện Phù Yên; phía Tây giáp xã Làng Chếu và xã Xím Vàng[1]. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 4.138,61 ha, trong đó đất nông nghiệp có 2.457,71 ha, chiếm 59,4%. Địa hình phức tạp chủ yếu là đồi, núi... Hiện nay, xã Tà Xùa có 8 bản gồm: Bản Tà Xùa A, Bản Tà Xùa C, Bản Khe Cải, Bản Mống Vàng, Bản Chung Trinh, Bản Bẹ, Bản Trò A và Bản Trò B. Tính đến cuối năm 2017, toàn xã có 501 hộ, 3.049 nhân khẩu, thành phần dân tộc chủ yếu là dân tộc H’mông chiếm 99,57%, còn lại người Kinh chiếm 0,43%.

Người Hmông ở xã Tà Xùa chủ yếu gồm hai nhóm chính là Hmông Đen (tên tự gọi là Hmông Đu) và nhóm Hmông Hoa (Hmông Lềnh). Hai nhóm này cư trú tập trung tại các bản. Người Hmông Đen chủ yếu tập trung tại các bản Tà Xùa A, Tà Xùa C, Mống Vàng và Chung Trinh là các bản thuộc và gần trung tâm xã, nơi có tuyến tỉnh lộ 112 duy nhất chạy qua địa bàn xã. Người Hmông Hoa sống tại các bản xa trung tâm hơn là Trò A, Trò B, Bản Bẹ, Khe Cải… trong đó bản xa nhất cách xa trung tâm xã từ 11 đến 13km.

Người Hmông chuyển cư đến xã Tà Xùa tương đối muộn, trước đây hộ chủ yếu quần tụ thành từng bản nhỏ, theo từng dòng họ của mỗi nhóm tộc người. Hiện nay, các nhóm sống xen lẫn với nhau, quy mô bản cũng lớn hơn nhiều so với trước. Từ năm 2016, khi các hoạt động du lịch được xúc tiến, ban đầu từ một số hộ người Kinh từ các địa phương lân cận chuyển đến sinh sống và buôn bán dọc theo tỉnh lộ 112, chủ yếu là địa bàn thuộc bản Tà Xùa A, dần dần một số hộ gia đình người Hmông cũng bắt đầu tham gia hoạt động du lịch như mở nhà nghỉ homestay, dịch vụ ăn uống, may và cho thuê trang phục dân tộc... từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Về lịch sử thiên di của người Hmông, theo các nhà nghiên cứu, người Hmông di cư từ phía bắc vào Việt Nam khá muộn so với nhiều dân tộc khác. “Người Hmông di cư đến Việt Nam bằng nhiều đợt quy mô lớn nhỏ khác nhau… Nơi người Hmông vào Việt Nam sớm nhất là Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang),…”[2]. Quá trình thiên di của người Hmông vào Việt Nam được chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn sớm nhất được bắt đầu cách đây 350 năm (khoảng 14 đời người). Người Hmông từ Quý Châu xuống Vân Nam (Trung Quốc) rồi vào vùng đất Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Giai đoạn thứ hai cách đây trên 200 năm (khoảng 10 đời người), đây là giai đoạn người Hmông di cư đến đông nhất và đi theo hai hướng chính: Một hướng tiếp tục tràn vào cao nguyên Đồng Văn rồi đi sang Bảo Lạc (Cao Bằng), Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang)... Một hướng khác đi vào vùng đất Xi Ma Cai và Mường Khương rồi xuống Văn Bàn (Lào Cai), Mù Cang Chải, Trạm Tấu (Yên Bái) sang Sa Pa, Phong Thổ, Sìn Hồ, Điện Biên... Giai đoạn thứ ba cách ngày nay chừng 150 năm (khoảng 6-7 đời người), người Hmông tiếp tục vào Việt Nam qua Phong Thổ (Lai Châu), Xi Ma Cai và Mường Khương (Lào Cai), sau đó một bộ phận đi sâu vào vùng Tây Bắc, đến Tủa Chùa, Tuần Giáo (Lai Châu) và Thuận Châu, Sông Mã (Sơn La). Một bộ phận khác từ Mù Cang Chải sang Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu (Sơn La)[3].

Kết quả nghiên cứu điền dã của tác giả cho thấy người Hmông ở huyện Bắc Yên nói chung và người Hmông ở xã Tà Xùa nói riêng chủ yếu di cư từ các huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu tỉnh Yên Bái đến vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Cho đến nay, người Hmông ở xã Tà Xùa vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với cộng đồng người Hmông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải (Yên Bái) được thể hiện qua hôn nhân, mối quan hệ dòng họ,... đã có từ lâu đời.

Người Hmông di cư đến Tà Xùa, ban đầu, họ sống quần cư theo từng dòng họ hoặc một vài dòng họ thuộc cùng nhóm ngành thành lập nên các bản nhỏ và sống tương đối độc lập, khép kín. Về sau, khi dân số ngày càng tăng lên, họ bắt đầu khai phá thêm các vùng đất mới và hình thành thêm các bản khác như Chung Trinh, Mống Vàng, đồng thời các nhóm cũng sống xen kẽ với nhau, hình thành các bản có nhiều dòng họ của nhiều ngành Mông sống quần cư. Trong quá trình đó, vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ XX, một bộ phận người Hmông vốn định cư tại bản Tà Xùa B do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã tiếp tục di cư đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Trong đó, một phần dân cư di đến xã Phiêng Côn huyện Bắc Yên, một nửa còn lại di đến ba xã Tân Xuân, Xuân Nha và Chiềng Xuân huyện Mộc Châu (nay thuộc huyện Vân Hồ) tỉnh Sơn La.

Về đời sống kinh tế: Kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Sinh kế truyền thống của người Hmông ở xã Tà Xùa chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và khai thác các nguồn lợi từ tự nhiên. Từ khoảng năm 2005 trở lại đây, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh. Các giống cây trồng địa phương cho năng suất thấp được thay thế bằng các giống lai do nhà nước cung cấp cho năng suất cao. Từ đó, tình trạng đói ăn lúc giáp hạt của đồng bào đã giảm đáng kể. Ngoài ra, chủ trương phát triển cây công nghiệp theo hướng mũi nhọn hiện cũng được xã Tà Xùa tích cực đẩy mạnh, trong đó chủ yếu đầu tư trồng các giống cây chè, táo mèo Sơn Trà.

          Bên cạnh đó, từ năm 2016, hoạt động du lịch ở xã Tà Xùa bắt đầu được xúc tiến. Sau gần 3 năm, hiện nay ở bản Tà Xùa A, trung tâm xã Tà Xùa, một số hộ người Hmông đã thực hiện các dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch như mở homestay, cửa hàng ăn uống, hàng tạp hóa, cửa hàng may thêu trang phục dân tộc… phục vụ khách du lịch và người dân địa phương khi có nhu cầu. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống người dân địa phương.

Về văn hóa vật chất: Người Hmông ở xã Tà Xùa sử dụng lương thực chính là gạo tẻ. Gạo nếp chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết. Ngô, sắn được trồng chủ yếu phục vụ trong chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi như gà, lợn... thường được dùng trong các hoạt động cúng tế hàng năm của gia đình, dòng họ chứ chưa mang tính chất hàng hóa.  Do điều kiện kinh tế khó khăn lại ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài do vậy tập tục ăn uống của người Hmông vẫn không có nhiều thay đổi.

Đồng bào người Hmông xã Tà Xùa hiện nay vẫn duy trì hình thức nhà ở truyền thống là kiểu nhà trệt nền đất vách được dựng bằng các tấm gỗ lớn. Nhà thường được làm 3 gian, 2 chái với ưu điểm đông ấm, hè mát. Trong nhà người ta đặt 2 bếp lửa ở hai bên đầu nhà, gian giữa đặt bàn thờ ma. Cột ma được dựng ở gian giữa của ngôi nhà gần đầu bếp chính. Xung quanh nhà người ta thường trồng một ít rau để phục vụ gia đình.

Trang phục truyền thống của người Hmông nói chung và người Hmông ở xã Tà Xùa nói riêng được làm từ vải lanh nhuộm chàm. Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chủ yếu vẫn mặc váy được trang trí sặc sỡ màu sắc, nam giới mặc quần ống rộng của người Hmông kết hợp với áo sơ mi hoặc áo thun như của người Kinh. Nguyên liệu để làm váy áo được thay đổi từ vải lanh nhuộm chàm thành vải sợi công nghiệp. Vải lanh chỉ còn được sử dụng trong tang ma, khi đưa tiễn người chết về thế giới bên kia.

Về văn hóa xã hội: Người Hmông thường sống tập trung thành các bản nhỏ, được bố trí theo lối mật tập. Trước đây, quy mô các bản của người Hmông thường từ 10 - 20 hộ. Ngày nay, cùng với sự gia tăng về dân số và sự phát triển của kinh tế - xã hội, số hộ trong các bản ngày càng tăng lên. Hai bản có số hộ ít nhất là Mống Vàng và Khe Cai 24 hộ và đông nhất là bản Trò A 120 hộ. Người Hmông cư trú theo dòng họ. Với quan điểm “cùng họ đều là anh em”, trong cuộc sống hàng ngày các gia đình thường tương trợ giúp đỡ nhau về mọi mặt. Bởi vậy khi gia đình có việc trọng đại như cưới xin, ma chay, làm nhà... đều được coi là việc lớn của cả dòng họ và sẽ do anh em trong họ tổ chức giúp đỡ.

Gia đình của người Hmông phổ biến là gia đình phụ hệ, thường có từ 2 đến 3 thế hệ cùng chung sống. Người đàn ông lớn tuổi nhất đóng vai trò trụ cột là chủ gia đình, có vị trí cao trong gia đình và cả ngoài cộng đồng, mọi ý kiến của họ đều được các thành viên trong gia đình cho là sáng suốt và nghe theo. Người vợ, người mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, đã có một số phụ nữ người Hmông có cơ hội được học tập và tham gia các hoạt động đoàn thể hoặc làm việc ở các cơ quan nhà nước, cũng có thể tham gia hoạt động buôn bán ở chợ thị trấn hoặc mở cửa hàng ngay ở bản... Tuy số lượng này không nhiều nhưng đã góp phần giúp đồng bào thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội của người phụ nữ, giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả và trở nên đa sắc hơn. 

Về văn hóa tinh thần: Người Hmông nói chung và người Hmông ở xã Tà Xùa nói riêng có đời sống văn hoá tinh thần phong phú và đa dạng. Trong một năm, người Hmông tổ chức rất nhiều nghi lễ mang đặc trưng văn hoá tộc người như lễ cúng cơm mới, lễ cúng tu su, tết cổ truyền… được coi là dịp sinh hoạt văn hoá chung của anh em gia đình, dòng họ, tăng tính cố kết của cộng đồng.

          Về mặt tín ngưỡng: người Hmông cũng có quan điểm vạn vật hữu linh. Họ thờ cúng ma nhà, ma cửa, ma bếp, ma buồng, ma núi, ma rừng… đây là hệ thống các ma lành được người Hmông thờ cúng để bảo vệ sức khoẻ và bình an của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng tin là có một loại ma dữ chuyên làm hại con người có thể sẽ gặp phải khi đi đường xa. Vì thế trước kia, khi gia đình có người chuẩn bị vào rừng hoặc đi làm ăn, học tập xa… người ta vẫn thường tổ chức lễ cúng cầu sức khoẻ, cầu mong nhận được sự bảo vệ của ma lành để mọi người tránh bị ma dữ quấy phá.

          Khoảng chục năm trở lại đây, ở Tà Xùa bắt đầu xuất hiện tình trạng người Hmông từ bỏ tín ngưỡng tôn giáo truyền thống cải đạo theo Tin Lành. Số lượng này ngày càng tăng lên. Theo thống kê của UBND xã Tà Xùa, tính đến thời điểm ngày 31/11/2017 toàn xã đã có 21 hộ với 125 nhân khẩu học truyền đạo trái phép. Họ chấp nhận xóa bỏ văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng hàng trăm năm qua, từ đó cũng xóa đi những đặc trưng của văn hóa tộc người. Biến người Hmông từ một tộc người có nhiều nét riêng, độc đáo thành tộc người bị “đồng hóa” về văn hóa cũng như mọi mặt của đời sống xã hội.

Có thể thấy, ngày nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn miền núi của nhà nước, điều kiện kinh tế và mức sống của người Hmông từng bước được nâng cao; đồng thời vấn đề bảo lưu và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tộc người cũng được đặt ra một cách cấp thiết. Bảo lưu những gì và phát huy những yếu tố như thế nào cần phải được nhìn nhận, lắng nghe ý kiến từ chủ thể văn hóa là tộc người Hmông cùng sự định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo tính toàn diện, hợp xu thế phát triển của thời đại lại không làm mất đi bản sắc văn hóa tộc người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Báo Sơn La Online, “Xã Tà Xùa”, <http://www.baosonla.org.vn:8080/bai-viet/82/ta%20xua>, ngày truy cập 25/01/2019.
  2. Mã A Lềnh, Từ Ngọc Vụ (2014) Tiếp cận văn hóa Hmông, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Huyền (2019), Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Dân tộc học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.
  4. Vương Duy Quang (2005) Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa - Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội.
  5. Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Yên (2018) “Giới thiệu vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên”, <http://bacyen.sonla.gov.vn/index.php?module=about&act=view&id=1>, ngày truy cập: 07/09/2018
  6. Uỷ ban nhân dân xã Tà Xùa (2017), Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế  xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2018.

 

 

[1]   http://www.baosonla.org.vn:8080/bai-viet/82/ta%20xua, ngày truy cập 25/01/2019

[2] Mã A Lềnh, Từ Ngọc Vụ (2014) Tiếp cận văn hóa Hmông, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, tr 31.

[3] Vương Duy Quang (2005) Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa - Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội, tr 27-28.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC