Tóm tắt

            Bài báo đề cập đến phát triển du lịch văn hóa thông qua một số lễ hội mùa xuân của dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La: Lễ hội đền Nàng Han và đua thuyền truyền thống trên sông Đà huyện Quỳnh Nhai, lễ hội đền vua Lê Thái Tông, lễ hội Mùa hoa ban thành phố Sơn La, lễ hội Hết Chá tại Mộc Châu. Bài báo cũng phân tích thực trạng lễ hội hiện nay và đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Từ khoá: du lịch văn hoá, lễ hội truyền thống, các dân tộc Sơn La

Mở đầu

            Sơn La được biết đến là vùng đất chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc về ẩm thực, phong tục tập quán, các di tích lịch sử văn hoá, trong đó lễ hội là một thành tố quan trọng cấu thành nên đặc trưng văn hoá các tộc người. Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu, là món ăn tinh thần có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bởi vậy, nghiên cứu và giới thiệu về một số lễ hội mùa xuân tiêu biểu ở Sơn La có ý nghĩa thiết thực nhằm phát hiện những nét đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc Sơn La; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp đó; đồng thời góp phần quảng bá cho các lễ hội nhằm thu hút khách du lịch đến với Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung ngày càng nhiều hơn.

Nội dung

  1. Lễ hội và du lịch văn hoá

1.1. Du lịch văn hoá

Hiện nay, du lịch có rất nhiều hình thức như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục, du lịch chữa bệnh… trong đó du lịch văn hóa được xác định là loại hình phù hợp với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Du lịch văn hóa được hiểu là “hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” [3, 81]. Du lịch văn hóa có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển; đồng thời mang lại nguồn lợi lớn cho cư dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương; cùng với đó, du lịch văn hóa còn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của quê hương đất nước đến với du khách từ khắp mọi nơi.

Với loại hình du lịch văn hóa, “tiềm năng phát triển chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng… để tạo ra sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới” [3, 61]. Như vậy, để phát triển được loại hình du lịch này yếu tố chính là phải dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc văn hoá tộc người, trong đó lễ hội – nơi kết tinh các giá trị văn hoá, tinh thần từ ngàn xưa để lại của mỗi tộc người trở thành thành tố quan trọng nhất.

1.2. Lễ hội

Lễ hội có thể hiểu là“hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng diễn ra trên địa bàn dân cư trong thời gian và không gian xác định nhằm nhắc lại một sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử hay một huyền thoại, đồng thời là dịp để hiểu biết cách ứng xử văn hoá của con người với thiên nhiên thần thánh và con người với xã hội” [3, 60]. Lễ hội thường gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. “Lễ là những nghi thức nhằm đánh dấu hoặc kỉ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó” [2, 557], “Hội là cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt” [2, 460]. Như vậy có thể thấy, “lễ”“hội” là hai yếu tố có “mối quan hệ tương hỗ tồn tại trong sự thống nhất” [1, 14]. Trong một cuộc lễ với quy mô từ cấp làng bản trở lên bao giờ cũng phải có “phần hội”, đồng thời không có hội nào không kèm theo lễ. Lễ và hội luôn quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, cùng phản ánh hiện thực của cuộc sống. Vì thế, có người gọi là “lễ hội” nhưng cũng có người gọi là “hội lễ” tuỳ thuộc vào từng loại lễ hội mà nhấn mạnh mặt này hay mặt kia.

Trong thực tế, xã hội ngày càng phát triển, lễ hội càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của cộng đồng, nhất là đối với khu vực miền núi nơi có đông thành phần dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi cộng đồng, mỗi tộc người đều có những lễ hội khác nhau về nội dung, phương thức, cách thức thể hiện song nét chung của các lễ hội đều nhằm thoả mãn các nhu cầu về đời sống văn hoá tinh thần không chỉ đối với bản thân các dân tộc khởi thuỷ của lễ hội mà còn có ý nghĩa đối với cả cộng đồng. Tham dự lễ hội, du khách sẽ cảm nhận được các sắc thái văn hoá khác nhau của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. 

  1. Một số lễ hội mùa xuân tiêu biểu của người Thái tỉnh Sơn La

            Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, hiện có 12 dân tộc sinh sống gồm Mông, Dao, Thái, Mường, Kinh, Kháng, Tày, Hoa, Lào, Xinh mun, Khơ mú, La ha. Trong đó cộng đồng người Thái chiếm khoảng 54% dân số toàn tỉnh. Bên cạnh những điểm nổi bật, làm nên nét riêng của văn hoá Sơn La như ẩm thực, nhà cửa, trang phục truyền thống… lễ hội đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của đồng bào nơi đây. Lễ hội của đồng bào các dân tộc Sơn La rất đa dạng. Lễ hội thể hiện rõ nét nhất đặc trưng văn hoá của từng tộc người. Chẳng hạn với người Mông, các lễ hội hầu hết đều mang tính chất gia đình, dòng họ. Với người Thái, lễ hội thường mang tính chất cộng đồng, rộng khắp… Là tộc người chiếm đa số cùng với lịch sử cư trú lâu đời ở vùng đất này, văn hoá của cộng đồng người Thái đã trở thành nền văn hoá chủ đạo, có tính chất bao trùm không chỉ đối với địa bàn Sơn La mà còn trải dài khắp miền Tây Bắc. Dưới ảnh hưởng của quá trình giao lưu, trao đổi kinh tế, văn hoá Thái dù ít hay nhiều đã có những tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào đời sống văn hoá của các tộc người khác trong khu vực như người Kháng, người Tày, thậm chí người Kinh khi họ di cư đến vùng đất này. Chính vì thế, trong bài báo này, chúng tôi tập trung giới thiệu về một số lễ hội mùa xuân nổi bật của người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La, qua đó phân tích về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hoá của tỉnh nhà.

2.1. Lễ hội đền Nàng Han và đua thuyền truyền thống trên sông Đà huyện Quỳnh Nhai

            Quỳnh Nhai là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Sơn La, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 60 km dọc tuyến quốc lộ 279 theo hướng đông bắc đi Than Uyên (Lai Châu). Từ lâu, vùng đất Quỳnh Nhai đã được biết đến với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như lễ Gội đầu, lễ Kin pang then (ăn mừng mệnh trời), tết Xíp xí (tết 14 tháng 7 âm lịch)… trong đó, lễ hội đền Nàng Han và đua thuyền truyền thống trên sông Đà là lễ hội văn hoá tiêu biểu nhất trong năm. Thực chất, ban đầu đây chỉ là lễ hội của người Thái trắng được tổ chức với quy mô nhỏ trong các bản làng. Vì cuộc sống của cư dân nơi đây phần lớn gắn liền với dòng sông Đà, vì thế sông nước có mối quan hệ mật thiết với đời sống người dân. Bà con nơi đây quan niệm rằng, những ai giỏi chèo thuyền là những người có khả năng chinh phục sông nước và thuận lợi trong làm ăn. Bởi vậy, ngay từ rất sớm các cuộc đua thuyền với quy mô nhỏ đã dần xuất hiện. Từ năm 2011, sau khi được tỉnh Sơn La lựa chọn, nghiên cứu phục dựng, lễ hội đền Nàng Han và đua thuyền trên sông Đà đã trở thành lễ hội thường niên, là ngày hội lớn của toàn thể các dân tộc trong huyện.

Đền Nàng Han hiện toạ lạc trên khu vực đồi Pú Nghịu xã Mường Giàng, cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai khoảng 2 km và cách địa điểm tổ chức hội đua thuyền truyền thống tại khu vực chân cầu Pá Uôn xã Chiềng Ơn khoảng 3 km. Từ lâu, đền thờ Nàng Han đã được biết đến là một di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng của vùng đất Quỳnh Nhai. Ngôi đền là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của vị nữ tướng Nàng Han đã có công lãnh đạo nhân dân 16 châu Thái đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại bình yên cho xứ sở, bản mường. Truyền thuyết về Nàng Han như một bản anh hùng ca ăn sâu vào đời sống tín ngưỡng của đồng bào Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung. Câu chuyện đó được lưu truyền qua các thế hệ và trở thành một mạch nguồn xuyên suốt nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Nàng Han đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, bất tử về chủ nghĩa anh hùng và lòng tự tôn dân tộc.

Lễ hội Nàng Han và đua thuyền truyền thống trên sông Đà thường được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là dịp để cộng đồng người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc huyện Quỳnh Nhai nói chung tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao của Nàng Han và các vị tiền bối đã có công trong việc bảo vệ bản mường, quê hương trong quá khứ. Qua đó góp phần tăng cường, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương bản mường, luôn sẵn sàng đứng lên đấu tranh để bảo vệ sự bình yên cho quê hương của mỗi cá nhân, đặc biệt là lớp thế hệ trẻ hôm nay. Lễ hội Nàng Han đáp ứng nhu cầu về mặt tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Quỳnh Nhai - cầu mong sự chở che, phù hộ của các vị thần linh cho năm mới được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân có cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Hội đua thuyền truyền thống trên sông Đà là dịp để đồng bào vui chơi, giao lưu và cũng là hình thức để gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá mà cha ông đã để lại từ ngàn xưa. Vì vậy, lễ hội hàng năm vẫn thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn khách du lịch và nhân dân địa phương.

2.2. Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tông và lễ hội Mùa hoa ban thành phố Sơn La

Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tông và lễ hội Mùa hoa ban là hai lễ hội lớn, lần đầu tiên được UBND thành phố Sơn La tổ chức với quy mô cấp thành phố vào năm 2015. Đây là “lễ hội kép” được tổ chức song song nhau trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến hết ngày 17 tháng Giêng với mục tiêu vừa đảm bảo trang trọng về phần lễ được tổ chức tại khu vực đền thờ vua Lê Thái Tông, vừa tạo nên không khí vui tươi phấn khởi cho bà con nhân dân trong ngày hội với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức tại lễ hội Mùa hoa Ban.

Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tông được tổ chức tại khu di tích lịch sử - văn hoá đền thờ vua Lê Thái Tông và văn bia Quế Lâm ngự chế. Khu di tích nằm phía bên trái (hướng đi huyện Mường La), cách trục đường Lò Văn Giá khoảng 500 m, thuộc địa bàn tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.

Đền thờ vua Lê Thái Tông và văn bia Quế Lâm ngự chế là khu di tích nổi tiếng, có giá trị lịch sử thiêng liêng của thành phố Sơn La. Nơi đây minh chứng cho một thời kì hào hùng, oanh liệt của vị minh quân Lê Thái Tông, khi ông lần đầu tiên thân chinh đưa quân lên miền biên giới của Tổ quốc dẹp loạn quân phản nghịch Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (nay là Thuận Châu - Sơn La) năm 1440. Sau chiến thắng, trên đường trở về Thăng Long, vua cùng quân sĩ đã dừng chân nghỉ tại Động La (người dân địa phương còn gọi bằng một tên gọi khác là Thẳm Báo Ké – hang Báo Ké). Trước khung cảnh non sông hùng vĩ, với tầm nhìn chiến lược cùng tâm hồn thi sĩ của một vị vua yêu nước, ông đã cho quân sĩ khắc lên vách núi bài thơ gồm 56 chữ Hán, làm với thể thất ngôn bát cú Đường luật với tựa đề “Quế Lâm ngự chế” (Nơi vua Quế Lâm ngự chế). Bởi thế, khu đền thờ vua Lê Thái Tông còn được nhiều người biết đến với cái tên Đền Quế Lâm ngự chế. Di tích văn bia Quế Lâm ngự chế được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hoá Thông tin xếp bằng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ngày 5/2/1994. Ngày nay khi có dịp đến thăm khu đền, chúng ta vẫn sẽ được chiêm ngưỡng bút tích của bài thơ trên vách đá cao thẳng đứng với những nét khắc còn khá rõ ràng. Từ di tích văn bia đi xuống, rẽ theo hướng bên phải khoảng 200 m, chúng ta sẽ đến được khu đền thờ vua Lê Thái Tông. Khu đền này được được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2001 và khánh thành vào ngày 22/1/2003 với diện tích 800 m2 theo hướng nam chếch đông và được xây theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ Việt Nam gồm các hạng mục: cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, toà đại bái và hậu cung.

Đối với bà con nhân dân thành phố Sơn La nói riêng và toàn thể cộng đồng các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung, từ lâu khu di tích đền thờ vua Lê Thái Tông đã trở thành điểm văn hoá tâm linh thiêng liêng. Theo lệ, cứ đến ngày rằm, mùng 1 hay dịp lễ tết, các chư hội, tăng ni phật tử cùng đông đảo bà con nhân dân lại tụ hội về đây, dâng nén hương thơm cầu bình an may mắn hay đơn giản chỉ là vãn cảnh đền để mỗi người có thời gian tĩnh tâm, cân bằng lại cuộc sống sau những bộn bề lo toan thường ngày.

Chính vì vậy, tổ chức lễ hội đền Lê Thái Tông là việc làm thiết thực và có ý nghĩa xã hội to lớn: Lễ hội nhằm tôn vinh công lao của vua Lê Thái Tông, các tướng sĩ và nhân dân có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước nói chung, bảo vệ biên giới miền Tây Bắc nói riêng. Lễ hội chính là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng cho nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và kế thừa sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, lễ hội góp phần thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần, đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Tạo ra các hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân.

Với mục tiêu như vậy nên lễ hội đền Lê Thái Tông và lễ hội Mùa hoa Ban không tổ chức rườm rà về phần lễ mà phần lớn chú trọng vào phần hội với các trò chơi dân gian phong phú. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá dân gian được tổ chức đã thu hút sự quan tâm và nhiệt tình tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Chương trình ca múa nhạc luôn là những tiết mục mở màn của lễ hội, bên cạnh đó còn nhiều hoạt động khác như trưng bày sinh vật cảnh, thi ẩm thực, thi xoè, thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đi cà kheo, tó má lẹ, tung còn, thi bắt cá, chọi gà, chọi chim… Đây đều là những hoạt động hết sức quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hoá thường ngày của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Bởi vậy, lễ hội không chỉ nhằm gìn giữ và phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống vốn có của đồng bào nơi đây mà còn góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, qua các hoạt động này, du khách tham dự lễ hội cũng phần nào có thể thấy được các nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Sơn La.

2.3. Lễ hội Hết chá của người Thái trắng xã Đông Sang huyện Mộc Châu

            Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp bậc nhất khu vực miền núi phía bắc, với khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như hang Dơi, thác Dải Yếm, khu hồ sinh thái và rừng thông bản Áng (xã Đông Sang), đồi chè,… hàng năm đón hàng triệu lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng. Mộc Châu hiện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó cộng đồng người Thái chiếm số lượng khoảng 1/3 dân số toàn huyện. Đến với Mộc Châu, du khách không chỉ được thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên đẹp, ẩm thực phong phú, bên cạnh đó lễ hội cũng là một phần quan trọng làm nên nét văn hoá độc đáo của vùng đất và con người nơi đây. Mộc Châu có nhiều lễ hội như lễ hội Mùa hoa ban, lễ hội Hết chá, lễ hội Cầu mùa… thường được tổ chức vào mùa xuân hàng năm.

            Lễ hội Hết chá là lễ hội đặc sắc của người Thái trắng bản Áng, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) được tổ chức vào ngày 26 tháng 3 hàng năm, tại gốc đa trên đồi gần trung tâm bản. Lễ hội Hết chá thực chất là “lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa cho khỏi bệnh, lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống, đoàn kết xây dựng bản làng, cầu cho người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu…” [4].

            Về nguồn gốc lễ hội Hết chá, chuyện kể lại rằng: xưa kia người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường phải đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn chuẩn bị đón tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Cũng từ đó lễ hội Hết chá được hình thành.

            Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hầu như không còn được duy trì và dần bị mai một theo năm tháng. Lễ hội Hết chá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, năm 2005 cấp uỷ, chính quyền bản Áng xã Đông Sang đã ra nghị quyết phải khôi phục các phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Lễ hội Hết chá là một trong những lễ hội truyền thống của người Thái trắng bản Áng được chi bộ lựa chọn để khôi phục, bảo tồn và truyền lại cho con cháu đời sau.

            Lễ hội Hết chá gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại Nhà văn hoá bản Áng, ngay bên gốc đa cổ thụ do thầy mo thực hiện. Lễ vật dâng cúng được các già làng và dân bản sắp, bày gồm có gà, vịt, lợn, xôi, rượu, các công cụ trừ tà và đặc biệt không thể thiếu là dâng hoa ban, hoa mạ thể hiện khát khao của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết; đồng thời phê phán những cái xấu và khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Phần hội diễn ra ngay sau khi phần lễ kết thúc. Phần hội thường diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí như thi đánh trống xoè, múa sạp; thi ẩm thực, nấu cơm; thi các môn thể thao, các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn… với sự tham gia của toàn thể bà con dân bản.

            Lễ hội Hết chá là một hình thức sinh hoạt văn hóa quan trọng, mang đậm bản sắc của tộc người Thái trắng bản Áng xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Một mặt lễ hội là một nghi lễ mang tính tâm linh, là niềm tin của con người đối với cuộc sống, với thiên nhiên. Mặt khác lễ hội cũng thể hiện tính nhân văn, tôn vinh thầy thuốc với những nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ người đã chữa khỏi bệnh cho người dân, bản làng, các gia đình... để cuộc sống nhân dân được yên bình. Với những ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 26/3/2016, Uỷ ban nhân dân huyện Mộc Châu đã làm lễ đón nhận lễ hội Hết chá bản Áng xã Đông Sang là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

  1. Thực trạng lễ hội hiện nay

            Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo, làm nên nét riêng của mỗi dân tộc, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đồng thời, lễ hội cũng là sợi dây vô hình, là cầu nối tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, với bản làng, quê hương xứ sở của mình. Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và địa phương, nhiều lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được phục dựng và có nhiều nét chuyển biến mới. Nhìn chung, lễ hội của các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay đều có chung đặc điểm là đơn giản về phần lễ, còn phần hội lại được tổ chức hết sức náo nhiệt và sôi động. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân – thời điểm nông nhàn, theo các nghi lễ truyền thống và có nhiều trò chơi dân gian vì thế thu hút được sự quan tâm của khá đông người dân. Dựa trên tài liệu sưu tầm và quá trình tham gia trực tiếp một số lễ hội văn hóa trong tỉnh nêu trên, chúng tôi có thể nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch văn hoá, du lịch lễ hội của Sơn La là rất lớn nhưng hiện vẫn chưa khai thác được đúng mức.

            2.1. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ trong thời gian ngắn, chủ yếu vẫn được tổ chức dưới dạng nguyên sơ chưa nhằm mục tiêu phát triển du lịch, chưa có sự liên kết, phối hợp giữa các lễ hội ở các địa phương để có thể tạo nên các tour du lịch liên hoàn trong tỉnh.

            Phần lớn các lễ hội chỉ được tổ chức với thời gian ngắn, thông thường sẽ được tổ chức trong 1 ngày như lễ hội Nàng Han và đua thuyền truyền thống trên sông Đà, lễ hội Hết chá, lễ Mừng cơm mới, Xên bản Xên mường (cúng bản cúng mường), Xen pang ả (lễ hội của người Kháng do Pa ả - thầy cúng tổ chức)… hoặc cũng có lễ hội kéo dài trong khoảng 2 đến 3 ngày như lễ hội đền Lê Thái Tông, lễ hội Mương A Ma (cầu mùa) của người Xinh Mun… nhưng rất ít. Trong khi đó quy mô tổ chức các lễ hội vẫn còn giới hạn trong phạm vi hẹp. Đó có thể chỉ là những lễ hội với quy mô gia đình, dòng họ (lễ hội của dân tộc H’mông), trong phạm vi địa phương bản mường, huyện lỵ như phần lớn các lễ hội của người Thái, người Kháng, người Xinh mun… hiện nay. Chính vì thế sẽ rất khó để chúng ta có thể tổ chức ra các tuyến du lịch dài ngày, có sự phối hợp giữa các địa phương.

            2.2. Khách du lịch và nguồn doanh thu từ du lịch

            Theo số liệu thống kê của Cục thống kê tỉnh Sơn La trong năm 2015, tỉnh Sơn La đón 1,1 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, số lượt khách tăng 2,8% so với năm 2014. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 7.000 lượt, khách trong nước gần 1 triệu lượt. Khách đến du lịch chủ yếu là thăm thuỷ điện Sơn La, nhà tù Sơn La, nghỉ dưỡng cao nguyên Mộc Châu và một số địa điểm du lịch khác. Riêng với loại hình du lịch văn hoá lễ hội, lượng khách chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Điều này có thể hiểu rằng mặc dù các lễ hội trên địa bàn Sơn La rất đa dạng, mỗi tộc người đều có những lễ hội mang nét đặc trưng văn hóa riêng, tuy nhiên do phần lớn các lễ hội chưa được khai thác theo hướng phát triển du lịch mà chủ yếu vẫn chỉ nhằm mục đích phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Vì thế, tham gia lễ hội phần lớn là người dân địa phương và khách trong tỉnh. Khách ở xa đến Sơn La trong những dịp này không đáng kể, phần lớn là khách ghé qua nghỉ lại 1, 2 ngày tận dụng thời gian rảnh rỗi, hoặc gặp đúng dịp lễ hội để thực hiện các chuyến thăm thú nếu họ quan tâm.

            Vì lượng khách du lịch ít, thêm vào đó do chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch hấp dẫn, các dịch vụ chất lượng còn kém, các sản phẩm thủ công, quà lưu niệm hầu như vắng bóng do đó không kích thích được khách chi tiêu. Từ đó, doanh thu từ du lịch lễ hội là không đáng kể.

            2.3. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

            Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc chủ yếu được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Vì thế, các cơ sơ vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn tương đối nghèo nàn. Trừ một số khu vực trung tâm như thành phố Sơn La, khu du lịch Mộc Châu… hầu hết ở các địa phương khác trong tỉnh hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, các địa điểm vui chơi giải trí, thể dục thể thao phục vụ khách du lịch gần như không có. Du khách khi muốn tham dự lễ hội đều phải tự túc về nơi ăn chốn ở.

Hệ thống giao thông còn khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của ngành du lịch trong tỉnh. Mặc dù Sơn La có rất nhiều lễ hội đặc sắc như hội Chọi trâu (bản Tong Tải xã Nà Bó huyện Mai Sơn), lễ hội Mợi của người Mường (xã Quang Huy huyện Phù Yên), lễ hội Mừng cơm mới (xã Ngọc Chiến huyện Mường La),… song do đường sá đi lại khó khăn, hệ thống đường giao thông đã bị xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay, đường nhiều ổ voi, ổ gà, vào những đợt thời tiết xấu (mưa gió, bão lũ, tố lốc…) còn có thể bị sụt lở đất đá… gây nhiều nguy hiểm trong việc đi lại. Chính vì thế, phần lớn lễ hội của các dân tộc thiểu số miền núi vẫn chưa thu hút được lượng khách từ nơi xa đến.

Phương tiện vận chuyển khách du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Do chưa được quan tâm, đầu tư để hướng hoạt động lễ hội vào mục đích phát triển du lịch nên chưa có hệ thống xe vận chuyển khách riêng biệt như các khu du lịch khác trong nước. Thậm chí, hệ thống xe khách, xe buýt di chuyển qua các địa điểm tổ chức lễ hội cũng không được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, khách tham quan, du lịch muốn đến được các lễ hội, phần lớn đều phải tự chủ động về phương tiện đi lại (chủ yếu là xe máy).

2.4. Các sản phẩm du lịch

Đối với các lễ hội lớn trên phạm vi cả nước, ở đó các sản phẩm về du lịch thường được tập trung đầu tư như đồ lưu niệm, các sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực đặc trưng của các dân tộc, các vùng miền… mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đó. Đồng thời cũng chính các sản phẩm du lịch sẽ góp phần nâng cao thương hiệu và quảng bá rộng rãi lễ hội đến với nhân dân khắp mọi miền. Tuy nhiên, trên địa bàn Sơn La, ở hầu hết các lễ hội vấn đề đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm du lịch vẫn chưa được thực hiện. Du khách khi đến với lễ hội nào đó muốn mua một món quà lưu niệm cũng không hề đơn giản.

2.5 Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch và và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch còn nhiều hạn chế, chưa quảng bá rộng rãi về vùng đất, con người, các lễ hội của các dân tộc trong tỉnh để thu hút khách du lịch. Hầu hết các lễ hội chỉ được tiến hành thông báo mang tính chất nội bộ. Độ phủ sóng của công tác tuyên truyền, quảng bá cho lễ hội chưa thực sự cao. Hình thức quảng bá chưa thực sự phong phú để tất cả mọi người có thể nắm bắt được thông tin về các lễ hội như thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội, các hoạt động chính của lễ hội là gì....

Bên cạnh đó, do hoạt động du lịch văn hóa của tỉnh còn sơ khai nên đội ngũ lao động trong ngành này còn nhỏ, lực lượng lao động có chuyên môn cao chưa nhiều. Tại các điểm di tích, đặc biệt là các lễ hội văn hóa chưa có đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên để phục vụ khách, hoặc nếu có cũng chỉ là hệ thống rất mỏng. Ví dụ, trên địa bàn thành phố Sơn La, mặc dù có khá nhiều các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội song hầu hết đều được thực hiện một cách tự phát, không có đội ngũ hướng dẫn viên thuyết minh chỉ dẫn cụ thể, bởi vậy ngay chính bản thân người dân địa phương cũng không hiểu được các giá trị chứa đựng trong những hoạt động văn hóa đó.

2.6. Sự thay đổi nhận thức đối với các giá trị văn hoá truyền thống

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống của cộng đồng đang dần bị mai một, các yếu tố văn hóa ngoại lai đang dần thay thế các giá trị văn hóa truyền thống xưa kia bởi sự a dua học đòi, thiếu chọn lọc từ một bộ phận thế hệ trẻ. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội cần được tăng cường hơn nữa. Trong những năm gần đây tỉnh Sơn La đã sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng được một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh như: lễ hội Xên bản xên mường của dân tộc Thái ở Sông Mã; lễ hội Xên lẩu nó của dân tộc Thái ở Thuận Châu; lễ hội “Cầu mùa” của dân tộc Khơ Mú ở Yên Châu; lễ hội “Pang a nụ ban” của dân tộc La Ha ở Mường La; lễ Lập tịnh của dân tộc Dao ở Mộc Châu; lễ hội Mợi của dân tộc Mường Phù Yên; lễ hội Tết Thanh Minh của dân tộc Dao Bắc Yên; lễ hội Đua thuyền các xã dọc sông Đà ở  Bắc Yên, Quỳnh Nhai; lễ hội Tu su của dân tộc Mông ở Bắc Yên, Yên Châu… Tuy nhiên, số lượng các lễ hội được chọn lựa và phục dựng vẫn còn quá ít so với kho tàng lễ hội khổng lồ hiện vẫn đang được đồng bào các dân tộc bảo lưu.

2.7. Việc lợi dụng lễ hội tổ chức các hoạt động phi pháp, gây ảnh hưởng đến đời sống  văn hoá văn minh của cộng đồng

Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo điều kiện vui chơi, giải trí, thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tinh thần cho nhân dân, song vẫn có một số đối tượng lợi dụng việc này để truyền bá những tư tưởng mê tín dị đoan, tụ tập uống rượu, đánh bạc, cá độ… gây mất đoàn kết trong gia đình và trong cộng đồng làng bản. Từ đó gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa của xã hội.

  1. Giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hoá trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay

            3.1. Ban hành hệ thống chính sách phát triển phù hợp  

            Trước hết để phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch văn hoá nói riêng, về phía các sở ban ngành, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần phải có sự nhất quán trong công tác ban hành các chủ trương, chính sách, có đường hướng chỉ đạo, điều hành thực hiện cụ thể, tránh tình trạng mỗi cơ quan, mỗi địa phương làm một kiểu từ đó gây nên khó khăn và lãng phí về tiền của khi tổ chức các lễ hội mà không thu được hiệu quả như kế hoạch đề ra. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Sơn La cần có những chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa.

            Thứ hai, hiện nay phần lớn các lễ hội chỉ tổ chức trong thời gian ngắn và cách xa nhau nên lượng du khách ở các tỉnh xa đến với Sơn La còn rất ít. Chính vì thế, các cơ quan chức năng của tỉnh cần nghiên cứu và có phương án tổ chức các lễ hội sao cho thích hợp để du khách có thể thực hiện được các chuyến đi dài ngày và tham dự được nhiều lễ hội, tham quan được nhiều di tích khác nhau. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho tài nguyên du lịch văn hóa, như: tu bổ các di tích lịch sử văn hóa, khảo sát và phục dựng thêm các lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

3.2. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch

Ngành du lịch tỉnh Sơn La hiện vẫn đang trong giai đoạn “manh nha”, vì thế muốn thu hút khách du lịch cần phải tăng cường đầu tư các điều kiện về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật. Hệ thống đường sá cần được đầu tư sửa chữa, xây mới đảm bảo cho việc đi lại của du khách khi đến với lễ hội được thuận lợi và dễ dàng nhất. Bên cạnh đó, cần nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn vốn có cả về quy mô và chất lượng phục vụ, đầu tư thêm các khách sạn cao cấp nhằm phục vụ khách hạng sang trong và ngoài nước. Đầu tư và đảm bảo cho hệ thống đường điện chiếu sáng và thông tin liên lạc được thông suốt tại các điểm du lịch. Mở thêm các cửa hàng bán đồ lưu niệm, các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc như đồ mây tre đan, đồ trang sức bằng bạc, sản phẩm thổ cẩm…

            3.3. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch

            Sản phẩm du lịch là tổng thể các dịch vụ, hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách. Như vậy, sản phẩm du lịch thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, đồ lưu niệm… Sản phẩm du lịch có đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch và kích thích khả năng chi tiêu của du khách từ đó tăng doanh thu của ngành du lịch. Văn hoá các tộc người Sơn La rất đa dạng bởi vậy cần tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương để chúng ta có hướng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, chẳng hạn như:

            Đối với dịch vụ lưu trú: bên cạnh hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, việc tổ chức mô hình lưu trú tại nhà dân, ở nhà sàn cùng đồng bào cũng cần được thực hiện nhằm tạo nên sự thích thú, khơi gợi cảm giác muốn trải nghiệm của du khách.

            Đối với dịch vụ ăn uống: đồng bào các dân tộc Sơn La có nhiều nét ẩm thực độc đáo, mang đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Bởi vậy tại các điểm du lịch văn hoá, đồng bào có thể mở các cửa hàng ăn uống chuyên phục vụ các món ăn dân tộc đặc trưng như các món nướng (cá nướng, gà nướng…), cơm lam, rượu cần của dân tộc Thái, món thắng cố của dân tộc H’mông…

            Đối với dịch vụ giải trí: cần tổ chức nhiều hơn các trò chơi dân gian mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc như tung còn, tó má lẹ, bắn nỏ… trong đó cần đặc biệt chú ý tạo điều kiện để du khách có thể cùng tham gia và trải nghiệm các trò chơi đó. Sự tham gia giữa du khách và người dân địa phương chính là hình thức quảng bá văn hoá thiết thực và hiệu quả nhất, góp phần gìn giữ và phát triển văn hoá của các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

            Đối với dịch vụ sản xuất đồ lưu niệm: Cần khôi phục lại các làng nghề thủ công truyền thống, hình thành các cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng quà lưu niệm. Đó có thể là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, trang phục truyền thống, đồ thổ cẩm, khăn Piêu… nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách, từ đó mang lại nguồn lợi cho chính người dân địa phương để cải thiện cuộc sống.

            3.4. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch.

            Du lịch là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế. Vì thế, việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho ngành du lịch là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Trước mắt phải có sự sàng lọc, phân công cụ thể lực lượng chuyên môn phục vụ trong ngành du lịch; đồng thời cần phải tiến hành đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm du lịch quan trọng của tỉnh; có chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút các nhà khoa học và nhân tài góp sức vào công tác phát triển du lịch văn hoá của tỉnh.

            3.5. Nâng cao ý thức người dân nhằm phát triển du lịch văn hoá bền vững

            Nhân dân chính là chủ thể của văn hoá, mỗi một tộc người Sơn La đều có những dặc trưng văn hoá khác nhau. Vì vậy, muốn phát triển du lịch văn hoá, trước hết cần phải nâng cao nhận thức của người dân. Đây là một vấn đề cấp bách bởi nếu nhận thức đúng về vấn đề du lịch, nhân dân sẽ tích cực tham gia bảo vệ các tài nguyên du lịch và phát triển du lịch.

            Cần tuyên truyền cho đồng bào thấy được những tiềm năng phát triển du lịch văn hoá trong địa bàn mình sinh sống, những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, bên cạnh đó cũng cần chỉ ra những khó khăn thử thách và những hướng đầu tư phát triển trong tương lai.

            Du lịch văn hoá phát triển dựa vào các bản sắc văn hoá thể hiện trong phong tục tập quán, lễ hội của cộng đồng dân cư được truyền thừa qua các thế hệ. Khách du lịch tìm đến du lịch văn hoá để thu thập thông tin, tìm hiểu và trải nghiệm những nền văn hoá khác nhau ở khắp mọi nơi. Chính vì thế chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân địa phương tự nhận thức trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình để đảm bảo cho du lịch văn hoá phát triển bền vững.

            Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc xây dựng làng bản văn hoá, gia đình văn hoá, xây dựng lối sống văn minh trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong giao tiếp với du khách. Tăng cường ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, không xả rác bừa bãi, ngăn chặn và xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại.

            3.6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch

            Cần phải áp dụng nhiều phương pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch địa phương. Ngoài việc đăng tải thông tin trên website của các đơn vị chủ quản, cần thực hiện thêm nhiều hình thức khác như phát tờ rơi, tổ chức hội nghị, hội thảo về các di tích lịch sử, văn hoá, các lễ hội có giá trị; xây dựng chuyên mục du lịch để giới thiệu về các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội của địa phương trên sóng truyền hình; tăng cường mối liên kết với các đơn vị lữ hành của tỉnh bạn như Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái nhằm thu hút khách du lịch theo tour khu vực; các đơn vị chức năng của tỉnh như Sở Văn hoá – Thông tin – Du lịch Sơn La, Trung tâm xúc tiến du lịch Sơn La cần thực hiện thêm nhiều chuyến khảo sát đánh giá, giới thiệu các tuyến du lịch mới trên địa bàn các huyện trong tỉnh…

            Đẩy mạnh việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cùng phối hợp với cơ quan nhà nước và người dân địa phương tổ chức hiệu quả các lễ hội nhằm phát triển du lịch của tỉnh từ đó nâng cao nguồn doanh thu từ du lịch văn hoá.

            3.7. Có cơ chế phân chia nguồn lợi công bằng, minh bạch

            Cần có cơ chế phối hợp tổ chức, quản lí và phân chia nguồn lợi rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia gồm cơ quan chuyên môn nhà nước – nhà khoa học – các tổ chức đầu tư – người dân. Đây là nội dung quan trọng quyết định sự thành công của các mô hình du lịch. Du lịch văn hóa cần đảm bảo mối quan hệ cùng làm, cùng hưởng giữa các bên cùng tham gia thực hiện, có như vậy mới thể duy trì được mô hình này một cách bền vững, thúc đẩy tính tích và tự giác của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển du lịch mang tính bền vững.

            Kết luận

            Sơn La là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hoá. Không chỉ phong phú về các lễ hội truyền thống, nơi đây còn có rất nhiều các di tích lịch sử văn hoá, các danh thắng tự nhiên tươi đẹp, các phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, nếu tỉnh Sơn La đề ra được các định hướng phát triển phù hợp và thực hiện hiệu quả thì tin chắc du lịch văn hoá Sơn La sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống nhân dân địa phương, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.

Tài liệu tham khảo

            [1]. Hoàng Lương (2002), Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc, NXB ĐHQG Hà Nội.

            [2]. Hoàng Phê (chủ biên) (1992), Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội – Việt Nam.

            [3]. Phạm Trọng Lê Nghĩa (2009), Bài giảng môn Tổng quan du lịch, Trường Cao đẳng nghề du lịch Vũng Tàu.

            [4]. Sở Văn hoá, TT&DL Sơn La, Lễ hội Hết chá, trích trong Thông tin Khoa học chuyên đề số 3/2013, trang 16 – 22.

 

           

                                                           

 


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC