Người Dao ở xã Lóng Luông thuộc nhóm Dao Tiền, là tộc người có nhiều thành tố văn hóa truyền thống được thể hiện trong đời sống với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đặc biệt là nghề vẽ tranh thờ bằng phương pháp thủ công. Tranh chứa đựng nhiều giá trị, tính nhân văn và được sử dụng, tồn tại từ đời này qua đời khác tạo nên nét đẹp riêng biệt của của người Dao, đồng thời đáp ứng nhu hưởng thụ, sử dụng vốn văn hóa dân gian của cộng đồng. Bài viết đưa ra một số giá trị của nghề làm căn cứ để xây dựng các giải pháp, định hướng bảo tồn với nghệ thuật vẽ tranh thờ độc đáo của người Dao ở xã Lóng Luông hiện nay.  

Giá trị tín ngưỡng, tâm linh:

Lễ lập tịch (lễ cấp sắc): thông thường các bé trai đủ điều kiện làm lễ cấp sắc là từ 8 đến 14 tuổi. Theo quan niệm phải: “Trải qua lễ cấp sắc chàng trai đó mới được cộng đồng công nhận là thành viên, mới được thế giới thần linh thừa nhận là đệ tử chính thức, khi đó họ mới được làm thầy cúng và có quyền lập ban thờ”. (Bàn Quỳnh Giao, 2016, tr. 387). Tranh làm lễ cấp sắc gồm 2 bộ tranh (mỗi bộ 3 tờ to) được thầy cúng treo trang trọng cạnh ban thờ tổ tiên. Lễ cấp sắc thường diễn ra trong 2 - 3 ngày tùy từng điều kiện và khả năng của từng gia đình mà tiến hành lễ sao cho phù hợp.

Tranh trong tang ma: thầy cúng mang một bộ tranh (3 tờ to, 2 tờ nhỏ) đến làm lễ và được 4 người (do gia chủ nhờ) tiến hành treo tranh. Sau khi hoàn tất việc chôn cất, thầy cúng đội tranh (gắn một bức tranh cỡ nhỏ lên đầu) làm lễ cho mọi người mang đồ cúng đến cho người chết, sau đó về nhà lễ vừa cúng vừa xòe (múa), xong xuôi mới được bỏ tranh xuống.

            Tranh thờ: theo quan niệm của người Dao Tiền thì trưởng họ mới được phép thờ tranh (tranh tờ gồm 2 tờ nhỏ), đặc biệt dòng họ Triệu có thờ tranh hình người khiêng con vật (con chó), nguồn gốc thờ tranh theo ông Triệu Văn Hếnh là do “trước đây do thiếu đói con người đã bú sữa con vật trong gia đình để tồn tại, dần dần dòng họ Triệu lấy tranh có hình ảnh con vật để thờ cúng tỏ lòng biết ơn con vật đã cưu mang giúp đỡ”. Khi mang ra sử dụng tranh theo quan niệm tranh mới các nhân vật chưa “thức tỉnh” cần phải “khai quang” bằng cách làm lễ mở mắt, miệng, mũi và các bộ phận trên cơ thể nhân vật trong tranh, các con vật trong tranh không cần “khai quang”. Khi “khai quang” thầy cúng đốt một nén hương để cúng với mục đích biến các nhân vật thành “ma” rồi lấy một cây kim, (phải là kim vẫn đang còn sợi dây chỉ gắn trên cây kim) để tiến hành chọc vào mắt, mũi, miệng,.. lúc đó các nhân vật mới chính thức hoàn thiện.

Qua cách sử dụng tranh thờ trong các ghi lễ của gia đình, dòng họ cho thấy tranh liên quan đến chu kỳ đời người từ khi làm lễ cấp sắc cho đến khi mất đi, đặc biệt còn liên quan đến việc thờ cúng của cả dòng họ từ bao đời nay. Qua đó thể hiện tính nhân văn, cách ứng sử giữa con người với vật nuôi. Trong nhà người Dao luôn có một bộ tranh được cuốn gọn gàng để trong ống treo cạnh ban thờ, khi có việc trọng đại mới mở ra sử dụng. Tranh luôn là vật thiêng liêng trong tín ngưỡng, là nét đẹp là sợi dây kết nối giữa thế giới thực tại với thế giới “tổ tiên”. Điều đó cho thấy "lệ cũ" vẫn được người dân gìn giữ và tôn thờ, sử dụng từ xa xưa cho đến nay.

Giá trị nghệ thuật: tranh là biểu tượng đặc trưng cho tộc người, thông qua cách tạo hình của các nhân vật, con vật, đồ vật, người thợ tự tay vẽ bằng những đường nét, hình khối, mảng màu đơn giản nhưng không thiếu phần tinh tế, ngắn kết ăn nhập, hòa quyện trong tranh. Có những nét dài, nét thanh xen lẫn những nét gấp khúc, nét nhọn tạo bố cục chắc chắn cho hình vẽ, các nhân vật là điểm chính quan trọng trong tổng thể bố cục bức tranh. Tranh được vẽ một mặt, bề mặt tranh “khá đặc” với nhiều chi tiết, nhân vật, có nhân vật chỉ hiện thị chân dung cũng có nhân vật được thể hiện toàn thân theo từng lớp, thứ bậc, theo hàng từ trên xuống không theo nhịp điệu “nội dung của tranh thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý và mối quan hệ giữa cuộc sống con người với vạn vật. Trong đó, bảo trợ cho cuộc sống của con người là 3 vị thần (còn gọi là tam thanh), gồm: Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian), Thái thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị thần này, Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả, 3 vị này có khi được vẽ độc lập ở từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung hoặc vẽ cùng các vị thần linh khác” như bức “Tổng tinh đàn”. Nhưng tựu chung lại thì Tam thanh luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh người Dao” (Anh Đức, 2017, tr. 1).

Tranh của người Dao với những nét vẽ tả thực với các màu xanh, đỏ, vàng, đen, trắng, hồng cụ thể trong từng mảng họa tiết. Tranh vẽ theo chủ đề nên chỉ cần giới thiệu một lần là có thể nhớ được ngay. “Chẳng hạn, bức vẽ “Tổng tinh đàn” mô tả các vị thần linh được người Dao tôn thờ, trong đó các vị Tam thanh được đặt ở vị trí trên cùng. Bức vẽ “Thập điện diêm vương” nói về 10 cửa điện của diêm vương chỉ có cửa thứ 10 là cửa luân hồi, còn lại 9 cửa khác là cửa không tốt, với quan niệm, cửa diêm vương là nơi xử người khi chết xuống âm phủ, tùy theo lúc sống phạm các tội lỗi nặng, nhẹ khác nhau sẽ phải chịu những hình phạt khác nhau... Bức vẽ “Tứ đại nguyên súy” vẽ 4 vị thần trong vũ trụ rất uy phong: mưa, gió, sấm, chớp” (Anh Đức, 2017, tr. 1). Màu sắc được phối khá rực rỡ, các chi tiết thường được vẽ mang tính ước lệ không cân đối, các nhân vật chính thường có râu, cưỡi ngựa, tay thường cầm đao, kiếm tạo sự uy nghiêm. Bao quanh các nhân vật chính là các mảng mây khổ lớn cuộn tròn vẽ theo tầng lớp khá đều nhau, mây có phần đầu tròn cân đối tạo sự mềm mại khi làm nền cho các nhân vật trong tranh. Ngoài ra, tranh không đi mảng nền bởi khoảng hở (nền tranh) khá ít và thường là lấy màu trắng của giấy làm màu nền. Phía ngoài là đường diềm với nét thẳng bao quanh, định hình “khuôn” của bức tranh, đường diềm (cứng) kết hợp với hình mây (mềm) tạo thành một thể thống nhất, bổ trợ lẫn nhau. Toàn bộ các hình tượng nghệ thuật được thể hiện qua đường nét, họa tiết, các mảng khối trên hình người, con vật, đồ vật và mây đều được thể hiện bằng cách phối màu cơ bản thống nhất trong bức tranh.

 Giá trị kinh tế của nghề: hiện nay ở xã Lóng Luông còn duy nhất anh Triệu Văn Long làm nghề, mỗi năm nghề giúp anh có thu nhập khá ổn định, thường xuyên và đảm bảo chi tiêu nhỏ trong gia đình. Tranh được vẽ bởi vật dụng, họa phẩm có giá thành rẻ, nhu cầu sử dụng cao đảm bảo yêu cầu của người mua. Qua nghiên cứu, ghi chép của chúng tôi tại xã Lóng Luông thì tranh được làm quanh năm theo nhu cầu đặt hàng của các dòng họ, các thầy cúng, các hộ gia đình trên địa bàn và các địa bàn lân cận. Theo anh Long, tranh được phân phối tại địa bàn xã Lóng Luông và địa bàn huyện Mộc Châu nơi có cộng đồng người Dao sinh sống, cũng có những gia đình đặt anh vẽ từ các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Phú Thọ. Mỗi bộ tranh hoàn thiện (gồm 3 tờ to: kích thước rộng 42cm, dài 88cm, và 02 tờ nhỏ: rộng 40cm, rộng 52cm) có giá từ 1.000.000 - 1.500.000VNĐ, với mỗi bộ tranh. Một năm, anh Long vẽ khoảng 15 đến 20 bộ tranh phục vụ cộng đồng, mỗi bộ tranh hoàn thiện trừ chi phí như màu, bút, giấy,… thu được 90% tiền bán tranh. Phong tục tập quán bắt buộc sử dụng tranh cũng là nguyên nhân tích cực cho việc duy trì và tạo thu nhập cho người thợ vẽ.

             Việc quan tâm tới các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có nghề vẽ tranh của người Dao Tiền cần được quan tâm trong thời gian tới của các cấp, các ngành trong lĩnh vực quản lý và đặc biệt từ chính cộng đồng và người thợ vẽ tranh. Việc thực hiện tốt sẽ góp phần phát triển đời sống của cộng đồng người Dao ở Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Việc làm đó phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Công tác bảo tồn và phát huy, phát triển nghề, từ đó sẽ có tác dụng thúc đẩy về kinh tế - xã hội, đem lại thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bởi tranh thờ là tài sản, là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của cộng đồng người Dao nói chung và người Dao Tiền nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Anh Đức (2017), http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-thuat-ve-tranh-tho-cua-nguoi-dao-8348 (Truy cập ngày 26/7/2020).
  2. Bàn Quỳnh Giao (2016), “Bảo tồn nghi lễ cấp sắc của người Dao trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía bắc”, Kỷ yếu hội thảo do Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND tinh Sơn La tổ chức với chủ đề: “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới khu vực miền núi phía bắc”, UBND tỉnh Sơn La phát hành.

CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC