Gốm ở xã Mường Chanh là dòng gốm lâu đời, trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái Đen trên đất Sơn La. Tuy nhiên, do không được cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, nguồn nguyên liệu làm nghề gốm bị thu hẹp, gốm sản xuất ra ra đã bị rò. Từ một làng gốm nay chỉ còn duy nhất một hộ gia đình còn duy trì. Bởi vậy, nghề gốm có nguy cơ thất truyền, mai một.

Sản phẩm gốm ở Mường Chanh được làm thủ công trong tất cả các khâu, để tạo ra sản phẩm thì không thể thiếu bộ dụng cụ làm gốm, bộ dụng cụ được người thợ gốm chế tác từ các nguyên liệu có sãn trong tự nhiên. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghề gốm, vào tháng 6 năm 2020 nhóm nghiên cứu đã phát hiện và tiến hành sưu tầm bộ dụng cụ làm gốm tại xã Mường Chanh nhằm mục đích trưng bầy và giới thiệu tới sinh viên sự tồn vong của nghề gốm – một nét văn hóa độc đáo, niềm tự hào về nghề gốm cổ của người dân Mường Chanh nói riêng và người Thái Sơn La nói chung tại phòng Trưng bầy văn hóa – Trường Đại học Tây Bắc.

           - Bàn xoay tiếng Thái gọi là “khiên”, thân bàn xoay liền với mặt bàn xoay có hình chóp cụt. Dưới thân bàn xoay là trụ bàn xoay (lắc khiên) một đầu được nối với bàn xoay, một đầu được chốt chặt xuống đất. Bàn xoay có diện tích mặt 35 – 40cm, cao tính từ thân bàn xoay lên mặt bàn xoay là 50cm.

           - Chậu đựng nước “Áng xó nặm”: chậu đựng nước để chống dính khi người thợ tạo dáng và tạo hoa văn cho sản phẩm. Chậu được làm bằng đất nung có diện tích đáy 15 – 20cm, mặt chậu 25cm.

           - Chậu đựng tro bếp “Áng tó tau”: tro để dùng để rắc lên mặt bàn xoay nhằm chống dính giữa đáy sản phẩm và mặt bàn xoay. Chậu có diện tích tương đương với chậu đựng nước, và cũng được làm bằng gốm đã qua nung đốt.                                 

            - Ván phơi gốm “péng tẳng tay”: là một miếng gỗ có hình chữ nhật dài có tác dụng bảo quản, giúp sản phẩm nhanh khô, chống ẩm và chống dính, ván rộng 50cm, dài 90cm.

            - Rìu tre cắt đất “Bi tra”: là công cụ để cắt đất có phần lưỡi sắc, được làm bằng tre già hoặc gỗ. Cán rìu khuyết, rìu có tác dụng tạo dáng sản phẩm và cắt bỏ những phần thừa của sản phẩm. Diện tích khá nhỏ phần lưỡi rộng 6cm, dài 9cm.

            - Lược gọt đất “Bi kiệng”: gồm hai loại, loại to “bi kiểng nha ứ” để tạo dáng các sản phẩm có kích thước lớn, loại nhỏ “bi kiểng nọi” để tạo dáng các sản phẩm có kích thước nhỏ. Lược đều có cạnh sắc có tác dụng gọt đất và tạo dáng sản phẩm, được làm bằng tre, gỗ, phần lưỡi rộng 8cm                   

            - Vải nhúng nước để tạo dáng sản phẩm “Phả hồi chụp nặm”: hình chữ nhật được gấp làm bốn rồi khâu lại thành hình chữ nhật dài, vải được các thợ thủ công nhúng nước để khi tạo dáng và làm hoa văn, vải không bị dính.

            - Dây cắt đất “Mà tắt đin”: dây có tác dụng cắt tạo mặt phẳng của sản phẩm, dây dai, sắc được làm bằng dây cây “móc” mọc trong rừng.

            - Ống xít đất “Cỏng ka sít”: cấu tạo giống như cái bơm pittong, silanh, vỏ ngoài đan bằng tre còn một đầu để mặt tre, bên trong được đục lỗ để khi ấn si lanh đất đùn ra ở lỗ thành dây tròn dài và dây đất này được người thợ gắn vào sản phẩm gốm tạo thành hoa văn đường chỉ lỗ, gờ nổi ống dài khoảng 40cm.

            - Ống tre dàn đất làm đáy sản phẩm “May tặp cổn hay”: phía trong ống được đựng rắc tro bếp chống dính khi dàn mỏng đất làm đáy sản phẩm, ống được làm bằng tre dài 40cm.

            - Dùi lỗ bằng tre “Chi dệt hu”: được vót bằng tre một đầu tù, một đầu nhọn,  dùng để tác dùi lỗ sản phẩm gốm, dùi dài 12 – 20cm.

            - Kiếm tre cắt đất “Láp hay”: vát như một con dao hai lưỡi sắc, đầu nhọn ở phần cán có khía để tạo hoa văn sóng nước, cắt đáy sản phẩm và tạo hoa văn, kiếm dài 30cm – 35cm.

            - Chày giã đất “Xá tăn điu”: chày được làm bằng gỗ, dài khoảng 40 – 60cm, dùng để giã, đập cho nhuyễn đất.

            - Sọt đựng và ủ đất “Quầy xá đin”: sọt tròn có quai để gánh, sỏ đòn khiêng, sọt được làm bằng tre cật chắc chắn có thể chứa được 80 – 90kg đất.

            - Sọt gáng chum “Quầy”: sọt đan thưa mắt to, dùng để gánh sản phẩm đã ra lò hoặc vận chuyển khi trao đổi buôn bán. 

Việc phát hiện và sưu tầm bộ dụng cụ làm gốm tại xã Mường Chanh có ý nghĩa to lớn, giúp chúng ta hiểu được quy trình chế tác gốm theo hướng thủ công truyền thống và những công năng riêng biệt của từng dụng cụ. Qua đó, nhằm phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, tính sáng tạo, tính thích ứng giữa con người với môi trường sống của cộng đồng người Thái thông qua nghề gốm và bộ dụng cụ làm gốm. Đồng thời, củng cố thêm nguồn tư liệu về nghề gốm cổ ở xã Mường Chanh đã tồn tại lâu đời, góp phần làm phong phú, đa dạng vốn văn hóa trong cộng đồng các dân tộc nói riêng và người Thái ở Sơn La nói chung.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC