Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Mông ở Việt Nam hiện có 1.393.547 người. Trong đó tập trung cư trú tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên… Tại Sơn La, tổng số người Mông hiện có 1.248.415 người, chiếm 14,4% tổng số người Mông toàn quốc và chiếm 16,1% tổng dân số toàn tỉnh Sơn La (sau người Thái và người Kinh).

Về hình thái gia đình chủ đạo của người Mông là gia đình phụ hệ với các đặc trưng cơ bản như: cư trú bên chồng, chủ gia đình là những người đàn ông lớn tuổi (thường là người bố), vai trò quan trọng của người con trai, đặc biệt là con trai cả... Đối với người Mông, tính gia trưởng và tính tự quyết của chủ gia đình rất cao, điều này đã trở thành một trong những đặc điểm văn hóa tộc người.

Trước cách mạng tháng Tám (1945), gia đình người Mông thường tồn tại dưới hình thức gia đình lớn từ 3 đến 4 thế hệ cùng sinh sống bao gồm: ông bà, cha mẹ, vài cặp vợ chồng các con trai và các cháu nhỏ. Quy mô hộ gia đình có khi lên tới 30 người cùng sinh sống dưới một mái nhà. Hiện nay, hình thức gia đình tồn tại phổ biến thường là các gia đình nhỏ thường gồm 2 thế hệ (cha mẹ và các con chưa đến tuổi thành niên) và gia đình nhỏ mở rộng có thêm ông bà và các con, cháu.

Trong gia đình, người đàn ông lớn tuổi nhất đóng vai trò trụ cột, đứng ra quản lý tài sản chung của gia đình, như: nương rẫy, trâu bò, công cụ lao động và phân chia tài sản cho các con ra ở riêng, đồng thời đứng ra tổ chức, phân công lao động cho các thành viên còn lại và trực tiếp đảm nhiệm những công việc nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất trong sản xuất như chặt cây, đánh đá, khai phá nương rẫy, và đốn gỗ, vận chuyển từ rừng về nhà khi làm nhà mới… Họ còn là người lo toan việc tổ chức hôn lễ cho con cái, thờ cúng tổ tiên, các ma nhằm cầu mong sự phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Không chỉ quán xuyến các công việc trong gia đình, họ còn thay mặt các thành viên trong gia đình giải quyết mọi quan hệ với dòng họ và xã hội. Khi trong gia đình có khách, thì dù là khách lạ, hay khách quen chỉ có chủ gia đình mới được đứng ra để tiếp chuyện. Thông thường các ông chủ gia đình người Mông tiếp đãi khách rất chu đáo. Nếu thành viên trong gia đình vi phạm luật tục, thì chủ gia đình sẽ đứng ra xin lỗi cộng đồng và lo toan lễ phạt. Có thể nói, người đàn ông là chủ gia đình có vị trí cao trong gia đình và cả ngoài cộng đồng, mọi ý kiến của họ đều được các thành viên trong gia đình cho là sáng suốt và nghe theo.

Người vợ, người mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và gia đình nhà chồng. Trong cuộc sống hàng ngày, họ thường làm việc luôn chân luôn tay, ban ngày lên nương, rẫy cùng chồng trồng cấy, chăm sóc cây trồng; đồng thời tranh thủ bắt cá, hái rau rừng bổ sung thức ăn cho bữa ăn hàng ngày. Về tới nhà, họ lại lo dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc người già, dạy dỗ con nhỏ… Họ còn tranh thủ mọi thời gian rỗi để tước vỏ lanh, thêu thùa, dệt vải, may vá quần áo cho cả gia đình. Trước kia, ngoài những dịp rất hiếm hoi như tang ma của những người rất thân thiết với gia đình mà người chồng bận không tới dự được, người vợ sẽ thay mặt người chồng tới chia buồn, còn lại người phụ nữ Mông gần như không ra khỏi nhà, không tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày nay, dưới tác động của các chính sách xã hội, sự quan tâm, tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể và sự phát triển của kinh tế thị trường, phụ nữ người Mông bắt đầu có cơ hội tham gia một số hoạt động của Hội phụ nữ, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ của bản... Đặc biệt, một vài năm trở lại đây, đã có một số phụ nữ người Mông có cơ hội được học tập từ đó nâng cao nhận thức và vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng, xã hội. Hiện nay, một số chị em phụ nữ người Mông có học thức, có chuyên môn đã được tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực. Một bộ phận khác do tư tưởng cởi mở hơn đã tham gia các hoạt động buôn bán hoặc mở cửa hàng kinh doanh ngay tại địa phương với đa dạng các mặt hàng. Tuy số lượng này không nhiều, nhưng những thay đổi trên đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống khép kín bao đời nay của người phụ nữ Mông, giúp họ thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả và trở nên đa sắc hơn. 

Trong gia đình người Mông, con cái luôn phụ thuộc vào bố mẹ, đồng thời bố mẹ có trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo và chăm sóc các con.Việc giáo dục con cái cũng có sự phân công dựa theo đặc điểm giới tính. Người bố thường gần gũi và quan tâm các con trai nhiều hơn, dạy họ các công việc như săn bắn, cày nương, làm các công việc thủ công (đan lát, làm nghề rèn…); trong khi đó, người mẹ gần gũi con gái hơn, dạy con cách chăm lo gia đình, thực hiện các công việc thêu thùa, may vá,… Trong vấn đề hôn nhân, con cái có quyền tìm hiểu, lựa chọn bạn đời, về quyền quyết định sẽ do cả bố mẹ và con cái cùng bàn bạc, quyết định. Thông thường, sau khi lập gia đình, người con trai đã được công nhận là người trưởng thành và sẽ có quyền tham gia bàn bạc các công việc trong gia đình. Khi cho các con ra ở riêng, bố mẹ có thể ở cùng người con trai cả hoặc con trai út trong gia đình, tùy vào lựa chọn của bố mẹ. Tuy nhiên, các con trai đều có trách nhiệm quan tâm và chăm sóc bố mẹ lúc về già hoặc khi đau ốm.

Có thể nhận thấy, gia đình người Mông theo chế phụ hệ đặc trưng, chỉ con trai mới có quyền thừa kế tài sản do bố mẹ để lại, đồng thời chủ gia đình thường là người bố, người có quyền đối nội, đối ngoại tất cả mọi công việc trong gia đình và ngoài xã hội.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC