Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Xinh Mun ở Việt Nam có 29.503 người, trong đó tập trung đông nhất tại tỉnh Sơn La với 27.031 người, (chiếm 91,62% tổng số người Xinh Mun trong toàn quốc), chủ yếu cư trú tại các huyện Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn và Mộc Châu. Cộng đồng người Xinh Mun có 2 nhóm tộc người là Xinh Mun Nghẹt và Xinh Mun Dạ.

Tộc danh: Người Xinh Mun tự gọi mình là K’xing Mul (Người Núi). Ngoài ra, người Xinh Mun còn có các tên gọi khác như: Xá, Puộc hay Xá Puộc. Thời kì thực dân phong kiến, người Thái vùng Mộc Châu thường gọi người Xinh Mun với tên gọi khác là “Phủ Puốc” (tức người Mối). “Thời thuộc Pháp những người bị nô dịch cho An Nha, Phìa, Tạo ở vùng này chia làm ba hạng: Cuông, Nhôốc, Puộc. Dù với cách hiểu như thế nào thì “Xá Puộc”, “Phủ Puộc” vẫn là người ở vị trí cuối cùng của những người bị làm nô dịch và bị coi khinh”[1]. Năm 1979, “Danh mục các dân tộc Việt Nam” được Tổng cục Thống kê công bố, Xinh Mun trở thành tộc danh chính thức của tộc người này.

Nguồn gốc lịch sử: Mặc dù cho đến nay, tư liệu chưa cho phép nghiên cứu đầy đủ về nguồn gốc và lịch sử của người Xinh Mun nhưng giới khoa học đều khẳng định, người Xinh Mun là một trong số các tộc người có nguồn gốc ở Tây Bắc Việt Nam. Họ là một trong những tộc người thuộc lớp cư dân cổ nhất ở Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng[2].

Ngôn ngữ: Tiếng nói của tộc người Xinh Mun thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Kh’mer.

Hoạt động sản xuất kinh tế: Hoạt động kinh tế chủ đạo của người Xinh Mun là trồng trọt; trong đó canh tác nương là hoạt động chính với các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn, các loại rau, đậu… Vài chục năm gần đây, trồng lúa nước đã xuất hiện nhưng diện tích không nhiều và vai trò còn tương đối khiêm tốn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế khác như chăn nuôi, thủ công nghiệp, săn bắt, hái lượm… là những nghề phụ trợ, nhằm cung cấp các nhu cầu về nhu yếu phẩm trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào. Hoạt động trao đổi, buôn bán chủ yếu là các nghề kinh doanh dịch vụ, ăn uống, tạp hóa tại địa phương. Nhìn chung, kinh tế của người Xinh Mun vẫn là nền kinh tế khép kín, mang tính tự cung. tự cấp.

Đời sống văn hóa - xã hội:

Xưa kia, người Xinh Mun chỉ có một đơn vị truyền thống duy nhất là bản (col), không có đơn vị trên bản. Số gia đình cư trú ổn định thành bản cũng chỉ dăm bảy gia đình, hoặc trên dưới chục nóc nhà[3]. Ngày nay dưới tác động của chính sách định canh, định cư, người Xinh Mun thường tập trung cư trú tại các xã ven biên giới Việt - Lào, hình thành các bản người Xinh Mun với số lượng lên đến cả trăm hộ, trong đó có những xã người Xinh Mun chiếm đa số như Chiềng On, Chiềng Pằn, Lóng Phiêng (ghi tên huyện sau các xã này)... Quan hệ giữa các thành viên trong bản Xinh Mun được xây dựng trên cơ sở huyết thống.

Gia đình người Xinh Mun thuộc kiểu gia đình nhỏ phụ quyền, đứng đầu là người đàn ông (là người chồng, người cha, hoặc là con trai trưởng khi người bố đã mất) có toàn quyền quyết định công việc. Quyền thừa kế tài sản thuộc về những người con trai, con gái sau khi đi lấy chồng sẽ không được thừa kế tài sản của bố mẹ đẻ. Nếu gia đình không có con trai có thể nhận con nuôi là con của anh em trai ruột.

Người Xinh Mun ở Sơn La có 2 dòng họ lớn là họ Vì và họ Lò, ngoài ra còn có một số dòng họ khác như họ Lường, họ Mè... Mỗi dòng họ đều có vật tổ và những kiêng kị riêng.

Đời sống vật chất:

Nhà ở truyền thống của người Xinh Mun là nhà sàn có mái vòm hình mai rùa. Dựng nhà là việc lớn, bởi vậy sẽ được cả bản đến giúp. Họ thường làm nhà vào dịp sau vụ gặt và chọn đất dựng nhà bằng cách bói xem đất có hợp với các thành viên trong nhà không. Ngày nước (các ngày 2, 6, 8, 9 trong tháng) thích hợp với việc làm nhà; kiêng ngày hỏa, tức các ngày 1 và 7. Ông cậu là người dựng cột chính, trên treo nhiều vật tượng trưng cho sự phồn thực, đầy đủ của gia đình như bông lúa, con dao, cái thớt, các vật biểu tượng âm, dương vật. Ông cậu cũng là người đốt ngọn lửa đầu tiên trên bếp nấu cơm của căn nhà mới. Ngọn lửa ấy được giữ không tắt trong suốt đêm đầu tiên[4]. Ngày nay, nhà ở của người Xinh Mun đã có nhiều thay đổi. Ở nhiều bản đã xuất hiện các ngôi nhà được kê cột, lợp ngói, hoặc những ngôi nhà sàn hai tầng, cũng có khi là những ngôi nhà trệt...

Người Xinh mun ăn cơm gạo nếp và gạo tẻ là chính. Khi đói kém, họ thường trộn lẫn ngô, sắn với gạo và đồ thành cơm độn. Gia vị cay như ớt, gừng, riềng.. rất được ưa thích trong các bữa ăn. Họ cũng có thói quen ăn trầu và nhuộm răng đen.

Do không có nghề dệt vải nên trang phục của người Xinh Mun chủ yếu được trao đổi với người Thái, đặc biệt là người Thái Đen.

Văn hóa tinh thần:

Người Xinh Mun thờ cúng các lực lượng siêu nhiên gọi là ma với hai loại ma lành và ma giữ. Do đó, từ xưa việc thờ cúng, tế lễ các lực lượng siêu nhiên đã trở thành tập quán của họ.

Thờ cúng tổ tiên được coi trọng. Họ thờ tổ tiên hai thế hệ là bố mẹ và ông bà, nhưng chỉ tổ chức cúng khi gia đình làm nhà mới, ăn cơm mới, có đám cưới...Cúng bản được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho dân bản khỏe mạnh, đời sống thịnh vượng, mùa màng bội thu. Ngoài ra, trong một năm, người Xinh Mun còn rất nhiều lễ cúng khác như mương ama (cầu an, cầu phúc), cúng cơm mới, Tết Nguyên Đán... và tham gia lễ cúng mường hàng năm của người Thái trong vùng.

Phụ nữ Xinh Mun thường sinh đẻ tại nhà. Khi con gần đầy tháng, cha mẹ nhờ thầy cúng đặt tên.

Trong hôn nhân, nhà trai phải đưa tiền cho nhà gái. Sau lễ dạm, lễ hỏi mới đến lễ đi ở rể, thường sau vài ba năm lúc cô dâu chú rể đã có vài ba con, nhà trai mới tổ chức đón dâu về. Kể từ lễ đi ở rể, đôi vợ chồng phải đổi tên riêng của mình, lấy chung một tên khác do cậu, bố mẹ vợ hay thầy cúng đặt cho[5].

Khi nhà có người chết, người Xinh Mun có tục bắn súng báo tin cho dân làng biết. Người Xinh Mun không có tục cải táng và tảo mộ nên nhà mồ được làm cẩn thận, có đủ thứ cần thiết tượng trưng cho người chết.

Đời sống văn hóa - văn nghệ của người Xinh Mun ở Sơn La khá phong phú. Họ thích múa hát vào các dịp lễ, tết. Tiếng nói và chữ viết của người Xinh Mun được vay mượn khá nhiều từ ngôn ngữ Thái. Cho đến nay, Tiếng Thái trở thành ngôn ngữ chính trong giao tiếp hàng ngày của họ. Chữ quốc ngữ được giới trẻ sử dụng song song với chữ Thái.

 

         

 

[1] Vì Văn Nèn, Bì ta háy và Bì giềng hà miền, NXB Khoa học Xã hội, tr.6

[2] Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Sơn La, Địa chí Sơn La (quyển 1), chương VI. Dân tộc Xinh Mun, tr.348

[3] Vương Xuân Tình (chủ biên), Các dân tộc ở Việt Nam tập 3, quyển 2, Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me, tr.351

[4]http://thuviensonla.com.vn/12-dan-toc-anh-em/Dan-toc-Xinh-Mun-229.html. Ngày truy cập 24/6/2021.

[5]http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dan-toc-xinh-mun-3650, ngày truy cập 24/6/2021.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC