Trước kia, khoảng đầu tháng 10 hàng năm, khi mùa thu hoạch kết thúc, lương thực đã chất đầy trên gác và trong kho, cũng là lúc các cụ già trong bản tính toán thời điểm ăn tết cơm mới và thông báo cho cả bản cùng tổ chức. Người Mông quan niệm lễ cơm mới được tổ chức trước tiên là để cảm tạ trời đất, tổ tiên, ma nhà đã “bảo vệ ngô lúa, nương rẫy, gia súc cho con cháu, và đuổi ma rừng ma núi đi”[1], đồng thời cũng là dịp các thành viên trong gia đình, dòng họ gặp gỡ, ăn bữa cơm đoàn viên và người chủ gia đình “thông báo cho con cháu là vụ mùa năm nay đã thu hoạch xong, nên mời bà con, anh em đến cùng nhau nâng chén chúc mừng thành công của năm nay, sang năm lại tiếp tục phấn đấu”[2].

Vào ngày lễ cơm mới, tùy theo điều kiện kinh tế, các gia đình có thể mổ gà hoặc mổ một con lợn nhỏ khoảng 10-20kg làm lễ cúng trời đất, tổ tiên, ma nhà và mời họ hàng, người thân đến ăn cơm cùng gia đình. Lễ cúng thường được tiến hành vào chiều tối tầm 19h- 21h, tránh gây xáo trộn sinh hoạt thường ngày của các thành viên trong gia đình và khách mời. Đồ lễ được chủ nhà hoặc con trai bày lên một cái mâm thấp, đặt trước bàn thờ xử ca trong nhà, bao gồm: một bát cơm nấu bằng lúa mới thu hoạch về, nếu năm đó gia đình trồng được lúa hoặc một vài bắp ngô nướng hoặc luộc, nếu năm đó gia đình chỉ trồng được ngô, trong bát cắm 9 cái thìa. Ngoài ra, còn có một bát nhỏ thịt luộc, một bát nước luộc thịt, một cốc rượu, một chai rượu. Dưới chân vách tường thờ xử ca, họ bày một cái ghế dài bằng gỗ và bày thêm hai cái ghế gỗ gia đình thường ngồi ở xung quanh mâm, một cái để trống, còn một cái dành cho người chủ trì nghi lễ ngồi. Người chủ trì nghi lễ thường là người chủ gia đình hoặc một người lớn tuổi trong họ, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc và dòng họ. Khi lễ cúng bắt đầu, con trai lớn của chủ nhà thắp hương rồi lần lượt cắm 3 nén vào lọ tre để dưới xử ca, một nén vào chân cột chính, hai nén vào hai bên cửa chính, cửa bếp, bếp lò, bếp nấu. Người chủ trì nghi lễ ngồi xuống cái ghế đặt đối diện với xử ca và bắt đầu khấn mời ma cột chính, ma cửa, ma bếp…và những người đã khuất trong gia đình và dòng họ về ăn mừng cơm mới cùng con cháu. Người Mông thường thờ 3 đời, cha mẹ và những người họ hàng cùng thế hệ với cha mẹ đã qua đời, rồi đến những người anh em đã mất thuộc cùng thế hệ với chủ nhà, sau cùng là con cháu đã mất thuộc cùng thế hệ với con của chủ nhà. Sau khi gọi hết tên những người đã mất trong 3 đời, người chủ trì nghi lễ vừa múc một thìa cơm đổ ra mâm, vừa khấn mời ma nhà và ma tổ tiên về thụ hưởng lương thực mới được làm ra trong năm, đồng thời cảm tạ và cầu mong họ tiếp tục phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn được nhiều hơn. Khấn xong, người chủ trì nghi lễ múc nước canh trộn vào cơm, rồi cầm chén rượu vừa khấn vừa đổ một phần rượu vào chỗ cơm canh trên mâm cúng, một phần đổ xuống đất ngay dưới chân, sau đó đặt chén rượu xuống, lấy một miếng thịt nhỏ trộn vào cơm canh rượu. Sau khi khấn mời như thế khoảng 5 lần, chủ nhà và con trai mở tung hai cánh cửa chính, chủ nhà xúc một thìa cơm, một miếng thịt, cầm một chén rượu, rồi đi qua cửa chính ra ngoài, vừa khấn mời thần rừng thần núi thụ hưởng lễ vật vừa hất cơm và rượu ra xa. Sau đó, mọi người quay vào nhà, chủ nhà hoặc con trai đóng chặt cửa chính lại như cũ. Người chủ trì nghi lễ lại quay về chỗ cũ, tiếp tục vừa khấn vừa trộn cơm, canh, thịt, rượu một lần nữa. Kết thúc buổi lễ, chủ nhà ăn một thìa cơm, 1 thìa canh, nhấm một chút rượu trong mâm cúng. Người Mông quan niệm, trước nghi lễ cúng trời đất, ma tổ tiên và ma nhà, người chủ gia đình không được phép ăn lương thực mới thu hoạch trong năm, sau khi nghi lễ kết thúc, người chủ nhà mới được phép ăn, nhằm tỏ lòng thành kính với trời đất, ma tổ tiên và ma nhà. Sau đó, gia chủ bày cỗ mời khách và các thành viên trong gia đình nâng cốc chúc mừng vụ mùa đã kết thúc và cùng ăn bữa cơm mới đầu tiên.

Trước đây, người Mông thường cư trú theo từng dòng họ, hầu như mỗi vùng hay làng đều có một dòng họ vừa đông đúc, vừa có thế lực nhất, nên thời gian tổ chức lễ cơm mới tương đối thống nhất trong cả bản. Ngày nay hầu hết các dòng họ người Mông đều sống xen kẽ với nhau và một làng thường có ít nhất hai, ba dòng họ, nên thời gian tổ chức lễ cơm mới cũng khó thống nhất. Cư dân Bản Mới tuy cùng mang họ Mùa, nhưng lại di cư từ ba địa điểm khác nhau là xã Háng Chú, xã Tà Sùa và xã Háng Pla. Mỗi họ lại có một số nghi thức tôn giáo và kiêng kị riêng, thờ cúng ma tổ tiên riêng và có những sinh hoạt dòng họ riêng nên được coi là thuộc về 3 dòng họ khác nhau. Vì thế, thời gian ăn lễ cơm mới của họ vừa chịu ảnh hưởng của các cụ già trong bản, vừa chịu ảnh hưởng của các cụ già trong họ, “các cụ ở trên nguồn gốc của mình ở chỗ nào thì nghe các cụ ở chỗ ấy tính ra rồi mình ăn theo các các cụ ấy. Thời gian tổ chức lễ cơm mới vừa theo bản vừa theo nguồn gốc của mình. Ví dụ một gia đình ăn thì cả bản ăn theo như thế”[3]. Mấy năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên trong bản đi học chuyên nghiệp hoặc đi làm xa ở thành phố Sơn La, Hà Nội…nên thời gian tổ chức lễ cơm mới của các hộ trong bản lại càng khó thống nhất hơn, họ “không định ngày ăn lễ cơm mới. Mà chỉ đợi con cháu mình về đủ và thu hoạch lúa về rồi thì ăn thôi”[4]. Có thể nói, lễ cơm mới từ một hoạt động cộng đồng chung của cả bản, giờ đây do ảnh hưởng của điều kiện sống mới, đã từng bước chuyển thành một nghi lễ trong phạm vi gia đình. Tuy thời gian và không gian tổ chức của lễ cơm mới có sự biến đổi, nhưng nó vẫn giữ được ý nghĩa và chức năng xã hội của mình là dịp nghỉ ngơi, vui chơi sau vụ mùa vất vả, đồng thời gắn kết, củng cố quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, kể cả còn sống hay đã mất. Ngoài ra, những năm gần đây, các vị khách được mời đến ăn lễ cơm mới ngoài họ hàng, người thân ra, lác đác một vài hộ trong bản đã mời thêm bạn bè, đồng nghiệp thân thiết đến ăn lễ cơm mới cùng gia đình. Tuy số lượng khách mời như vậy rất hạn chế, nhưng có thể thấy quan hệ xã hội của cư dân trong bản đã manh nha mở rộng ra khỏi phạm vi làng bản và dòng họ, bắt đầu tiếp cận gần hơn với lối sống hiện đại. 

 

Nguồn: Trần Hạnh Nguyên, “Văn hóa lễ hội của người Mông: Truyền thống và biến đổi”, đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2015, Trường Đại học Tây Bắc

[1] Mùa A Chu ngày 03/10/2015.

[2] Mùa A Vừ ngày 09/10/2015.

[3] Mùa A Chu, ngày 03/10/2015.

[4] Mùa A Chu, ngày 03/10/2015.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC