Cư trú theo hình thái từng bản và không quần cư trên địa hình vùng cao, người HMông ở tỉnh Sơn La có có số dân đứng thứ 3 toàn tỉnh với 18.969 hộ, 118.920 người, phân bố tại 126 xã, 632 bản. Các bản và các xã dân tộc HMông hầu hết thuộc 90 xã khu vực 3 và 310 bản đặc biệt khó khăn. Người Hmông ở Sơn La có 3 ngành: Hmông hoa (Hmông lềnh), Hmông trắng (Hmông đơ) và Hmông đen (Hmông đu). Cư trú chủ yếu ở các vùng núi cao thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp. Mộc Châu là huyện đang quy tụ cả 3 ngành Hmông với 2.445 hộ, 13.258 người, tập trung đông nhất ở các xã: Tân Lập, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa, Lóng Sập, Chiềng Hắc và thị trấn Nông trường Mộc Châu.

          Người Hmông ở Sơn La nói chung, ở Mộc Châu nói riêng có nền văn hóa truyền thống đặc sắc. Dù trải qua nhiều cuộc thiên di nhưng vẫn giữ được bản sắc tộc người và kho tàng văn hóa truyền thống, mang đậm những giá trị sáng tạo đang được bảo lưu và phát huy. Họ có rất nhiều truyện thần thoại, cổ tích nói về gốc tích người Hmông, các làn điệu dân ca, điệu múa nổi tiếng, các nhạc cụ có âm sắc độc đáo. Từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay người Hmông được tắm mình trong các lễ nghĩa, các phong tục, các hội hè, tết, giỗ, nên đời sống văn hóa của họ thấm đẫm chất văn hóa của núi, của rừng, hồn nhiên và khoáng đạt.

Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Hmông gắn với tiếng khèn. Khèn Hmông do chính những người đàn ông chế tác. Khèn là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Tiếng khèn dường như đã trở thành thông điệp để người Hmông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà giai điệu của khèn Hmông có rất nhiều chủ đề và bài bản, sư dụng trong cả khi vui hay lúc buồn. Múa khèn còn được dùng biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Âm thanh của loại nhạc cụ này mang âm hưởng của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét giản dị, trong sáng và khoáng đạt của tâm hồn người Hmông. Trải qua thời gian, cây khèn của người Hmông được sử dụng trong các lễ nghi, ngày hội với nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng.

Để chế tác cây khèn tốt, nguyên vật liệu cơ bản cần có là: gỗ Pơ Mu, cây măng dê, vỏ cây đào rừng, lá đồng, bạc trắng, thuốc lào hoặc lá cây thuốc lào, tóc rối, vỏ con ve sầu, mỡ lợn, ống tre, que nứa. Dụng cụ chế tác, gồm: 02 con dao; 02 dùi gọt; khoan máy; khoan tay; 02 chiếc dùi; bếp lò; dao cắt lam, cạo lam 2 đầu hoặc 2 cái; đá mài; đe, búa; dụng cụ đúc đồng.

Chiếc khèn do chính những người đàn ông Hmông kỳ công chế tác và truyền dạy. Các bộ phận cấu thành cây khèn (khềnh), gồm: Thân khèn; bầu khèn; đuôi khèn; ống khèn; lam khèn; lỗ khèn; đai khèn và lỗ thổi khèn. Cây khèn được chia thành 3 phần: Thân khèn, ống khèn, đai khèn.

Công việc chế tác cây khèn phải trải qua các công đoạn cơ bản sau:

Chọn gỗ làm thân khèn: Gỗ để làm thân khèn chuẩn nhất là loại gỗ Pơ mu trắng hoặc đỏ vì chất gỗ này dẻo, nhẹ, không cong, ít đàn hồi và hút nước tốt. Gỗ được chẻ thành từng thanh, phơi khô, chọn thanh dài 80cm trở lên, dùng dao đẽo gọt định hình thân khèn rồi chẻ đôi từ đuôi lên ngọn, cố định phần đuôi và tiếp tục đẽo gọt cho hoàn chỉnh. Thân khèn gồm ba phần: Đuôi khèn (cáng tâu; Bầu khèn (Tâu khềnh); Thân trên (Cáng khềnh).

Khi đẽo gọt gần hoàn chỉnh, chẻ đôi rời thành hai miếng. Lấy đục cong to khoét bầu, buồng giữ hơi của hai miếng bầu cho vừa ý. Lấy đục cong nhỏ khoét rãnh từ bầu đến ngọn để làm rãnh thổi của 2 miếng. Khi khoét xong ghép 2 miếng vào nhau như khi chưa bổ. Lấy đinh, keo con voi đóng, dán cho chắc hai đầu, tiếp tục gọt cho đều, dùng giấy giáp đánh bóng.

Dùng dây mây hoặc vỏ cây đào rừng chẻ nhỏ, đo vòng của bầu khèn, đuôi, ngọn, sau đó lắp vào các điểm đã định để giữ thân khèn cho chặt. Vỏ cây đào rừng đã phơi khô đem ngâm trong rượu hoặc nước cho mềm, dẻo. Tách vỏ to, nhỏ tùy theo nghệ nhân, gọt cho mỏng vừa phải ở phần vỏ ngoài, lấy mũi dao nhỏ đục một lỗ hình tam giác đo vào chỗ cần làm đai giữ thân, đánh dấu đầu còn lại để cắt khóa ngang khi luồn vào hình tam giác, lồng vào thân khèn, dịch chuyển đúng chỗ cho chắc.

Ống khèn: gồm 6 ống, được làm bằng cây măng dê được luộc cho khỏi bị nứt nẻ, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô. Ống to nhất, ở vị trí số 1 gọi là ống bố, khi thổi lên có âm bồi. Độ dài từ đốt đến ngọn dài bằng 5 bàn tay, từ đốt đến đuôi dài bằng 1 bàn tay. Chiều dài của ống 1 dài bằng 6 bàn tay. 5 ống nhỏ còn lại phải có các đuôi đốt bằng nhau, các gióng khác nhau. Đo đốt của 5 ống làm gốc với đốt của ống số 1 lùi vào 2 ngón tay về phía bầu khèn rồi cắt bằng nhau. Ống số 2 (con út ở ngang trên cùng tay trái) đo dài hơn ống số 1 hai bàn tay. Ống số 3 (ống mẹ, ở giữa bên trái dưới số 2) dài gấp đôi ống số 1. Ống số 4 (con cả, dưới ống mẹ, cùng bên trái dưới số 3) ngắn hơn ống mẹ 1 bàn tay. Ống số 5 (con thứ 3 - ở giữa bên phải, dưới số 1, ngắn hơn ống số 6 một bàn tay). Ống số 6 (con thứ 2, ở dưới cùng bên phải, dưới số 5) ngắn hơn ống số 4 một bàn tay. Lấy dùi dài xuyên vào dóng, ngoáy đều cho thủng đốt tre để thông 05 ống nhỏ.

Sau khi cho 4 đai cố định vào bầu, khoét 3 hàng ống. Xoáy cho vòng tròn ống số 1 hiện lên, lấy khoan phá lỗ cho xuyên bầu, khoét dần cho tròn lỗ, lấy ống đã đo xuyên qua lỗ. Khi đã đạt chuẩn khít thì được, rút ống và tiếp tục làm như thế với 5 ống còn lại.

Đúc đồng làm lam khèn là bước quan trọng và khó khăn nhất. Người nghệ nhân phải căn chuẩn tỷ lệ các nguyên liệu: 0,1k đồng dẻo; 0,30gam đồng cứng; 0,10gam đồng đỏ; từ 1 đến 2 hào bạc trắng. Ngoài ra còn có các phụ gia: thuốc lào; tóc rối; con ve sầu khô.

Sau khi làm xong công đoạn đúc lam, nghệ nhân cắt lam, chỉnh sửa và lắp ống khèn. Uốn ống, dùi lỗ ống cũng là một công đoạn không kém phần quan trọng trong việc chế tác khèn. Khi lắp, đuôi các ống phải thẳng, đầu cong lên tạo cho dáng khèn đẹp hơn. Đai ống khèn được làm bằng vỏ cây đào rừng.

Khèn Mông có hai loại: Loại khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn, khèn có âm thanh cao là khèn dài. Loại khèn dài: hàng ống thứ nhất dài 100cm, hàng ống thứ hai dài trên 90 cm, hàng ống thứ ba dài khoảng trên 80 cm; Loại khèn ngắn: hàng ống thứ nhất dài trên 70cm, hàng ống thứ hai dài trên 60cm, hàng ống thứ ba dài trên 50cm.

Khèn Mông vừa là một loại nhạc cụ đồng thời cũng vừa là đạo cụ để múa. Múa khèn không chỉ một người mà đến bốn người hoặc hơn, múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn. Ngôn ngữ múa ngẫu hứng mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông. Múa khèn Mông còn là tín ngưỡng Saman giáo - một tín ngưỡng phổ biến ở dân cư Mông.

Nếu so với khèn bè Thái, Lào thì khèn Mông có âm lượng lớn hơn, âm sắc chắc hơn. Nhưng do ống quá ít, không có khả năng diễn tấu chuyển điệu. Học thổi khèn và múa khèn Mông rất khó, học nghe khèn Mông cũng không dễ, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Mỗi bài khèn Mông thường có từ 3 - 6 đoạn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Hmông phải tập khèn từ 12 - 13 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, dài.

Khèn Mông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Hmông. Trong mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời hai hoặc bốn thầy khèn. Các nghệ nhân thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng và các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn. Tùy vào thời gian diễn ra đám tang mà các nghệ nhân thổi những bài khèn khác nhau. Họ có thể thổi khèn theo giờ (giờ ăn cơm trưa và tối), liên tục từ hai đến bốn ngày. Một bài khèn kéo dài từ 15 - 30 phút. Những lúc nghỉ ngơi hay khi có người đến viếng, họ lại thổi một bài riêng cho phù hợp với hoàn cảnh. Khi thầy trống, thầy khèn múa thì người thân, cùng người đến dự đám tang cũng nhảy múa theo, bởi người Mông quan niệm, nếu không có tiếng khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên.

Các làn điệu khèn gồm có: Kềnh tu xi, Kềnh nào say, Kềnh đua nu, Kềnh su, Kềnh mo tu xua, Kềnh Mo tu, Kềnh tờ nhú bua, Kềnh sơ, Kềnh chú, Kềnh tò khua, Kềnh kỳ, Kềnh plua, Kềnh xu plua, Kềnh xú su, Kềnh là, 04 làn điệu: Kềnh nạ chanh, Kềnh my chanh, Kềnh nạ sua tý, Kềnh my sua tý; Kềnh cho cha; Kềnh Lía tía; Kềnh tịa đồng; Kềnh ua chị; Kềnh ua vang; Kềnh nhủ đăng.

Đám giỗ người Mông được diễn ra sau đám tang 13 ngày và không thể thiếu thầy khèn - là người chủ trì đám giỗ. Thầy thổi khèn mời linh hồn của người mất về để gia đình làm giỗ, khi thổi hết bài cũng là lúc mời được linh hồn của người mất về. 

Trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Mông, những dịp lễ hội, Tết đến xuân về, nghệ nhân cùng với cây khèn tạo nên vũ đạo rất đẹp trong từng bước nhún, bước đảo, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng... Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu mà tiếng khèn vẫn không dứt.

Người Mông quan niệm: Là con gái Mông phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa, là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Tiếng khèn có hay, múa có đẹp không chỉ nhờ vào năng khiếu mà còn cần đến sức khỏe cùng sự dẻo dai tập luyện chăm chỉ. Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, khèn Mông không chỉ sử dụng trong đám ma, đám cưới, lễ hội mà còn được các chàng trai Mông biểu diễn khi xuống chợ.

Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên, tinh thần thượng võ. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng.

Cùng với sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội, sự mai một về văn hóa cũng diễn ra trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng dân tộc Mông nói riêng. Cây khèn Mông cùng các bài múa khèn đang dần vắng bóng trong đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào Mông, lớp người trẻ, con em của đồng bào Mông biết chế tác khèn, sử dụng khèn, múa khèn ngày một ít đi, người khèn giỏi, múa khèn giỏi ngày càng mai một.

Những năm qua, trong chương trình bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La nói chung, dân tộc Mông nói riêng được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Nghệ thuật chế tác và biểu diễn khèn Mông đã được nghiên cứu bảo tồn và truyền dạy. Đồng thời các điệu dân vũ về khèn Mông đã được khai thác và  biên đạo, phát triển từ chất liệu dân gian thành tiết mục, đưa đi tham gia các kỳ liên hoan của Trung ương cũng như khu vực đạt giải cao.

Nghệ thuật Khèn của người Mông là một di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của người Mông, có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc trong đời sông tình thần đối với cộng đồng của người Mông xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Cầm Thỏa

(Nguồn: https://bandantoc.sonla.gov.vn/index.php?module=tinhoatdong&act=view&id=601&cat=66)