Từ xa xưa, cha ông ta đã nhận thức được, nước là khởi nguồn của sự sống. Cũng không biết từ bao giờ, nước đã được nâng lên thành vị thần bảo hộ cho cuộc sống vật chất và tinh thần, đi vào thế giới tâm linh của những cư dân nông nghiệp Đông Nam Á và ngự trị ở đó với niềm tôn thờ đầy thành kính. Theo thời gian, tín ngưỡng thờ nước không hề nhạt phai, nó vẫn được duy trì không chỉ với ý niệm là một tín ngưỡng linh thiêng trong tâm tưởng của những người dân nông nghiệp chất phác và thuần hậu nơi đây, mà còn gắn liền với niềm vui sống của họ.

1. Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ nước trong ngày Tết cổ truyền ở các quốc gia Đông Nam Á

Với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp lúa nước, nên ngay từ xa xưa, cư dân Đông Nam Á đã ý thức được tầm quan trọng của nước. Cuộc sống và sản xuất của họ không thể không có nước. Nước trở thành biểu tượng thiêng liêng của sự sống, sự sinh sôi nảy nở, đem đến mùa màng bội thu cùng sự no đủ, hạnh phúc và phồn thịnh. Nếp nghĩ đó ăn sâu trong tư duy của cư dân nông nghiệp nơi đây. Bởi vậy, ngay từ thuở sơ khai, khi tạo lập cuộc sống ban đầu với nghề trồng trọt, nước đã vừa là yếu tố của đời sống văn hóa vật chất, vừa là yếu tố của đời sống tinh thần của cư dân khu vực này. Có lẽ thế, trong ngày lễ cổ truyền đón năm mới, người dân Đông Nam Á thường dùng nước để chúc mừng nhau. Trên tinh thần đó, tại một số quốc gia ở khu vực này, ngày tết cổ truyền từ khi nào đó đã trở thành ngày hội té nước.

Ở Lào, tết cổ truyền của dân tộc được gọi là bunpimày - có nghĩa là bun té nước; người Thái gọi là tết song kran - nghĩa là hội nước. Ở Campuchia là tếtchôl chnăm thmây (chôl - vào, chnăm - năm, thmây - mới), được tổ chức cùng dịp tết Lào và Thái Lan. Với người Myanmar, tết cổ truyền thực chất cũng là tết cầu mưa (thingyan)... (1).

Khí hậu ở Lào được phân thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm này tới tháng 4 của năm sau. Bun năm mới của Lào (bunpimày) được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 hàng năm. Như vậy, đây là thời điểm mùa khô kết thúc và bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Và đây cũng là thời điểm mở đầu một chu kỳ sản xuất nông nghiệp của một năm.

Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, ngày đầu năm mới người Lào luôn cầu mong những điều tốt lành đến với mình. Xuất phát điểm từ nhu cầu sản xuất nông nghiệp là cần nước, nên vào ngày tết năm mới, người Lào có tục lệ té nước cầu mưa. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nền văn hóa của họ dần mang màu sắc Phật giáo. Vào ngày lễ Phật đản (Phật sinh), các chùa tắm nước thơm cho Phật. Ở góc độ văn hóa này, chúng ta nhận thấy, tín ngưỡng dân gian của Lào đã có những nét tương đồng, hòa màu sắc cùng Phật giáo. Và như thế, tự bao giờ và cũng rất tự nhiên, hai yếu tố văn hóa đã đồng điệu ở cùng một hành vi văn hóa. Có lẽ cùng quan điểm đó, Nguyễn Duy Thiệu cho rằng: “Việc hành lễ trong dịp bunpimày đã phản ánh được những quan niệm hỗn dung” giữa hai yếu tố trên và “Phật giáo đã cấy vào nghi lễ nông nghiệp truyền thống của người Lào nghi thức Phật đản và Phật giáo cũng lồng vào tục lệ truyền thống này quan niệm của mình”(2). Việc té nước là để tẩy rửa những điều không may của năm cũ, đón nhận một năm mới với những điều tốt lành. Sự hỗn dung giữa tín ngưỡng thờ nước và nghi thức Phật đản, có thể thấy rất rõ trong những ngày bunpimày.

Ngày tết cổ truyền của người Thái còn gọi là tết song kran. Ngày tết này được tổ chức sau khi kết thúc mùa khô. Lúc này vụ mùa đã xong xuôi, người ta bước vào giai đoạn nông nhàn và chuẩn bị cho vụ mùa mới sau khi những cơn mưa bắt đầu trút xuống cánh đồng. Người Thái cho rằng, hàng năm thần Indra của đạo Hindu sẽ xuống hạ giới thăm nom cuộc sống của loài người và sự kiện này cũng đánh dấu sự bắt đầu của năm Phật lịch. Họ tiến hành tết song kran rất long trọng từ 3 đến 5 ngày để tưởng nhớ đến vị thần này.

Tại Myanmar, hội năm mới còn gọi là hội nước (thingyan - nghĩa là nước và hoa). Thời gian ngày hội nước của người Miến vào ngày mùng 1 tháng đagu (tháng 1 theo lịch Miến) tức là vào khoảng nửa đầu tháng 4 dương lịch. Có rất nhiều cách giải thích nguồn gốc của ngày hội nước ở đất nước Chùa Vàng. Một truyền thuyết kể rằng: sau vụ tranh luận gay gắt về chiêm tinh, thần Brahma đã bị thua thần Indra và phải mất đầu. Nhưng vì không thể vứt nó đi đâu (vứt xuống biển thì biển cạn, vứt xuống đất thì đất sẽ nổ tung), nên cuối cùng, đầu thần Brahma được giao cho các thần Nat luân phiên bưng nó trên tay vào các dịp đầu năm. Một truyền thuyết khác lại giải thích: kết quả của vụ tranh luận giữa hai vị thần nói ở trên, thân thể thần Brahma đã không còn giữ được đầu của vị thần này nữa. Thần Indra bèn lấy đầu voi Pingala đặt lên chiếc cổ không đầu đó. Hàng năm, vào dịp đầu năm mới, thần Indra sẽ dội nước lên đầu voi đó cho thần Brahma sống lại. Thế nhưng lại có truyền thuyết khác của người Miến cho rằng: lễ hội té nước đầu năm mới là để tưởng nhớ công lao của thần Thingyan (vị thần chủ của các thần Nát), người đã đem lại sự sống cho loài người. Vào đầu năm mới, thần Thingyan quay trở về trái đất mang theo những điều tốt đẹp cho con người. Vì vậy người dân Miến đã chào đón người trong sự hân hoan với thật nhiều nước (3).

2. Tín ngưỡng thờ nước trong ngày tết cổ truyền ở Đông Nam Á

Tại Myanmar, hội nước là ngày tết của cả nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng: đây là ngày hội duy nhất còn lưu giữ được nhiều phong tục đẹp, nhiều truyền thống cổ của người Miến… Dựa theo tính toán của các nhà chiêm tinh, người dân Miến có thế biết được ngày giờ thần Thingyan xuống hạ giới. Đúng ngày giờ đó (thường là quãng nửa đêm về sáng ngày mồng một tháng 1 (tháng đagu), người dân Miến chào đón vị thần này bằng một loạt pháo (4). Khi tiếng pháo vừa chấm dứt, tất cả dân chúng đều đổ ra đường. Nhà của ai cũng mở rộng cửa, đèn thắp sáng trên các đường phố, cây cối, cửa hàng, tỏa sáng trên các mặt hồ, mặt sông… chào đón thần Thingyan. Trên tay ai cũng có một bình nước đầy, bên trong có một vài ngọn lộc năm mới tha bye. Sau nghi thức khấn vái trời đất, họ trang trọng đổ bình nước xuống đất với hy vọng nước sẽ đẩy trôi những điều không hay trong năm cũ và những điều may mắn sẽ ở lại. Buổi sáng ngày hôm sau, tất cả mọi người dân Miến đều lên chùa, thực hiện các nghi lễ với nhà chùa, với các nhà sư và té nước chúc mừng nhau (5).

Trước khi bước vào năm mới, mọi người đều tắm bằng nước lá thơm để gột rửa những tội lỗi, rủi ro của năm cũ, làm cho tâm hồn tinh khiết, đón chờ những điều may mắn trong năm mới. Nước thơm được làm bằng việc đun nước sạch (hoặc thứ nước lấy ở những nơi linh thiêng) với lá thơm. Ở Lào, thứ nước này được làm từ hoa chămpa (hoa đại). Ở Lào và Thái Lan tuy không có nghi lễ đón thần Thingyan, nhưng cũng giống như người Miến, ngày đầu tiên của năm mới, người dân lên chùa cùng các nhà sư quét dọn chùa, lau tượng Phật, đắp núi cát. Tại chùa, nước thơm trước tiên được đem ra tắm cho các pho tượng, tiếp đó, tất cả những người dự lễ được nhà sư vẩy nước thơm và chúc phúc. Sau cùng mọi người đọc kinh cầu phúc và dâng tiến mọi đồ vật vào chùa. Mọi thủ tục ở chùa xong xuôi, mọi người tỏa về các nhà và bước vào lễ hội té nước.

Ngày tết té nước, mọi nhà ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia cũng như ở Lào đều được trang trí thật đẹp cùng bánh trái dâng lên chùa và để tiếp khách. Trên đất nước Lào, các đám rước diễu hành ở khắp mọi nơi. Nhìn khung cảnh đám rước, người ta liên tưởng đến lễ hội hóa trang carnavan nổi tiếng. Đoàn người tham gia đám rước được hóa trang một cách đặc biệt: người trát bùn, cởi trần hoặc mặc áo rách bươm, tô điểm đầy người, đầu đội mũ lông chim hoặc các loại cỏ lá… Người tham gia có thể hóa trang thành người khác giới, chơi các nhạc cụ truyền thống, làm tưng bừng náo nhiệt những nơi mà họ đi qua. Người ta tổ chức múa lăm vông, biểu diễn các trò chơi dân gian. Còn tại Thái Lan, lễ hội té nước diễn ra sôi nổi nhất ở vùng Bắc và Đông Bắc - nơi mà khí hậu khô nóng và ít mưa. Mà tiêu biểu nhất phải kể đến Chiềng Mai, kinh đô cũ của vương quốc này, lễ hội được tổ chức rất trang trọng và náo nhiệt. Các cô gái xinh đẹp được tuyển lựa sẽ mặc trang phục truyền thống, đeo các lọ nước bằng bạc trong các đám rước. Họ tổ chức nhảy múa và tiến hành nhiều trò chơi dân gian.

Ở những nơi trang nghiêm, người ta chỉ té nước tượng trưng, theo nghi thức; còn những nơi dân dã thì họ đùa vui thoải mái. Có lẽ thế nên nhiều người cho rằng: lễ hội té nước là ngày hội của tự do. Mọi người té nước cho nhau, trong nhà, ngoài bản, trên các đường phố, dành cả cho những người đi đường… cùng những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Ở Myanmar, người ta còn tắm cho cả các loại gia cầm, ngoài đồng, trâu bò được tháo cày, thả tự do, được ăn ngon, ở sạch… Người dân nhiều nơi còn thực hiện nghi lễ phóng sinh, mở các lồng chim, thả cá xuống sông. Họ hy vọng ở việc làm điều thiện sẽ càng giúp cho họ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Người dân các quốc gia mang tín ngưỡng thờ nước quan niệm rằng: người nào càng ướt nhiều thì trong năm mới càng đạt được nhiều điều mong muốn, gặp may mắn và hạnh phúc. Tham gia ngày hội này, ai cũng bị ướt và không hề tỏ ra bực tức. Họ hớn hở dội nước vào nhau, thậm chí thanh niên còn rủ nhau ra sông suốt để nô đùa với nước thật thỏa thích. Trước đây cũng như bây giờ, mọi lứa tuổi, không phân biệt thành phần tôn giáo hay tín ngưỡng đều tham gia ngày hội té nước một cách bình đẳng. Có lẽ vì thế, nhiều người thống nhất cho rằng: đây thực sự là ngày hội theo đầy đủ nghĩa của từ này (6).

Tại Inđônêxia, trước năm mới hai ngày, người dân đất nước Đảo Dừa mang những tượng thần trong nhà hoặc trong chùa cùng các lễ vật linh thiêng ra bờ sông hay bờ biển, làm lễ tắm rửa cho thần. Sau cùng, họ làm nghi lễ xin nước về làm sạch nhà cửa, cơ thể… đón năm mới. Còn ở Philippin, ngày tết cổ truyền, người dân kéo nhau ra sông, ra biển tắm với hy vọng dòng nước kia sẽ cuốn trôi đi mọi ưu phiền trong năm cũ và mang những điều mang mắn, hạnh phúc bao phủ khắp cơ thể họ (7). Cũng mang quan niệm đó, vào ngày tết Nguyên đán, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ có tục lệ đến một con sông hoặc một cái giếng linh thiêng nào đó để lấy nước thờ. Họ lấy một tấm lụa đỏ để lọc nước trước khi đưa nước vào chiếc bình mang về. Người ta sẽ lấy thứ nước này nấu cùng lá thơm để tắm cho các tượng thờ, rồi trang trọng lau rửa bàn thờ tổ tiên đón mừng năm mới (8). Hiện nay vẫn có nhiều nơi, người Việt Nam vẫn giữ tục lệ nấu nước với lá thơm để tắm rửa trong ngày ba mươi, trước giờ đón giao thừa (9).

Từ rất lâu rồi, việc thờ nước đã trở thành tín ngưỡng phổ biến trên trái đất, nhưng không có vùng nào như Đông Nam Á, tín ngưỡng này lại tồn tại lâu đời và được người dân chào đón hân hoan như thế. Tại khu vực này, hầu như trong mọi lễ hội, kể cả tết cổ truyền với tư cách là lễ hội lớn nhất của một dân tộc, người ta luôn bắt gặp những nghi lễ thờ thần nước hoặc những tục, trò… liên quan tới việc thờ nước. Lễ hội té nước của mỗi dân tộc nơi đây, ngoài những điểm chung, còn mang những nét riêng, khiến sắc màu của tín ngưỡng thờ nước ở khu vực này càng trở nên đa dạng và hấp dẫn.

__________________

1. Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện, Phong tục các dân tộc Đông Nam ÁNxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997.

2. Nguyễn Duy Thiệu, Các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.122.

3. Bùi Thị Ánh Vân, Vũ Thị Hoàng Yến, Phong tục và lễ hội mang màu sắc Phật giáo ở Myanmar, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 324, tháng 6-2011.

4, 6. Văn hóa lễ hội của các dân tộc Đông Nam ÁNxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1992, tr.87.

5. Vũ Quang Thiện, Vũ Thị Oanh, Ở xứ chùa VàngNxb Văn hóa, Hà Nội, 1988.

7. Đức Ninh (Chủ biên), Tìm hiểu lịch sử, văn hóa Philippin, tập 1, Trung tâm KHXH và Nhân văn quốc gia.

8. Trần Bình Minh, Những tương đồng giữa các lễ hội cổ truyền Đông Nam ÁNxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 68.

9. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tụcNxb Hà Nội, 1999.

Bùi Thị Ánh Vân

Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013

(Nguồn: http://vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-dong-nam-a/2559-bui-thi-anh-van-tin-nguong-tho-nuoc-trong-tet-co-truyen-o-dong-nam-a.html)