Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam.

Thầy Then thực hiện nghi lễ cúng Then. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định này được đưa ra vào hồi 15 giờ 23 phút (giờ địa phương) ngày 12/12, tức 3 giờ 23 phút (giờ Việt Nam) ngày 13/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Bogotá, Cộng hòa Colombia.

THỰC HÀNH NGHI LỄ KHÔNG THỂ THIẾU

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương... người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái cổ, thực hành Then xuất hiện ở những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…

Bên cạnh đó, Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa tới hội họa và trình diễn…. Người hát Then trong những dịp lễ, Tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn tính.

Then được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Di sản này của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) và vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai)...

TIÊU CHÍ VINH DANH

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, Hồ sơ đề cử Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

“Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau,” báo cáo chỉ rõ.

Ngoài ra, một trong những tiêu chí quan trọng khác là sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng. Từ năm 2001, Chính phủ đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then.

Cụ thể, các cơ quan chức năng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa; nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường... Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan đã tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn.

Tại Việt Nam, di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012 và thường xuyên được kiểm kê, cập nhật.

“Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO,” Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thu Hiền khẳng định./.

Theo Vietnam+

Nguồn: http://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/thuc-hanh-then-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-the-gioi-125891

Căn cứ Quyết định số 852/QĐ-ĐHTB ngày 13/9/2019 về việc thành lập các Hội đồng nghiệm thu tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam cấp trường, Ngày 29 tháng 9 năm 2019, tại trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra buổi họp nghiệm thu “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam”.

Tài liệu do nhóm biên soạn: ThS. Lò Bình Minh, ThS. Lê Văn Minh, ThS. Hoàng Sơn Hà (Trường Đại học Tây Bắc) thực hiện.

Hội đồng nghiệm thu gồm các thành viên:

STT

Họ và tên

Chức danh hội đồng thẩm định

Đơn vị

1

TS. Bùi Văn Thành

Chủ tịch

Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT

2

CN. Cà Văn Chung

Phản biện 1

Sở khoa học công nghệ tỉnh sơn la

3

CN. Hoàng Mai Lương

Phản biện 2

Sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La

4

TS. Vi Văn An

Uỷ viên

Viện Văn hóa dân gian, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

5

CN. Cầm Thị Vân

Uỷ viên

Sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La

6

TS. Nguyễn Hoàng Yến

Uỷ viên

Trường Đại học Tây Bắc

7

ThS. Lưu Văn Minh

Thư ký

Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT

Tại buổi nghiệm thu, ThS. Lò Bình Minh đại diện cho nhóm biên soạn tài liệu báo cáo kết quả trước Hội đồng.

Dựa trên những ý kiến đóng góp, nhận xét của các thành viên từ Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, nhóm biên soạn tài liệu đã có những chỉnh sửa để hoàn thiện các thủ tục sau chỉnh sửa cũng như các sản phẩm của đề tài là Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam gồm 02 cuốn.

Kết thúc buổi họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao kết quả đạt được của bộ tài liệu và nhất trí xếp loại Khá. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu đồng ý cho phát hành và đưa vào sử dụng 02 cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam” tại trường Đại học Tây Bắc và địa phương có nhu cầu.

  

  Hội đồng nghiệm thu ngày 29/9/2019 tại trường Đại học Tây Bắc

 Một số thông tin về đề tài:

  1. Mục tiêu của đề tài

- Đối tượng đào tạo là cán bộ, công chức và người có nhu cầu về tiếng và chữ Thái Việt Nam tại trường Đại học Tây Bắc và các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Giúp người học có kiến thức cơ bản về tiếng Thái như: ngữ âm (đặc biệt là cách phát âm các phụ âm đầu, nguyên âm, vần, thanh điệu), từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp,…

- Có kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt là kỹ năng phát âm đúng để có thể giao tiếp bằng tiếng Thái.                

            - Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa của người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La.

  1. Nội dung chính

            Tài liệu gồm 350 tiết, chia làm 02 phần (02 quyển)

Phần 01 (quyển 01 gồm 34 bài) : âm - vần tiếng Thái được cấu trúc thành 04 phần: âm, vần; âm, vần trong từ; từ ứng dụng, câu ứng dụng; viết âm, vần, từ. Bài ôn tập được cấu trúc 02 phần: ghép âm, vần; điền âm, vần.

Phần 02 (quyển 02) gồm 12 chủ đề:

- Chủ đề I: Gia đình, họ tộc và các mối quan hệ thân thuộc (6 bài)

- Chủ đề II: Bản làng, thôn xóm (5 bài)

- Chủ đề III: Thiên nhiên, môi trường (4 bài)

- Chủ đề IV: Văn hóa, văn học dân tộc Thái (5 bài)

- Chủ đề V: Quê hương, đất nước, con người (3 bài)

- Chủ đề VI: Lao động sản xuất (5 bài)

- Chủ đề VII: Khoa học, giáo dục (4 bài)

- Chủ đề VIII: Đảng và Bác Hồ (4 bài)

- Chủ đề IX: An ninh, bảo vệ Tổ quốc (4 bài)

- Chủ đề X: Chăm sóc sức khỏe (5 bài)

- Bài đọc thêm (15 bài)

Nội dung nhằm chuyển tải kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, hướng dẫn thực hành ngôn ngữ Thái.

Chọn nội dung, vấn đề tiếp cận ngôn ngữ, văn hóa giúp người học vừa tiếp cận được ngôn ngữ vừa hiểu biết về văn hóa Thái

  1. Kết quả đạt được

- Tài liệu được biên soạn, tổ chức khoa học, thống nhất với các loại tài liệu dạy học về ngôn ngữ. Nội dung phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa Thái, đặc biệt là hệ thống ngữ liệu đa dạng về thể loại và phong cách, hình ảnh trong tài liệu phong phú và sắc nét.

- Tài liệu được xây dựng hoàn chỉnh về hình thức và nội dung đáp ứng nhu cầu sử dụng vào việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái.

- Tài liệu có giá trị thực tiễn to lớn, đáp ứng thiết thực nhu cầu dạy và học tiếng, chữ Thái tại Trường Đại học Tây Bắc cũng như trên địa bàn, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ, chữ viết của cộng đồng người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

 

Lịch sử các xã, huyện, các ban ngành, nhất là lịch sử Đảng bộ các xã, huyện luôn có mối liên hệ gắn bó mật thiết với lịch sử đất nước nói chung và lịch sử các tỉnh, huyện, xã nói riêng. Do đó, trong những năm gần đây, Tỉnh Sơn La rất chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung, biên soạn lịch sử Đảng bộ các ban, ngành, các huyện, xã trong tỉnh. Nhiều cuốn lịch sử Đảng bộ các huyện, xã đã được nghiệm thu với chất lượng cao như Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu, Lịch sử Đảng bộ huyện Phù Yên, Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, Lịch sử Hội phụ nữ Tỉnh Sơn La...và đã được thẩm định, xuất bản thành sách. Đây chính là những nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình phát triển của các Đảng bộ huyện, xã nói riêng cũng như là nguồn tư liệu giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương đất nước và các thế hệ cha anh đi trước.

Hội đồng phê duyệt đề tài “Nghiên cứu biên soạn lịch sử quân sự tỉnh Sơn La (1945 - 2020)” tại Sở khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La (ngày 23/4/2020)

Tiếp nối chủ trương trên, cuối tháng 4 năm 2020, được sự nhất trí của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2020 về việc Quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chỉnh lý, biên soạn, bổ sung lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên (1945 - 2020)” và Quyết định số 667/QĐ-UBND về ngày 03 tháng 4 năm 2020 về việc Quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài “Nghiên cứu biên soạn lịch sử quân sự tỉnh Sơn La (1945 - 2020)”. Hai Hội đồng tuyển chọn đề tài đã được tổ chức tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La. Quá trình tiến hành các Hội đồng phê duyệt đề tài diễn ra nghiêm túc, đúng trình tự và có nhiều đóng góp khoa học, thực tiễn cho quá trình thực hiện nếu đề tài được phê duyệt. Kết quả, cả hai đề tài đều được Hội đồng thông qua và cho phép thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2021. Sau khi hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là các tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu lịch sử nói chung và phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử, giáo dục tại địa phương nói riêng.  

Hội đồng phê duyệt đề tài “Nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung, biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên (1945 - 2020)” tại Sở khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La (ngày 27/4/2020)

 

Đầu tháng 12 năm 2019, tại Thành phố Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả, nhiều nhà khoa học có uy tín của hai nước, cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương của các tỉnh dọc biên giới hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.

Trong bài tham luận của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam chia sẻ những thành tựu bước đầu về công tác dân tộc của Việt Nam đã nêu lên một số nội dung được coi như kinh nghiệm của Việt Nam về giải quyết vấn đề dân tộc như: Đảng phải lãnh đạo xây dựng được đường lối đúng đắn, kiên định, nhất quán đối với công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, quyết định để triển khai thực hiện; Phải thực sự quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… Đặc biệt, đồng chí Đỗ Văn Chiến đã đề cập tới đề xuất của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về vấn đề dân tộc, được Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội  vùng dân tộc thiểu số và miền núi; theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030.

Hội thảo quốc tế về quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam và chia se kinh nghiệm về công tác dân tộc diễn ra tại thành phố Vinh (Nghệ An) tháng 12/2019

Trên tinh thần đó, ngày 15 tháng 02 năm 2020, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết số 12/ NQ- CP của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số sẽ bao gồm 10 dự án thành phần, trong đó lại chia thành các tiểu dự án nhỏ, bao phủ hết các mặt của đời sống xã hội như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản và đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đoàn đại biểu của Ủy ban dân tộc và miền núi tỉnh Sơn La tham dự hội thảo tại tp Vinh tháng 12/2019

Theo Nghị quyết, Chính phủ đã phân công trực tiếp cho Ủy ban dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, theo dõi, đôn đốc việc triển khai Nghị quyết, báo cáo định kỳ và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết theo quy định tại điều 5 của Nghị quyết này.

Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của nước ta cũng như góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài do đại dịch Covid và biến đổi khí hậu đang tác động từng ngày từng giờ tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hy vọng thời gian tới, các Dự án được triển khai sẽ làm thay đổi hơn nữa bộ mặt đời sống dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực, tạo sinh kế bền vững cũng như góp phần to lớn vào giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

 

Nhằm thực hiện chủ trương tăng cường kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữa đơn vị nghiên cứu – đào tạo Trường Đại học Tây Bắc cùng các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La, ngày 12 tháng 5 năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai xã Chiềng Kheo và Nà Bó, huyện Mai Sơn.

Tham gia buổi gặp gỡ có đại diện lãnh đạo hai xã Chiềng Kheo và xã Nà Bó cùng các cán bộ nhân viên Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (trực thuộc Trường Đại học Tây Bắc).

Giám đốc Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc làm việc cùng đại diện lãnh đạo xã Chiềng Kheo (huyện Mai Sơn)

 

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo hai xã Chiềng Kheo và Nà Bó đã có những chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới nói riêng, khái quát về tình hình dân số và các tộc người tại địa phương, nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới,… Về phía Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, đại diện lãnh đạo đơn vị cũng thông tin đến lãnh đạo địa phương về chức năng, nhiệm vụ và khả năng đào tạo nguồn nhân lực của Trường Đại học Tây Bắc trên các lĩnh vực hiện là thế mạnh như giáo dục, nông lâm, kinh tế… đồng thời chỉ ra khả năng nghiên cứu và liên kết nghiên cứu giữa Nhà trường cùng các địa phương khác trên địa bàn trong và ngoài tỉnh những năm qua đã và đang được đẩy mạnh, có những kết quả nổi bật góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng đời sống người dân.

Đại diện Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc làm việc cùng

đ/c Lê Văn Thuân - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nà Bó (huyện Mai Sơn)

 

Riêng Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc với chức năng là một đơn vị chuyên trách nghiên cứu và liên kết nghiên cứu về văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, lãnh đạo Trung tâm hy vọng trong thời gian tới giữa hai đơn vị sẽ có những hợp tác trong nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nghiên cứu về văn hóa và biến đổi văn hóa tộc người… nhằm góp phần tư vấn các chính sách trong phát triển kinh tế xã hội địa phương một cách cụ thể, sát thực nhất dựa trên các kết quả nghiên cứu về tộc người, từ đó tăng cường nâng cao chất lượng đời sống người dân tại địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung.

Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo hai xã Nà Bó và Chiềng Kheo đã ghi nhận những thông tin được trao đổi, đồng ý cung cấp các số liệu liên quan theo đề nghị của Trung tâm và ghi nhận sẽ tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ nhân viên Trung tâm trong quá trình thực hiện điền dã, thu thập thông tin nghiên cứu tại địa phương.