Căn cứ Quyết định số 852/QĐ-ĐHTB ngày 13/9/2019 về việc thành lập các Hội đồng nghiệm thu tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam cấp trường, Ngày 29 tháng 9 năm 2019, tại trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra buổi họp nghiệm thu “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam”.

Tài liệu do nhóm biên soạn: ThS. Lò Bình Minh, ThS. Lê Văn Minh, ThS. Hoàng Sơn Hà (Trường Đại học Tây Bắc) thực hiện.

Hội đồng nghiệm thu gồm các thành viên:

STT

Họ và tên

Chức danh hội đồng thẩm định

Đơn vị

1

TS. Bùi Văn Thành

Chủ tịch

Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT

2

CN. Cà Văn Chung

Phản biện 1

Sở khoa học công nghệ tỉnh sơn la

3

CN. Hoàng Mai Lương

Phản biện 2

Sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La

4

TS. Vi Văn An

Uỷ viên

Viện Văn hóa dân gian, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

5

CN. Cầm Thị Vân

Uỷ viên

Sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La

6

TS. Nguyễn Hoàng Yến

Uỷ viên

Trường Đại học Tây Bắc

7

ThS. Lưu Văn Minh

Thư ký

Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT

Tại buổi nghiệm thu, ThS. Lò Bình Minh đại diện cho nhóm biên soạn tài liệu báo cáo kết quả trước Hội đồng.

Dựa trên những ý kiến đóng góp, nhận xét của các thành viên từ Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, nhóm biên soạn tài liệu đã có những chỉnh sửa để hoàn thiện các thủ tục sau chỉnh sửa cũng như các sản phẩm của đề tài là Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam gồm 02 cuốn.

Kết thúc buổi họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao kết quả đạt được của bộ tài liệu và nhất trí xếp loại Khá. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu đồng ý cho phát hành và đưa vào sử dụng 02 cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái Việt Nam” tại trường Đại học Tây Bắc và địa phương có nhu cầu.

  

  Hội đồng nghiệm thu ngày 29/9/2019 tại trường Đại học Tây Bắc

 Một số thông tin về đề tài:

  1. Mục tiêu của đề tài

- Đối tượng đào tạo là cán bộ, công chức và người có nhu cầu về tiếng và chữ Thái Việt Nam tại trường Đại học Tây Bắc và các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Giúp người học có kiến thức cơ bản về tiếng Thái như: ngữ âm (đặc biệt là cách phát âm các phụ âm đầu, nguyên âm, vần, thanh điệu), từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp,…

- Có kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt là kỹ năng phát âm đúng để có thể giao tiếp bằng tiếng Thái.                

            - Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa của người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La.

  1. Nội dung chính

            Tài liệu gồm 350 tiết, chia làm 02 phần (02 quyển)

Phần 01 (quyển 01 gồm 34 bài) : âm - vần tiếng Thái được cấu trúc thành 04 phần: âm, vần; âm, vần trong từ; từ ứng dụng, câu ứng dụng; viết âm, vần, từ. Bài ôn tập được cấu trúc 02 phần: ghép âm, vần; điền âm, vần.

Phần 02 (quyển 02) gồm 12 chủ đề:

- Chủ đề I: Gia đình, họ tộc và các mối quan hệ thân thuộc (6 bài)

- Chủ đề II: Bản làng, thôn xóm (5 bài)

- Chủ đề III: Thiên nhiên, môi trường (4 bài)

- Chủ đề IV: Văn hóa, văn học dân tộc Thái (5 bài)

- Chủ đề V: Quê hương, đất nước, con người (3 bài)

- Chủ đề VI: Lao động sản xuất (5 bài)

- Chủ đề VII: Khoa học, giáo dục (4 bài)

- Chủ đề VIII: Đảng và Bác Hồ (4 bài)

- Chủ đề IX: An ninh, bảo vệ Tổ quốc (4 bài)

- Chủ đề X: Chăm sóc sức khỏe (5 bài)

- Bài đọc thêm (15 bài)

Nội dung nhằm chuyển tải kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, hướng dẫn thực hành ngôn ngữ Thái.

Chọn nội dung, vấn đề tiếp cận ngôn ngữ, văn hóa giúp người học vừa tiếp cận được ngôn ngữ vừa hiểu biết về văn hóa Thái

  1. Kết quả đạt được

- Tài liệu được biên soạn, tổ chức khoa học, thống nhất với các loại tài liệu dạy học về ngôn ngữ. Nội dung phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa Thái, đặc biệt là hệ thống ngữ liệu đa dạng về thể loại và phong cách, hình ảnh trong tài liệu phong phú và sắc nét.

- Tài liệu được xây dựng hoàn chỉnh về hình thức và nội dung đáp ứng nhu cầu sử dụng vào việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng, chữ Thái.

- Tài liệu có giá trị thực tiễn to lớn, đáp ứng thiết thực nhu cầu dạy và học tiếng, chữ Thái tại Trường Đại học Tây Bắc cũng như trên địa bàn, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ, chữ viết của cộng đồng người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới.