Đầu tháng 12 năm 2019, tại Thành phố Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả, nhiều nhà khoa học có uy tín của hai nước, cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương của các tỉnh dọc biên giới hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.

Trong bài tham luận của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam chia sẻ những thành tựu bước đầu về công tác dân tộc của Việt Nam đã nêu lên một số nội dung được coi như kinh nghiệm của Việt Nam về giải quyết vấn đề dân tộc như: Đảng phải lãnh đạo xây dựng được đường lối đúng đắn, kiên định, nhất quán đối với công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, quyết định để triển khai thực hiện; Phải thực sự quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… Đặc biệt, đồng chí Đỗ Văn Chiến đã đề cập tới đề xuất của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về vấn đề dân tộc, được Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội  vùng dân tộc thiểu số và miền núi; theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030.

Hội thảo quốc tế về quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam và chia se kinh nghiệm về công tác dân tộc diễn ra tại thành phố Vinh (Nghệ An) tháng 12/2019

Trên tinh thần đó, ngày 15 tháng 02 năm 2020, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết số 12/ NQ- CP của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số sẽ bao gồm 10 dự án thành phần, trong đó lại chia thành các tiểu dự án nhỏ, bao phủ hết các mặt của đời sống xã hội như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản và đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đoàn đại biểu của Ủy ban dân tộc và miền núi tỉnh Sơn La tham dự hội thảo tại tp Vinh tháng 12/2019

Theo Nghị quyết, Chính phủ đã phân công trực tiếp cho Ủy ban dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, theo dõi, đôn đốc việc triển khai Nghị quyết, báo cáo định kỳ và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết theo quy định tại điều 5 của Nghị quyết này.

Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của nước ta cũng như góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài do đại dịch Covid và biến đổi khí hậu đang tác động từng ngày từng giờ tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hy vọng thời gian tới, các Dự án được triển khai sẽ làm thay đổi hơn nữa bộ mặt đời sống dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực, tạo sinh kế bền vững cũng như góp phần to lớn vào giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hội nhập hiện nay.