Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, sinh sống ở trên nhiều vùng địa lý và văn hóa sinh thái khác nhau. Vì vậy, mỗi tộc người có bản sắc văn hóa khác nhau, đa dạng và độc đáo. Có thể nói rằng, với sự đa dạng và độc đáo đó của văn hóa tộc người ấy mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã gọi Việt Nam là “thiên đường của dân tộc học”. Đây chính là một cái vốn văn hóa (cultural capital) mà dựa vào đó chúng ta có thể mời gọi sự hợp tác khoa học với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ cũng như với các nhà khoa học ở các nước trên thế giới.

Đối với các nhà nghiên cứu trong nước ở trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong nước (dân tộc học, nhân học, văn hóa dân gian, nghệ thuật học…) thì đây cũng là “mỏ vàng” vô hạn. Có thể thấy điều đó ở số lượng công trình nghiên cứu cũng như hướng nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu và cá nhân các nhà khoa học đã tập trung vào những đề tài về đời sống và văn hóa của các dân tộc ít người ở Việt Nam nhiều đến như thế nào.  

- Về mặt chính sách, Đảng và nhà nước ta luôn có những chủ trương, đường lối cũng như các chương trình quốc gia (về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục) nhằm hỗ trợ phát triển đời sống của các tộc người ở Việt Nam và tạo điều kiện để họ phát huy bản sắc văn hóa của mình. 

- Về mặt truyền thông, các phương tiện truyền thông đại chúng (báo, đài truyền thanh, truyền hình) luôn là phương tiện đắc lực trong việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đến với đồng bào dân tộc. Đồng thời, giới thiệu những điển hình, những đặc điểm văn hóa riêng biệt, độc đáo của họ cho đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế thưởng thức. 

Mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi như vậy nhưng trên thực tế văn hóa các tộc người ở Việt Nam vẫn chỉ đang là cái “vốn văn hóa tiềm năng”, chưa được khai thác và phát huy đúng mức. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình trạng này. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề: Phải chăng chất lượng nghiên cứu văn hóa tộc người của chúng ta chưa cao? Và nhân học hình ảnh - một chuyên ngành khoa học mới, liệu có giúp ích gì trong hỗ trợ chính sách văn hóa tộc người ở Việt Nam. 

1. Vài nét về tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn hóa tộc người ở Việt Nam. 

Trước khi tiếp nhận những quan điểm nhân học hiện đại của các học giả Bắc Mỹ, Anh quốc, một thời gian khá dài, quan điểm chủ đạo ở các viện nghiên cứu (dân tộc học, văn hóa dân gian, văn hóa nghệ thuật), các trường đại học của ta là quan điểm duy vật lịch sử, sau đó có tiếp nhận thêm những quan điểm khác như quan điểm cấu trúc, quan điểm hệ thống… và các nhà nghiên cứu thường tiếp cận văn hóa tộc người theo mô hình từ trên xuống  (Top-down): Xuất phát từ những trang bị lý thuyết nào đó để xử lý những dữ liệu điền dã dân tộc học và văn hóa dân gian từ các dân tộc thiểu số.  

Rất nhiều những kết quả nghiên cứu của chúng ta thời kỳ này giới thiệu văn hóa các tộc người chỉ như là những gì “độc đáo”, “lạ” trong mối liên hệ với văn hóa của dân tộc chủ thể - người Kinh. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài khi tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt nam đã rất ngỡ ngàng khi nơi đây trưng bày những hình nhân kèm theo trang phục của những tộc người ở Việt Nam. Họ ngạc nhiên bởi những tộc người được trưng bày ở đây hiện vẫn tồn tại bình đẳng với bất kỳ công dân nào ở Việt Nam (chứ không phải đã bị diệt vong, cũng không phải là người rừng), sao người ta lại có thể đưa họ vào tủ kính như vậy. Đối với họ, đây là một sự xúc phạm văn hóa tộc người và là một sự ấu trĩ hài hước. Vấn đề trưng bày này chúng ta thường gặp ở tất cả các bảo tàng có trưng bày về văn hóa tộc người ở Việt Nam. 

Cũng xuất phát từ quan điểm nghiên cứu như vậy mà không ít những nghiên cứu văn hoá ở ta đã diễn tả không chính xác, thậm chí sai ý nghĩa dẫn đến sự bóp méo văn hoá của một tộc người.  

Ví dụ: Trong một nghiên cứu về lễ tang của người H’Mông ở Thanh Hoá (một dự án nghiên cứu văn hóa phi vật thể trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2003), các tác giả đã “gọi” tục người H’Mông đưa xác người quá cố ra giữa sân nhà là tục phơi xác - mang xác của người chết ra ngoài trời, để ngửa họ lên, cho dù trời nắng? Điều này thực chất đã không phản ánh đúng văn hoá của người H’Mông. Những thông tin trên được thu thập qua người phiên dịch. Người phiên dịch đã cung cấp cho những nhà nghiên cứu những từ ngữ sai như tục phơi xác (mà đáng ra nó phải được hiểu như cách ứng xử cổ truyền của cộng đồng, tộc họ đối với người chết để người chết có thể nhìn thấy bầu trời xanh, nhìn thấy nơi mà linh hồn họ sẽ bay về với tiên tổ của mình)(1).  

Đa phần các nghiên cứu của chúng ta hướng vào việc sưu tầm, ghi chép phong tục, nghệ thuật dân gian theo kiểu mô tả dân tộc học là chính. Chưa có nhiều những nghiên cứu văn hóa đương đại, phân tích những tác động làm biến đổi xã hội các tộc người, những hệ quả của nó và chưa phát hiện những  xung đột đang diễn ra trong chính các cộng đồng và các nền văn hóa tộc người. Nhìn chung, những nghiên cứu văn hoá tộc người có tính ứng dụng thực tiễn chưa cao. Vì thế, tuy nhiều về số lượng, nhưng những nghiên cứu có thể tư vấn cho Đảng và Nhà nước ta trong chính sách tộc người nói chung, chính sách văn hóa tộc người nói riêng là quá ít.

Về mặt truyền thông: Đài phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương luôn làm nhiều vở kịch truyền thanh, truyền hình, làm nhiều phim (cả phim tài liệu lẫn phim nghệ thuật) về các tộc người thiểu số với mục đích giới thiệu, tuyên truyền những nét văn hóa độc đáo của họ. Tuy nhiên, do không am hiểu văn hóa của các dân tộc thiểu số nên những bộ phim này chỉ thường thể hiện những đặc điểm bề ngoài của đồng bào, những ý nghĩa văn hóa của họ thì không thể diễn đạt được. Điều đó mang lại sự phản cảm hoặc sự hiểu lầm của người xem. Ví dụ: Chúng ta vẫn thấy trong các phim truyền hình hay các kịch truyền thanh thường thể hiện tính cách của đồng bào các dân tộc bằng những từ ngữ như “ơ lúi, mình nghe thấy cán bộ về xã…”, “Cái con ma kia, mày làm hại con A, tao, mày…” v.v... 

 2. Phim dân tộc học/ nhân học không chỉ đổi mới về phương cách truyền tải thông tin mà là một sự thay đổi quan điểm lý thuyết trong nghiên cứu văn hóa tộc người. 

Theo quan điểm của nhà nhân học Malinowsky cho rằng: mục tiêu cuối cùng của các nhà dân tộc học, nhân học là “nắm bắt cách nhìn nhận của người bản địa, mối quan hệ của họ với đời sống, hiểu được sự nhìn nhận của họ về thế giới của họ”(1). 

Các nhà nhân học theo quan điểm này tiếp cận văn hóa tộc người theo mô hình bottom - up: Họ cho rằng, bằng việc “hiểu” các ý nghĩa ở những quan hệ tương tác cụ thể, người ta mới có thể tránh được những áp đặt có tính cách phương pháp luận và lý giải được những khác biệt và những đặc thù của các nền văn hoá.  

Bắt đầu từ những năm 1950, khuynh hướng này được phát triển mạnh: Nhiều nhà dân tộc học/ nhân học đã xây dựng một chương trình phương pháp luận mới cho việc tiến hành điều tra nghiên cứu hiện trường. Người ta gọi đó là dân tộc học khoa học hay là dân tộc học mới. Dân tộc học mới này được xây dựng dựa trên sự phê phán cách điều tra, nghiên cứu hiện trường truyền thống. Họ phê phán rằng dân tộc học truyền thống là không khoa học. Các nhà dân tộc học mới cho rằng: Phải cố gắng thể hiện những thực tế văn hoá như nó được nhận thức và sống bởi các thành viên xã hội đó. Do đó họ khẳng định rằng những mô tả văn hoá cần emic (mô tả - diễn giải của người trong cuộc hoặc mang tính/ dựa trên sự thông hiểu và theo tư tưởng của chủ thể nền văn hoá ấy) hơn etic (mô tả - diễn giải của nhà nghiên cứu (ngoài cuộc), không dựa trên sự thông hiểu và theo tư tưởng của chủ thể)(1).  

Nhìn lại lịch sử phim dân tộc học/nhân học ta cũng thấy nó phản ảnh một quá trình thay đổi nhận thức như quá trình thay đổi trong lý thuyết nhân học văn bản: Từ những cảnh quay các cử chỉ, “mô phỏng động tác” của Regnault (Regnault, Felix-Louis 1986a, 1986b, 1987), đến những cảnh quay tư liệu (không phải là những cảnh quay để biên tập thành một bộ phim) của Boas (Ruby,1983: 27, 29), đến những bộ phim hoàn chỉnh của Flaherty đều bộc lộ khá rõ quan điểm của người làm phim, coi người được làm phim chỉ như là sự vật được nghiên cứu và làm phim vì mục đích nghiên cứu khoa học của họ hoặc chỉ để bày tỏ quan niệm luyến tiếc một nền văn hóa đang bị nền văn minh phương tây tiêu diệt(Colomres 1985a,12). Chỉ đến thời kỳ của J. Marshall trở đi, cái mà Malinowsky gọi là “cách nhìn nhận của người bản địa” mới được các nhà làm phim coi trọng và xem như là nguyên tắc cơ bản trong làm phim nhân học. Và các nhà làm phim, bằng những hình ảnh, âm thanh sống động, bằng những lời nói của chủ thể, bằng ngôn ngữ bản địa…đã thể hiện “cách nhìn” ấy theo nghĩa đen của từ này. Những bộ phim như Những kẻ đi săn (Marshall 1957, Những trái dưa hấu đắng (bitter melons) (Marshall 1971); hoặc những bộ phim như “Những ông thầy điên” (Rouch), hoặc  như “The ax fight (Asch và Chagnon 1971)”, Cái chết ma thuật (Magical Death) (Chagnon 1970)… đã cho thấy sự thay đổi rất căn bản ấy (xem El Guindi, Fadwa.1998). Đó thực sự là sự thay đổi về phương pháp luận: Thay vì “nói thay” người bản xứ như những phim thuở ban đầu, ngày nay người làm phim đóng vai trò chủ yếu là người nói hộ, nói cùng với người bản xứ, thậm chí tạo điều kiện để cho cộng đồng người bản địa tự lên tiếng (như trong các phim bản địa và phim cộng đồng). 

Ngay nay, cũng giống như nhân học văn bản, phim nhân học đã đi vào nghiên cứu - làm phim về những đối tượng không chỉ là những người “bản xứ” ở những nền văn hóa xa xôi, khác lạ nữa, mà còn là những con người đang sống ngay trong xã hội đương đại, cùng với những người làm phim. Phim nhân học về những nền văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn đang phát triển, bởi nó không chỉ hấp dẫn khán giả về mặt nội dung mà nó còn có tác dụng tích cực đối với những người, những cộng đồng được làm phim trong quá trình kết nối họ với thế giới.  

“Phim nhân học ngày càng trở thành nhánh nghiên cứu nhân học quan trọng khi giới nghiên cứu nhân học ngày càng coi trọng quan điểm: Nhân học không chỉ phân tích, diễn giải văn hóa, xã hội của các tộc người (tức không chỉ có chức năng thông tin) mà còn phải biết truyền, chia sẻ cho người xem những xúc cảm của những người trong cuộc(1)”.  Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc kể những câu chuyện thật, nhân vật thật, nhà làm phim cần phải hiểu được ngôn ngữ bản địa để có thể diễn giải chính xác ý nghĩa của câu chuyện hay của một biểu tượng văn hóa nào đó. Những phim dân tộc học được biên tập và sử dụng ngôn ngữ tộc người sẽ tránh được nguy cơ làm sai lệch hoặc không chuyển tải được hết ý nghĩa của văn hóa tộc người.  

Qua một vài phim dân tộc học/ nhân học về văn hóa tộc người ở Việt Nam, chúng tôi đã nhận thấy ưu thế khá nổi trội của những bộ phim được làm theo phong cách này.  

Ví dụ, khi xem “Nghi lễ cầu mưa của người Raglai” (phim, 2009) chúng tôi chợt nhận ra một điều là: Định kiến của mình về người Raglai như là một bản sao nhạt nhòa của người Chăm là không chính xác. Khi tiến hành nghi lễ, ta thấy người Raglai đã gọi tên một loạt vị thần (với tên gọi riêng) của họ mà hoàn toàn không giống với người Chăm;  

Cũng tương tự như vậy khi chúng tôi xem bộ phim “Yuer Yang”- Lễ cầu an của người Chăm (phim, 2008). Bộ phim này đã sử dụng ngôn ngữ Chăm (từ lời dẫn, đến những lời cúng, đến những câu kinh, hay tự bạch của người dân) và có phụ đề bằng tiếng Việt. Phải nói rằng, tác động cảm xúc cũng như lý trí của những gì được thể hiện sinh động bằng ngôn ngữ của người Chăm mạnh mẽ và trực tiếp hơn hẳn nếu chúng ta xem bộ phim này mà lại đọc lời bình bằng tiếng Việt.  Hình ảnh, ngôn từ, âm nhạc hòa quyện vào nhau trong cảnh quay nghi lễ tắm và thay trang phục cho tượng  thần, truyền cho người xem một cảm xúc linh thiêng về vị thần ấy, đồng thời cũng mang đén cho người xem một nhận thức cảm tính về bề dày lịch sử cũng như trình độ văn minh của người Chăm. Hoặc đoạn phim về buổi đọc đại kinh ở trên tháp Po Klaong Girai: Người ta thấy được vẻ mặt say sưa của những vị tăng lữ, nghe được âm thanh nhiều bè của những câu kinh và lời kinh mang ý nghĩa triết lý sâu sắc: 

"Om... Hỡi Yang Apuy (thần hỏa),

Yang Atitiak (thần mặt trời)...

... Yang Tanah Riya (thần đất đai)...

đã ban sự sống cho muôn loài...

... cái gì tối tâm mù mịt nhất?

đó là tâm các ngươi còn u tối...

... trên trần gian cái gì cao nhất?

đó là chính tâm các ngươi được soi sáng...

... trên trần gian cái gì hèn hạ nhất?

đó chính là tâm các ngươi chứa đầy gian ác, dối trá...

... trên trần gian cái gì bén nhất?

đó là lưỡi các ngươi nếu nói sai...

... có thể hủy diệt hàng loạt hay cả một thế hệ." 

Điều đó khắc hẳn với cách làm phim với lời bình bằng tiếng Việt: Chúng ta hãy hình dung trong đoạn phim này, lời bình sẽ có câu: “Trong khi tắm và thay trang phục cho vị thần của mình, người ta hát những bài hát ca ngượi công ơn của vị thần ấy”, hoặc “Người Chăm có một nền văn hóa lâu đời và rất phát triển…”. Những lời bình luận kiểu như vậy chắc chắn không chia sẻ được cảm xúc của những người trong cuộc cho người xem phim. Ngay cả những lời khen ngợi về nền văn hóa bản địa cũng khó có thể dấu được giọng điệu kẻ cả, trịnh thượng của dân tộc chủ thể. 

3. Phim nhân học có thể trở thành một phương tiện hỗ trợ chính sách văn hóa tộc người 

Trong rất nhiều năm qua, Đảng và nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách nhằm ưu tiên, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ, phát triển cho  đồng bào dân tộc thiểu số ở mọi vùng của đất nước. Chính sách này được thể hiện ở các chương trình quốc gia về kinh tế, lâm nghiệp, hỗ trợ định cư, tái định cư, y tế và văn hóa- giáo dục. Về căn bản, những chương trình này đã góp phần làm bộ mặt kinh tế- xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao.  

Tuy nhiên, thực tiễn văn hóa - xã hội ở Việt Nam cũng đã cho thấy, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho đồng bào các dân tộc ít người đã không phát huy được tác dụng, sở dĩ như vậy là những người đề ra chính sách đã không thực sự “hiểu” được con người, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc, thậm chí lại lấy chính những tiêu chí về văn hóa - xã hội của người Việt để áp đặt vào cuộc sống của họ. Chúng tôi xin dẫn vài ví dụ ở lĩnh vực văn hóa: 

1) Chính sách định canh - định cư của chúng ta là xuất phát từ những kết quả nghiên cứu cho rằng: nhiều tộc người ở Việt Nam còn ở tình trạng rất lạc hậu - du canh, du cư - điều đó dẫn đến hệ quả là  môi trường sinh thái bị phá hoại (do đốt rừng làm rẫy). Thực chất, nếu ai đã từng cùng sống với đồng bào có thể nhận ra rằng: Từ ngàn đời, mỗi một cộng đồng tộc người đều đã có ý thức về địa lý, sở hữu đất đai và hiểu biết về thổ nhưỡng của những khu đất mà họ canh tác; họ hiểu rằng khi nào thì phải chuyển địa điểm canh tác, khi nào thì những địa điểm đã được khai thác lại có thể canh tác trở lại được. Chính đó là những tri thức bản địa về văn hóa sinh thái cần được tôn trọng thì lại bị coi là lối sống nguyên thủy, lạc hậu. Những chính sách như “Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”, “đưa dân đồng bằng đi khai hoang làm kinh tế miền núi” để rồi dẫn đến nạn phá rừng, phá núi, sông hồ… chính là hậu quả của quan điểm nghiên cứu tương tự. 

2) Năm 2007, để xây dựng hồ chứa nước Song Sắt (Bác Ái- Ninh Thuận), toàn bộ những người Raglai ở trên núi đã được di dời và định cư ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái hiện nay. “Ai đến Phước Thắng ngày nay cũng sẽ thấy mái ngói đỏ tươi giăng hàng, thẳng lối, điện sáng về đêm, tivi đầu đĩa rền vang tiếng nhạc tận khuya, xe Honda mới toanh nhà nào cũng có… Nhiều tác giả viết báo đã vui mừng gọi những khu định cư như thế này là phố núi”(1). Tuy nhiên, “trước tết âm lịch vừa qua (năm 2008), gần 200 người Raglai của 58 hộ ở thôn Halah bỗng bồng bế nhau trở về núi cao, bỏ lại nhà mới, tài sản mới, đất canh tác mới”.  

Tại sao vậy? Các nhà làm chính sách liệu có hiểu được nỗi lòng của những người Raglai này không: “Ngày xưa, hồi còn chiến tranh, mình thường đói muối, thiếu thuốc uống, thiếu cái mặc, nhưng cái ăn thì không thiếu, nếu mà thiếu thì làm sao có bắp, có lúa để nuôi cán bộ, bộ đội đánh giặc được. Hồi còn ở trên núi cao, mỗi nhà có tới ba đến bốn cái rẫy. Rẫy cũ thì mình ăn, rẫy mới có lúa bắp nhiều thì cho. Bây giờ về ở tập trung thì có điện, có đường, có trường học, có trạm xá, có tivi nhưng chỉ có một cái rẫy, một miếng ruộng mà đất lại xấu, trời lại không mưa, nhà nước cứ phải cứu đói miết, dân không vui mà nản lắm”(2). 

3) Việc nhà nước đã tốn nhiều công sức, tiền của để xây dựng thiết chế “nhà rông văn hóa” cho các cộng đồng tộc người Tây Nguyên nhưng đã thất bại cũng là một bài học đáng ghi nhớ của những nhà làm chính sách. Sở dĩ thất bại là do người dân không xem đây là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống và tâm linh của cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều nơi bị bỏ hoang phế, không phát huy tác dụng được. Với tham vọng kết hợp cả hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng và hoạt động văn hóa mới vào một thiết chế, có nơi thì lấy ngôi nhà rông truyền thống để làm thêm chức năng của nhà văn hóa, có nơi thì lại xây nhà văn hóa (theo kiểu kiến trúc của nhà rông truyền thống) để thay thế nhà rông truyền thống. Và kết quả là: Cái thiết chế văn hóa hỗn hợp này không thể mang lại những hiệu quả mà lẽ ra hai thiết chế kia khi đứng độc lập có thể đem lại. Vì thế, có nơi khi chúng ta lấy ngôi nhà rông truyền thống để làm nhà rông văn hóa thì dân chúng đã lặng lặng làm thêm một cái nhà rông khác để tiến hành những sinh hoạt theo truyền thống của mình v.v… 

Một số ví dụ trên đã có thể chứng minh được, cách nghiên cứu, cách cung cấp thông tin cho các nhà quản lý theo quan điểm cũ có thể ảnh hưởng tiêu cực như thế nào trong việc hoạch định và thực thi các chính sách văn hóa tộc người. 

Phim nhân học với những mặt mạnh, ưu thế như chúng tôi đã nêu ở mục 2 của bài viết này đã cho thấy khả năng nó có thể trở thành một phương tiện hỗ trợ việc hoạch định và thực thi chính sách dân tộc và văn hóa tộc người như thế nào. Tôi cho rằng, nếu các phương tiện truyền thông đại chúng có chủ trương hỗ trợ việc phát sóng các phim dân tộc học/ nhân học về tộc người/ văn hóa tộc người ở Việt Nam, nếu các nhà làm chính sách tiếp nhận được những thông tin từ các cộng đồng tộc người, lắng nghe tiếng nói, tâm tư của họ, hiểu văn hóa của họ sâu sắc hơn (chứ không phải là những báo cáo thành tích hay những đề đạt mang tính chủ quan của người nghiên cứu trung gian) thì họ sẽ có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn và thiết thực hơn cho chính cuộc sống của đồng bào các dân tộc ít người ở Việt Nam.  

Kết luận  

Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, là một khoa mới được thành lập (từ năm 2006). Đa phần sinh viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số (chủ yếu là các tộc người từ miền trung trở vào). Mặc dầu còn có những khó khăn như: sinh viên nghèo, mặt bằng kiến thức không đồng đều,  khả năng tiếp thu các môn lý luận còn yếu… nhưng  với sự nỗ lực của nhà trường trong việc tạo mọi điều kiện để các em học tập, nên kết quả đào tạo những khóa đầu tiên đã đạt được những thành công đáng khích lệ (Đa số sinh viên đã được nhận vào làm việc ở các cơ quan, ban ngành ở các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống).  

Sự nỗ lực ấy được thể hiện trước hết ở sự trăn trở của Ban Giám hiệu, của các thầy cô khoa Văn hóa dân tộc thiểu số: Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học? Những kiến thức nào, môn học nào là thiết thực với nghề nghiệp, công việc của các em sau khi ra trường? Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi đã đề nghị đưa vào chương trình một số môn học mới và đã được Ban Giám hiệu nhà trường phê duyệt. Nhân học hình ảnh (bao gồm cả phần lý thuyết và thực hành quay phim, chụp ảnh, dựng phim) đã được chúng tôi mạnh dạn đưa vào chương trình giảng dạy với tư cách là những môn học trong học phần kiến thức bổ trợ. Qua những kết quả học tập, thể hiên bằng những bài thu hoạch cuối chuyên đề (những ý tưởng, kịch bản phim nhân học), qua việc thăm dò ý kiến của sinh viên với môn học này, chúng tôi đánh giá rằng: Đây là một môn học nhận được sự tán thưởng của sinh viên, nhiều sinh viên cho rằng, nó sẽ hữu ích trong công việc sau này của họ. Sở dĩ như vậy là môn học này đã phát huy được những mặt mạnh của sinh viên khoa văn hóa dân tộc thiểu số: Đa số các sinh viên đều sinh ra và lớn lên ở các cộng đồng tộc người của mình và đều thông thạo ngôn ngữ tộc người của mình (Đối với các bạn sinh viên người Kinh thì đây như là một ngoại ngữ, phải dành tâm sức và một thời gian khá dài mới có thể học và sử dụng thành thạo được). Họ hiểu rõ đồng bào của mình, văn hóa của mình  hơn ai hết và trong họ luôn có một khát khao giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của tộc người mình, muốn chia sẻ chúng với bạn bè trong nước và quốc tế.   

Trong năm tới, với sự ủng hộ của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, nhà trường dự định sẽ nâng cấp môn học này cả về thời lượng cũng như chất lượng của giáo trình. Cụ thể, môn học này sẽ được đưa vào chương trình đào tạo của khoa Văn hóa dân tộc thiểu số như là một môn học chính (180 tiết) và bộ giáo trình “Nhân học hình ảnh” sẽ được biên soạn bởi các chuyên gia trong nước và nước ngoài (bao gồm giáo trình lý thuyết, tài liệu hướng dẫn thực hành, hệ thống phim tham khảo, hệ thống tài liệu tham khảo).  

Hy vọng rằng, trong vài năm tới, với sự quan tâm, ủng hộ của Ban Giám hiệu, với những hỗ trợ của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, trường Đại học Văn hóa của chúng ta sẽ có những điều kiện kỹ thuật hiện đại và đầy đủ hơn – Một Trung tâm Nhân học hình ảnh sẽ được đầu tư, thành lập sẽ là không xa vời, có thể đáp ứng được nhu cầu học tập và thực hành của sinh viên đối với môn học này. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Quang Thắng (2010), làm phim nhân học ở Việt Nam- Những bước đi ban đầu và triển. (http://viettems.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1646:bui-quang-thng-lam-phim-nhan-hc-vit-nam-bc-i-ban-u-va-trin-vng&catid=180:bai-nghien-cu&Itemid=205.
  2. Colombres, Adolfo. 1985a. Cine, antropologia y colonialismo. Buenos Aires: Ediciones del Sol: CLACSO.
  3. El Guindi, Fadwa.1998.  “From Picturializing to visual anthropology”- Handbook of methods in Anthropology”- H. Russell Bernard (Edition) Altamira Press, Sage Publication, 459- 511, 1998” (Bản dịch tiếng Việt của Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)
  4. Hải Liên (2008), Môi trường sinh thái của vùng đất trung tâm cực nam trung bộ, vai trò của văn hóa truyền thống trong việc nâng cao ý thức của người dân về môi trường và bảo vệ môi trường. In trong “Tri thức bản địa và văn hóa sinh thái của các dân tộc người thiểu số ở Việt Nam về môi trường và bảo vệ môi trường”, NXB Thế Giới, H. 2009 (từ trang 277- 285)
  5. Regnault, Felix-Louis 1896a. Les attitudes du repos dans les races humaines. Revue Encyclopedique 1896:9-12. 
  6. Regnault, Felix-Louis 1896b. La locomotion chez I'homme. Cahiers de Recherche de 1 'Academie 122:401. 
  7. Regnault, Felix-Louis 1897. Le greaser. Revue Encyclopddique 1897:904-905.
  8. Richard L. Warms ; R. Jon MC. Gee (2000), Lý thuyết nhân học (người dịch Bùi Lưu Phi Khanh), tư liệu Viện Văn hóa Thông tin.
  9. Ruby, Jay. 1983. An Early Attempt at Studying Human Behavior with a Camera: Franz Boas and the Kwakiutl-1930. In Methodology in Anthropological Filmmaking. Papers of the IUAES Intercongress, Amsterdam, 1981. Nico C. R. Bogaart and Henk W.E.R. Ketelaar, eds. Pp. 25-38. Gottingen, Germany: Editions Herodot. 

FILMS

  1. Bùi Quang Thắng, Cao Trung Vinh, Đạo Thanh Quyến- Yuer Yang (lễ cầu an của người Chăm), [phim màu, 55’], 2008, Viện văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. 
  2. Bùi Quang Thắng, Cao Trung Vinh, Lê Tuấn Hưng, Nguyễn Thị Thu Hà - Lễ cầu mưa của người Raglai, Ninh Thuận [phim màu, 42’], 2009, Viện văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
  3. http://viettems.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1332:nghi-l-cu-ma-ca-ngi-ralglai&catid=186:phim&Itemid=207
  4. Bùi Quang Thắng, Cao Trung Vinh, Lê Tuấn Hưng, Nguyễn Thị Thu Hà -  Khát vọng Mã la, [phim màu, 13’], 2010, Viện văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. 
  5. Hứa  Sa Ni, Thị Hon - Nghề làm bún của người Khơ Mer [phim màu, 42’], 2009, Trường Đại học văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. 

TS. Lâm Nhân

(Nguồn:https://sites.google.com/site/buiquangthangvicas/home/phim-nhan-hoc/an?fbclid=IwAR22v3wybdPzlhmxdZbLU1fvL0V2_bISQ7osUX_W2yH13l4gucdBa0lOgHs)