Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, còn được gọi là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam (hai tiểu vùng kia là Vùng Đông Bắc và Đồng Bằng sông Hồng). Vùng Tây Bắc có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc, tổng diện tích gần 55.000km2. Nhìn theo hình kỷ hà, vùng Tây Bắc là một hình thang có đáy lớn ở phía bắc (gồm Lai Châu và Lào Cai) giáp Mông Tự, Trung Quốc. Đáy nhỏ là tỉnh Hòa Bình giáp với Thanh Hóa về hướng nam. Phía đông tiếp giáp vùng Đông Bắc qua rặng Hoàng Liên Sơn. Phía tây giáp với Luông Phabang của Lào mà đỉnh xa nhất của Tây Bắc tiếp giáp với Lào là A Pa Chải. 

Dưới thời Pháp, Tây Bắc có tên gọi là xứ Thái tự trị. Đến năm 1955 lại đổi thành Khu tự trị Thái Mèo gồm ba tỉnh là Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ. Từ năm 1962 – 1975 gọi là Khu tự trị Tây Bắc. Hiện nay, cụm từ Tây Bắc chỉ có giá trị xác định phương hướng, vị trí địa lý của khu vực chứ không mang ý nghĩa nào khác. Tây Bắc là vùng có 15 dân tộc ít người cùng sinh sống, tập trung chủ yếu ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái… gồm: Cống, Giáy, Hà Nhì, Kháng, Khơ Mú, Lào, La Ha, La Hủ, Lự, Mảng, Mường, Phù Lá, Si La, Xinh Mun và dân tộc Thái với tổng dân số 2.661.065 người (theo thống kê dân số ngày 01/4/1999). Trong đó, đông nhất là dân tộc Thái (1.328.725 người) và Mường (1.137.515 người), ít nhất là dân tộc Cống (1.676 người) và Si La (840 người). So với tổng dân số vùng Tây Bắc, các dân tộc ít người chiếm 56%.

Hiện nay khi nghiên cứu thời kỳ tiền sử của Đông Nam Á, giới khoa học quốc tế thường sử dụng các thuật ngữ văn hóa Hòa Bình (Hoabinhian culture) để chỉ văn hóa đồ đá mới và văn hóa Đông Sơn (Dongsonian culture) để chỉ văn hóa đồ đồng. Theo đó, văn hóa Hòa Bình nằm vào cuối kỷ Cánh Tân (Pleistoncence). Vào kỷ này, người Homosapiens đã phân hóa thành hai đại chủng Mongoloid sống ở Bắc Bộ và Australioid sống ở Nam Bộ Châu Á. Trong đó, đại chủng Australoid chủ yếu thuộc vùng Đông Nam Á. Dấu vết của đại chủng này được các nhà khảo cổ phát hiện trong văn hóa Hòa Bình cho phép đoán định người Hòa Bình sống trong các hang động đá vôi với cơ cấu tổ chức tương đương như thị tộc. Họ đã chế tác công cụ bằng cách ghè đẽo cuội ở ven sống, biết trồng cây lương thực (đặc biệt là biết trồng lúa) nhưng họ sống chủ yếu bằng phương thức săn bắt và hái lượm. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cư dân của văn hóa Hòa Bình không phải thuần chủng mà đã có sự hỗn chủng. Khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, một bộ phận của đại chủng Mongoloid vốn ở phía bắc di cư xuống vùng đất liền và hải đảo Đông Nam Á. Tại đây, họ đã hỗn chủng với người Australoid vốn là cư dân bản địa. Một bộ phận khác của đại chủng Australoid không hỗn chủng lại tiếp tục đi xuống miền cực nam và ra biển. Vậy là vùng Đông Nam Á vừa có di duệ của người Australoid là cư dân gốc, người Mongoloid di cư đến, vừa có lớp người hỗn chủng đã tạo ra những ngữ hệ và bản sắc văn hóa khác nhau. Điều này cũng ít nhiều góp phần lý giải hiện tượng đa tộc người trong cộng đồng dân tộc của nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

Những kết quả khảo cổ ở nước ta lại cũng chứng minh trước đó từ rất lâu, người vượn đã từng xuất hiện ở vùng này thông qua những di chỉ tìm thấy trong lớp trầm tích hậu kỳ đá cũ ở hang Hùm (Lào Cai). Phân tích răng người vượn tìm được ở đây cho thấy họ sống cách ngày nay chừng 14 – 8 vạn năm và được coi là người hiện đại đầu tiên. Nếu vậy thì người vượn hang Hùm có lẽ cùng thời với người vượn Pithecanthophe (người cổ) mà di cốt do Eugene Dubois là bác sĩ quân y người Hà Lan tìm được bên bờ sông Solo ở Java (Indonesia) vào năm 1891.

Nếu tình hình đúng như trên thì theo thuyết một trung tâm của giới khoa học Liên Xô cũ có thể thấy rằng cách đây hàng chục vạn năm, vùng Tây Bắc đã có sự xuất hiện hai chủng loại. Một là người cổ (Pithecanthophe) và sau đó là người hiện đại (Homo sapiens) để từ đó phân nhánh ra nhiều chủng người là tổ tiên của các tộc người hiện nay. Theo đó,các chủng người này là cư dân gốc đã xuất hiện vào thời bình minh của lịch sử và tồn tại lâu dài vào thời nguyên thủy. Nhưng tình hình đa chủng tộc ở Việt Nam nói chung, Tây Bắc nói riêng còn phụ thuộc vào yếu tố thiên di xảy ra từ sau Công nguyên cho mãi đến gần đây.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thiên di và phân hóa của nhiều tộc người là sự xâm lược từ phương Bắc. Điều này diễn ra mạnh mẽ nhất kể từ sau khi tổ chức tiền quốc gia (Pre – state polity) Văn Lang ra đời. Thực ra, Văn Lang chưa phải là hình thái nhà nước – quốc gia đích thực. Đó chắc chắn là một tổ chức liên minh bộ lạc. Trong đó, có một bộ lạc đông cư dân nhất, lớn mạnh về nhiều mặt, có vị thế tốt nhất về kinh tế, địa lý, tình trạng quản lý… để tập hợp các bộ lạc chung quanh có chung một hoặc nhiều quyền lợi nào đó trong đời sống thành tổ chức liên minh bộ lạc. Điều này chỉ có thể diễn ra đối với cư dân sinh tụ ở các vùng núi thấp hoặc trung du. Thứ hai, theo các nhà ngôn ngữ học thì từ Hùng (tức là các vua Hùng) là hiện tượng trại âm của từ “khun” trong nhóm ngôn ngữ Tày Thái có nghĩa là tù trưởng hoặc thủ lĩnh. Mặt khác, tất cả con trai của vua Hùng đều được gọi là quan lang, con gái là mị nương, những từ này đều là những từ cổ trong thổ âm Thái. Nếu đúng như vậy, thì bộ lạc Lạc Việt có thể là tổ tiên hoặc có quan hệ mật thiết nào đó với người Thái và các “khun” của họ lần lượt là tù trưởng của bộ lạc này. Vì người Lạc Việt tuy nói một phương ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatique) nhưng chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm ngôn ngữ nguyên Thái và nguyên Mã Lai đa đảo (Malayo-Polynesien). Ít nhất về mặt tiếng nói, đây là điều kiện thuận lợi để các bộ lạc khác có chung hoặc gần gũi ngữ hệ sáp nhập vào nhau trở thành liên minh bộ lạc Văn Lang do các vua Hùng (tức các “khun” của người Thái cổ) đứng đầu. Một chi tiết khác cũng rất đáng lưu ý là sách “Tiền Hán thư” của Trung Quốc chép: “Đời Đào Đường có họ Việt Thường ở phương Nam cử sứ bộ sang… biếu con rùa thần, sống có khi đa nghìn năm, trên lưng lại có khắc chữ như con nòng nọc ghi việc trời đất mở mang. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy dịch”. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Việt Thường là tên cổ nước ta. Còn theo Vương Duy Trinh viết trong sách Thanh Hóa quan phong thì vùng miền núi của Thanh Hóa đươc gọi là châu, ở đó có thứ chữ “thập châu” (tức là vùng thuộc người Thái, người Mường sinh sống. Điều này cho thấy liệu thứ chữ “thập châu” ấy là của người Thái cổ chăng? Vấn đề đặt ra là nếu chữ Thái cổ thì liệu nó có họ hàng với chữ Lào vốn có nguồn gốc từ chữ Pâli(Ấn Độ) hay thứ chữ thập châu là chữ riêng của Văn Lang? Tuy chưa có cứ liệu nào chứng minh thuyết phục nhưng với sự xuất hiện của kiểu tiền quốc gia Văn Lang thì cũng có thể tin được thời đó có chữ viết riêng để bang giao và điều hành liên minh bộ lac. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là một chi tiết khá mơ hồ vì thực ra vua Nghiêu của Trung hoa cổ đại cũng là ông vua huyền thoại hơn là sự thực. Cần nói thêm rằng người Thái ở đây là người Thái cổ vốn cùng với các tộc người khác là cư dân bản địa của vùng này chứ không phải là người Thái di cư sau này khi quốc gia của họ là nước Nam Chiếu (về sau gọi là Đại Lý) ở vùng Vân Nam hình thành và sau mấy thể kỷ lại bị thống thuộc và người Hán vào khoảng thế kỷ XIII. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết dựa trên những cứ liệu ít ỏi chứ không phải là nhận định có luận cứ thuyết phục và khoa học được kiểm chứng bằng thực tế.

Những điều trình bày trên cũng khá phù hợp với tình hình sáp nhập giữa hai tổ chức tiền quốc gia là Lạc Việt (của người Thái cổ) với Âu Việt (của người Tày cổ) để thành lập nhà nước Âu Lạc. Vì nguyên nhân chính của sự sáp nhập là chống ngoại xâm thì vấn đề ngôn ngữ cũng là một điều kiện quan trọng để người Tày và người Thái (cùng một nhóm ngôn ngữ Tày) hòa hợp.

Nước Âu Lạc hình thành đã nhiều lần đánh thắng quân Tần từ phương Bắc tràn xuống nhưng đến năm 183 trước Công nguyên thì bị Triệu Đà của nước Nam Việt thôn tính và nước Âu Lạc nhập vào với Nam Việt. Sự sáp nhập nhiều lần như vậy, với nhiều bộ lạc khac snhau ít nhiều cũng chứng tỏ ngay từ thời tiền sử nước ta đã xuất hiện nhiều tộc người để dần tiến đến cộng đồng người Việt cổ.

Căn cứ vào các truyền thuyết “Cẩu chúa- Cheng Vua”, “Pú Lương Quân” của dân tộc Tày thì có thể đoán định vào thời kỳ xa xưa dân tộc này cư trú trên một địa bàn rộng lớn hơn nhiều so với ngày nay (chủ yếu là các tỉnh vùng Đông Bắc). Trong quá trình sinh sống và giao lưu, một bộ phận người Tày di trú đến vùng trung du và đồng bằng hội nhập với người Việt – Mường rồi trở thành tổ tiên người Việt hiện đại. Một số đông khác vẫn sinh tụ ở miền núi dần trở thành chủ nhân xa xưa của người Tày ngày nay.

Xét các yếu tố ngôn ngữ và phong tục, tập quán thì các dân tộc Mường, Chứt có chung cội nguồn lịch sử với người Việt cổ. Có thể các dân tộc này cùng là cộng đồng trong bộ lạc Lạc Việt. Sau đó, vào khoảng đầu Công nguyên, các dân tộc đó có sự phân hóa rõ rệt.

Về ngữ hệ, nhiều dân tộc như Kháng, Mảng, La Ha, Xinh Mun có thể trước kia có quan hệ với các phân nhánh phương ngữ của nghữ hệ nguyên gốc Nam Á là chủ nhân nguyên thủy của vùng Tây Bắc ngày nay. Trong đó, các dân tộc Kháng, La Ha và có thể cả dân tộc Khơ Mú xét về nhân chủng ít nhiều chứng tỏ họ là những cộng đồng cư dân của cả quá trình chuyển biến từ loại hình Indonesien sang Nam Á. Chẳng hạn, tiếng nói của người La Ha mang nhiều đặc điểm của nhóm Malayo – Polynesien nên gần gũi với tiếng nói của người Pu Péo, Cơ Lao, La Chí (vùng Đông Bắc) thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai. Đáng lưu ý là trong kho tàng văn chương truyền miệng của người Mảng có chuyện về hòn đá chống trời Ghi Răng Phỉnh để từ đó cho thấy có thể tổ tiên xưa của dân tộc này đã sinh tụ trên vùng đất Nặm Ban của Tây Bắc. Như vậy, các dân tộc kể trên rất có thể là cư dân bản địa của vùng Tây Bắc trước khi có làn sóng di cư mạnh mẽ vào khảng thế kỷ VII đến thế kỷ XIV sau Công nguyên của đông đảo người Thái. Truyện “Kể chuyện Bản Mường” của người Thái cho thấy khi họ đến Tây Bắc đã gặp người Xá xăm cằm. Đối chiếu tục lệ còn tồn tại đến ngày nay của các dân tộc vùng Tây Bắc có thể đoán định “người Xá xăm cằm” ấy rất có thể là dân tộc Mảng. Cũng cần thấy rằng một trong những nguyên nhân di cư của dân tộc Thái là họ có quan hệ ngôn ngữ khá gần gũi với một số dân tộc bản địa của Việt Nam.

Tóm lại, vùng Tây Bắc (ngày xưa có thể rộng hơn rất nhiều) thời nguyên thủy vốn đã là bản địa của một số bộ lạc là tổ tiên của các dân tộc hiện nay. Càng về sau các bộ lạc bản địa lại có sự phân hóa, hội nhập, có thể đồng hóa… với các tộc người khác di cư từ các cùng thuộc nước Đại Lí, nước Nam Việt hoặc xa hơn từ Bắc Bộ tràn xuống. Họ là chủ nhân lâu đời của vùng đất Tây Bắc ngày nay. Tuy có sự cộng cư lâu dài nhưng ngoài một số đặc điểm văn hóa chung (do bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội… của nơi sinh sống qua thời gian rất dài) các tộc người nơi đây vẫn bảo tồn được những sắc thái văn hóa đặc thù của dân tộc mình.  

Phạm Nhân Thành

(Nguồn:Phạm Nhân Thành (2011) “Văn hóa các dân tộc ít người Việt Nam”, NXB Dân trí, tr.17-24.)