Tháng 9 năm 2022 nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 4 trụ đá tại bản Ban, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

          Trụ thứ nhất (Hình 1): trụ được làm bằng đá xanh, có hình vuông, đất đá đã phủ một phần chữ ở phần chân. Trụ cao 2m, cạnh 30cm, 4 mặt có khắc chữ Thái, chữ khắc chìm các nét có độ nông sâu khác nhau, chữ đều, rõ, khắc theo dòng ngang thẳng có xuống dòng, dọc theo các mặt của trụ đá. Ở phần chân trụ (nơi tiếp giáp với đất) có khắc số 1871, 1923, 58. Phần đỉnh trụ chia làm 2 phần có tạo hình thắt giống hình quả bầu hoặc hình búi tóc của phụ nữ người Thái:

          Phần ngọn: cao 15cm, thon hình quả bầu, uốn nhỏ lại về phía đỉnh trụ, có khắc hoạ tiết hình cánh sen, hướng lên trên, đều nhau ôm quanh phần ngọn, các đường khắc sâu hai lớp song song, rõ nét, mềm mại, mặt trước đã bị sứt ngang làm biến dạng một số nét khắc.

          Phần đế: cao 15cm, thon vát từ thân trụ nhỏ dần về phía ngọn, có khắc hoạ tiết hình cánh sen ngả xuống phía dưới, đều nhau ở cả 4 cạnh, ngoài ra còn khắc hình chữ "Thọ" ở mặt trước và sau của phần đế.

                          Hình 1                           Hình 2                    Hình 3                          Hình 4

(Nguồn: Nhóm tác giả, chụp ngày 20/9/2022)

          Trụ thứ hai (Hình 2): trụ cao 180cm, hình bát giác, 4 mặt to, 4 mặt nhỏ, chiều rộng của mỗi mặt to là 18cm, mặt nhỏ 12cm. Phần đỉnh trụ tạo hình chóp 4 mặt có ngăn cách với phần thân trụ là khối phẳng 4 mặt, mỗi mặt rộng 30cm, cao 15cm. Các cạnh và phần cạnh của phần chóp có khắc chữa Hán cạnh nhỏ bên trái trụ, chữ Thái ở các mặt và số khắc 1908 ở sau trụ. Chữ khắc chìm, các nét to rõ ràng, có độ nông sâu khác nhau ở mặt phẳng của các cạnh. Trụ 2 cách trụ thứ nhất 20m và không khắc hoạ tiết hoa văn. 

          Trụ thứ ba (Hình 3): nằm trong khuôn viên của Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ của xã, cách trụ thứ 2 khoảng 600m, trụ hình bát giác, 4 mặt to mỗi mặt 18cm, mặt nhỏ 13cm. Bề mặt trụ nhẵn, mặt chính có khắc số 1903 nằm ngang, chữ Thái to ở chính giữa 2 bên là chữa Hán, phía trên số, 1903 có khắc nổi con vật giống hình Nghê: mình nằm ngang, đầu hướng về phía trước, có bờm ở cổ, miệng rộng, có răng lanh, đùi trước và sau có hình soắn ốc, toàn thân nằm trên một khối vuông (rộng 18cm, cao 18cm, dày 7cm), hình đã bị sứt không nhận diện được phần mũi, mắt và đuôi. Mặt sau có khắc chữa Thái nhỏ, đều theo chiềng ngang. Phần chóp cao 20cm vát đều sang 2 bên tạo hình tam giác cân, chính giữa của mặt trước và sau là chữ "Thọ", tiếp đến là chữ Hán và chữ Thái. Mặt bên của phần chóp khắc hình 2 con rồng, uốn lượn, ôm mây, các nét khắc mềm mại, uốn lượn từ phía trước ra phía sau, đầu hướng xuống dưới phía sau trụ.

          Trụ thứ tư (Hình 4): nằm trong một miếu thờ bao quanh là ruộng lúa, cách trụ thứ 3 700m, trụ đã bị gẫy, không còn nguyên vẹn, người dân đã xây ngôi miếu nhỏ và đặt trụ bên trong. Trụ gồm 2 phần: phần thân trụ vuông, cao 70cm, có khắc chữ Thái ở mặt trước, phần đỉnh trụ là một khối cầu gắn với phần thân bằng xi măng, không khắc hoạ tiết và chữ, bề mặt gồ ghề, diện tích 30cm.

          Căn cứ vào nhiều nguồn thông tin khác nhau, 4 trụ đá rất có thể là bia mộ của Tri châu (chức quan do Nhà Nguyễn phong) Cầm Bun Oai (1871 - 1934) và những người thân cận. Các trụ đá mang nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử về vị "vua Thái" (tên người dân thường gọi) và vùng đất Mường mụa (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn ngày nay). Trong tương lai cần có các cuộc thám sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ theo quy định để làm rõ những nội dung khắc trên trụ đá và những vấn đề có liên quan, để từ đó làm cơ sở cho các cấp chính quyền địa phương có phương án, kế hoạch, bảo vệ, phục dựng, bảo tồn khu mộ "vua Thái" ở Sơn La.