Câu thơ Ngày vui ngắn chẳng tày gang của thi hào dân tộc, nhà văn hóa lớn Nguyễn Du có lẽ đã trở nên thành ngữ, nhưng tôi, mà phải nói là chúng tôi, cũng không mấy khi để ý đến, không mấy khi kiểm nghiệm dù chắc chắn ai cũng cảm thấy như vậy.

Hiệu trưởng - Thầy Nguyễn Văn Bao và Thầy Hoàng Kế Khiêm - Phó Chủ tịch Huyện Đông Anh - nguyên Giảng viên Toán Trường Đại học Tây Bắc

Sáng ngày mồng 02 tháng 3 năm 2014 (dương lịch), chúng tôi gặp nhau ở Đông Anh - Hà Nội (xin lỗi bạn đọc tôi lại dùng hai chữ chúng tôi vì từ sáng ấy với chúng tôi, cái tôi cá nhân đã không còn). Trời Đông Anh hơi lạnh nhưng tình người thì thật ấm áp. Ban tổ chức hướng dẫn chúng tôi - đoàn cán bộ giảng viên đã và đang công tác tại Đại học Tây Bắc - dâng hương ở đền thờ An Dương Vương, làm lễ cẩn cáo trước bàn thờ VUA với tấm lòng thành kính và ngưỡng vọng.

Sau lễ dâng hương trọng thể và thiêng liêng là cuộc hội ngộ thật nồng ấm của anh em bè bạn. Hàng trăm người đã một thời sẻ chia gian khổ giữa núi rừng Tây Bắc nay ngồi bên nhau trong không khí ấm áp nghĩa tình. Đây là cuộc gặp mặt đông nhất của chúng tôi ở Hà Nội. Đương nhiên những kỉ niệm “ngày ấy” luôn được nhắc tới nhưng điều kì diệu là chúng tôi ít nói tới khó khăn của “cái thuở ba lô trên Tây Bắc”. Chúng tôi nói nhiều về nhũng kỉ niệm đẹp đẽ, thủy chung của những tháng năm gian khổ mà nghĩa tình, đói nghèo nhưng hạnh phúc, cái thời mà nhiều lần rút kinh nghiệm một giờ dạy kéo dài từ chiều tới sáng hôm sau. Chúng tôi nghĩ về những năm tháng gian khổ nhưng gian khổ không làm vơi đi mà lại làm giàu có thêm tình cảm, cái thời mà tất cả là anh em, tất cả là đồng chí; cái thời chúng tôi lên đường mang trong tim mình lời động viên mà cũng là mệnh lệnh: “Tất cả vì tương lai các con em dân tộc Tây Bắc thân yêu”.

Sau câu nói “Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay là cuộc gặp mặt của những người anh em bè bạn đã có những năm tháng không thể nào quên” của anh Hoàng Kế Khiêm - Phó chủ tịch huyện Đông Anh - nguyên là giảng viên khoa Toán của Trường và câu nói “Gặp lại các anh, chị, các bạn, chúng ta đang gặp lại quê hương trên mọi quê hương” của anh Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc, chúng tôi cùng chụp ảnh. Nào! các anh, các chị, các bạn, các em… những con người “đã quen bước chân giọng nói”. Nhiều lắm, đông lắm; chúng tôi đành phải xếp hàng theo thời điểm lên Tây Bắc và gọi nhau rối rít: “Trước 75 đâu? trước 80 đâu? 80 đâu? 81 đâu? sau 81 đâu? chụp ảnh nào!”

Và chúng tôi hát, hát về chúng tôi, hát về Tây Bắc, hát rất to bài hát Nhớ đỉnh Phu luông lời thơ của anh Đinh Văn Lành, nhạc của anh Vũ Gia Thụy. Chúng tôi đọc thơ, đọc một cách hồn nhiên để tặng nhau, tặng người Đông Anh, người Hà Nội và dám lấy cách gieo vần của Huỳnh Văn Nghệ để vận vào mà ứng tác: Từ thuở ba lô lên Tây Bắc. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Người bảo tặng riêng Đông Anh thì phải là càng thêm yêu mến đất Đông Anh. Mười mấy người chúng tôi có Văn Giá, Văn Hoan, Tuấn Khanh, Gia Mạnh, Nguyễn Phượng…cùng hát. Nguyễn Cảnh Thụy bảo phải hát bài gì để có câu: “gặp lại nhau ta lại muốn về”. Lời hát hết rồi mà chúng tôi cứ ngâm nga điệp khúc được ứng tác hôm ấy: “cứ thường niên mình lại gặp mình”.

Chúng tôi chia tay, ai cũng nắm chặt tay nhau với câu nói như lời dặn, lời hứa: “ Tháng 9/2015, kỉ niệm 55 năm thành lập trường ta, mình phải gặp mình các anh chị, các bạn, các em nhé” vì chúng ta đã có những năm tháng không thể nào quên.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC