Tôi lại về Mộc Châu với lời hứa cùng bạn bè, với ĐẤT và NGƯỜI của cao nguyên xanh -  cao nguyên của chè, của sữa, của rất nhiều hoa trái ngọt lành. Sáng 30 tháng 8, trời mưa rả rích nhưng chiều thì hết mưa. Thảo nguyên đầy gió và ánh sáng. Gió mang hơi thở của cao nguyên mập mạp với chè xanh và hương cỏ ngọt ngào. Tám chúng tôi cùng ngồi trên sân thượng khách sạn Thảo nguyên ngắm sự hòa quyện diệu kỳ đồng ý tưởng sáng tạo một vùng sơn địa hữu tình của thiên nhiên và con người. Chỉ có tôi là người nơi khác, bên cạnh đều là những người đang sống và làm việc ở Mộc Châu. Chúng tôi uống rượu mận, uống chè – hai thức uống đặc sản của địa phương. Chúng tôi nói với nhau về Tây Bắc, về Sơn la, về Hội thi ẩm thực Dân tộc tỉnh Sơn La sẽ diễn ra hôm sau tại thảo nguyên này.

 

Về Mộc Châu lần này, tôi có hai việc cần làm là quan sát Hội thi ẩm thực và tham dự Lễ hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu

Ngay từ sáng sớm các đội thi đã tập kết nguyên liệu để chế biến và trình diễn trong hội thi. Tôi chú ý tới hai đội gây ấn tượng nhất là đội chủ nhà: khách sạn Thảo nguyên và đội Sốp Cộp - đội đến từ vùng đất xa nhất của Sơn La. Tôi đi cùng Ban Giám khảo, được xem và nghe các anh chị quan sát, bình phẩm các món ăn với phương thức chế biến đa dạng, độc đáo.

Nhìn chung, nguyên liệu để chế biến là sản vật của Sơn La rất gần gũi và quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của người dân nhưng nhờ sự khéo léo của các thợ nấu và đặc biệt là trình bày mà các món ăn đều có sự hấp dẫn và quyến rũ mạnh mẽ.  

Hội thi kết thúc, chủ và khách cùng thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực của Sơn La. Tôi và anh Lê Quảng, người thổi sáo và giới thiệu các nhạc cụ dân tộc trong hội thi, luôn bên nhau, hỏi về tên gọi các món ăn. Chỉ một loại rau rừng mà các “nghệ nhân” đã chế biến thành hàng chục món ăn và món nào cũng rất ngon, đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc. Bữa ăn thành một bữa tiệc lớn, hội tụ tinh hoa, tài hoa, sắc mầu và tình nghĩa của hơn hai mươi dân tộc anh em trên mảnh đất Sơn La.

Chiều xuống, tôi đi thăm rừng thông. Cảnh thiên nhiên hồ trên núi thật gợi cảm, quyến rũ.

Văn hóa phương Đông xưa vẫn lấy thiên nhiên làm tiêu chuẩn thẩm mỹ nhưng đến Hàn Mặc Tử với hai câu:

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

thì đã là sự hòa quyện diệu kỳ giữa thiên nhiên và con người, một Vĩ dạ mà thiên nhiên thì trong lành, tươi sáng; con người chất phác đôn hậu. Tôi nhớ tới những câu thơ của Quang Dũng:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ,

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

 Rất tinh tế và tài hoa. Không một nét đẹp nào của thiên nhiên và con người không rung động tâm hồn thi sĩ. Tôi ước giá như lúc này có một chiếc thuyền độc mộc.

Mai mới là ngày hội nhưng chiều nay trên hồ và cả rừng thông đã đầy ắp tiếng cười. Người thật đẹp và cảnh cũng thật đẹp. Cảnh mà hàng triệu người: người Mộc Châu, người chiến sĩ đi giải phóng Tây Bắc, đi mở đường Tây Bắc, đi xây dựng Tây Bắc… từng mơ ước, bây giờ đã hiện hữu nơi đây.

Sáng 1/9 lễ hội thật tưng bừng và náo nhiệt. Tôi cố ghi nhớ bằng máy ảnh và bằng mắt không khí Mộc Châu sáng ấy.

Bóng đêm sắp buông xuống thì Mộc Châu đã thành một rừng đèn, một rừng hoa! Gần sáng lễ hội mới tạm dừng.

Rời Mộc Châu, anh Lê Quảng nói: “Tạm biệt Thảo nguyên”. Tôi hỏi anh: “Thảo nguyên nghĩa là gì ?”. Anh bảo: “ Cậu là giáo viên văn cứ hỏi lỡm tớ”. Tôi nói: “Về Mộc Châu lần này, em nghĩ có lẽ hai chữ Thảo nguyên cần hiểu thêm một nghĩa nữa là: nguyên vẹn những tấm lòng thơm thảo. Anh cười có vẻ đồng tình.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC