Người Mông ở bản Tong Tải, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La ăn tết theo âm lịch. Ngày tết là ngày gia đình tụ họp, sum vầy bên nhau, chúc mừng những điều may mắn nhất đối với các thành viên trong gia đình, thể hiện sự gắn bó tình đoàn kết . Đây cũng là dịp để chủ nhà thể hiện tín ngưỡng với tổ tiên với mọi vật trong nhà sau một năm lao động sản xuất, thông qua lá bùa trắng được dán khắp nơi trong nhà từ cột nhà, cửa ra vào đến các vật dụng, dụng cụ lao động với quan niệm mọi vật cùng gia đình đón một năm mới ấm no, hạnh phúc, coi mọi đồ vật trong gia đình là bạn đồng hành trong suốt một năm qua. Không khí tết bao trùm lên vùng cao bởi màu trắng hoa mận, màu hồng của hoa đào, tiếng khèn đặc quánh văng vẳng khắp mọi nơi, tiếng ồn ào chúc nhau ngày tết. Người Mông ở Tong Tải ăn tết kéo dài hết ngày hội chọi trâu truyền thống của bản (hội thường được tổ chức vào ngày mồng 4, mồng 5 âm lịch)
Tết người Mông không đi chợ mua thực phẩm mà sử dụng gia súc, gia cầm trong nhà làm đồ ăn tết. Gà là con vật báo tết, bởi họ không đón giao thừa như người xuôi, khi nào gà gáy lúc đó báo hiệu một năm mới đã đến. Người Mông cúng tổ tiên (ma nhà) trong 3 ngày tết, ngoài ra các ngày lễ lớn hay ngày rằm họ không thắp hương, chỉ khi nào nhà làm cúng thì mới thắp hương lên ban thờ. Trong mâm cỗ cúng không thể thiếu bánh chưng, bánh dày. Đặc biệt với người người Mông ngày tết không thể thiếu món "nhún dư" (loại dồi có nhân là thịt và tiết lợn), thịt lợn gác bếp (thường là lợn nuôi lâu năm của gia đình). Khi làm lễ cúng ma nhà, người Mông thường lấy con gà trống tơ đẹp, mào đỏ, khỏe mạnh cắt tiết trước "bàn thờ" tổ tiên, nhổ lấy 5 nhúm lông ở phần cổ gà đính lên phần tiền vàng hoặc tờ giấy trắng hình chữ nhật nằm ngang được chủ nhà tự tay cắt, sau đó được dán ngay tầm với gia chủ đặt tại gian giữa của gia đình.
Ngoài những phong tục tập quán ngày tết, hàng năm mỗi dịp xuân về thanh niên trong bản lại chuẩn bị váy áo, ô, mũ rủ nhau xem chọi trâu, cùng tụ họp nói cười, cùng nghe tiếng khèn, tiếng sáo. Họ cũng rất thích mặc những trang phục của dân tộc mình mỗi dịp như thế, để khoe sự duyên dáng với sắc xanh (màu chủ đạo trong trang phục Mông nơi đây) cùng họa tiết cầu kỳ trên mũ áo, tiếng leng keng của trang sức tạo cảm giác vui nhộn đồng hành cùng những bước chân gọi bạn. Cứ đi cứ gửi những lời chúc như vậy trong miên man của núi rừng hoa mận nở trắng, với mong muốn một năm mới đầy niềm vui, ngô, sắn đầy trên nương, ngựa đầy chuồng,...
Cũng như nhiều tộc người khác, tết của người H'Mông là dịp đoàn tụ, thăm hỏi và chia sẻ những tình cảm tốt đẹp, làm cho cộng đồng thêm gắn kết, hơn, với một năm trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn.
Một số hình ảnh tết 2016: