Ngày 24/03/2019, tại Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra “ Ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào”, do Đoàn thanh niên - Hội sinh viên nhà trường tổ chức nhằm chào mừng 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/03/2019). Tham dự ngày hội có sự hiện diện của đ/c Lò Thị Thúy Hà - Phó bí thư thường trực tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Sơn La; đ/c Phạm Hà Dân Huyền - UVBTV tỉnh Đoàn, Trưởng ban thanh niên trường học tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Sơn La; các thầy cô giáo nguyên là lãnh đạo Đoàn trường qua các thời kỳ; lãnh đạo đại diện các phòng, ban, khoa, các đơn vị trực thuộc nhà trường, cùng sự tham gia đông đảo của các bạn học sinh, sinh viên trong toàn trường.

“Ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào” tại Trường Đại học Tây Bắc diễn ra với chuỗi các hoạt động bao gồm: “Trò chơi dân gian”, “Giao lưu văn nghệ”, “Trình diễn thời trang” và nổi bật trong đó có sự giao lưu về Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Lào, thông qua “Gian hàng ẩm thực” do sinh viên các khoa tự chuẩn bị. Giao lưu văn hóa ẩm thực là hoạt động được tiến hành xuyên suốt trong ngày hội và nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tham dự.

Đến với các gian hàng ẩm thực ngoài sức hút của các món ăn Việt, mọi người còn bị cuốn hút bởi văn hóa ẩm thực đa dạng của nước bạn Lào, ai ai đến đây cũng bị lôi cuốn, đắm chìm vào hương vị của các món ăn độc đáo như bánh nếp Lào, chè Lào, bánh tóc bạc ( Hủa ngọc)... Ẩm thực Lào gây ấn tượng trước tiên bởi màu sắc bắt mắt cùng sự tươi ngon của các món ăn. Người Lào sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, kết hợp với nhiều loại gia vị tự nhiên trong mỗi món ăn. Cách chế biến các món của Lào tuy không quá cầu kì nhưng vẫn tạo nên những món ăn ngon với những hương vị đặc trưng.

Trong vành đai văn hoá Châu Á nói chung, ẩm thực Lào cũng có nhiều nét tương đồng với các nước láng giềng như Campuchia và Thái Lan đó là vị hơi cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, dưới sự chế biến của người dân Lào, các món ăn của họ lại có những nét tinh tế riêng biệt. Những món ăn tưởng chừng như rất đơn giản, dễ thực hiện đó lại đem lại những hương vị tuyệt vời khó quên.

Trong vô vàn hương vị của các món ăn được trưng bày trong ngày hội, tôi bị mê hoặc bởi một món ăn được tạo thành từ các nguyên liệu vô cùng gần gũi, dễ kiếm đó là món nộm đu đủ của người Lào (Tăm mắc húng). Nguyên liệu chế biến món nộm đu đủ khá đa dạng nhưng cũng hết sức dễ tìm. Để món nộm được ngon, thơm đúng chuẩn chúng ta cần chuẩn bị: Đu đủ (Mắc húng): chọn quả còn xanh, bào sợi dài khoảng 5-6cm; Nước cốt chanh; Quả cà (Mắc khứa); Cà chua (Mắc lêên); Tỏi (Phắc Thiềm); Ớt (Mắc Phết); Mắm Tôm Lào (Ca Pị); Mì chính (Pênh nùa); Đường (Nặm tàn); Muối (Cưa); Rau (bắp cải hoặc cải thảo; rau muống); Xiên hoặc súc xích (Có thể có hoặc không).

   

   Đu đủ nạo sợi  

  

Một số gia vị của món Tăm mắc húng

Cách chế biến: Trước tiên chúng ta cho các gia vị tỏi, ớt, muối, mì chính, đường vào cối giã nhuyễn. Sau đó cho thêm cà chua, quả cà, nước cốt chanh, nước mắm vào giã chung. Bước tiếp theo, chúng ta cho đu đủ vào cối giã nhẹ để đu đủ ngấm đều các gia vị. Cuối cùng cho nộm đu đủ ra đĩa và thưởng thức thôi nào!

                                                       

                                                                                                 Các bạn sinh viên Lào chế biến món Tăm mắc húng

Nộm đu đủ là món ăn phổ biến tại Lào. Khi ăn, đu đủ nộm có mùi thơm đặc trưng của các gia vị, mùi thơm nồng của mắm tôm hòa cùng vị chua của chanh, vị cay của ớt sẽ đưa đến cho thực khách hương vị đặc trưng riêng của món ăn này. Món nộm đu đủ được người Lào dùng trong các dịp như cưới, sinh nhật, tết Bun Pi May… và món nộm này cũng có thể làm để ăn trong các bữa ăn hàng ngày vì cách làm khá đơn giản và dễ ăn. Nếu như các món nộm của Việt Nam thường là nộm khô thì món nộm đu đủ của Lào sau khi làm có nước để khách có thể chấm các món ăn kèm, ví dụ như ăn kèm với bắp cải, rau muống, xiên, súc xích… Nộm đu đủ còn có thể dùng uống cùng bia hoặc ăn với xôi. Ngoài ra, món nộm đu đủ cũng được xuất hiện thường xuyên tại các “Lễ hội ẩm thực” ở Lào cùng với các món ăn đặc sắc khác của Lào như món ọ làm, lạp, canh măng, nộm rau thập cẩm, thịt khô, gà nướng đất, phở Lào… Tùy khẩu vị của mỗi người, mỗi địa phương mà các nguyên liệu có thể được điều chỉnh ít hoặc nhiều khác nhau.

Món ăn dân dã này của người Lào từ tên gọi, hương vị được tạo nên từ cách sống bình dị, quan niệm, sự gần gũi và chan chứa tình cảm của người dân nơi đây. Sự hòa trộn các gia vị với các nguyên liệu thể hiện sự quấn quýt, yêu thương nồng nàn, chia sẻ lẫn nhau của mọi người. Các món ăn có đặc điểm chung là đều dùng những gia vị có tính nóng như gừng, me, chanh, tiêu và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết đều có rất nhiều ớt. Chính vị cay này cũng là một nét văn hóa của đất nước triệu voi. Ở mỗi vùng sẽ có thêm một số cách chế biến khác đi một chút, có các tên gọi khác nhau, nhưng không thể không có vị cay của ớt… Ẩm thực Lào còn có tính đặc sắc bởi được làm từ các loại thực phẩm không đắt tiền, gia vị dễ kiếm kết hợp với nét mộc mạc trong chế biến, không cầu kì… Có lẽ vậy mà nó giữ lại gần như nguyên về hương vị của món ăn này.

Ngày hội đã khép lại, tuy nhiên dư âm của nó vẫn tạo trong lòng mọi người những xúc cảm khó phai. Qua “Ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào” chúng ta đã được biết thêm nhiều về văn hóa của đất nước Lào, đặc biệt trong đó là văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn cùng những hương vị tuyệt vời. Chắc hẳn những ai đã có dịp được thưởng thức ẩm thực của nước bạn Lào đều sẽ có những ấn tượng đặc biệt, khó quên từ mùi vị đến màu sắc tuyệt vời của các món ăn.

Một số món ăn khác của Lào xuất hiện trong “Ngày hội giao lưu văn hoá Việt Nam – Lào” năm 2019 tại Trường Đại học Tây Bắc

                                             

Bánh tóc bạc (Huổi ngọc)

   

Bánh nếp Lào

                                 

       Chè Lào      

            

 Mâm cơm của người Lào                  

 

Lò Thị Thu 

(K57 Khoa Tiểu học Mầm non)