Mỗi quốc gia dân tộc trên thế giới đều có những đặc trưng văn hoá riêng biệt được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau từ văn hoá vật chất (như trang phục, nhà ở…), đến văn hoá tinh thần (như lễ hội, phong tục tập quán…). Mỗi giá trị văn hoá đều mang trong mình bản sắc riêng của từng tộc người, từ đó cấu thành nên bản sắc văn hoá của quốc gia dân tộc. Trong đó, ẩm thực cũng được coi là nét văn hoá đặc trưng tạo nên cái riêng, cái độc đáo của mỗi quốc gia, dân tộc.

Đến với đất nước Lào xinh đẹp, chúng ta không chỉ ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, núi rừng hùng vĩ, con người thân thiện, dễ mến mà ẩm thực Lào cũng là một trong những nét cuốn hút của xứ sở triệu voi. Nếu ai đã từng được thưởng thức món ăn của Lào chắc hẳn đều không thể quên được vị cay xè nơi đầu lưỡi của ớt, vị ngọt ngào của đường và chút hương thơm dìu dịu của lá rừng… tất cả quyện lẫn tạo nên những hương vị rất riêng, rất đặc trưng của nền ẩm thực nơi đây. Các món ăn truyền thống của người Lào có thể kể đến là gà nướng pig gai, là xôi nếp đượm hương, là cơm lam đã có từ lâu đời… tất cả đã góp phần tạo nên một đất nước Lào bình dị nhưng rất đỗi thân thuộc gần gũi.

Bản thân là sinh viên được học tập và rèn luyện trong môi trường đa văn hoá Việt Nam - Lào bởi vậy tôi đã có dịp được thưởng thức một số món ăn truyền thống của đất nước Lào xinh đẹp do một số bạn lưu học sinh chế biến và “bánh nếp” Lào có lẽ là món ăn thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi. Cô bạn của tôi đã từng hỏi: “bánh nếp Lào” thì có gì đặc biệt mà cậu “mê mẩn” nó vậy? chẳng phải Việt Nam cũng có hay sao?”. Các bạn không biết đấy thôi: “ bánh nếp” ở Việt Nam cũng có, thế nhưng mỗi quốc gia lại có một hương vị, nét đặc trưng riêng. Bánh nếp Lào mang trong mình một hương vị chỉ thuộc về mình nó đó là sự tinh tế, tỉ mỉ, là tình cảm của người làm được ẩn sâu trong mỗi chiếc bánh xinh xinh. Chiếc bánh nếp nhỏ nhắn nằm gọn trong lòng bàn tay khiến cho ta có cảm giác như thấm trọn từng cung bậc tình cảm, sự bình dị, tinh tế của người làm ra chiếc bánh. Chiếc bánh nóng hổi vừa được vớt ra khiến con người ta không khỏi suýt xoa, tấm tắc khen bởi hương thơm thanh khiết của lá chuối, vị ngọt bùi của đậu xanh và gạo nếp. Hơn thế, với người Lào bánh nếp còn chứa đựng ý nghĩa đặc biệt đó là mong ước về sự ấm no, hạnh phúc của bao thế hệ người dân xứ sở triệu voi.

Bánh nếp Lào (Ảnh: Thu Hằng)

Bánh nếp Lào được làm từ những nguyên liệu gần gũi gắn bó với đời sống sinh hoạt của bà con người dân Lào. Để làm ra chiếc bánh hấp dẫn được vị giác của thực khách thì việc chuẩn bị nguyên liệu là khâu đặc biệt quan trọng.

Gạo nếp được chọn phải là loại hạt to, mẩy, căng đều, sau khi đãi sạch sẽ được đem ngâm với nước dừa. Gạo nếp sau khi ngâm nở sẽ được xay thành bột. Tiếp đó, người ta đợi khoảng 5-6 tiếng để bột se lại rồi dùng tay nhào cho đến khi bột mịn, không dính tay là đạt chuẩn. Thông thường trong khi nhào bột, người ta sẽ cho thêm một chút dầu ăn nhằm mục đích giúp bột nếp được mềm, mịn hơn đồng thời dầu ăn cũng sẽ giúp bột bánh không bị dính vào lá sau khi bánh được hấp chín.

Đậu xanh ngâm 3-4 tiếng cho hạt đậu nở mềm rồi mang đi hấp. Khi đậu xanh hấp xong còn nóng, nhanh tay giã nhuyễn đậu. Do khẩu vị người Lào thiên về cay và ngọt bởi vậy người ta thường dùng nhân đỗ xanh giã nhuyễn trộn với dừa nạo để làm nhân bánh nếp để tăng độ thơm ngậy cho bánh.

Sơ chế nhân bánh: sau khi đậu xanh đã được tán nhuyễn cho đậu xanh vào nồi thêm đường và đảo đều lên cho đến khi tạo thành hỗn hợp sền sệt. Thêm dừa bào hoặc vụn dừa vào đảo đều lên rồi tắt bếp.

Cách làm bánh: bột nếp sau khi được nhào mịn sẽ được vo thành những viên tròn nhỏ, tiếp đó ta dùng tay tán mỏng viên bột và đặt nhân đậu xanh vào giữa sau đó bọc kín viên bột như cũ. Công đoạn này tưởng chừng như đơn giản nhưng phải thật khéo léo để nhân đậu được bao trọn trong lớp bột bánh mỏng mịn mà không bị thò ra ngoài, lúc này người ta thoa thêm một lớp dầu ăn xung quanh chiếc bánh để khi bóc vỏ không bị dính. Đặt bánh vào lá chuối, cuốn lại, gấp đầu bánh thành hình như chiếc túi nhỏ và buộc chặt để bánh không bị tùi khi hấp. Sau khi bánh được gói xong, người ta dùng chõ để hấp, duy trì lửa nhỏ đều khoảng 1-2h đồng hồ là bánh chín. Người Lào thường dùng phương pháp hấp bánh chứ không luộc nhằm đảm bảo giữ được hương vị đậm đà cho chiếc bánh. Bánh nếp có vị ngọt ngậy của nhân đường, đỗ xanh, dừa nạo cùng hương gạo nếp bởi vậy khi  thưởng thức người ta thường nhâm nhi chút trà sẽ làm cho món ăn càng trở nên tuyệt vời hơn. 

Bản thân tôi là một người không thích ngọt vậy mà khi nếm thử loại bánh nếp nhỏ xinh này nó đã khiến tôi luôn nhớ và mong một lần nữa được thưởng thức. Sau này khi tôi có dịp đặt chân đến đất nước Lào xinh đẹp mến khách, khi ai đó hỏi tôi biết gì về văn hoá ẩm thực Lào? Tôi có thể tự tin kể ra những món đặc trưng truyền thống của người Lào và sẽ không thể quên nói về món bánh nếp đã thôi miên vị giác của tôi suốt một thời gian dài như vậy. Còn các bạn cũng hãy thử và cho tôi biết cảm nhận về món ăn dân dã mà đậm đà hương vị này theo cách của các bạn nhé!

Ngô Bích Ngọc

K59 ĐHGD Tiểu học B - Khoa Tiểu học Mần non