Người Thái là dân tộc có dân số đông nhất trong số 25 dân tộc anh em ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Theo Tổng thống kê dân số toàn quốc của Trung Quốc năm 1994, tổng dân số người Thái là 107.32 vạn người, trong đó có 106.2 vạn người cư trú tại tỉnh Vân Nam, chiếm 98.96% tổng số người Thái ở Trung Quốc. Trong đó, người Thái ở lưu vực sông Lan Thương có 41.6 vạn người; lưu vực Nộ Giang có 40.2 vạn người; lưu vực Hồng Hà có 19.8 vạn người; lưu vực Kim Sa có 4.6 vạn người.

Người Thái ở Vân Nam có lịch sử và văn hóa lâu đời, có quan hệ nguồn gốc mật thiết với các dân tộc Choang, Đồng, Thủy, Lê, Bố Y, Mao Lan…ở Trung Quốc, cũng như dân tộc Shan ở Miến Điện, dân tộc Thái ở Thái Lan, dân tộc Lào ở Lào, dân tộc Thái ở Việt Nam, dân tộc Lào và Thái ở Campuchia, dân tộc Thái A Hồng ở bang Ashanmu Ấn Độ. Người Thái ở Vân Nam chủ yếu cư trú tập trung ở khu vực biên giới phía tây và phía Nam tỉnh Vân Nam tiếp giáp với Miến Điện, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Ở khu vực này trước đây từng được gọi là khu vực giáp biên Tư Phổ và Đằng Long, hiện nay được quy hoạch thành châu tự trị Xi shuang ban na của dân tộc Thái, châu tự trị Đức Hồng của dân tộc Cảnh Ba, Thái, huyện tự trị Mãnh Liên của các dân tộc Thái, La Hủ và Ngõa, huyện tự trị Cảnh Mã của các dân tộc Thái và Ngõa. Ngoài ra, họ còn phân bố rải rác ở hơn 30 huyện như Cảnh Đông, Cảnh Cốc, Tân Bình, Nguyên Giang, Phổ Nhĩ, Tư Mao, Đằng Xung, Long Lăng, Nguyên Dương, Lan Thương, Giang Thành, Thương Nguyên, Hà Khẩu, Tây Minh….

“Tai” là tên tự gọi, đọc là “Dăi”(傣), các học giả phương tây ghi là Tai hoặc Thai, cũng được gọi là Shan. Một vài học giả cho rằng ý nghĩa của từ “Tai” là tự do, cao quý; cũng có một số người lại cho rằng ý nghĩa của từ “Tai” là cái cày, ẩn dụ chỉ người cày ruộng. Tuy nhiên bản thân người Thái lại không có sự giải thích rõ ràng nào. Tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, người Thái ở khu vực Xishuangbanna tự xưng là “Dăi Lè” (傣泐), người Thái ở Đức Hồng tự xưng là “Dăi Nà”(傣那), người Thái ở khu vực Thụy Lệ và Cảnh Mã tự xưng là “Dăi Péng”(傣倗), người Thái ở khu vực Kim Bình tự xưng là “Dăi Yă”(傣雅).

Các dân tộc cư trú ở khu vực người Thái đều có tín ngưỡng tôn giáo của riêng mình, tức là tín ngưỡng nguyên thủy. Ngoài ra, họ còn tin theo một số tôn giáo có nguồn gốc bên ngoài khác như Phật giáo, Đạo giáo, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo…, đặc biệt là Phật giáo tiểu thừa, từ đó hình thành một nền văn hóa tôn giáo đa dạng phong phú nhiều tầng lớp.

Căn cứ vào đặc điểm địa lý của khu vực phân bố và đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo, học giả Triệu Thế Lâm, Ngũ Quỳnh Hoa[1] đã chia tôn giáo của người Thái ở Vân Nam thành 4 khu vực sau: khu vực Xishuangbanna, khu vực Đức Hồng (bao gồm Cảnh Mã và Mạnh Định), khu vực ven sông Hồng và khu vực cư trú không tập trung ven sông Kim Sa. Ngoài ra, các tác giả chỉ tập trung khái quát hai loại hình tín ngưỡng tôn giáo chủ yếu, có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở khu vực người Thái Vân Nam là tín ngưỡng nguyên thủy và Phật giáo tiểu thừa. 

  1. Khu vực Xishuangbanna 1.1.Phật giáo tiểu thừa

Tức giáo phái Nam truyền thượng tọa bộ Phật giáo, là tôn giáo toàn dân của dân tộc Thái và Bố Lang ở Xishuangbanna. Tuy nhiên thời gian và con đường Phật giáo tiểu thừa truyền vào Xishuangbanna vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Phật giáo ở Xi shuang ban na chia thành hai chi phái chính là phái Bài Bá(tức Sơn Lâm phái) và phái Bài Tôn (tức Viên Phố phái). Phái Bài Bá giới luật nghiêm ngặt, quy định phải ăn chay, nghiêm cấm sát sinh và tiếp xúc với phái nữ, ngoài ra, không có việc gì thì không được vào trong bản, chùa thờ phật cũng thường xây dựng ở trong núi cách xa thôn bản, tương truyền đây là giáo phái được truyền vào Xi shuang ban na khá sớm. Bởi vì không phải là tín ngưỡng của quần chúng, không có chỗ dựa nên chùa của giáo phái này chỉ có thể xây dựng ở trên núi cao cách biệt với dân cư. Cũng vì thế mà ngày nay người Thái ở khu vực Mãnh Hải, nơi phái Bài Bá ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vẫn gọi tăng lữ phái Bài Bá là “hòa thượng trong núi” hay “hòa thượng ở nơi hoang dã”. Giới luật của phái Bài Tôn bớt nghiêm ngặt hơn. Mặc dù có cấm sát sinh nhưng tăng lữ vẫn có thể ăn mặn. Chùa thờ Phật của phái này tuy rằng vẫn phải xây dựng cách thôn bản một quãng ngắn, để tiện cho việc tĩnh tâm tu hành, nhưng cũng không nhất thiết phải ở trong núi sâu, cách biệt hoàn toàn giống như phái Bài Bá.

Trong hệ thống tổ chức nghiêm mật của Phật giáo tiểu thừa, chùa thờ Phật và tăng lữ đều phân chia đẳng cấp nghiêm ngặt. Về cơ bản mỗi một bản Thái đều có một ngôi chùa thờ phật, và những chùa quy mô lớn hơn đều được xây dựng ở những bản lâu đời trong khu vực. Đẳng cấp của chùa về cơ bản tương ứng với đơn vị hành chính cấp Lộng(陇) hoặc Phiên(播). Mỗi khu vực quản lý cấp Lộng(陇) lại có một ngôi chùa trung tâm và một chấp giáo đường trung tâm(là nơi giữ gìn và giám sát thực hiện giáo luật), do Hộ Ba(祜巴) chủ trì phật sự, phục tùng mệnh lệnh của Oa Nguyên Mãnh(tức Đại Phật tự), quản lý các chùa thờ Phật nhỏ hơn trong khu vực Lộng(陇). Sư thầy của các chùa nhỏ vào ngày 15 và 30 hàng tháng đều phải tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới đến tập trung ở chùa trung tâm báo cáo lại tình hình của chùa mình chủ trì và đến Giới luật đường nghe Hộ Ba của chùa trung tâm giảng kinh xám hối. Chỉ có các trụ trì cấp “Đô”(都) trở lên mới được đi vào Giới luật đường, các nghi thức phổ thăng của tăng lữ các chùa cũng được tổ chức ở đây. Hàng năm vào ngày 15/5 theo lịch Thái, các sư thầy tu hành ở các chùa trong khu vực đều tập trung ở Giới luật đường, cùng nhau tính toán ngày tết và thời gian của các lễ đóng cửa và mở cửa theo lịch Thái. Ngoài ra, chủ trì của chùa trung tâm cũng phải định kì đến báo cáo tình hình và giảng về những điều tâm đắc trong kinh Phật với Oa Nguyên Mãnh. Tất cả sư thầy ở các chùa trong khu vực đều phải phục tùng vị tuyên úy sử “Tùng Lưu Bạc Chân Triệu”, được coi là Phật tổ chí tôn này. Từ đó, có thể thấy mối liên hệ mật thiết về mặt chính trị giữa thổ ti người Thái và Phật giáo.

Ngoài ra, căn cứ vào thời gian vào chùa tu tập, lượng kiến thức về kinh Phật và đẳng cấp trong xã hội thế tục, tầng lớp tăng lữ được chia thành 7 cấp. Nam giới muốn vào chùa tu tập đều không bị hạn chế độ tuổi, tuy nhiên trước tiên họ phải làm hòa thượng dự bị “Khoa vĩnh” (科永), sau khi thuần thục những giáo nghĩa cơ bản mới có thể làm hòa thượng chính thức: cấp 1 là Bạc(); cấp 2 là Đô(都)(trong đó chia thành Đại Phật gia Đô Nguyên (都鼋) và nhị phật gia Đô(都); cấp 3 là Hộ Ba(祜巴); cấp 4 là Tang Di(桑弥); cấp 5 là Tang Ca La Trát(桑卡拉扎); cấp 6 Tùng Lưu(松溜), thường là chức danh chuyên dùng cho Thiệu Phiến Lĩnh(召片领) sau khi hoàn tục, Tùng Lưu Bạc Binh); cấp 7 là A Nguyên Ni(啊鼋尼), đây là đẳng cấp cao nhất trong Phật giáo tiểu thừa, chỉ có người tinh thông kinh Phật, có họ hàng trực hệ với Thiệu Phiến Lĩnh đức cao vọng trọng mới có thể đảm nhiệm. Bất luận là người ở đẳng cấp nào, đạt được đẳng cấp Hỗ Ba trở nên đều không thể hoàn tục, hơn thế tăng lữ từ cấp 4 trở lên đều phải do Tuyên ủy sứ của Thiệu Phiến Lĩnh lựa chọn, người được chọn nếu không muốn làm cũng phải nhận được sự đồng ý của Tuyên ủy sứ, những người vi phạm sẽ bị Tuyên ủy sứ trực tiếp trừng phạt.

Trong hệ thống tổ chức của mỗi ngôi chùa còn có một nhân vật đặc biệt được gọi là Ba Chương(波章), chức vụ này thường do một người từng vào chùa tu tập nay đã hoàn tục, vợ còn khỏe mạnh và nhận được sự tiến cử của đông đảo quần chúng đảm nhiệm. Ba Chương phụ trách quản lý thu nhập chi tiêu trong chùa, các hoạt động thờ cúng Phật tổ, chỉ huy các sư thầy đọc kinh, những câu đầu tiên trong kinh văn được niệm đều phải do Ba Chương bắt đầu, vậy nên nếu Ba Chương vắng mặt, các sư thầy cũng không thể thực hiện được hoạt động tụng niệm kinh Phật. Ba Chương còn phụ trách liên lạc, trao đổi ý kiến giữa chùa và dân bản. Học giả Hoàng Huệ Côn cho rằng chế độ “Ba Chương” này chính là một trong những hình thức kết hợp giữa chính trị và tôn giáo đã được cụ thể hóa.

1.2.Tín ngưỡng nguyên thủy

Cho đến nay rất nhiều phong tục tập quán của người Thái ở khu vực Xi shuang ban na còn bảo lưu các đặc điểm của tôn giáo nguyên thủy, thậm chí tôn giáo nguyên thủy còn lẫn vào trong tín ngưỡng Phật giáo, trở thành một đặt điểm nổi bật của tôn giáo này ở khu vực người Thái. Ngoài những hoạt động tế phật và 赕佛 ra, người Thái ở Xishuangbanna còn tiến hành những hoạt động tập thể cúng tế thần bản Đu Ngõa La Man(丢瓦拉曼), thần mường Đu ngõa la mãnh(丢瓦拉勐). Lễ cúng thần bản do Thiệu Sắc(召色), tức thầy cúng cấp 1 của bản và Nãi man(乃曼), tức người đứng đầu bản, chủ trì. Lễ cúng thần mường do Nghị sự đình tổ chức, Ba mạc mãnh(波莫勐), tức thầy cúng cấp 1 của mường chủ tế và thổ ti chủ trì. Người Thái tin rằng vạn vật hữu linh, một năm 4 mùa đều phải phân kỳ cúng tế các vị quỷ thần tồn tại khắp nơi và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sản xuất của con người. Ngoài ra, các hành vi ma thuật như gọi hồn, bói toán, phù chú, trừ quỷ cũng hết sức phổ biến. Những người hành nghề tôn giáo này có nhiều loại như Ba chương(波章), ba ma(波摩), mị ma(咪摩), lỗ ma (鲁摩), mị đích nam(咪的喃), ba đích nam(波的喃), thiết cách (铁隔), cổn hại hãn(滚害捍)… Các nhạc khí được dùng khi thực hiện vu thuật có thẻ tre, thẻ đồng, tóc, nắm cơm, trứng gà và các lời niệm chú….Những người hành nghề tôn giáo sẽ thông qua những nhạc khí này để cầu khấn cho tín đồ đạt được mục đích, hoặc thể hiện niềm tín ngưỡng của mình.

  1. Khu vực Đức Hồng(bao gồm Cảnh Mã và Mạnh Định)

2.1.Phật giáo tiểu thừa

Các chi phái của Phật giáo tiểu thừa ở khu vực Đức Hồng hết sức phong phú, như các phái Bài Trang(摆庄), Cảnh Nhuận(耿润), Đa Liệt(多列), Tả Đễ(左抵), Tịch Lạc(夕勒), Đa Lạc(多勒)…. Các đặc điểm về kinh viện, giáo nghĩa của các chi phái này về cơ bản tương đồng nhưng giới luật lại có nhiều khác biệt. Chính vì thế những tín đồ của chi phái có giới luật nghiêm ngặt thường coi thường tín đồ của các chi phái giới luật không nghiêm, thậm chí đôi khi nghiêm trọng đến mức các tín đồ của các chi phái khác nhau không được kết hôn. Do nhiều nguyên nhân, tiêu chuẩn về đẳng cấp các chùa ở khu vực không được rõ ràng, chỉ có những ngôi chùa nhận được sự bảo trợ của quan Thất tư(七司) thì mới có ảnh hưởng và danh vọng trong xã hội. Ví dụ như số tín đồ theo chi phái Đa Liệt ở Thụy Lệ chiếm hơn 60% dân số, vì chi phái này có sự bảo trợ của quan lại, nên thế lực rất lớn. Dù vậy, tiêu chuẩn đẳng cấp tăng lữ ở khu vực này vẫn dựa vào thời gian vào chùa và những kiến thức về kinh phật để phân chia. Cấp bậc tăng lữ chính thức của các giáo phái Đa Liệt, Tả Để và Bài Trang có 4 cấp: cấp 1 Thiệu Thượng(召尚); cấp 2 Thiệu môn( còn gọi là Môn thiệu), những người đủ 20 tuổi đều có thể được thăng cấp Thiệu môn; cấp 3 Thiệu Kỷ(召几) hoặc Băng kỷ(崩几); cấp 4 trưởng lão, là người đã từng nhiều năm đảm nhiệm chức Thiệu kỷ và có số năm tu tập lâu nhất trong các sư thầy. Các phái có nhiều cách xưng hô với bậc trưởng lão, như phái Tả Đễ và Đa Liệt gọi là Tát la đà(糤拉驮), phái Bài Trang gọi là Quá thiết (过铁). Phái Cảnh Nhuận chia tăng lữ làm 8 cấp: cấp 1 Thiệu thượng(召尚); cấp 2 Thiệu môn (召门); cấp 3 Thiệu sảnh(召厅); cấp 4 Sa di(沙弥); cấp 5 Thiệu tang(召桑) tức Tang ca la trát (桑卡拉扎); cấp 6 Thiểu hổ mã(召虎马); cấp 7 Tùng lưu(松溜); cấp 8 A nguyên ni (阿鼋尼). Trước kia, ở trong khu vực cai quản của thổ ti còn có một vị “Ngự phong Phật gia”, là người có địa vị cao nhất trong giáo giới. Trong tổ chức Phật giáo cũng tồn tại Bố trang, là một nhân vật gần giống như Ba chương. 

2.2.Tín ngưỡng nguyên thủy

Trong cuộc sống hàng ngày, các hoạt động thờ cúng thần bản, thần mường, tổ tiên, mặt trời, mặt trăng…của người Thái Đức Hồng không hề ít hơn các hoạt động thờ  cúng trong Phật giáo tiểu thừa. Trong tín ngưỡng của họ có hai loại ma nhà và ma bên ngoài, đều có liên quan mật thiết đến cuộc sống và sản xuất. Từ đó có thể thấy được mức rộng lớn của phạm vi thờ cúng.

  1. Khu vực ven sông Hồng

Người Thái ở khu vực Tân Bình, Nguyên Giang, Kim Bình chia thành nhiều chi hệ khác nhau, nhưng họ đều vô cùng coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và thờ cúng鼋(con ba ba), và đây đều là những hoạt động cúng tế quan trọng nhất trong cộng đồng. Lế tế Yuan của Người Thái ở khu vực Nguyên Giang và Tân Bình do trưởng thôn Đặng sắc(邓色) còn gọi là Thiệu Vọng, Thiệu Man(召望, 召曼) chủ trì. Lễ tế rồng của người Thái khu vực Kinh Bình do Ma Công(魔公) chủ trì, đều là hoạt động tập thể của cả bản. Ngoài ra, những hoạt động cúng tế mang tính nông nghiệp cũng có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống của người dân.

  1. Khu vực cư trú không tập trung ven sông Kim Sa

Giống như người Thái ở các khu vực khác, người Thái ở khu vực này cũng tin vạn vật hữu linh, núi, cây cối, lửa, nước, rồng, mặt trăng và những cô hồn phiêu dạt bên ngoài hay các vị tổ tiên được thờ cúng trong gia đình cũng đều là những đối tượng được cá nhân hoặc là những người hành nghề tôn giáo như Ma mị ma(吗咪摩), Bối ma(贝摩) chủ trì các hoạt động cúng tế. Ngoài ra còn có các hoạt động vu thuật như bói toán, cầu thần…

Trong lịch sử phát triển lâu dài của mình người Thái luôn tìm kiếm câu trả lời cho các hiện tượng tự nhiên, xã hội và sự tồn tại của chính bản thân mình, trải qua nhiều thế hệ tích lũy, họ đã tạo thành một sản vật tinh thần vô giá, đồng thời không ngừng sáng tạo, gia công, mài giũa thành tinh hoa của nền văn hóa nguyên thủy như tín ngưỡng thờ tự nhiên, tín ngưỡng thờ tô tem, tín ngưỡng thờ sinh thực khí, tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng thờ sơn thần và tín ngưỡng thờ thần bản mường. Dường như tất cả các hoạt động thường ngày của họ như săn bắt, trồng trọt, cúng tế, hiếu hỉ, sinh lão bệnh tử đều có liên quan mật thiết với tôn giáo nguyên thủy. Trước khi Phật giáo truyền vào và ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội người Thái, thì trước khi làm bất cứ việc gì họ đều phải chọn ngày tốt, tổ chức cúng tế cầu xin thần linh phù hộ bình an và thuận lợi. Các bản của người Thái đều có thần cây, thần núi, thần bản, thậm chí cho đến tận ngày nay vẫn còn dấu vết của tín ngưỡng sùng bái quỷ thần và trong cuộc sống vẫn lưu lại vô số những điều cấm kị. Ví dụ như ở Xishuangbanna, khi xây dựng nhà mới, chủ nhà chọn được 5 cây to làm Cột gia thần xong, cần phải mang đèn nến, cau và rượu đến cúng tế những cây đã được chọn, cầu xin thần cây đồng ý làm 5 cột chính trong kiến trúc nhà, sau đó chủ nhà sẽ chặt nhát dao đầu tiên vào thân cây, rồi mới đến những người khác. 

Tín ngưỡng nguyên thủy dường như cũng lâu đời như hoạt động tư duy của con người. Khi hoạt động tư duy của loài người bắt đầu cũng là lúc loài người bắt đầu kính sợ và học cách thích ứng với tự nhiên, nhờ đó tín ngưỡng sùng bái tự nhiên được hình thành. Tổ tiên của người Thái trên cơ sở tín ngưỡng sùng bái tự nhiên phát triển thêm một bước thành tín ngưỡng sùng bái tô tem, và sau đó là tín ngưỡng sùng bái tổ tiên. Các hình thái tín ngưỡng nguyên thủy này trải qua hàng ngàn năm sàng lọc của lịch sử tồn tại đến tận thời cận hiện đại. Có thể nói, tín ngưỡng nguyên thủy là ngọn nguồn tư duy của một dân tộc, cũng là nguồn gốc của nền văn hóa dân tộc đó. Quan niệm về linh hồn và thần linh của người nguyên thủy là sự vượt trội đầu tiên của tự thân con người so với thế giới tự nhiên,đánh dấu bước khởi đầu của quá trình loài người thích ứng và chinh phục thiên nhiên. Cũng chính quan niệm về linh hồn và thần linh đã sản sinh ra niềm tin về các lực lượng siêu nhiên của người nguyên thủy, từ đó ra đời các hình thái văn học như văn tế, thần thoại, sử thi…cũng như bắt đầu sự manh nha của các ngành khoa học như thiên văn, lịch pháp và khởi nguồn cho những tư duy trừu tượng về mối quan hệ giữa con người và thần linh, giữa con người và tự nhiên….Tôn giáo nguyên thủy lưu giữ dấu vết của mình ở tất cả các lĩnh vực văn hóa của dân tộc Thái, thậm chí để lại dấu ấn của mình ở cả nền Phật giáo ở khu vực người Thái.

Phật giáo tiểu thừa còn gọi là Nam truyền thượng tọa bộ, là một giáo phái mang nhiều đặc điểm của Phật giáo thời kỳ đầu. Phật giáo tiểu thừa truyền vào khu vực của người Thái vào khoảng giữa thế kỷ 6-8 sau công nguyên. Trước đó tín ngưỡng thờ đa thần(tức tôn giáo nguyên thủy) hết sức thịnh hành ở khu vực này, nhưng sau đó, Phật giáo tiểu thừa đã dần thay thế và trở thành tôn giáo toàn dân tộc Thái khu vực Vân Nam Trung Quốc. Sức ảnh hưởng của Phật giáo tiểu thừa vượt xa hơn nhiều so với tôn giáo nguyên thủy. Sau khi truyền vào khu vực người Thái vào khoảng đời Đường, đầu tiên Phật giáo tiểu thừa ảnh hưởng sâu sắc đến giai cấp thống trị, sau đó từng bước ảnh hưởng đến toàn xã hội của người Thái. Khi đó Phật giáo được giai cấp lãnh chủ mới ra đời coi như một loại vũ khí tinh thần, nhằm thúc đẩy sự thành lập của chính quyền phong kiến các nơi, cũng như phát huy ảnh hưởng to lớn tới các hoạt động xã hội cũng như ý thức của con người.

Quá trình Phật giáo hóa người Thái và Thái hóa Phật giáo diễn ra song song. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, diện mạo văn hóa của người Thái có sự thay đổi một cách toàn diện, có thể nói là người Thái đã được Phật giáo hóa, ngược lại, để thích nghi với môi trường sống đặc trưng và các hoạt động xã hội của người Thái, đặc biệt là trải qua quá trình tiếp xúc với tôn giáo nguyên thủy ở khu vực người Thái, Phật giáo cũng từng bước bản địa hóa, mang theo rất nhiều đặc điểm của văn hóa và tôn giáo bản địa, có thể nói Phật giáo đã bị Thái hóa. Sự tồn tại song song của Phật giáo và tôn giáo nguyên thủy trong thời gian dài, đã hình thành đặc điểm tín ngưỡng nhị nguyên của người Thái. Nếu Phật giáo ảnh hưởng một cách rộng rãi cả về vật chất và tinh thần đến văn hóa Thái, thì ngược lại, tôn giáo nguyên thủy lại có ảnh hưởng sâu sắc, nhiều tầng thứ đến văn hóa Thái.

 

Tài liệu tham khảo

  1. 江应樑《傣族史》四川民族出版社 1984(P548-549)
  2. 张公瑾、王锋著《傣族宗教与文化》中央民族大学出版社 2002年9月
  3. 张公瑾<傣族文化>吉林教育出版社1986年, tr 130
  4. 赵世林、伍琼华著《傣族文化志》云南民族出版社 1997年6月(P391-395)
  5. 吴之清著<贝叶上的傣族文明-云南西双版纳南转上座部佛教社会研究>北京:人民出版社,2008.11, Trang 22; 27-28

Trần Hạnh Nguyên