Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa ngày nay có một tầm quan trọng đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sơn La là tỉnh miền núi thuộc vùng văn hóa Tây Bắc (theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng Việt Nam có 6 vùng văn hóa), là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em như: Thái, H'Mông, Tày, Xinh Mun...sống dải rác từ vùng thấp, vùng trung và vùng cao. Mỗi tộc người đều mang trong mình nét văn hóa riêng thể hiện bản sắc, tính đa dạng, phong phú trong văn hóa. Văn hóa tộc người thể hiện ở mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội từ lễ hội, tập quán tín ngưỡng tới văn hóa ẩm thực đặc biệt là nghề thủ công

Nghề thủ công (được làm từ bàn tay con người không có sự can thiệp của thiết bị máy móc) ở Sơn La mang tính tự cung tự cấp, địa phương, tại chỗ. Sự tỉ mỉ, kiên nhẫn đã tạo ra những sản phẩm được cộng đồng đón nhận như: dệt, rèn, thêu (dân tộc Mông); vẽ hoa văn lên trang phục bằng sáp ong, vẽ tranh thờ (dân tộc Dao); dệt, gốm (dân tộc Thái)... Ngoài rất nhiều các nghề thủ công mang dấu ấn tộc người, tập quán sử dụng, trong đó công cụ tạo lên sản phẩm nghề thủ công cũng góp phần quan trọng vào việc hình thành và quyết định sản phẩm, cụ thể nghề làm Hạy khẩu của người Thái.

     Trong quá trình hội nhập, trước sự tác động của cơ chế thị trường, mở rộng giao lưu văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống thậm chí là cổ truyền của nhiều tộc người nói chung và của người Thái nói riêng đang có nguy cơ mai một, chuyển sang hướng sử dụng sản phẩm hiện đại, tiện ích hơn. Người Thái ăn cơm nếp vì thế hạy khẩu đối với họ rất quan trọng trong văn hóa ẩm thực hàng ngày, theo quan niệm không có Hạy khẩu là không có ma nhà, mỗi dịp chuyển nhà hoặc về nhà mới thứ đầu tiên chuyển vào là bộ đồ nấu xôi, bộ đồ xôi của người Thái gồm có ninh (ninh thường làm bằng đồng, gang, nhôm, có hai quai chứa nước bên trong và tiếp xúc trực tiếp với lửa)và hạy khẩu.

     Nghề làm Hạy khẩu của người Thái ở Nà Viền, Chiềng Kheo, Mai Sơn là một hình thức sáng tạo văn hóa đặc biệt, mang đầy tính truyền thống. Hạy khẩu gắn liền với văn hóa ẩm thực của người Thái, chỉ trong những dịp nông nhàn, khi ruộng đã hết lúa họ mới khai thác, lựa chọn các cây gỗ mà gia đình để dành trên nương, ngọn núi để tạo ra nhưng sản phẩm mang đậm dấu ấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt của gia đình và của địa phương, đồng thời lấy lại cân bằng trong kinh tế cũng như cải thiện việc làm.

   1. Quy trình tạo hình sản phẩm                                  

     1.1. Nguồn nguyên liệu

     Nguyên liệu làm Hạy khẩu ở Nà Viền - Chiềng Kheo chủ yếu là cây gỗ mọc tự nhiên có tên địa phương (tiếng Thái) gọi là cây gỗ mạy sọ cũng có nơi gọi là cây sôcô, cây hoa bạc hoặc dùng gỗ gạo làm chõ xôi nhưng chủ yếu vẫn là gỗ mạy sọ để tạo nên sản phẩm.

     Cây gỗ mạy sọ lớn nhanh, thân thẳng, tròn, ít mối mọt, lá to, lớp vỏ bên ngoài sần sùi nhìn giống vỏ cây xoài, có vệt nám trắng, nứt thành từng kẽ, có màu xám nhạt, xanh đen, vỏ được tạo thành một thể thống nhất ôm bên ngoài phần gỗ, bên trong phần gỗ có màu trắng, cây sống trên đồi dốc trong rừng hoặc núi cao, gần đây cây mọc xen kẽ với rừng thông, rìa nương rẫy cùng cỏ dại, cây bụi, cây không thuộc loại gỗ "tốt", "quý hiếm" nhưng lại ít gặp vì lượng cây không nhiều, cây to có chiều dài từ 5 - 6m cây già lên đến 25 - 30m. Cây có ưu điểm chắc, mềm dễ gia công, ít mắt, làm khi gỗ còn tươi bởi gỗ tươi có một lượng nước nhất định dễ dàng cho việc gia công. Theo kinh nghiệm của người Thái thì gỗ mạy sọ không độc, không mùi đồ xôi ngon, thơm hơn so với gỗ gạo. Khi khô khó làm bởi độ quánh của gỗ gây dễ nứt, dai hoặc vỡ. tuổi gỗ từ 7 đến 10 năm thì khai thác để làm hạy khẩu.      

     Gỗ được khai thác trên mỗi mảnh nương cà phê, ngô, rừng thông, hay được đánh dấu "nhận" khi cây còn nhỏ ở rừng của gia đình, khi hiếm nguyên liệu cũng được mua lại từ các hộ dân lân cận hoặc của người H'Mông và được chuyển về (chặt nhỏ từng khúc phù hợp với chiều dài của sản phẩm) bằng sức kéo của xe gắn máy, gia súc, khuân, vác vận chuyển về.

     Khai thác gỗ, đem về sản xuất ngay hoặc bảo quản nơi kín gió, ẩm ướt (tránh để gỗ khô hanh) để dùng dần. Trước khi tạo hình sản phẩm, gỗ được gia công thành từng đoạn, khúc, loại bỏ mắt, chỗ sù sì bên ngoài của khúc gỗ với con dao dựa (mịt) bằng cách chặt, đẽo, gọt cho tới khi gỗ bằng hai đầu. Sau đó người thợ sử dụng đôi bàn tay khéo léo và những công cụ lao động thô sơ thường ngày để tạo ra những sản phẩm đủ kích cỡ.

     1.2. Bộ dụng cụ tạo hình sản phẩm

     - Dao dựa (tiếng Thái gọi là "mịt"), là loại dao 1 lưỡi rất sắc được làm từ nhíp ôtô hoặc sắt đặc, chiều dài dao 35cm, chuôi dao 20cm, dao dùng để gọt, đẽo, vót, chặt khi tạo hình sản phẩm

     - Đục 2 (ma síu): Gọi là đục 2 bởi lưỡi đục có kích thước rộng 2 cm, đục dài 30 cm, thân đục dài 20cm và phần chuôi 10cm. Đục dùng để tạo rãnh trong của sản phẩm, khoét phần lõi từ đầu này thông sang phần kia, đục được rèn tại địa phương từ thanh sắt phi 6 (dùng trong xây dựng) hoặc mua từ các cửa hàng sắt, cơ khí trong vùng.

     - Đục móng (ma long):Lưỡi đục có hình khuyết dạng móng tay, đục dài 45cm, phần thân đục 35cm, chuôi đục 10cm. Loại đục này dùng chỉnh sửa mặt trong sản phẩm khi đục 2 khét xong phần thô, nhằm tạo mặt phẳng trong không gồ ghề xuyên suốt từ đầu cho tới phần cuối sản phẩm.

     - Dùi đục (mạy cọn): Có chiều dài 35cm phần tay cầm và phần đầu (trực tiếp tác động với chuôi đục) phần tay nắm nhỏ hơn so với phần đầu (phần gõ), đầu và phần tay cầm của dùi đục phù hợp với tay nắm của người thợ, dùi đục được làm bằng loại gỗ chắc, cứng nhằm hạn chế bào mòn bởi tác động lên phần chuôi đục liên tục trong quá trình tạo ra sản phẩm.

     1.3. Kỹ thuật tạo hình hạy khẩu

     Nguyên liệu chuẩn bị xong xuôi người thợ tiến hành tạo hình sản phẩm. Việc tạo hình được tiến hành ngay dưới sàn nhà hoặc trên lán nương của gia đình với bộ công cụ. Bộ công cụ tạo hình sản phẩm của người thợ làm hạy khẩu ở Nà viền với những dụng cụ chuyên dụng có chức năng riêng nhưng khá đơn giản và thô sơ. Do tự chế, sản xuất tại chỗ lên ít nhiều công cụ sản xuất vẫn còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao. Mỗi khúc gỗ mạy sọ dùng làm chõ xôi có đường kính dao động từ 20 - 30cm, chiều cao khoảng 30 - 38 cm tùy theo nhu cầu sử dụng hoặc số lượng thành viên trong mỗi gia đình.

     Khâu đầu tiên trong việc tạo hình là loại bỏ phần vỏ gỗ, sau đó dùng dao dựa đẽo khúc gỗ thành nhiều cạnh dạng hình bát giác nhằm mục đích khi tạo hình sản phẩm không bị xê dịch bởi các cạnh.

     Đặt khúc gỗ theo chiều thẳng đứng, người thợ dùng đục 2 và dùng sức tác động lên phần chuôi của đục, đục từng góc trên mặt sản phẩm cứ thế cho tới khi nào thủng hai đầu từ đầu trên xuống đầu dưới. Khi đục thủng hai đầu tiếp theo người thợ dùng đục móng chỉnh sửa lại cho thật nhẵn, tròn bên trong sản phẩm một cách tỉ mỉ, cẩn thận chăm chút.

     Dùng dao dựa gọt xung quanh bề mặt bên ngoài sản phẩm cho nhẵn, dùng hai tay cầm hai đầu (phần chuôi và phần đầu dao) của con dao dựa và cứ thế vừa tuốt (giống như bào gỗ của người thợ mộc) vừa chỉnh lại cho thật ưng ý, đảm bảo độ dày thành hạy khẩu là 2,5 - 3cm, đầu trên to hơn và thon đều xuống phần dưới theo dạng hình trụ (phần đặt vào chiếc ninh khi xôi), bên trong và bên ngoài phải cân đối và đều nhau.

     Khi đục từ trên xuống phía trong sản phẩm, cách phần đáy 5 - 7cm (chiều này không khoét vát theo hình dạng bên ngoài) thì đục bằng, thẳng phần còn lại, giữa hai phần được ngăn cách bởi rãnh được khoét bằng đục móng bao quanh, sâu 0,3cm, đoạn này dùng để hai thanh tre đặt chéo nhau sao cho phù hợp, cân đối giữa 2 thanh tre với phần đáy của sản phẩm được tạo ra, mỗi thanh tre tương ứng với hai lỗ để cắm 2 đầu,  người thợ dùng đục, đục 4 lỗ, mỗi lỗ có chiều sâu 0,5cm, dùng để đặt 4 đầu của 2 thanh tre, hai thanh tre có tác dụng đỡ phần vỉ đan bằng tre, nứa (hưm hay) ngăn không để gạo rơi xuống tạo khoảng cách với phần nước chứa trong ninh mà chỉ tiếp nhận phần hơi nước.

     Mặt ngoài của sản phẩm người thợ dùng dao đẽo (tạo) hai chiếc tai hay còn gọi là phần tay cầm song song với nhau nhằm mục đích thuận lợi hơn cho việc di chuyển, hai chiếc tai cách mặt trên của sản phẩm 8cm có hình khuyết. Cuối cùng là kiểm tra lại sản phẩm xem có lồi lõm, độ dày, mỏng của sản phẩm từ đó người thợ dùng dao dựa chỉnh sửa, tuốt lại 1 lần nữa cho thật đều để hoàn thiện sản phẩm.

     Thời gian để hoàn thành một chiếc hạy khẩu là 2 ngày, giá thành của sản sẩm cũng không quá cao được dao động từ 100.000 đến 150.000VNĐ tùy từng kích cỡ khác nhau, các sản phẩm tại đây được tiêu thụ liên tục chủ yếu là bà con trong vùng, mua trực tiếp hoặc trao đổi gỗ mang đến (mang 2 khúc gỗ đổi lấy 1 sản phẩm), ngoài ra còn có khách thập phương, các vùng lân cận cũng có thời điểm người Lào sang đặt hàng mua về sử dụng hoặc làm sản phẩm trưng bày, khó khăn lớn của nghề hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu gỗ mạy sọ, yếu tố chặt phá rừng ngày càng tăng có ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nguyên liệu làm hạy khẩu.

     2. Tạm kết

     Sơn La là địa phương có truyền thống lịch sử văn hóa đặc biệt. Từ xa xưa người dân đã nổi tiếng với truyền thống anh dũng giữ bản, giữ quê, giữ gìn bản sắc văn hóa. Tự hào về vốn văn hóa, về nghề thủ công, Chiềng Kheo là xã được thiên nhiên ưu đãi có nguyên liệu gỗ mạy sọ dùng để làm hạy khẩu phục vụ nhu cầu văn hóa ẩm thực, góp phần duy trì phong tục tập quán của cộng đồng người Thái trong vùng.

     Nghề làm hạy khẩu ở Chiềng Kheo có từ hàng thập kỷ do nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận. Nghề đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân địa phương. Đem lại thu nhập rất có ý nghĩa và quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bởi hạy khẩu Chiềng Kheo được nhân dân đánh giá cao và rất ưa chuộng không phải vì kỹ thuật mà là nguyên liệu gỗ và giá trị văn hóa, tập quán sử dụng.

     Nghề làm hạy khẩu của người dân ở đây đang có nguy cơ mai một, nhu cầu sử dụng cao, nguồn nguyên liệu đang là vấn đề mấu chốt để duy trì, tồn tại. Chính quyền cần có kế hoạch cụ thể trước mắt và lâu dài nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy những sáng tạo của người dân  với nghề, với văn hóa, đưa không gian văn hóa Thái về đúng vị trí của nó từng có.