Cách đây vừa tròn 60 năm, vào những ngày cuối tháng 1/1962 chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng đoàn công tác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đã tới thăm Khu Tự trị Thái - Mèo. Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Tạo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và một số cán bộ của các bộ, ngành và cơ quan Trung ương.

Tại Sân bay Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Trung Đình - Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Cầm Ngoan - Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, Thiếu tướng Bằng Giang - Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, cùng các đồng chí đại diện Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khu Tự trị Thái - Mèo và châu Điện Biên đã ra sân bay đón chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí trong đoàn công tác. Thủ tướng đã đến đặt vòng hoa viếng mộ các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thăm đồi A1, thăm hợp tác xã Nà Nưa, Nông trường Điện Biên và nói chuyện với cán bộ, bộ đội Điện Biên Phủ.

Trên đường đi Tuần Giáo, Mường Lay, Thủ tướng ghé thăm Công trường 426, thăm hợp tác xã khai hoang của đồng bào huyện Thụy Anh (Thái Bình). Tại Mường Lay, Thủ tướng đã đi thăm cửa hàng mậu dịch, đến xem mô hình sản xuất ép mía, thái sắn bằng sức nước của hợp tác xã Hoa - Việt và nói chuyện với cán bộ, bộ đội, nhân dân châu Mường Lay. Trên đường về Sơn La, Thủ tướng đã nghỉ lại Tuần Giáo, gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ thi đua của châu. Thủ tướng đã tới thăm hợp tác xã khai hoang Bình Thuận của đồng bào tỉnh Thái Bình, nói chuyện với cán bộ, nhân viên châu Thuận và các cơ quan, xí nghiệp của Khu.

Tại Thị xã Sơn La (thành lập tháng 10/1961), trung tâm Khu Tự trị Thái - Mèo, gần 5.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội, công an nhân dân vũ trang và đại biểu nhân dân 18 châu trong Khu Tự trị đã tổ chức mít tinh chào mừng Thủ tướng cùng các đồng chí trong đoàn công tác. Phát biểu tại buổi mít tinh, Thủ tướng đã chuyển đến đồng bào các dân tộc Tây Bắc lời thăm hỏi thân ái của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; căn dặn mọi người tăng cường đoàn kết, làm tốt hơn nữa công tác sản xuất, học tập văn hóa, để góp phần mau chóng xây dựng miền Tây Bắc thành hòn ngọc quý của nước ta. Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ Khu Tự trị Thái - Mèo cần tập trung thực hiện, bao gồm:

“- Phát triển nông nghiệp một cách mạnh mẽ và toàn diện. Đó là nhiệm vụ rất chủ yếu.

- Phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương.

- Đẩy mạnh công tác lâm nghiệp như khai thác bảo vệ và trồng cây gây rừng (cấm phá rừng).

- Phát triển giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng và mậu dịch (đặc biệt là đường sông).

- Đẩy mạnh công tác tư tưởng, giáo dục, văn hóa và y tế.

- Tăng cường công tác giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ biên giới.

- Tích cực đào tạo cán bộ, cải tiến tổ chức biên chế và lề lối làm việc” [5].

Thay mặt Khu ủy Tây Bắc và chính quyền Khu Tự trị Thái - Mèo, đồng chí Cầm Ngoan - Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu phát biểu chào mừng, báo cáo những thành tích của Khu đã đạt được trong những năm qua với Thủ tướng và các thành viên trong đoàn, khẳng định lời hứa quyết tâm:

“- Ra sức củng cố và phát triển phong trào hợp tác xã, nông trường quốc doanh tiến lên mạnh mẽ và vững chắc, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp địa phương và công nghiệp, mở mang đường xá, đồng thời phát triển và xây dựng các mặt về kinh tế và văn hóa khác, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm 1962 thắng lợi vượt mức và toàn diện.

- Tăng cường đoàn kết dân tộc một cách thiết thực hơn nữa, tích cực củng cố cơ sở, giữ gìn trật tự trị an bảo vệ sản xuất, bảo vệ bản mường và bảo vệ biên cương của Tổ quốc, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện từng bước tiến kịp, từng mặt tiến vượt miền xuôi, hòa với miền Bắc tiến đều lên chủ nghĩa xã hội” [3].

Sau buổi mít tinh, Thủ tướng đã đến xem triển lãm tiểu thủ công nghiệp của Khu. Trên đường về Hà Nội, Thủ tướng đã ghé thăm hợp tác xã khai hoang Hoàng Văn Thụ của đồng bào tỉnh Hưng Yên tại châu Mai Sơn. Thủ tướng cũng đã đến xem nơi trồng bông thí nghiệm của Sở Nông nghiệp Khu; thăm khu vực trồng chè, chăn cừu của Nông trường Mộc Châu; thăm một đơn vị bộ đội và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên châu Mộc.

Trong thời gian 5 ngày ở Tây Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí trong đoàn công tác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các châu Điện Biên, Mường Lay, Tuần Giáo, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Thị xã Sơn La. Ở các châu, đoàn công tác đã đến thăm một số hợp tác xã địa phương, hợp tác xã khai hoang, nông trường, công trường, cơ quan, trường học… Đến đâu, đoàn cũng nhận được sự đón tiếp rất nồng nhiệt của cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc. Thủ tướng cùng các đồng chí trong đoàn cũng đã dự bữa cơm thân mật với các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ thi đua ở Điện Biên, Mường Lay, Tuần Giáo và Thị xã Sơn La.

Kết thúc chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư chào mừng và chúc Tết nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo. Trong thư, Thủ tướng bày tỏ: “Qua cuộc đi thăm này, tôi rất vui mừng phấn khởi vì hai lẽ: Thứ nhất, là tôi đã có dịp bày tỏ nhiệt tình thắm thiết và lòng yêu mến của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của đồng bào cả nước đối với đồng bào khu Tây Bắc. Thứ hai, là vì tôi được thấy rõ tình hình Tây Bắc thật đúng như Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận định: Đất đai, rừng núi, sông ngòi khu Tây Bắc có rất nhiều của cải thiên nhiên. Đồng bào Tây Bắc giầu lòng yêu nước, giầu tinh thần cách mạng và có nhiều tài năng xây dựng đời sống mới” [4]. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và hy vọng nếu như biết khai thác và phát huy tốt hơn nữa tiềm năng phong phú của mình thì Khu Tự trị Thái - Mèo “sẽ trở nên một vùng rất giầu và rất đẹp, quý báu như một hòn ngọc của nước Việt Nam ta” [4]. Để làm được điều đó, Thủ tướng căn dặn các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc Khu Tự trị phải thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa và chính sách dân tộc. Trong nông nghiệp, phải ra sức sản xuất nhiều lúa, ngô, khoai, sắn để đủ ăn, có dự trữ và có thêm nhiều lương thực bán cho Nhà nước; tất cả các bản, các xã đều phải chăm lo trồng cây công nghiệp; phải đẩy mạnh việc chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt; phải chăm sóc trâu, bò cho béo tốt và sử dụng trâu, bò nhiều hơn. Đến thăm triển lãm tiểu thủ công nghiệp của Khu và một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, Thủ tướng khẳng định đồng bào Khu Tự trị biết nhiều nghề, làm được nhiều thứ hàng đẹp và tốt như các loại nông cụ, các loại vải, đồ đan, đồ gỗ, đồ sành, v.v… Thủ tướng khuyến khích đồng bào các dân tộc “hãy ra sức phát triển các nghề đó và làm thêm nhiều nghề khác”, đồng thời giao nhiệm vụ: “Khu Tự trị Thái - Mèo phải cố gắng tự cung cấp một phần ngày càng lớn về hàng tiêu dùng và các thứ nông cụ cải tiến” [4]. Về văn hóa, Thủ tướng căn dặn: “Mọi người đều phải chăm học. Ai chưa biết chữ phải cố học để đọc thông viết thạo. Ai đã biết chữ phải cố học để mỗi năm lên được một lớp. Các cán bộ và thanh niên phải gương mẫu trong việc học. Phải gắng sao cho mỗi xã đều có trường cấp 1, mỗi châu đều có trường cấp 2, rồi cấp 3… Tất cả các xã, các bản đều phải giữ đúng vệ sinh và ra sức tiêu diệt bệnh sốt rét” [4]. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những thành tích đạt được của các hợp tác xã khai hoang: “Tôi có đến thăm một số hợp tác xã của đồng bào Thái Bình và Hưng Yên lên khai hoang. Tôi rất vui mừng thấy rằng đồng bào Khu Tự trị Thái - Mèo và đồng bào ở miền xuôi lên đã đoàn kết thân ái với nhau, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà, nhờ vậy mà các hợp tác xã khai hoang đã thu được kết quả tốt bước đầu. Đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc hãy chuẩn bị đón thêm nhiều đoàn anh em bà con ở miền xuôi lên, để cùng nhau sát cánh xây dựng Khu Tự trị Thái - Mèo xã hội chủ nghĩa” [4]. Thủ tướng mong muốn Khu Tự trị Thái - Mèo thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thông qua việc hướng ứng và tổ chức cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi.

Bên cạnh tình cảm vui mừng, phấn khởi trước những thành tích, đổi thay tích cực trên vùng đất Tây Bắc, Thủ tướng cũng bày tỏ những trăn trở, băn khoăn trước thực trạng phá rừng bừa bãi và hệ thống giao thông còn nhiều yếu kém của Khu Tự trị. Thủ tướng nhắn nhủ: “Rừng là của quý của khu Tây Bắc và của cả nước ta. Ở Khu Tây Bắc nhiều rừng bị đốt phá, đồi núi trơ trọi, đó là điều không tốt. Đồng bào phải hết sức giữ gìn rừng. Đẵn gỗ và đốt nương phải theo sự hướng dẫn của cán bộ trông nom về rừng. Vừa đẵn gỗ, vừa phải ra sức trồng cây” [4]. Về giao thông vận tải, Thủ tướng không hài lòng khi thấy những đoạn đường số 6 hiện đang chưa được tốt. Thủ tướng nhắc nhở cán bộ giao thông tránh mọi lãng phí về tiền của, sử dụng hợp lý khả năng của máy móc và nhân lực trên các công trường cầu đường hiện nay. “Không nên để tình trạng xây dựng nhà ở của công trường thì rất tốt đẹp, tốn hàng vạn đồng trong khi đó đường xe thì đá lổm chổm như trên dọc đường Tuần Giáo - Mường Lay” [6].

Một điều cần nhấn mạnh là ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, miền Bắc còn nghèo nàn, lạc hậu, vừa mới bắt tay thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) để bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang diễn ra quyết liệt, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng đã nhận rõ những tiềm năng to lớn của Tây Bắc và một tương lai tươi sáng đang đón chờ Tây Bắc ở phía trước. Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ ra những hình ảnh hết sức cụ thể của miền đất Tây Bắc trong tương lai, đó là: trong văn hóa “Phải tiến đến mở trường Đại học ở khu” [4]; và trong kinh tế “Khối nước sông Đà, gần một nửa khối nước sông Hồng, rồi đây sẽ không còn là nguồn thủy tai để trở nên nguồn thủy lợi và sức điện. Tây Bắc sẽ biến thành một vùng công nghiệp quan trọng của nước ta” [7]. Bốn thập kỷ sau những lời khẳng định đó, vào những năm đầu thế kỷ XXI, Trường Đại học Tây Bắc thành lập theo Quyết định số 39/2001/QĐ-TTG ngày 23/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức được khởi công ngày 02/12/2005 là những công trình hiện thực hóa những nét phác họa về một bức tranh Tây Bắc hiện đại trong tương lai của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sau chuyến thăm Khu Tự trị Thái - Mèo không lâu, trong bài viết “Bài ca Tây Bắc” gửi đăng trên Báo Tây Bắc, số 274, ra ngày 20/2/1962, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: “Tây Bắc, một hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc đang chờ đợi chúng ta, thúc giục chúng ta. Sức lực của đồng bào Tây Bắc, sức lực của nhân dân ta hãy mau chóng khai thác tài nguyên phong phú của Tây Bắc để xây dựng đời sống mới ở Tây Bắc, góp phần xây dựng đời sống mới ở miền Bắc nước ta” [7]. Cùng với đó, Thủ tướng đã gửi tặng hợp tác xã khai hoang Bình Thuận (Thuận Châu) một chiếc ô tô làm phương tiện vận chuyển. Đây là chiếc ô tô mà Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó là kỷ vật vô cùng giá trị, có ý nghĩa động viên to lớn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế miền núi nói riêng, cũng như đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Tây Bắc nói chung.

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn công tác của Trung ương lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo, miền đất Tây Bắc hôm nay đang thay da đổi thịt, từng bước hiện thực hóa những mong muốn và tin tưởng của Thủ tướng về một trong những hòn ngọc của Tổ quốc Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. P.V, “Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến với chúng ta”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  2. Xã luận “Quyết tâm thực hiện những lời huấn thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  3. “Lời phát biểu của ông Cầm Ngoan - Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu trong buổi mít tinh chào mừng phái đoàn Đảng và Chính phủ lên thăm Khu ta”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  4. “Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo sau khi đi thăm Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  5. “Thông báo của Ban Thường vụ Khu ủy Tây Bắc về việc đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lên thăm Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 273, Số đặc biệt tháng 2/1962.
  6. P.V, “Quyết tâm thực hiện lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng biến Tây Bắc thành hòn ngọc của nước ta”, Báo Tây Bắc, số 273, Số đặc biệt tháng 2/1962.
  7. Phạm Văn Đồng, “Bài ca Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 274, ngày 20/2/1962.